Kẻ Chè – Kẻ Rỵ xứ Thanh

Thứ Hai, 19/11/2018, 07:37
Từ xa xưa, đất Kẻ Chè và Kẻ Rỵ là nơi hội tụ giao thương của vùng Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay). Cả hai làng thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa có nghề đúc đồng, từ binh khí đến ngũ nhạc và đồ thờ nức tiếng. Đặc biệt, nơi đây xuất hiện dòng họ Lê, giàu có cường thịnh và đầy nghĩa khí. Nhiều học giả nổi tiếng, quan chức triều đình các thời cũng từ đây, làm nên nghiệp lớn...


Âm vang trống đồng Trà Đông

Kẻ Chè là tên nôm của làng Trà Đông, vùng đất được tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không ưu đãi, nên phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. Khi đến xưởng đúc đồng của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương, chúng tôi như chìm vào trong dàn âm thanh của hàng chục chiếc trống đồng chuẩn bị xuất xưởng. Những người thợ đang chỉnh âm. Họ chính là những nghệ sĩ thực thụ tạo nên bản giao hưởng đồng quê bao la với những thửa ruộng lúa vàng.

Nghệ nhân Dương dẫn tôi đến xem tốp thợ đang triển khai mẫu đúc một chiếc trống đồng kỷ lục với đường kính gần hai mét. Ông nói, việc tạo khuôn và hoa văn cho trống đồng rất công phu. Đó chính là những bản điêu khắc nổi, với hình tượng chim Lạc cùng họa tiết mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, nơi phát tích từ miền đất cổ Thanh Hóa.

Nghệ nhân Dương cho biết, có một đại gia đến đặt làm chiếc trống đồng này để bày trong sảnh lớn tại nhà. Ông nói, nếu đánh trống đồng này, cả phố đều nghe thấy. Bởi đó là tiếng sấm, tiếng của trời đất dội về. 

Cổng làng Thiệu Trung.

Nói rồi nghệ nhân Dương dẫn tôi đến xem một chiếc vạc đồng cổ, do người Kẻ Chè đúc cách đây vài trăm năm. Bên cạnh đó, còn có chiếc lư mà cụ nội ông mua được, đây là mẫu cổ từ xa xưa của dân làng để lại. Chiếc vạc đồng gợi lại bao chuyện gian truân, vất vả của người thợ đúc. Thấy những người thợ đang tạo khuôn lúng túng xử lý một nét hoa văn, nghệ nhân Dương vội đi tới, vẽ lại đường vân làm mẫu trên vòng khuôn. Rồi cứ thế ông say sưa lao vào công việc.

Ông kể người làng Chè kỹ tính lắm. Làm xong thành phẩm còn phải chỉnh âm, tạo sắc một chiếc chuông hay cồng chiêng, hoặc chiếc trống, sao cho âm thanh ngân vang, ấm giọng, và trong như tiếng tơ vậy. Mà cũng lạ, chẳng có một thanh mẫu âm nào làm chuẩn như khi lên dây đàn, người thợ ở đây chủ yếu thẩm âm bằng đôi tai tinh tế, với âm sắc của mỗi loại nhạc cụ.

Ông còn kể, khi đo độ dài tiếng ngân của âm thanh cồng chiêng, người thợ đo bằng cách kéo sợi mây theo sải tay. Tiếng chiêng đo càng nhiều sải tay, sợi mây càng dài, thì mới tốt. Bởi lẽ đó chính là một cái chiêng đích thực với chất liệu tinh khiết cùng tài chỉnh âm lọc lõi của người thợ giỏi.

Ông sực nhớ, tiếng cồng chiêng và trống đồng của làng Trà Đông đã từng được ghi lại trong sử thi Mường “Đẻ đất để nước”, với những hình ảnh: “Con trai đi trước khiêng trống. Con gái đi sau xách cồng. Cồng bảy, cồng mười lên tiếng cho giòn. Cồng cái, cồng con kêu cho rộn…”.

Nghệ nhân Dương say sưa bộc bạch, thợ Kẻ Chè đã từng làm 1.000 trống đồng, dâng tặng cho Thủ đô, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Ông chính là người đã cùng các thợ của mình đúc chiếc trống đồng lớn, nặng 800kg, gửi cho các chiến sĩ ở Đảo Trường Sa Lớn năm 2012.

Hiện bức tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 600kg được đặt tại UBND huyện Thiệu Hóa cũng do ông thi công chính. Đó là những sản phẩm đáng tự hào trong hơn 40 năm làm nghề của ông. Ấy là chưa kể những sản phẩm lớn và tinh xảo khác của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương như Chuông đồng nặng 600kg, treo tại chùa Hương Nghiêm, xã Thiệu Trung; hay như chiếc bàn thờ lớn ở trên chùa Đồng (Yên Tử)…

Bên cạnh đó, nghệ nhân Dương còn đào tạo hàng trăm thợ từ khắp nơi tìm đến. Ông gầy gò, bươn trải, cứ tíu tít với công việc. Làm ông chủ, nhưng nghệ nhân Lê Văn Dương vẫn lam lũ như cái thuở ban đầu theo cha khênh chảo rót đồng vào khuôn, chẳng bao giờ nề hà việc gì. Tôi bị ông cuốn hút vào công việc ngay trong sân xưởng đúc. Âm thanh của hàng chục trống đồng tuôn trào như sóng cuộn. Nhưng giai điệu hào sảng của cái nôi văn hóa Đông Sơn dội về làm náo động tâm hồn tôi.

