Hồng Đăng - nhạc sỹ "lãng tử"

Thứ Sáu, 25/12/2015, 08:00
Tôi hỏi ông rằng có phải khi ông sáng tác bài hát "Hoa sữa", ông chưa hề biết hoa sữa là thế nào, phải tới 25 năm sau ông mới nhìn thấy hoa sữa? Ông bảo đúng đấy. Bài hát “Hoa sữa” ông viết cho bộ phim "Hà Nội, mùa chim làm tổ" cũng như bài hát "Giữa mùa hái sa nhân" phải 15 năm sau ông mới biết thế nào là hoa sa nhân...

Có bài báo viết rằng nhạc sỹ Hồng Đăng là người "định vị" cho hoa sữa Hà Nội.

Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em…

Mỗi lần đi trên đường Nguyễn Du ngạt ngào hoa sữa, trong đêm yên lặng, sau buổi trực báo căng thẳng, trong tôi lại ngân lên bài hát về hoa sữa Hà Nội của nhạc sỹ Hồng Đăng: "Em vẫn thường đợi anh/ như hoa từng đợi nắng/ như gió từng đợi rặng phi lao/ như trời cao mong mây trắng…". Lúc đó, tôi hơi lấy làm lạ vì sao Hồng Đăng lại nói tới rặng phi lao khi viết về Hà Nội. Mãi sau này tôi mới hiểu ra, gió, nắng, rặng phi lao… luôn gắn với cuộc đời của người nhạc sỹ "lãng tử" Hồng Đăng.

Mỗi lần gặp nhau, tôi lại gặp nụ cười rộng mở của ông. Có lần ông tặng tôi một cái bật lửa và mấy điếu thuốc lá ông mang về từ Thụy Điển. Với bạn bè, nhạc sỹ Hồng Đăng luôn hết lòng và cũng có nhiều bạn bè hết lòng vì ông. Hôm Báo Công an nhân dân họp cộng tác viên, tan buổi, tôi nhìn thấy vợ nhạc sỹ Hồng Đăng là chị Lê Anh Thúy dìu ông xuống bậc tam cấp của Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Tôi đến chào ông, mới biết ông bị xe máy tông gãy chân, giờ đi lại rất khó khăn.

Vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng - Lê Anh Thúy.

Đến thăm ông tại nhà riêng ngoài đê sông Hồng, người ra mở cửa, chào tôi rất lịch sự là một thanh niên đẹp trai, nhã nhặn. Lê Anh Thúy nói đó là con trai chị, tên Trần Lê Bảo Long, sinh năm 1988, hiện đang là đạo diễn sân khấu điện ảnh. Câu chuyện xoay quanh gia đình một dòng họ nổi tiếng ở xứ Nghệ. Hóa ra, nhà chí sỹ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu là anh ruột của thân phụ nhạc sỹ Hồng Đăng (ông tên thật là Phan Hồng Đăng).

Thân phụ nhạc sỹ Hồng Đăng là Phan Đăng Tài, trước cách mạng làm ở tòa sứ, rồi theo Việt Minh, từng là Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Sau này, khi gia đình chuyển ra Hà Hội, nhiều năm ông Phan Đăng Tài làm Trưởng phòng tư liệu của Báo Nhân Dân. Dòng họ Phan Đăng nhiều người đỗ đạt, thành danh như Phan Đăng Nhật (được giải thưởng nhà nước), ngay như thân phụ của nhạc sỹ Hồng Đăng, người biết 7 ngoại ngữ, đã dịch nhiều tác phẩm với bút danh Phan Hồng Sơn, ông cũng được mọi người gọi là "kho tư liệu sống". 

"Bố tôi là một nhà nho nhưng biết chơi đàn nguyệt. Từ nhỏ, tôi đã say mê tiếng đàn của ông, có lẽ con đường âm nhạc của tôi bắt đầu từ đó. NHO Y LÝ SỐ là cách mà bố tôi trải nghiệm. Ông biết đàn, biết hát, biết xem phong thủy… Ông đi rất nhiều nơi, nhất là vùng biển miền Trung, những chuyến đi bất tận đó ông thường cho tôi đi theo. Tính lãng tử của tôi có lẽ cũng từ những chuyến đi như thế… Chính nhờ những chuyến đi về với biển mà cảm hứng về biển trong tôi thật dạt dào… Chất biển đã thấm vào tôi như máu thịt để sau này tôi sáng tác các bài hát về biển như bài “Biển hát chiều nay”…

