Kỷ niệm về những lần xin câu đối Tết
- Nhà thơ Hữu Loan luận chữ làm câu đối
- Đầu xuân, tìm hiểu 2 câu đối hay viết về Bác Hồ
- Ngày xuân nói về xuất xứ của câu đối
Nhà thơ Hoàng Trung Thông, ngoài thơ ông còn là nhà thư pháp, người viết câu đối và dịch thơ tài ba. Vì biết ông đang đảm nhiệm nhiều công việc hệ trọng, làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, sau này lại là Viện trưởng Viện Văn học, vì thế, tôi lựa ngày nghỉ chủ nhật đến nhà ông xin câu đối.
Ấn tượng về phong thái rất đẹp, rất "phiêu" của nhà thơ là lúc ông ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn cổ, có cuốn sách đang đọc dở và chén rượu. Ông thường dùng rượu gạo, không ưa rượu mùi, càng không dùng rượu ngoại xa xỉ. Một bữa, tôi bước vào phòng ông đúng khi ông đang ngửa mặt vuốt chòm râu, người rung rung ngâm một câu thơ cổ. Có thể là câu thơ của Đỗ Phủ, hoặc Lục Du mà tôi không nghe rõ lời. Ấy là lúc ông như nhập đồng, thật thi sĩ.
Tôi đứng lặng bên khuôn cửa lúc lâu, ông ngâm hết câu thơ, quay ra nhìn tôi, vồn vã bảo vào đi, vào đi, tôi mới dám bước vào. Ông như đọc được ý nghĩ của tôi, rồi ông với một chén nhỏ, ra rượu mời tôi. Tôi đón chén rượu, cảm tạ, không dám nhấp môi. Có phải vì tôn kính ông, hay tôi không biết uống rượu, nên lại xin đặt chén rượu xuống bàn.
Đầu xuân, người Hà Nội hay ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ hoặc xin câu đối treo Tết. |
Ông cười khà: "Không dùng được à, cậu lại đến lấy câu đối Tết phải không? Báo Tết năm nay in ấn có xôm không? Khất ba hôm nữa, đến lấy nhé". Rồi ông đứng dậy, tiến tới giá sách, rút cuốn "Cuộc sống Thơ và Thơ cuộc sống". Đấy là cuốn phê bình lý luận, phê bình văn học mà ông vừa xuất bản. Tôi giơ hai tay đón cuốn sách có chữ ký run run của ông, lòng đầy xúc động.
Đúng ba ngày sau, sáng sớm, tôi hồi hộp bước từng bước cầu thang gỗ, lên phòng ông. Hình như ông đã chuẩn bị sẵn, và có lẽ ông nghe được tiếng bước chân tôi rón rén lên cầu thang gỗ. Ông nói thân mật: "Cậu cầm về đọc, nhờ Ban Biên tập duyệt giúp. In được thì vui".
Tôi đón nhận chiếc phong bì, trong có mấy trang giấy viết câu đối của ông, lòng mừng vô độ. Tôi muốn thưa với ông rằng, báo Tết chúng cháu rất vui, rất tự hào vì có câu đối của nhà thơ cộng tác. Ấy rồi chả nói được câu nào, tôi lập cập lấy bi đông rượu quê xin biếu ông. Ánh mắt ông khi ấy cười rất vui và đôn hậu. Ông mở nút bi đông, mùi thơm rượu bừng lên. Ông bảo rượu nếp Kinh Bắc à, cái vị thơm của nếp làng Vân không lẫn được.
Tôi vội chào ông, đem câu đối của ông về tòa soạn để Ban Biên tập kịp thời đưa in trang bìa của báo Tết. Có lẽ niềm vui của tôi, người đi xin câu đối Tết còn lớn hơn nhiều người viết câu đối Tết. Đã mấy năm liền, báo Tết cơ quan tôi có vinh hạnh được in câu đối của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ban Biên tập báo càng vui hơn vì biết ông là nhà thơ nổi tiếng, bận rộn như thế mà vẫn dành thời gian cộng tác với báo. Cái tình ấy lớn làm sao!
Tôi cũng không quên dáng vẻ lụi cụi, nhưng rất quy củ của Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên. Khi ấy, ông đang làm việc tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Cũng như nhà thơ Hoàng Trung Thông, ngoài làm thơ, ông có biệt tài viết câu đối. Thấy tôi đến tìm gặp, ông biết ngay mục đích và hồn hậu hẹn: "Trang cứ về đi, sáng mai mình cầm đến báo". Tôi xin hẹn ông đến lấy bài, nhưng ông gạt đi: "Mình còn khỏe, còn đi được".
Đúng đầu giờ sáng hôm sau, nhà thơ Tạ Hữu Yên từ tốn đạp xe đạp mang câu đối Tết đến báo. Chữ viết của nhà thơ Tạ Hữu Yên như con người ông, nắn nót, chỉnh chu và rành mạch. Ông còn dùng bút màu đỏ, kẻ chân chữ nào cần in nghiêng. Rõ là cái tính ngăn nắp, cẩn thận của một nhà thơ sĩ quan Quân đội.
Câu đối Tết của nhà thơ Tạ Hữu Yên bao giờ cũng có tính chiến đấu. Lời lẽ không đao to búa lớn gì, nhưng đầy tính xây dựng, chân tình và đôn hậu. Độc giả đã biết ông là nhà thơ có nhiều bài thơ phổ nhạc nhất nước. Những bài "Cảm xúc tháng mười", "Đôi dép Bác Hồ", "Đất nước"... đã ăn sâu trong tiềm thức của bao thế hệ khán thính giả. Ấy nhưng ông còn làm nhiều ca dao, câu đối, ký tên: Lê Hữu, Xuân Hữu, Cử Tạ...
Biết tính ông rất ngóng đợi báo Tết nên báo in ra, bao giờ tôi cũng mang báo và nhuận bút đến ông đầu tiên. Khuôn mặt nhà thơ ánh lên rạng rỡ khi nhìn trang báo Tết có in câu đối của ông. Tôi lấy làm lạ, là người nổi tiếng, được hưởng bao vinh quang với các tác phẩm văn học của mình, vậy mà chỉ có mấy câu đối in khiêm nhường vậy, ông vẫn có niềm vui xốn xang.
Tôi hiểu thêm, đó là tâm lý trân trọng lao động nghệ thuật của ông. Ông nhận báo rất vui, rồi ông lại nhờ tôi chuyển số tiền nhuận bút, dù ít ỏi tới nhà thơ Lữ Giang, người bạn thân của ông. Ông phân trần, ông Lữ Giang đông con, nhà neo, gọi là gửi tặng ông ấy thêm cái bánh chưng Tết. Qua nghĩa cử này, tôi thêm trân trọng tình bạn chân tình của thế hệ cầm bút các ông, điều mà các thế hệ sau hình như thiếu hụt.
Chỉ là mấy chi tiết nhỏ, thời tôi còn làm báo, đến xin câu đối của hai nhà thơ về in báo Tết cũng đủ làm tôi suy nghĩ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông ra đi từ năm 1993, hưởng thọ 68 tuổi. Nhà thơ Tạ Hữu Yên ra đi năm 2013, hưởng thọ 86 tuổi. Hai con người, hai lối sống, nhưng cả hai ông đều trân trọng công việc sáng tạo nghệ thuật biết bao.