Khi nghệ thuật đánh rơi chữ Thiện

Thứ Năm, 02/07/2015, 08:10
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội Facebook cũng như diễn đàn vnphoto.net xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa về chuyện chụp hình chim hoang dã. Phe chụp mộc (không sắp đặt) bất bình khi những người trong "Hội khoe chim" sắp đặt những con chim một cách tàn nhẫn để có tấm hình đẹp. Phe bị lên án lại cho rằng đây là sự đố kỵ, ghen ghét, đặt điều của phe kia. 

Từ chuyện phơi nắng chim non... đến phe nhóm đấu võ mồm

Trên trang "Hội khoe chim" của Facebook, có rất nhiều bức hình đẹp về chim rẻ quạt. Nhìn qua, người xem trầm trồ thán phục tài nghệ của các tay máy vì chụp chim được xem là một trong những thể loại khó nhất của trào lưu chụp ảnh hoang dã. Chim muông luôn gắn liền với chuyển động bay tức thì và không thể dự đoán trước nên để bắt được khoảnh khắc, độ nét và bối cảnh ưng ý không hề dễ dàng. Sau mỗi bức ảnh với những cái tên cảm động, mỹ miều ca ngợi tình mẫu tử, phút sải cánh đầu tiên của chú chim non... là hàng loạt tràng tán thưởng bằng like (thích) và comment (bình luận).

Mọi việc không có gì đáng nói khi một tay máy trẻ tung lên bài viết về hậu trường buổi chụp hình "chướng tai, gai mắt" để có những tấm ảnh được tung hô kia. Cụ thể, buổi chụp hình diễn ra tại một quán cà phê của khu giải trí Kỳ Hòa, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

"Con chim đã cố ý làm tổ cao hơn tầm với, xìa ra phía mặt nước nhằm tránh các nguy cơ đến chim non nhưng không tránh được sự cố tình của các nhiếp ảnh gia này. Họ đã leo lên và cắt cành cây có tổ để hạ xuống và tha hồ sắp đặt, họ đã đem tổ chim non ấy đặt vô các kiểu bố cục khác nhau, có hậu cảnh phía sau thật mịn, thật đẹp... Chim non thì kêu gào thảm thiết vì đói, vì sợ, còn chim bố mẹ thì kinh hoàng vì nhìn thấy những đứa con của mình vô tình lọt vô hoàn cảnh oái oăm. Mỗi khi tổ chim non được di chuyển đến một bố cục khác thì chim bố mẹ lại phải lao theo vừa lo lắng cho chim non, vừa phải tìm thức ăn để duy trì sự sống cho con của mình.... Con chim non chưa thể bay được xa như bố mẹ mình nên họ tha hồ bắt nó đậu lên các cành cây nào họ thích... 

Một thành viên của "Hội khoe chim" bị phe công kích cho rằng ông đang đưa chim non ra ngoài nắng để dễ chụp hình.

Từ 8h30 sáng cho đến lúc mình về gần 12h trưa mà họ vẫn chụp, thay phiên nhau từ người này tới người kia. Càng về sau họ càng hăng hái và kêu gọi thêm đồng bọn đến chụp tiếp... Có những lúc con chim vì quá mệt dưới cái nắng Sài Gòn mà tung cánh bay vô bụi rậm gần đó thì một trong các nhiếp ảnh gia đó sẽ lao ra bắt lại ngay, họ đặt lại con chim lên cành cây ấy hoặc sẽ sắp đặt lại một bố cục khác cho bức hình chụp ra được khác hơn những hình đã chụp.

Họ bình phẩm, họ cười đùa, ăn uống vô tư trong bóng mát của dãy mái che gần đó, họ còn ước ao có thêm cái máy lạnh để làm dịu cơn nóng từ cái nắng ngoài kia hắt vào. Nhưng con chim thì không, nó không có quyền lựa chọn..." - tay máy này viết. Đi kèm bài viết còn có các clip của buổi chụp hình để chứng minh.

