Kỳ thú đảo Long Sơn

Thứ Ba, 21/08/2018, 07:13
Núi Nứa chảy dài từ phía xa tựa con rồng vươn ra biển khơi. Đó là hình ảnh nuôi giấc mơ cất cánh của xã đảo Long Sơn. Hai hàng cây phượng luôn rực rỡ hoa đỏ thắm chạy dọc con đường vào xã đảo. Trước mắt tôi là cánh đồng muối sáng láng dưới ánh mặt trời bên thôn Gò Găng...

Nghe nhà thơ Lê Huy Mậu giới thiệu, tôi tìm đường đến xã đảo Long Sơn, thuộc thành phố Vũng Tàu, với những tò mò, hồi hộp. Nơi đây đã ghi dấu câu chuyện lạ lùng không kém Rô-bin-sơn trên hoang đảo là mấy. Đó là hình ảnh người đàn ông lực lưỡng Lê Văn Mưu, mình trần, tóc búi cầm dáo đuổi theo những con báo trên rừng núi Long Sơn. Ông dẫn đầu đoàn người tiến vào đầm lầy, khai phá đất đai...

Bắt đầu từ truyện "Lục Vân Tiên"

Thật ra câu chuyện còn thêm sự kỳ lạ, bởi trên con thuyền của đoàn người tiến vào đảo Long Sơn, không có một tài sản gì khác ngoài cuốn truyện thơ "Lục Vân Tiên" trong hòm quần áo và túi gạo cuối cùng còn sót lại. Họ trốn chạy một cuộc truy lùng của giặc Pháp từ miệt đất phương nam.

Nghĩa sĩ Lê Văn Mưu (1855-1935) đã tham gia cuộc khởi binh tại quê hương mình ở Hà Tiên, và bị truy đuổi. Sau nhiều ngày tháng lênh đênh phiêu bạt, ông đã cùng gia đình tìm tới phía Đông Nam đảo hoang Long Sơn cư trú (năm 1900). Đây là cuộc đấu tranh khốc liệt giữa con người với thiên nhiên khắc nghiệt, với rắn rết và thú dữ.

Long Sơn là hòn đảo hoang với ngọn núi dầy đặc tre nứa. Chính vì thế ngọn núi chạy dọc trên đảo còn gọi là núi Nứa. Việc khai phá đất đai giữa rừng hoang với sình lầy thật nhọc nhằn. Hình ảnh Lê Văn Mưu suốt ngày cởi trần búi tóc quần quật mở đất vẫn còn ấn tượng đến ngày nay. Dân trong đảo thường gọi đảo trưởng Lê Văn Mưu là ông Trần là vì thế. Sau thành quen, đó là cái tên còn được tôn vinh như một thành hoàng làng, tại nơi đây.

Cảnh quan Nhà Lớn.

Khi bước vào khu Nhà Lớn, nơi lưu dấu lại những công trình xây dựng của ông Trần ở chân núi Nứa; tôi mới hay vì sao cuốn truyện "Lục Vân Tiên" được ông Trần gìn giữ như báu vật, khi dấn thân nơi đảo hoang cách đây gần 120 năm. Thật sững sờ với vẻ đẹp của khu Nhà Lớn. Đó chính là những ngôi nhà thờ và năm dẫy nhà phố được dựng lên chạy suốt về phía xa. Nhưng hình ảnh thu hút nhất đối với tôi, tại khu nhà thờ có bức tường vẽ hình trên kính, kể chuyện Lục Vân Tiên.

Nghe nói đây là nơi, ông Trần thường giảng dạy cho những người dân mới đến, phải thương yêu, đùm bọc nhau như thế nào. Ông thường lấy lời thơ của Nguyễn Đình Chiểu để răn mình và dạy người. Bao giờ cùng mở đầu rằng: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh lấy câu trau mình”.

