Ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh

Kỳ vọng nào cho trật tự của thị trường mỹ thuật Việt?

Thứ Năm, 13/12/2018, 08:41
Tuần qua, sự kiện ra mắt của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh đã thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật cả nước. Nhiều người hy vọng, với sự ra đời của Trung tâm giám định có tính chất như “trọng tài mỹ thuật” này sẽ góp phần khắc chế bớt sự lộn xộn, thật giả khó lường trong thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay.


Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn bởi tính thực thi vai trò hoạt động của Trung tâm này không biết đến đâu nếu như không có những khách hàng thường xuyên gõ cửa...

Sự cần thiết phải có “trọng tài”

Trong khoảng dăm năm trở lại đây, với sự tham gia của nhiều sàn đấu giá mỹ thuật tư nhân và các trang bán tranh online nở rộ trên Internet, thị trường mỹ thuật được xem là chưa bao giờ lộn xộn, bát nháo, “cà pháo lẫn bánh trôi” đến thế.

Những vụ việc quá ầm ĩ như công khai rao bán tranh giả của họa sĩ Đặng Tiến; triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” với những ì xèo của giới hội họa cho rằng “toàn tranh rởm” và sự lên tiếng gay gắt từ phía họa sĩ Thành Chương khi bị xâm hại nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu; tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Bách được người chơi ngoại quốc mua với giá 25.000 USD, sau đó bị phơi bày là “nhái” đến 80% của một họa sĩ Pháp.

Gần đây, inh ỏi nhất là vụ họa sĩ trẻ Nguyễn Đông lên tiếng về việc bức tranh sơn dầu của anh cho 1 người bạn chuyển thể thành tranh lụa làm bài tập đã được đề tên họa sĩ Vũ Giáng Hương và đưa vào một phiên đấu giá của Chọns với mức giá khởi điểm được đưa ra lên tới 3.000 USD...

Buổi ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh với sự tham dự của đại diện các Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh.

Với những biểu hiện bất minh, nhập nhằng liên tiếp được phơi bày, thị trường mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là xấu xí thậm tệ và còn được “bêu” tên cả trên báo  Mỹ - tờ The New York Times, được nhiều trang mạng dẫn lại và chắc hẳn đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Giờ đây, bất cứ một nhà sưu tập có kinh nghiệm khi có ý định tìm hiểu, sưu tập tranh của có nguồn gốc từ Việt Nam đều phải “dè chừng”, phải có cách tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc trưng cầu sự giúp đỡ từ những tổ chức thẩm định, giám định tranh có uy tín, có năng lực và tính pháp lý cao.

Trước nhu cầu cần có đơn vị làm công tác giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh đang trở nên rất bức thiết mà chưa có cá nhân, đơn vị nào đứng ra thực hiện công tác giám định, cho nên Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm đã đề nghị với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh cho Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh (thuộc Cục) để trở thành Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh.

Trung tâm đã chính thức ra mắt ngày 6-12-2018, sau 8 tháng chuẩn bị. Theo chia sẻ của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh &Triển lãm, để chức năng giám định được đi vào hoạt động, Trung tâm đã phải xây dựng rất nhiều văn bản quy chế hoạt động, đi khảo sát và học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc, phối kết hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để triển khai thực hiện công tác kỹ thuật và giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh...

Ông Vi Kiến Thành cũng cho biết thêm: “Cái gì mình cần thì Viện Khoa học hình sự đáp ứng được hết như: thẩm định chất liệu sơn, chất liệu vải toan, thẩm định được năm tuổi của gỗ. Vì thế, chúng tôi không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa và sẽ nhờ họ. Cục sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, sau đó có vụ việc gì cụ thể thì lại hợp đồng sau...”.

Cùng với sự ra đời của Trung tâm, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng ký Quyết định thành lập các Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh là những họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình mỹ thuật, nhiếp ảnh có năng lực, trình độ chuyên môn cao gồm: Hội đồng giám định tác phẩm Hội họa - Đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn làm chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm Điêu khắc và Nghệ thuật sắp đặt do PGS. Nhà điêu khắc Vương Học Báo làm chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm Nhiếp ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh làm chủ tịch.

Nhưng để công tác giám định chính thức đi vào hoạt động hiệu quả, chính xác và có tính pháp lý cao hơn, góp phần củng cố lại niềm tin cho người sáng tạo cũng như người sở hữu và công chúng yêu nghệ thuật, thì Trung tâm còn rất nhiều việc phải làm.

