Khi múa minh họa bị lạm dụng
Những tưởng sự "gia tăng" chóng mặt của múa minh họa sẽ là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa công chúng và nghệ thuật múa, nhưng không, sự lạm dụng múa minh họa có khi còn làm lu mờ giá trị của nghệ thuật múa với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập.
Gần đây, trong một chương trình kỷ niệm ngày văn hóa Nga ở Việt Nam, múa phụ họa cho một ca khúc Nga là tốp nữ ước chừng 15 người được bố trí đội hình khá đẹp mắt trên sân khấu.
Tuy nhiên, tổ hợp múa được lặp đi lặp lại nhiều lần là hình ảnh những cô gái trong trang phục váy liền dài (không phải trang phục phổ biến của đất nước Nga) đi những bước nhảy kiểu "săm ba" chẳng thể gợi cho người xem chút cảm xúc nào về đất nước Nga huyền thoại.
Không biết những người Nga, những người đã từng học, từng gắn bó với đất nước của bài hát "Kachiusa", của những hàng bạch dương yêu kiều cảm thấy thế nào khi tận mắt chứng kiến màn múa phụ họa như thế.
Chưa hết, trong một chương trình “Quà tặng âm nhạc” của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có phát nhiều bài hát ca ngợi mái trường, thầy cô giáo. Chương trình có đến 80% các ca khúc được sử dụng múa phụ họa, trong đó có màn múa mà biên đạo múa đã "thật khéo léo" khi cách điệu những động tác thể dục thành một bài nhảy phụ họa.
Các diễn viên trong trang phục thể thao màu xanh lam nhảy nhốn nháo trên sân khấu… Dẫu biết rằng tìm tòi, cách điệu những động tác sinh hoạt đưa vào múa là cần thiết, nhưng nếu cách điệu nửa vời kiểu đó thì chỉ đem lại sự phản cảm cho người xem mà thôi.
Cách đây không lâu, trong mục giải trí của chương trình “Sức sống mới” phát sóng lúc 11h trưa trên VTV1, một ca sĩ đã trình bày bài hát "Lý ngựa ô" với sự minh họa của bốn diễn viên múa, hai nam, hai nữ. Thật đúng là không hiểu những động tác múa của các diễn viên minh họa cho cái gì? Những động tác quay, nhảy liên tục họa chăng chỉ góp thêm cái không khí sôi động của bài hát và đem đến cho người xem sự… vui mắt.
Múa bây giờ không chỉ được sử dụng để minh họa cho ca khúc mà còn được sử dụng để minh họa hay làm nền cho rất nhiều môn nghệ thuật khác. Thử nhìn sang nghệ thuật xiếc, họ cũng sử dụng múa để hút khán giả bằng cách tái hiện những lễ hội, xây dựng những tạo hình múa...
Mà ngay cả đến thời trang cũng sử dụng múa để minh họa. Trong chương trình trao giải quảng cáo “Quả chuông vàng” mới diễn ra đầu tháng 12/2007, những màn diễn thời trang đều có sự minh họa của múa.
Những diễn viên xuất hiện thoáng qua trên sân khấu rồi xếp vào các tạo hình "làm nền" cho các người mẫu trong bộ sưu tập thời trang mang cái tên rất lãng mạn "Câu chuyện tình yêu".
Sự lạm dụng múa minh họa thái quá đã không thể mang lại những xúc cảm thẩm mỹ cho người xem, thậm chí còn gợn lên nỗi chạnh lòng cho "dân múa" và những người yêu nghệ thuật múa.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều chương trình có múa minh họa. Không thể phủ nhận có những tác phẩm múa minh họa đã góp phần tạo nên sự thành công của ca khúc, nhưng con số đó là không nhiều. Nhìn một cách tổng quát, thì múa minh họa hiện nay đang bị lạm dụng trên sân khấu ca nhạc.
Múa minh họa đang dần rời xa chức năng của chính mình. Nó không được sử dụng để minh họa cho ca khúc mà để làm "đầy mắt" người xem ca nhạc.
Hội Nghệ sĩ Múa Việt
Có ý kiến cho rằng, múa không thể tồn tại nếu tách rời âm nhạc và đang xuất hiện một loại hình âm nhạc mới là "nhạc múa". Và chính hình thức múa minh họa kiểu trên đây là một trong những lý do làm mất dần đi tính độc lập của múa, làm lu mờ những giá trị của nghệ thuật múa.
Nói gì thì nói cũng không thể đổ lỗi cho âm nhạc bởi múa minh họa do chính những nhà biên đạo múa thực hiện. Và như vậy, để múa minh họa trở về đúng chức năng của nó, đòi hỏi các biên đạo phải tôn trọng chính mình, tôn trọng nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi, đã gắn bó