Thật may tôi được ông Sáu, một trong Tám hương chức của khu Nhà Lớn, dẫn vào bàn thờ của ông Trần. Chân dung ông như có sức mạnh thu hút ở đôi mắt, sáng ngời và nhân từ. Ông Sáu chỉ về phía các dãy nhà gỗ, nói, đó là nơi ông Trần dành cho những người mới đến khai phá làm ăn.

Dân phương xa vượt biển theo ông mỗi ngày một đông. Ai làm ăn phát đạt, có nơi trú ngụ thì dọn ra ngoài, dành nhà cho người nghèo mới đến. Vậy ròng rã hàng chục năm, khu Nhà Lớn tựa như một gia đình ấm cúng cho những người đến đây sinh cơ lập nghiệp. Họ học theo ông Trần về đạo làm người, tuân theo những nề nếp sinh hoạt của Nhà Lớn, đối xử với nhau như người thân.

Từ đây hình thành đạo ông Trần lúc nào không hay. Bởi hàng ngàn người theo ông đều được nghe chuyện Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga để học đạo làm người. Ai theo đạo ông Trần đều mặc trang phục bà ba đen, đàn ông búi tóc như đàn bà và ăn chay. Họ sinh hoạt với những quy định khá chặt chẽ. Lễ thành hôn đơn giản, thường được tổ chức vào những ngày đầu tháng và giữa tháng, không chọn ngày tháng và mê tín.

Riêng tang lễ thì cả làng chỉ dùng một chiếc quan tài tre nứa để sẵn trên Nhà Lớn để chôn cất. Sau đó lại đưa quan tài về nhà thờ bảo vệ, dùng cho đám tang sau. Ông Trần đã thực hiện nguyên tắc sống của mình: “Sống đồng tịch đồng sàng. Thác đồng quan đồng quách”. Đạo ông Trần hình thành nơi đây, với năm chữ cứ theo đó mà sống. Ông Sáu đọc sang sảng cho tôi nghe năm chữ đó là: “Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín”.

Khi tôi hỏi về chuyện sao những người theo đạo ông Trần lại chỉ mặc áo bà ba đen và búi tóc, trong khi người dân của Vũng Tàu không có trang phục đó bao giờ. Ông Sáu nheo mắt bồi hồi nhớ lại. Đó chính là hồn cốt của ông Trần để lại.

Nỗi nhớ quê hương, nơi đồng bằng sông Cửu Long không bao giờ nguôi ngoai trong lòng ông. Xa quê nhưng ông Trần vẫn hướng về, với nét duyên thầm còn giữ lại cho bà con, đó là tấm áo bà bà đen thân thương. Giản dị và chân quê.

Có lần ông Sáu còn được nghe người cha của mình kể lại, nhiều khi ông Trần đã thầm hát những điệu Lý quê hương, nghe sao day dứt nỗi buồn. Nhất là lời bài hát về chiếc áo bà ba. Đó là lúc ông nhớ người vợ quá cố của mình, trước khi cùng với đàn con rời khỏi quê hương.

Bà Tiềm (cháu nội đời thứ tư của ông Trần) đón khách. 

Đoàn quân giải phóng của rừng Sác

 Tính đến nay, số người theo đạo ông Trần chiếm tới phần nửa số người trên xã đảo Long Sơn. Sinh thời ông Trần thường nêu gương Lục Vân Tiên, không sợ hiểm nguy cứu người hoạn nạn, trung với nước hiếu với dân, để mọi người noi theo. Do vậy khi cuộc kháng chiến chống giặc Pháp bùng nổ, nhiều người dân theo đạo ông Trần đã tích cực tham gia, chiến đấu hết sức dũng cảm.

Rừng sác Long Sơn là địa chỉ cuối cùng của căn cứ cách mạng sau này. Nó cũng là phần nối dài của chiến khu rừng Sác mà đoàn quân giải phóng phát triển từ căn cứ cách mạng núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhiều lần càn vào rừng Sác đảo Long Sơn, quân đội Mỹ đã phơi thây trên đám sình lầy, bị chôn vùi dưới rừng tràm.