Còn lắm gian nan

Sự ra đời của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh là một tin vui với những người hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp có phẩm cách. Nhưng đó mới là bước khởi đầu, còn gian nan vẫn ở phía trước và điều này đã nhiều người lường đến. Bởi lẽ trước đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có sự xuất hiện của một Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật có chức năng tương tự, nhưng sau một thời gian ra đời và đi vào hoạt động, trung tâm này đã phải đóng cửa bởi hầu như chẳng có “khách hàng” nào tìm tới để yêu cầu trợ giúp, can thiệp.

Bởi thế giới chuyên môn hồi đó vẫn nói với nhau rằng: “Không có thì thiếu mà có lại thừa”. Nhưng sau những biểu hiện tiêu cực, hỗn loạn của thị trường mỹ thuật trong thời gian qua, việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm cho ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh đã nhen nhóm hy vọng rằng đây sẽ là một địa chỉ tin cậy để các họa sĩ, các nhà sưu tập tranh, người chơi tranh... có nơi để “gõ cửa” mỗi khi xảy ra tranh chấp về tranh giả - tranh thật, tranh “đạo - nhái” hoặc bị xâm hại bản quyền.

Đặc biệt, với uy tín, kinh nghiệm, sự am hiểu của những tên tuổi được công bố rõ ràng như trên, tiếng nói Trung tâm Giám định sẽ trở thành tiếng nói của “trọng tài” tin cậy, chứ không phải được thẩm định bởi những tên tuổi chuyên gia nhưng “trốn trong bóng tối” như những người thẩm định trong các phiên đấu giá nghệ thuật đã từng công bố gần đây.

Theo quy chế hoạt động, quá trình giám định, thẩm định một tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh là thật hay giả buộc phải nhận được sự tán thành của 100% thành viên hội đồng thì mới trở thành ý kiến chính thức của Hội đồng thẩm định. Sở dĩ có điều này là bởi, chỉ cần một thành viên còn chưa thống nhất thì rất có thể dẫn tới những khiếu kiện sau này về độ thật, giả không rõ ràng của tác phẩm.

Màn đối chất về tranh thật - tranh giả của họa sĩ trẻ Nguyễn Đông và đại diện nhà đấu giá Chọn từng khiến dư luận bức xúc.

Hội đồng giám định sẽ hoạt động theo cơ chế cộng tác, có nghĩa, khi xảy ra vụ việc, có yêu cầu giám định mới thành lập hội đồng và sau khi đi đến kết luận cuối cùng, hội đồng lại tự giải thể. Đặc biệt, đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa 2 bên theo hợp đồng giám định. Kinh phí giám định được thỏa thuận giữa Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và tổ chức, cá nhân yêu cầu bằng những hợp đồng cụ thể theo vụ việc.

Bên cạnh đó, với những nguyên tắc giám định được nêu rõ trong “Quy chế hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh” đã được công bố và có hiệu lực từ ngày 1-10-2018 là: Tuân thủ pháp luật; Trung thực, khách quan, chính xác; Hoạt động giám định là dịch vụ công theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định...

Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh phải chứng tỏ năng lực của chính mình. Hiện nay, bảng giá dịch vụ công đã được Trung tâm tìm hiểu, thiết lập và công bố là: từ 1-3 tác phẩm: 35,2 triệu đồng; từ 4-10 tác phẩm: 70,4 triệu đồng; từ 11-20 tác phẩm: 140,8 triệu đồng; từ 20-50 tác phẩm: 281,6 triệu đồng... đang được xem là khá cao so với nền tảng vật chất hiện có.

Bởi thế, ông Ngô Quang Dương - Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh chia sẻ rất chân thành với báo chí rằng: “Trung tâm này ra đời mang tính “phòng ngừa” nhiều hơn.

Bởi lẽ, nhu cầu trong giới là có thật, tuy nhiên nhiều khi không có người ta kêu thiếu, nhưng khi có Trung tâm lại chẳng ai đến. Người sở hữu tranh thật cần gì đi đánh giá, người có tranh giả không dại gì đem đến giám định tranh giả. Người ngay không cần rồi, kẻ gian lại càng chẳng dại gì tìm đến. Tuy nhiên tôi nghĩ Trung tâm sinh ra chính là yếu tố cần, đảm bảo cho thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển...”. Dù sao đi nữa, “phòng” vẫn hơn “chống” và một nền nghệ thuật hiện đại thì không nên để tình trạng cứ “mất bò mới lo làm chuồng”...

Nguyệt Hà
.
.