Lại nóng chuyện trang phục dân tộc cho đại diện việt nam dự thi nhan sắc quốc tế
Mới, lạ nhưng gây nhiều tranh cãi
Ngay sau khi xuất hiện trên các diễn đàn, mẫu thiết kế váy "Bàn thờ" đã gây tranh cãi dữ dội. Thiết kế lấy ý tưởng từ truyền thống văn hóa thờ cúng của người Việt. Theo đó, những hình ảnh trong nghi lễ thờ cúng đã được tái hiện qua bộ trang phục từ di ảnh, lư hương đến mâm ngũ quả, cơm cúng… Khán giả đã thốt lên kinh ngạc về ý tưởng "có một không hai" này.
Nhiều người cho rằng, sự độc đáo, phá cách của "Bàn thờ" khá rõ ràng nhưng yếu tố văn hóa tâm linh đã bị bỏ qua. Với người Việt, bàn thờ là nơi trang nghiêm và chỉ thực hiện các nghi thức thờ cúng, đưa lên trang phục biểu diễn là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, người dám mặc bộ trang phục "bàn thờ di động" này cũng phải "to gan" lắm.
Trước ý kiến trái chiều từ dư luận, Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi được mở ra nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ chuyên và không chuyên có thể thử sức mình trong việc đưa ra ý tưởng mới dựa vào văn hóa, bản sắc dân tộc, kết hợp hơi thở hiện đại, cách tân để tạo nên một bộ trang phục dân tộc độc đáo. Ý tưởng được cho là sự tư duy, sáng tạo của tác giả và Ban Tổ chức tôn trọng điều đó. Theo quy định, Ban Tổ chức sẽ chọn ra 10 bài dự thi xuất sắc nhất, cùng 5 bài thi do khán giả bình chọn. Nếu được nhiều khán giả bình chọn, "Bàn thờ" có mặt trong top 15 là điều hết sức bình thường.
"Bàn thờ" - mẫu thiết kế đang gây bão trong cuộc thi "Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019". |
Tuy nhiên, điều bất thường là ở chỗ, mặc dù nhận nhiều "gạch đá" từ dư luận nhưng "Bàn thờ" lại nhận được sự bình chọn của rất đông khán giả. Điều này tiếp tục gây nên tranh luận về ý thức, trách nhiệm của khán giả trong việc ấn nút "like", "share" và bình luận trên mạng xã hội. Hành vi "like bừa", "share vô thức" có thể dẫn đến hệ lụy không thể lường trước. Nhiều khán giả cho rằng, nếu "Bàn thờ" được lựa chọn vào vòng trong thì đó thực sự là "cú sốc" lớn của cuộc thi thiết kế trang phục năm nay.
Bên cạnh "Bàn thờ", mẫu thiết kế trang phục "Xe máy" của Đinh Quốc Tuấn cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tác phẩm lấy ý tưởng từ loại phương tiện giao thông phổ biến tại Việt Nam nhưng luôn "gây sốc" với du khách nước ngoài. Ngoài chiếc váy cách điệu từ đầu xe, trang phục còn đi kèm cả mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, ý tưởng tốt nhưng thể hiện lên trang phục chưa tinh tế, có phần cứng nhắc, khiên cưỡng. Nhiều người liên tưởng "Xe máy" với thiết kế bộ đồ "Tuk Tuk" giúp "Hoa hậu Hoàn vũ" Thái Lan đạt giải "Trang phục dân tộc đẹp nhất" tại "Miss Universe" 2016. Nếu so sánh với "Tuk Tuk", "Xe máy" còn kém xa ở độ tinh tế.
Được biết, cuộc thi "Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019" được tổ chức từ đầu tháng 5 và sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 6 tới đây với chủ đề "Tinh hoa Việt Nam", thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Cuộc thi gồm 3 vòng: Lên ý tưởng, trình bày ý tưởng và thực hiện ý tưởng. Sau phần trình bày ý tưởng, Ban Giám khảo sẽ chọn ba mẫu thiết kế xuất sắc nhất bước vào vòng thực hiện ý tưởng. Mẫu thiết kế được đánh giá cao nhất sẽ được lựa chọn cho Á hậu Hoàng Thùy, đại diện Việt Nam tham dự "Hoa hậu Hoàn vũ" 2019.
Lan tỏa được thông điệp về văn hóa Việt với bạn bè quốc tế
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, chất lượng cuộc thi năm nay khá tốt, nhiều thí sinh tham gia dự thi còn rất trẻ với ý tưởng mới lạ, độc đáo. Nhìn chung, các thí sinh đã tập trung khai thác yếu tố văn hóa truyền thống, nét đặc trưng trong đời sống hằng ngày của Việt Nam, lấy đó làm cảm hứng sáng tạo.