Chiếc tổ giờ chỉ còn một con, những con kia được cho là bị chết do kiểu hành hạ, phơi dưới cái nắng 38 độ C của nhóm chụp ảnh. Mùa chim làm tổ năm 2014, "Hội khoe chim" cũng gây ra vụ việc ầm ĩ tương tự ở thác Giang Điền (Đồng Nai) nhưng nhanh chóng chìm vào im lặng. Đến năm nay, sự việc lặp lại với mức độ căng thẳng hơn trước.

Các nhóm thay vì thảo luận về cách chụp hình lại chuyển sang bôi xấu cá nhân. Nhóm bênh vực "Hội khoe chim" cho rằng nhóm kia ganh tị, mong muốn độc quyền thống trị thể loại chụp ảnh chim ở Việt Nam nhằm áp đặt lối chơi và thu lợi từ các hoạt động này. Bởi rằng ảnh sắp đặt bao giờ cũng chuẩn hơn, đẹp hơn ảnh chụp tự nhiên và "Hội khoe chim" ngày càng lớn mạnh, có nhiều bộ ảnh độc đáo. Thậm chí chính phe công kích cũng thừa nhận: "Có thể nói là quá đẹp mà một người đi rừng như mình thèm muốn bởi các yếu tố ánh sáng, bố cục và thời tiết chuẩn như vậy".

Quan sát cuộc tranh cãi, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng, người từng chụp rất nhiều bộ ảnh về thiên nhiên cho rằng cách tác nghiệp của "Hội khoe chim" là bức hại thiên nhiên. "Ngay cả người ngoài nghề cũng thấy cách tác nghiệp đó có gì đó không ổn, quá ác độc và vô đạo. Ở một số nước phương Tây nếu hành hạ động vật như vậy thì bị phạt rất nặng. Huống hồ đây là động vật hoang dã.

Tôi từng chứng kiến nhiều nhiếp ảnh gia bắt con bướm rồi cột sợi chỉ cho nó đậu vào hoa nhưng con bướm sợ quá, bay tứ tung làm cánh của nó bị rách, hoa thì tơi tả. Có người còn dùng keo dán sắt, dây thép để buộc những con chim một chỗ cho dễ chụp. Nghệ thuật là ca ngợi cái đẹp, không thể làm nghệ thuật theo kiểu vô đạo như vậy được. Điều đó chỉ chứng tỏ sự non tay nghề, ích kỷ và thiếu kiên nhẫn, ngại vượt khó của họ" - ông nói.

Đến chuyện sắp đặt hay không sắp đặt?

Từ chuyện lên án việc xâm hại môi sinh, tranh cãi giữa nhóm chụp ảnh mộc và nhóm chụp sắp đặt dẫn tới những tranh cãi về cách thức chụp ảnh hoang dã, nên hay không nên sắp đặt trong nhiếp ảnh.

Tại Đại hội lần thứ 8 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam diễn ra tháng 12 năm ngoái, các nhà nhiếp ảnh thẳng thắn nhìn nhận hiện nay, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chủ yếu theo dạng phong trào. Hội có cả ngàn hội viên với số lượng ảnh rất nhiều nhưng để có những tấm mang bản sắc dân tộc thì quá hiếm hoi. Chính vì chạy theo phong trào, các bức ảnh thường na ná nhau. Đặc biệt là ảnh chụp thiên nhiên. Người ta dễ dàng thấy những ảnh chụp đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cải, Hồ Gươm... cứ quen quen.

Có người chạy theo cuộc thi, thấy năm trước đàn anh có tấm này đoạt giải vậy là cố chụp sao cho giống để dễ ẵm giải. Do đó, sự sắp đặt của họ càng khiến ảnh bản sao càng nhiều. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong, nhiếp ảnh thiên nhiên và báo chí rất tối kỵ chuyện sắp đặt. Vì sắp đặt ảnh sẽ gượng gạo, không thật dù người nghệ sĩ có khéo đến mấy. Một cái tôn vinh cái đẹp và sự kỳ diệu của tự nhiên; một cái phản ánh sự thật, thời sự đang diễn ra thì không thể theo kiểu dàn dựng.

