Nhà văn Xuân Đức:

“Lãi” nhiều từ một chuyến đi buôn

Thứ Tư, 11/06/2008, 14:00
Nhà văn Xuân Đức từng được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tiểu thuyết "Cửa gió", "Người không mang họ", "Tượng đồng đen một chân". Trong đó, tiểu thuyết "Người không mang họ" đoạt giải thưởng Văn học viết về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) của ông được NXB Công an nhân dân tái bản nhiều lần.

Ngoài ra ông còn được biết đến như là một trong những nhà biên kịch tài ba với các vở diễn: "Tổ quốc" (viết chung với Đào Hồng Cẩm), "Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Bản hùng ca linh thiêng"... Ông có 17 năm làm Phó giám đốc, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, tưởng chừng vì vậy mà nghiệp viết... dừng lại. Nhưng không, trong những năm đương nhiệm ấy, Xuân Đức cho ra đời hàng chục tác phẩm: cả tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, thơ, tạp văn... VNCA có cuộc trò chuyện với nhà văn Xuân Đức.

-Thưa nhà văn Xuân Đức, ông là một trong số không nhiều nhà văn Việt Nam theo kịp thời đại Internet với một trang web mang tên mình. Từ khi ra mắt website này, ông có thấy đời sống sáng tác của mình có nhiều thay đổi?

+ Rất nhiều. Thứ nhất là tôi có điều kiện giao lưu với rất nhiều đồng nghiệp, cả những bạn bè cũ, cả những bạn viết mới mà nếu không có mạng có lẽ chẳng bao giờ tôi được trò chuyện với họ. Thứ hai là được đọc nhiều.

Hiện nay tôi là Ủy viên Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn, hàng năm có hai "vụ" đọc. Đọc xét giải thưởng hàng năm và đọc để xét kết nạp hội viên. Ấy là đọc văn trên giấy. Nhưng các sáng tác trên mạng có đặc thù riêng của nó, nhất là sự thể nghiệm văn chương. Biết được tất cả những thứ đó theo tôi mình sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn. Cuối cùng, ngồi trước trang web, nó có sự kích thích sáng tác ghê gớm. Gần như ngày nào cũng phải viết một cái gì đó để post lên mạng.

- Và nó có giúp ông nhận ra mình đang ở vị trí nào trong ngôi nhà văn chương Việt Nam?

+ Tôi cảm thấy mình như là một cầu thủ được ra sân trong đội hình chính thức của trận cầu sôi động. Không phải ngôi sao, nhưng cũng không phải là loại ngồi trên băng ghế dự bị. Nếu tôi đá quá dở thì sẽ có người thay, chuyện đó bình thường. Nhưng nếu tôi bị dính thẻ đỏ thì cả đội sẽ rất phiền toái!

-  Sau khi tốt nghiệp khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du, ông về công tác tại Đoàn kịch Quân đội. Theo lệ thường, nhiều văn nghệ sĩ sẽ tìm cách để chuyển cả gia đình về thủ đô nhưng ông và gia đình vẫn "cố thủ" ở mảnh đất Quảng Trị nghèo và đầy vết thương chiến tranh. Tại sao vậy?

+ Trước hết là vì điều kiện cá nhân. Lúc ấy gánh nặng gia đình tôi lớn lắm. Tôi còn bố đã rất già, bên vợ cũng là mẹ già. Vợ tôi lúc đó một nách bốn con. Việc di chuyển là bất khả thi. Mà tôi có khác vài văn nhân khác, không thể bỏ mặc gia đình để lang bạt kỳ hồ được. Nếu có bài toán đặt ra là phải từ bỏ một trong hai việc, văn chương hoặc gia đình, tôi sẽ chọn gia đình. Tuy nhiên, vẫn có chút lý do nghề nghiệp an ủi tôi. Tôi tự ý thức được là nếu chung thủy với mảnh đất này, sự nghiệp văn chương của tôi chắc chắn vẫn có cơ hội phát triển.

- Nghe nói, ngày ấy để nuôi được vợ con ông đã phải làm rất nhiều nghề cực nhọc?

+ Không phải "rất", cũng chỉ vài ba việc thôi, nhưng rất đặc biệt. Tôi làm ruộng, ruộng khai hoang theo chủ trương "bung ra" thời đó, và làm ruộng do HTX giao cho vợ tôi. Tôi làm văn nghệ nghiệp dư cho nhiều địa phương, đơn vị, đổi lại có khi là tiền, có khi là các thứ mà địa phương hay đơn vị ấy có. Tôi còn đi buôn nữa, mặt hàng chủ yếu là săm lốp xe đạp. Trông thế mà tôi buôn hên ra phết. Lãi nhiều nhưng lỗ... cũng không phải ít. Nhưng cái được nhiều nhất từ các chuyến đi buôn là từ những câu chuyện về một tên cướp trên tuyến đường sắt miền Trung mà tôi có được tiểu thuyết "Người không mang họ".

- Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết, kịch bản sân khấu của ông có nguyên mẫu từ đời thực. Xin ông cho biết phản ứng của họ sau khi biết mình trở thành nhân vật trong tác phẩm của ông và những vui buồn mà ông đã gặp?

+ Tôi cũng không biết họ nghĩ gì vì không ai nói với tôi cả. Tôi đoán họ giận tôi hơn là vui. Tuy nhiên, như tiểu thuyết "Người không mang họ", cho đến giờ vẫn có người coi cuộc đời Trương Sỏi có nguyên mẫu là một tên cướp Toọng, nên vẫn có ý trách tôi sao lại vẽ chân dung tên tướng cướp lại có nhiều... thiện cảm đến vậy?

