Hồn dân tộc qua tranh Tết xưa

Thứ Năm, 09/01/2020, 07:37
Xưa, cứ gần đến Tết, các làng tranh lại nhộn nhịp in vẽ rồi quẩy đi bán khắp các nẻo chợ quê. Ngoài hoa kiểng, bánh chưng, dưa hành, nhà nào cũng mua cho mình một bức tranh Tết về trang trí. Hương xuân, sắc Tết và cả hồn dân tộc gửi trong nét tranh tươi trong, ước vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.


Nhắc đến Tranh Tết xưa là nhắc đến tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, làng Sình và tranh kiếng Nam Bộ.

Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt

Dành nhiều năm nghiên cứu về tranh dân gian, PGS.TS Trang Thanh Hiền nhận định: "Mỗi bức tranh không chỉ là sự kết hợp hài hòa, sắc sảo của cách nhìn và quan niệm về thế giới, hiện lên như là biểu trưng của tinh hoa và kỹ thuật dân gian điêu luyện mà còn là sự tinh tế trong thẩm mỹ, là những thông điệp và ước vọng nhân sinh.

Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Tết nói riêng, có thể coi là một bách khoa thư về đời sống của người Việt, từ những quan niệm vũ trụ cho đến các tư tưởng khai phóng, đề cao giá trị nhân văn bên trong mỗi con người đều được hiện diện".

Bức "Đám cưới chuột" của làng tranh Đông Hồ.

Làng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống thuộc vùng châu thổ sông Hồng, riêng tranh làng Sình ở Huế. Các dòng tranh này chủ yếu thuộc thể loại tranh khắc gỗ, tùy theo từng dòng tranh mà dân gian xưa vận dụng các hình thức khắc, in, vẽ thế nào cho phù hợp.

Ở tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, ngoài bản khắc nét, người xưa còn dùng đến các bản khắc màu, in theo lối chồng nhiều bản. Trong khi đó, các dòng tranh như Hàng Trống, làng Sình lại sử dụng kỹ thuật vẽ (tô tranh) là chính, nên thường chỉ in một lần với một bản khắc nét. Các quy trình kỹ thuật khắc, in, vẽ này đều đem đến một hiệu quả thẩm mỹ khác nhau, làm nên sự phong phú đa dạng của nghệ thuật đồ họa dân gian Việt Nam.

Nếu bốn dòng tranh Tết trên được biết đến rộng rãi thì tranh kiếng Nam Bộ là một dòng tranh Tết khá mới mẻ. Nó ra đời khá muộn. Tranh kiếng có nguồn gốc từ Trung Quốc và theo chân cộng đồng Hoa Kiều du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người Việt phát triển và sáng tạo các đề tài, cách thực hiện mang đậm tâm thức Việt. Tranh kiếng Nam Bộ nổi tiếng với các dòng tranh như tranh Chợ Lớn, tranh Lái Thiêu, tranh Mỹ Tho, tranh Gò Công...

So với các dòng tranh dân gian miền Bắc và miền Trung, dòng tranh này là sự hội tụ nhiều yếu tố khác biệt lớn, mặc dù về chủ đề, đề tài, tranh kiếng Nam Bộ vẫn có những tiếng nói chung với các dòng tranh kể trên. Tranh được vẽ trên kính khác hoàn toàn với thể loại mộc bản ấn loát. Ngoài ra, kỹ thuật vẽ tranh kiếng cũng khá phức tạp do vẽ ngược vào mặt sau tấm kính.

Vì ra đời muộn nên tranh kiếng Nam Bộ sớm tiếp nhận thẩm mỹ nghệ thuật hiện đại. Các nghệ nhân đã thể hiện tranh theo luật thấu thị, không gian được diễn tả cận viễn gần xa. Cách thể hiện nền trời mây, cây lá không còn là đơn tuyến bình đồ nữa mà là đậm nhạt, hoặc chấm nét rất linh hoạt như hội họa hiện đại.

Các dòng tranh dân gian đều xoay quanh tám chủ đề quen thuộc gồm: Tranh tôn giáo, thờ cúng; tranh chúc tụng, cầu phúc; tranh cảnh vật; tranh tích truyện; tranh lịch sử; tranh sinh hoạt xã hội; tranh châm biếm; tranh tuyên truyền cổ động. Trong đó, tranh treo dịp Tết chủ yếu là tranh chúc tụng, cầu phúc.

Theo PGS. TS Trang Thanh Hiền, nếu so sánh tranh dân gian Việt Nam với các nước châu Á, tranh Việt thường mộc mạc, giản dị hơn. Tranh dân gian Việt Nam phổ biến là tranh khắc mộc bản, còn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, tranh vẽ tay rất đa dạng.

Tranh Việt đa phần là tranh khuyết danh nhưng tranh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại thường là tranh sáng tác của cá nhân và được lưu lại tên tuổi. Đề tài mẫu hình tranh dân gian Việt phong phú, đa dạng không kém gì các nước trong khu vực, tạo ra được những giá trị đặc sắc không thể trộn lẫn.

Con chuột trong tranh Tết

Nhắc tới con chuột trong tranh Tết người ta thường nhớ ngay đến bức "Đám cưới chuột" của dòng tranh Đông Hồ. Tìm hiểu kỹ mới thấy, trong nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam, hình tượng con chuột chỉ xuất hiện trong hai dòng tranh lớn ở miền Bắc là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Trong tranh Đông Hồ, hình tượng con chuột xuất hiện nhiều và sinh động hơn cả. Có lẽ do dòng tranh này ở chốn thôn quê nên chuột trở thành con vật quen thuộc hơn nhiều so với cư dân thành thị. Chuột là giống loài sinh sôi nảy nở chóng mặt.