"Hội khoe chim" di dời tổ, phơi nắng chim non để có được tấm ảnh ca ngợi tình mẫu tử cảm động.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng chia sẻ: "Chụp ảnh thiên nhiên và không sắp đặt sẽ dễ dàng bắt gặp được những khoảnh khắc xuất thần, độc đáo mà chắc chắn việc sắp đặt không thể có. Để chụp một con cá chuồn đang bay trên mặt biển tôi phải ngồi canh chừng trên biển từ ngày này sang ngày khác. Vậy nên tôi bắt gặp những vũ điệu uyển chuyển, tuyệt vời của cả đàn cá chuồn trên mặt biển. Chụp chim cũng vậy, tôi phải ngồi xa bên kia con suối, chờ chúng uống nước xong mình mới đứng từ xa quan sát rồi dùng ống kính tele để zoom cận. Cách đó làm con chim không hoảng sợ, nó tự nhiên bay nhảy. Tất nhiên chụp ảnh thiên nhiên, nhất là động vật mình phải chịu cực. Còn sắp đặt ở đây chỉ là sắp đặt về khuôn hình, góc máy...".

Ông cũng cho biết nhiều người trong nghề cũng phải giở chiêu cắt ghép, chỉnh sửa và sắp đặt để có tấm hình thiên nhiên như ý. Nhưng cách làm đó không qua mặt được giới chuyên môn và bị đánh giá không cao.

Để đối phó, tránh ảnh na ná như ảnh của mình, có nhiếp ảnh gia sau khi chụp xong liền chặt phăng cây đào ở Sa Pa hay nhánh lộc vừng tiền cảnh ở mặt hồ. Thế nhưng điều đó chỉ chứng tỏ sự ích kỷ, phá hoại thiên nhiên của tay máy lão làng trên. Nếu thực sự họ là người có tài, có sức sáng tạo thì chẳng có gì phải sợ hậu bối có ảnh đẹp hơn mình nếu vẫn để nguyên gốc đào hay nhánh lộc vừng.  Một kiểu chơi nghệ thuật không đẹp. Đó cũng là kiểu nhiếp ảnh phá hoại thiên nhiên, phá hoại phong cảnh thưởng thức của công chúng.

Bức ảnh dù có là ảnh phong trào tẻ nhạt, rập khuôn hay ảnh nghệ thuật, giàu sức sáng tạo thì trước hết nó phải đáp ứng được chữ Chân, chữ Thiện. Còn chữ Mỹ hãy khoan bàn tới. Đó là sự chân thật, cái tâm trong sáng. Thế nhưng cái họ làm ngược lại, bắt tay với cái Giả, cái Ác.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho rằng là nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính, ai cũng thích chụp ảnh con người và thiên nhiên theo phong cách tự nhiên, hạn chế sắp đặt càng nhiều càng tốt. Lúc đó ảnh dễ có hồn. Nhưng vẫn có những lúc người chụp ảnh phải can thiệp để có khung cảnh, nội dung tối ưu nhất khi điều kiện tự nhiên không cho phép như có thể tỉa bớt lá, cành để dễ chụp chim. Hoặc đó có thể là sự sắp đặt sáng tạo, thể hiện ý đồ và mang đậm dấu ấn, phong cách của nhiếp ảnh gia. Tất nhiên sự sắp đặt đó phải có giới hạn, không được lạm dụng và đừng trái với đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Nếu hành hạ, tàn phá thiên nhiên chỉ để thỏa mãn, hả hê cho ý đồ của mình đáng sợ một thì hành hạ, tàn phá thiên nhiên nhân danh nghệ thuật còn đáng sợ gấp trăm lần.

Phan Thi Uyên
.
.