Chuyện thỉnh thoảng có hoa tươi trên mộ tên Toọng ngoài Nghệ An không biết có phải vì cuốn sách của tôi không, nhưng cũng có tiếng phàn nàn. Cách đây dăm năm, gia đình Toọng đã cất mộ về Đông Hà, lại chuyển lời mời tôi đến dự lễ cải táng. Tôi đoán ý họ là muốn cảm ơn tôi đã kể về cuộc đời con họ một cách đáng thương hơn! Tôi cũng không biết nên vui hay nên buồn nữa.--PageBreak--

- Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tiểu thuyết "Cửa gió", "Người không mang họ", "Tượng đồng đen một chân", nhưng trên văn đàn ông đã im hơi lặng tiếng khá lâu, mãi đến 2005 mới có tiểu thuyết "Bến đò xưa lặng lẽ". Ông có sợ độc giả đã quên mình?

+ Tại sao chị lại cho rằng tôi im hơi lặng tiếng? Gần như năm nào tôi cũng có một kịch bản sân khấu, và hầu như lần Hội diễn Quốc gia nào kịch của tôi cũng có huy chương. Tuy nhiên, có một sự thật là "người ta" đang cố tình quên tôi. Không phải bạn đọc mà là giới được gọi là lý luận phê bình. Thỉnh thoảng tôi có lướt qua vài bài báo họ điểm lại đội ngũ các tác giả chống Mỹ, không hề có tôi; điểm những tác phẩm văn học về đề tài Chiến tranh cách mạng cũng tuyệt nhiên không có tên tôi. Chẳng hiểu vì sao, có thể vì tôi không có thói quen bù khú với họ chăng?

- Theo tôi, có lẽ tại từ khi trở thành "nhà văn quan chức", tác phẩm của ông cũng thưa hơn. Vả lại, quá nhiều hội họp, tiệc tùng đã khiến ông không có thời gian dành cho bạn bè văn chương?

+ Mười bảy năm làm công tác quản lý, quả thật tôi đã mất rất nhiều thời gian vào họp hành, xử lý công việc. Tuy nhiên như đã nói, tôi vẫn cố gắng viết. Ngoài những bài ngắn đăng trên các báo, tạp chí, tôi đã xuất bản một tập thơ và tạp văn, một tiểu thuyết, 8 kịch bản sân khấu, một kịch bản phim truyền hình 10 tập... Như thế còn quá ít chăng?

- Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn 2005 cho tiểu thuyết "Bến đò xưa lặng lẽ" và giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 2007 cho kịch bản "Chuyến tàu tốc hành trong đêm" có là động lực để ông tiếp tục "thi thố" tài năng, để giới lý luận phê bình khỏi quên là có một nhà văn Xuân Đức?

+ Chủ yếu là thấy vui vì như vậy rõ ràng mình không bị lãng quên, hơn nữa cũng có thêm được ít tiền. Còn thú thực cho đến giờ tôi chẳng có động lực hay ham thi thố gì nữa cả. Hiện giờ nếu có viết cũng như nhu cầu tập thể dục buổi sáng, cốt để sống khỏe, sống vui và có ích, chứ không phải để thi đấu giành huy chương trong đại hội thể thao. Đương nhiên, nếu viết mà có được thêm chút tiền càng tốt, tôi không từ chối.

- Cách đây vài năm, kịch bản phim truyền hình "Đối mặt" của ông được trình chiếu trên VTV và bị chê kịch liệt là có quá nhiều… sạn. Nghe nói chính ông xem phim cũng rất thất vọng. Mới đây, kịch bản "Bến đò xưa lặng lẽ" của ông chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã bấm máy, ông có tự tin vào sự thành công của bộ phim này?

+ Tôi viết kịch bản 10 tập phim truyền hình " Đối mặt" lúc đó với ý nghĩa là có một công trình kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh Quảng Trị. Còn lần này là do đạo diễn nài nỉ tôi chuyển thể tiểu thuyết, ông đạo diễn quá nhiệt tình mang cả tiền nhà vào đặt lên bàn tôi. Vừa quý trọng sự nhiệt tình của anh ta (vì có phải ai cũng nhiệt tình với sáng tác của mình đâu), thêm nữa đang làm nhà mà có người mang trăm triệu đặt giữa bàn nên phải viết chứ.  Viết xong, giao nó cho đạo diễn, còn làm gì với kịch bản là việc của họ. Tôi không chờ đợi gì nhiều, không khen mà cũng không chê đâu. Với nền điện ảnh nước nhà hiện nay, nhất là phim truyền hình thì chỉ "kính nhi viễn chi" thôi.

- Về hưu rồi, có điều gì khiến ông nuối tiếc rằng mình vẫn chưa làm được khi còn "đương chức" ?

+ Không. Bao nhiêu món nợ trên đời này làm sao tôi gánh nổi. Mà có ai bắt tôi phải gánh đâu. Tôi cho rằng, mỗi người sinh ra chỉ để đóng góp một chút gì đó cho cuộc sống. Nó cũng như nghĩa cử trên đời, nhiều càng tốt, ít cũng quý, không ai bắt mình phải lo hết mọi ân oán trên cõi đời này. Tôi là thằng lính gác một phiên dài 43 năm. Giờ hết phiên, bàn giao cho người khác để ngủ một giấc thật ngon thôi

Việt Hà (thực hiện)
.
.