Nói chuyện cùng tôi, bà Trần Thị Tám, một thành viên tiếp khách trong Nhà Lớn hào hứng đọc mấy câu thơ: “Rừng Sác bịt mắt kẻ thù/ Nhưng là lá chắn chiến khu quân mình”.

Biết bao ký ức tràn về, ông Sáu tiếp tục câu chuyện của mình với những rung động khó quên. Ông vẫn nhớ ngày 27-4-1975, đoàn 10 đặc công rừng Sác cùng quân đội tiến công vào giải phóng đảo Long Sơn. Chính tại đây, Sư đoàn Sao Vàng dừng chân, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho trận đánh quyết định, giải phóng thành phố Vũng Tàu. 

Riêng đội du kích địa phương bố trí trận địa tại bến Điệp, chặn đánh và khống chế các mục tiêu hỏa lực của địch, từ phía thành phố. Bởi nơi đây chỉ cách thành phố Vũng Tàu chừng gần ba cây số theo đường chim bay. Bên cạnh đó, có những đội quân chặn đánh tầu lớn của địch tiếp tế vào thành phố. Long Sơn trở thành pháo đài, đánh chặn và hỗ trợ cho cuộc tấn công của đại đoàn bộ binh. Đồng thời lực lượng thủy quân cũng kết hợp xuất phát từ bến đảo tiến vào thành phố theo đường biển.

Hai gọng kìm của quân và dân địa phương của Long Sơn cùng đại quân tấn công mãnh liệt vào đêm 28, rạng sáng 29-4-1975. Riêng đội đặc công thủy quân bất ngờ xuất hiện như từ dưới biển hiện lên, đánh trực tiếp vào cầu Rạch Bá, tuyến phòng thủ kiên cố của địch. Chúng hoảng loạn tháo chạy.

Được hay tin, Trung đoàn 2 xuất phát từ đảo Long Sơn đã ào ạt vượt sông tiến đánh thẳng vào trung tâm nội chính. Với ba mũi tiến công của ta, sau một ngày một đêm, kẻ địch đã phải đầu hàng. Thành phố Vũng Tàu đã treo lá cờ giải phóng đúng vào 13h30’ ngày 30-4-1975. Ngay khi đó, tại đỉnh núi Nứa, hàng chục lá cờ cũng được treo trên những ngọn cây lớn. Chúng tung bay trước biển như một lời chào mừng chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Long Sơn cất cánh

Núi Nứa chảy dài từ phía xa tựa con rồng vươn ra biển khơi. Đó là hình ảnh nuôi giấc mơ cất cánh của xã đảo Long Sơn. Hai hàng cây phượng luôn rực rỡ hoa đỏ thắm chạy dọc con đường vào xã đảo. Trước mắt tôi là cánh đồng muối sáng láng dưới ánh mặt trời bên thôn Gò Găng.

Đây cũng chính là nơi xuất phát của ông Trần cùng gia đình quây bờ gánh cát đổ tràn ruộng đón nước biển mặn. Giờ đây lớp con cháu đang viết tiếp câu chuyện kỳ lạ mới trên mảnh đất này. Đó là dự án xây sân bay Bà Rịa-Vũng Tàu, trên hòn đảo Long Sơn, đang trở thành hiện thực.

 Với diện tích hơn 90 cây số vuông, lại ở ngoài biển xa trung tâm thành phố Vũng Tàu, xã đảo Long Sơn trở thành trung tâm của hàng không và hình thành bến cảng khai thác dầu khí trong thời gian không xa. Những con đường và cầu vượt biển đã sẵn sàng với hai làn xe lớn vượt biển vào Long Sơn.

Câu chuyện Lục Vân Tiên xưa được kể lại, cùng với những câu hát về chiếc áo bà ba và búi tóc thân thương, bên miệt vườn ngập tràn hoa tươi. Bên cạnh đó là bản trường ca về cuộc sống tươi sáng, với những búp lửa dầu khí dẫn về từ khơi xa, bừng sáng trên xã đảo anh hùng Long Sơn.

Vương Tâm
.
.