Với đặc tính của loài gặm nhấm, chúng phá lúa, đục khoét đồ đạc, mang những mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Nhà nông quan sát chuột để đúc rút những kinh nghiệm quý báu về mùa màng như: chuột kéo đàn kéo lũ - mùa màng bội thu, chuột di cư - báo hiệu thời tiết không thuận lợi hoặc lũ lụt. Do vậy mà con chuột đã đi vào văn hóa người Việt cũng như tranh dân gian với đầy ắp những thông điệp sống.

Bức "Đôi công và hoa mai" (tranh kiếng Nam Bộ) với ý nghĩa vạn sự như ý.

Trong tranh dân gian Đông Hồ, có tới ba bức tranh chuột gồm: "Đám cưới chuột", "Chuột vinh quy" và "Chuột múa rồng". Trong tranh Hàng Trống thì có hai bức "Đám cưới chuột" và "Chuột vinh quy". Về hình thức, các bức "Đám cưới chuột" và "Chuột vinh quy" của hai dòng tranh này có bố cục, kết cấu tranh gần giống nhau, chỉ có vài chi tiết được thêm thắt như hình ảnh lá cờ và những con chữ đề trên tranh là khác.

"Chuột vinh quy" mang thông điệp về sự đỗ đạt, hiển vinh. Bức tranh "Chuột múa rồng" trong tranh Đông Hồ thường đi kèm với bức "Cóc múa lân". Ở cặp tranh này, hình tượng con chuột biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, con cóc là biểu tượng cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt. Rồng là biểu tượng cho nguồn nước, lân là biểu tượng cho ánh sáng.

Khi kết hợp lại với chủ đề "Nghinh long, phụng lân", cặp tranh nhằm truyền tải ước vọng của nông dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm dân gian nói chung là bức "Đám cưới chuột". Theo nhiều học giả nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam, tác phẩm này vốn rập khuôn từ mẫu hình tranh Niên họa Trung Quốc. Tuy nhiên, tranh Niên họa Trung Quốc có hàng trăm mẫu hình về đám cưới chuột gắn liền với câu chuyện: chuột già gả con gái cho mèo. Khi cả đoàn nhà chuột rước dâu đến nhà mèo thì mèo chén sạch cả bọn, không chừa một mống.

Dựa vào cốt truyện này, các bức tranh Niên họa Trung Quốc thường mô tả cảnh tan hoang, nháo nhác của đàn chuột. Tranh Niên họa mượn câu chuyện mèo chén sạch đàn chuột trong đám cưới nhằm gửi gắm thông điệp về sự tận diệt chuột bọ, tiêu trừ tận gốc cái xấu để đón năm mới tốt lành. Riêng ở tranh Đông Hồ, Hàng Trống, đám cưới chuột diễn ra tưng bừng, tươi vui. Cảnh trên là con mèo được lũ chuột cống nạp chim cá; cảnh dưới là đám cưới vui vẻ, yên bình. Chú rể, cô dâu đều thong thả. Do đó, tranh Việt mang thông điệp hoàn toàn khác, mang tính nhân văn hơn.

Nhiều người cho rằng chủ đề chính của bức tranh "Đám cưới chuột" là sự châm biếm nạn cường hào, ác bá, quan lại nhũng nhiễu ở nông thôn. Mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá, quan lại tham ô, còn chuột là dân nghèo bị áp bức bóc lột. Ngay cả khi vun đắp hạnh phúc riêng tư, dân cũng phải khúm núm xin xỏ, hối lộ cho bọn cường hào, quan tham mới được yên thân.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nhìn vào bức tranh sinh động, vui tươi thì tính châm biếm khá yếu thế. Đặc biệt, trong dịp Tết ý nghĩa, người dân không chuộng chọn tranh châm biếm. Treo bức "Đám cưới chuột" vào thời khắc quan trọng của năm mới, thực chất dân ta mong muốn một cuộc sống no đủ, đầm ấm. Con mèo được chuột cống chim, cá, nó sẽ căng bụng. Phía dưới là đám cưới rộn ràng cho thấy hạnh phúc đơm hoa kết trái, bắt đầu cho sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống.

PGS.TS Trang Thanh Hiền phân tích, nếu nhìn kỹ bức tranh ở hàng trên, ai tinh ý sẽ thấy hai con chuột đi sau thổi kèn là kèn đám ma! Nghĩa là ngoài chim, cá, những con chuột hàng trên cũng có thể là vật cống nạp cho mèo.

"Phải chăng thông qua hình tượng mèo và chuột, người xưa muốn gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ. Ở đó cũng thể hiện hàm nghĩa về sự cộng sinh hòa bình giữa muôn loài. Điều mà nếu chỉ nhìn trên góc độ châm biếm kể trên ta sẽ không bao giờ nhận thấy. Dung hòa mọi yếu tố, bức "Đám cưới chuột" nhằm hướng đến một năm đầy sung túc, no đủ, đồng thời gửi gắm những triết lý nhân sinh một cách nhẹ nhàng, tinh tế" - bà nhận định.

Phan Thi Uyên
.
.