Có thể phân chia thành một vài nhóm ý tưởng chủ đạo như sau: thiết kế lấy cảm hứng từ những nét đặc sắc trong đời sống hằng ngày của Việt Nam như "Xe xích lô" (Nguyễn Quốc Việt), "Café phin" (Trần Nguyễn Minh Đức), "Cánh gió" (Phạm Đăng Quang, Trần Huỳnh Đức)…; thiết kế lấy ý tưởng từ danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa của Việt Nam như "Chọi trâu" (Nguyễn Đăng Tùng), "Quốc sắc mẫu nghi" (Nguyễn Văn Toàn), "Ngọc ngà sắc Việt" (Nguyễn Thị Yến Nhi), "Nàng Hill" (Nguyễn Nam Thanh), "Ca trù" (Cao Văn Tường), "Ngọc ngà Đông Dương" (Lương Đức Minh), "Thượng ngàn thánh mẫu" (Đinh Ngọc Bình), "Cửu Long Giang" (Nguyễn Anh Khương)…; lấy cảm hứng từ truyền thuyết, chuyện cổ tích Việt Nam như "Gióng" (Trương Kiều Vi), "Sơn Tinh Thủy Tinh", "Cô Ba cổ tích" (Lương Đức Minh)…
Qua theo dõi cuộc thi, tôi thấy rằng, về phương diện ý tưởng, các thí sinh đã khai thác tốt các yếu tố văn hóa, truyền thống Việt. Tuy nhiên, việc thể hiện ý tưởng đó lên trang phục là câu chuyện không hề đơn giản. Một số tác phẩm có ý tưởng mới lạ, độc đáo nhưng khi phác thảo lên mẫu thiết kế bố cục không hợp lý, thiếu sự tinh tế.
Câu hỏi đặt ra là, một bộ trang phục dân tộc cần những yếu tố gì? Chúng tôi cho rằng, trước tiên, nó phải thể hiện được nét văn hóa, truyền thống Việt Nam. Khi nhìn vào bộ trang phục, khán giả trong và ngoài nước đều phải nhận ra rằng, đó là nét đặc trưng văn hóa Việt. Ngay từ khi tìm chất liệu để xây dựng ý tưởng, nhà thiết kế cần phải lựa chọn những nét văn hóa, truyền thống đặc trưng đã được nhiều người biết đến.
Đồng thời, bộ trang phục đó phải đẹp, tinh tế, gây ấn tượng mạnh với khán giả, thuận tiện cho người biểu diễn. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp và bộ trang phục dân tộc đẹp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ ý tưởng đến thiết kế là khoảng cách khá xa, đòi hỏi tài năng, tâm huyết, vốn sống, sự am hiểu sâu sâu sắc văn hóa dân tộc của nhà thiết kế.
"Sơn Tinh - Thủy Tinh" - một mẫu thiết kế của Lương Đức Minh nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. |
Thực tế cho thấy, trang phục dân tộc là một trong những phần thi hấp dẫn, mang tính giải trí cao nhất của các cuộc thi hoa hậu lớn, trong đó có "Hoa hậu Hoàn vũ". Cuộc thi "Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại "Miss Universe" đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, thu hút khán giả quan tâm đến cuộc thi "Hoa hậu Hoàn vũ", sự ủng hộ với đại diện nhan sắc Việt và lựa chọn được trang phục độc đáo, ấn tượng cho thí sinh khi xuất hiện tại cuộc thi.
Có thể nói, kể từ khi tổ chức cuộc thi, trang phục dân tộc của thí sinh Việt Nam ngày càng độc đáo, ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế. Trang phục "Nàng Mây" (Lệ Hằng trình diễn tại "Hoa hậu Hoàn vũ" 2016), "Hồn Việt" (Nguyễn Thị Loan trình diễn tại "Hoa hậu Hoàn vũ" 2017) và "Bánh mì" (H'Hen Niê trình diễn tại "Hoa hậu hoàn vũ" 2018) được giới chuyên môn và khán giả quốc tế đánh giá cao.
Nói thêm về trang phục "Bánh mì" đã giúp H'Hen Niê tỏa sáng tại "Hoa hậu Hoàn vũ" 2018. Ban đầu, bộ trang phục này cũng gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội vì ý tưởng lạ nhưng "kém sang" khi lấy cảm hứng từ một món ăn đường phố. Mặc dù không được nhiều khán giả trong nước yêu thích nhưng "Bánh mì" lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả quốc tế.
Thú thực, tôi vẫn không có cảm tình với "Bánh mì" và cho rằng, bộ trang phục đó độc, lạ nhưng chưa thực sự tinh tế. Tiêu chí mỗi cuộc thi mỗi khác, "Bánh mì" có thể được đánh giá cao tại "Hoa hậu hoàn vũ" nhưng chưa chắc ghi điểm tại cuộc thi nhan sắc khác. Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng, mỗi bộ trang phục dân tộc là một "sứ giả văn hóa" để quảng bá văn hóa Việt với bạn bè quốc tế nên cần những bộ trang phục tinh tế, mang những nét đặc sắc nhất trong hồn cốt văn hóa truyền thống dân tộc. Có thể, bộ trang phục đó không táo bạo và không lọt top trang phục ấn tượng nhưng nó sẽ lan tỏa được thông điệp về văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.