Dòng họ nhà tôi từ đời ông nội, đến đời bố tôi, rồi tôi luôn là những chuyến đi bất tận, ở hết chỗ này đến chỗ khác. Truyền thống gia đình tôi là luôn rộng mở, gia đình lúc nào cũng đông đúc, sẵn sàng đón bạn bè, con cháu, họ hàng, người làng, người xã đến ăn ở nhiều ngày… Luôn lấy tấm gương sống trong sáng, giàu tình thương, sống đàng hoàng, tử tế,  với tấm lòng rộng mở để dạy con, dạy cháu…" - nhạc sỹ Hồng Đăng tâm sự . Tôi quen biết nhạc sỹ Hồng Đăng từ lâu, ấy vậy mà mãi gần đây mới biết được truyền thống "lãng tử' trong gia đình ông. Hình như cuộc đời ông luôn là những chuyến đi. Đi, đi và đi để tìm cảm hứng cho những giai điệu ngọt ngào, những giai điệu lay động hồn người, những âm thanh lắng lại từ mọi miền đất nước…

Tôi hỏi ông rằng có phải khi ông sáng tác bài hát "Hoa sữa", ông chưa hề biết hoa sữa là thế nào, phải tới 25 năm sau ông mới nhìn thấy hoa sữa? Ông bảo đúng đấy. Bài hát “Hoa sữa” ông viết cho bộ phim "Hà Nội, mùa chim làm tổ" cũng như bài hát "Giữa mùa hái sa nhân" phải 15 năm sau ông mới biết thế nào là hoa sa nhân. Ông là người giàu tưởng tượng, với một tâm hồn nghệ sỹ lãng đãng chất thơ nên trong việc dạy dỗ con cái, ông cũng lãng đãng như vậy. Ông dạy các con bằng tấm gương của một người nghệ sỹ lớn, sống hết mình, yêu thương hết mình, sống đàng hoàng, tử tế …và giờ đây, sau bao thăng trầm của cuộc đời, các con ông đã trưởng thành, đã là những người công dân sống đàng hoàng, tử tế, biết yêu thương với tấm lòng rộng mở…

Nhạc sỹ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An; học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí "Âm nhạc và Thế giới âm nhạc". Ông là nhạc sỹ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam; ủy viên BCH Hội Giao lưu văn hóa Việt - Nhật; ủy viên Ủy ban Quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Ông được Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Cho đến nay, nhạc sỹ Hồng Đăng đã có tới 700 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau (Ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu…). Ông là người có công trong việc khởi xướng "Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam", và chính ông cũng được vinh danh trong "Con đường âm nhạc" năm 2007.

Khi tôi hỏi ông rằng có phải mấy chục năm qua, mỗi lần chia tay là ông ra khỏi nhà  với hai bàn tay trắng không? Ông im lặng. Ông chỉ nói về âm nhạc, về những say mê sáng tác, những khao khát sáng tạo không ngừng của người nghệ sỹ… Ông chỉ nói về những chuyến đi, về những nẻo đường của người "lãng tử", nói về bạn bè, về những miền đất, miền quê, về những miền gió cát của cuộc đời… Ông cho rằng trước đây đã có lúc ông nghĩ quá đơn giản.

Chia tay vợ là dứt áo ra đi. Gia đình tan vỡ chỉ vì những lý do không đâu làm bọn trẻ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Mà trẻ con nhiều khi suy nghĩ cũng sâu sắc lắm, không thể coi thường đâu. Giờ đôi khi nghĩ lại cũng có lúc ân hận vì không có nhiều thời gian chăm sóc các con… Nhạc sỹ Hồng Đăng có bốn người con nhưng chỉ có Phan Việt Phương (sinh năm 1972) là theo nghề bố, nối nghiệp con đương âm nhạc đầy gian nan, vất vả. Hiện ông đã có cháu ngoại, cháu nội và chắt ngoại. Năm 1990, khi đã ở tuổi 54, ông kết hôn với kỹ sư xây dựng Lê Anh Thúy. Một cuộc tình mà thời đó có bài báo cho là nhạc sỹ Hồng Đăng có hậu vì sau khi các con ông đã khôn lớn, trưởng thành, lại có vợ mới, trẻ, đẹp, đảm đang…

Tôi nhớ câu nói của nhạc sỹ tài năng Trịnh Công Sơn "Sống ở đời cần có một tấm lòng…" và  tôi thiển nghĩ, nhạc sỹ "lãng tử" Hồng Đăng là người đã sống ở đời với tấm lòng rộng mở như truyền thống gia đình ông và đã được người đời quý trọng.

                        Nhà vườn Sóc Sơn 2015

Dương Kỳ Anh
.
.