Hiền tài Kẻ Rỵ

Sau này Kẻ Rỵ lại phát đất học, nhường lại đất nghề đúc cho Kẻ Chè, bởi lẽ dòng họ Lê tập trung đào tạo cho con trẻ. Mỗi ngày một sự mới lạ. Thời nào cũng xuất hiện những ngôi sao trong các trường thi. Khởi đầu là chàng trai Lê Văn Hưu (1230-1322), khi bước vào cuộc thi đầu tiên ở nước ta.

Làng Rỵ, nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về học trò Lê Văn Hưu, mồ côi cha nhưng lại trở thành thần đồng ngay từ lúc mới bốn tuổi. Thấy một cậu bé xinh xắn, khôi ngô mon men đến gần lớp học của các anh lớn và chăm chú nghe, thầy đồ để ý gọi lại. Ông giảng mấy chữ nho cho cậu bé nghe thử. Hôm sau thầy kiểm tra, cậu bé Lê Văn Hưu đã làm ngạc nhiên mọi người, khi nhắc lại không sai một nét chữ.

Người ta đồn, cậu bé Lê Văn Hưu học giỏi là do nghe mẹ ru thơ Tam thiên tự từ khi mới lọt lòng. Bà mẹ là con gái của một thày nho nổi tiếng trong vùng. Lại có chuyện mỗi khi cậu ra khỏi nhà đều có bốn đám mây ngũ sắc che trên đầu, không nắng mưa hay tai họa nào xâm phạm được.

Nghệ nhân Dương bên những chiếc trống đồng.

Nghe mà thấy lạ, nhưng chuyện cậu học giỏi và đối đáp rất thông minh, ai cũng bái phục. Khi lớn lên, thêm chuyện tinh thông đối chữ với thầy, trò Lê Văn Hưu đã được thầy gả con gái cho, mới là sự lạ. Ông thầy đưa ra mọi thử thách về chữ nghĩa mà trò cứ đối chan chát ngay tắp lự, đành bái phục chịu trò là tài hơn người. Từ đó Lê Văn Hưu ra sức dùi mài kinh sử, dưới cây đèn hình rồng, khảm ngọc do mẹ cho đúc bằng đồng. Viên ngọc chính là phần thưởng của vua ban cho ông cha để lại. Dưới sự chăm sóc tận tình của mẹ, Lê Văn Hưu học một biết mười, mỗi ngày một uyên thâm, tài hoa. Cậu tự tin, mạnh dạn thi vào năm 1247, do nhà Trần tổ chức chọn hiền tài cho đất nước.

Năm ấy, mới tròn 17 tuổi, Lê Văn Hưu được vinh danh Bảng nhãn. Điều đáng để ý, sau khi được làm quan, đến đâu Lê Văn Hưu vẫn mang theo cây đèn của mẹ bên mình. Đọc sách và biện soạn văn kiện, ngày đêm ông miệt mài dưới ánh sáng của cây đèn mắt rồng đó.

Lê Văn Hưu được triều đình nhà Trần hết sức trọng dụng. Ông làm quan kéo dài suốt ba triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Nhà vua Trần Thái Tông đã ủy thác cho Lê Văn Hưu dạy các hoàng tử trong cung. Người học trò xuất sắc nhất của ông chính là danh tướng Trần Quang Khải, con trai vua Trần Thái Tông. Trần Quang Khải không những là một tướng tài, góp công lớn trong chiến thắng chống quân Nguyên (lần hai và ba), mà ông còn là một nhà thơ, một nhân cách lớn do ảnh hưởng sự dạy dỗ của Binh bộ Thượng thư Lê Văn Hưu. 

“Đại Việt sử ký” đầu tiên

Đó chính là trước tác của Lê Văn Hưu được coi là bộ sử đầu tiên của nước nhà. Bởi từ các triều trước đến thời nhà Trần, không hề có bộ lịch sử được ghi chép lại. Đại học sĩ Lê Văn Hưu lúc đó với chức tước là Thượng thư Bộ Binh, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu, đã được nhà vua giao cho trọng trách viết một bộ quốc sử.

Những sự kiện được ghi chép từ thời Triệu Đà, thành lập Nam Việt (207 TCN) đến thời Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), kéo dài suốt 15 thế kỷ. Sau nhiều năm biên soạn, đến năm 1272, Lê Văn Hưu hoàn thành, nộp bộ “Đại Việt sử ký” cho vua Trần Thánh Tông, gồm 30 cuốn.

Điều khác biệt và đáng chú ý, trong bộ “Đại Việt sử ký” này, Lê Văn Hưu đã có những phần đánh giá khách quan với các sự kiện; đồng thời ông còn bày tỏ những chính kiến mang tính xây dựng, với những triều vua trước. Ông mạnh dạn phê phán Lý Thái Tổ (974-1028) đã cho xây quá nhiều chùa chiền, thay vì phải tiết kiệm sức dân để lo cho đất nước.

Cùng với đó Lê Văn Hưu còn chỉ trích cấm lệnh của vua Lý Thần Tông (1182-1137), khi ra chiếu: “Không cho con gái nhà quan lấy chồng trước khi dự tuyển vào hậu cung”. Lê Văn Hưu có lời lẽ róng riết rằng: “…Thế là để cung phụng riêng cho mình, đâu phải tấm lòng của người làm cha mẹ dân”.

Cách viết sử có trách nhiệm như vậy để lại sự tôn trọng của những triều vua sau đó. Lê Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, đúng như Ngô Sĩ Liên đánh giá, bởi tính phản biện trung thực trong tư tưởng của “Đại Việt sử ký”.

Cảnh Linh
.
.