Hollywood thi nhau đưa Donald Trump, Hillary Clinton và các Tổng thống Mỹ lên phim

Thứ Ba, 30/08/2016, 08:02
Khi đấu trường chính trị giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton tranh chiếc ghế tổng thống đang ngày càng khốc liệt, câu chuyện về hình ảnh tổng thống Mỹ trên phim Hollywood một lần nữa nóng lên.


Hình tượng Tổng thống xuất hiện "vô tội vạ" với …n khuôn mặt

Một bộ phim tài liệu có tên "Hillary's America: The Secret History of the Democratic Party" (Nước Mỹ của Hillary: Bí quyết lịch sử của đảng Dân chủ) ra mắt công chúng đúng mùa hè này đã gây được sự chú ý với khán giả Mỹ, đạt doanh thu không tệ so với một phim tài liệu, nhưng bị hầu hết giới phê bình chỉ trích (chỉ đạt số điểm 4% trên trang Rotten Tomatoes) vì sự tuyên truyền lộ liễu và minh họa sống sượng.

Hình ảnh của bà Hillary Clinton cũng gợi cảm hứng cho một phim... hình sự kinh dị ăn khách có tên The "Purge: Election year" (Sự thanh trừng: năm bầu cử). Đây là phần 3 của một loạt phim kinh dị nói về nước Mỹ trong tương lai gần (2022), khi mà tỉ lệ tội phạm tăng quá cao và nhà tù không còn chỗ chứa, Chính phủ Mỹ cho phép mỗi năm có một đêm thanh trừng, nơi công dân nước họ có quyền gây tội ác trong vòng 12 tiếng mà không bị pháp luật truy tố.

Phần 3 ra mắt mùa hè năm nay, lấy đề tài năm bầu cử Tổng thống Mỹ, khi một nữ chính trị gia đang tranh cử tổng thống bị một nhóm sát thủ mang mặt nạ tìm cách trừ khử trong đêm thanh trừng và cuộc chiến của bà ta để đắc cử tổng thống nhằm mục đích dẹp bỏ nạn thanh trừng...

Cảnh trong phim "House of Cards".

Từ những vị tổng thống vĩ đại trong lịch sử đến những kẻ dính chàm, từ những tổng thống đương nhiệm đến những cuộc chạy đua vào ghế tổng thống, từ những tổng thống có thật đến những tổng thống hư cấu... chưa bao giờ vắng bóng trên màn ảnh Hollywood.

Có những bộ phim về Tổng thống Mỹ được khai thác nghiêm túc và trở thành những tác phẩm lớn giành được chiến thắng tại các mùa giải Oscar, như "Lincoln" - được xem là một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ - lên phim rất nhiều lần. Đáng kể nhất là bộ phim tiểu sử cùng tên của đạo diễn Steven Spielberg với diễn xuất bậc thầy của Daniel Day-Lewis đã giúp tác phẩm này giành tới 12 đề cử Oscar năm 2013 và cuối cùng đoạt hai giải, trong đó có giải Oscar cho diễn xuất lần thứ ba của Day-Lewis.

Một đạo diễn lớn khác là Oliver Stone có một chùm ba bộ phim về ba tổng thống có thật: "JFK "(1991), kể về những bí ẩn trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy; "Nixon" (1995), nói về Richard Nixon với vụ bê bối chính trị nghe lén Watergate khiến ông ta phải từ nhiệm và gần đây nhất là "W" (2008) về Tổng thống George W.Bush lúc ông ta còn đương nhiệm với cái nhìn không khoan nhượng...

Đấu trường chính trị năm nay giữa bà Hillary Clinton (có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ) và ông Donald Trump (tỉ phú ngông cuồng, lố bịch) cũng trở thành nguồn cảm hứng và đề tài cho nhiều bộ phim Mỹ.

Bi quan về chú Sam tạo điều kiện cho ứng viên Donald Trump?

Trong loạt phim truyền hình "The Newsroom" (Phòng tin tức) của kênh HBO, có một cảnh phim sau đó được cắt dựng thành một clip và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Trong một cuộc đối thoại bàn tròn trực tiếp, một cô sinh viên hỏi: "Nước Mỹ có phải là quốc gia vĩ đại và tuyệt vời nhất trên thế giới không?".

Tất cả các nhân vật chính khách đều gật gù đồng ý với điều trên xem ra là điều hiển nhiên. Chỉ có một người, Will McAvoy (Jeff Daniel đóng) - điều hành một kênh tin tức - đã khiến cả cử tọa phải choáng váng với câu trả lời mà ông ta đưa ra: "Mỹ có phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có tự do? Không. 207 quốc gia trên thế giới thì khoảng 180 quốc gia có tự do.

Nước ta đứng thứ 7 về tỉ lệ biết chữ, đứng thứ 27 về toán học, thứ 22 về khoa học, thứ 49 về tuổi thọ, thứ 178 về tỉ lệ sơ sinh sống sót, thứ 3 về thu nhập bình quân trên hộ gia đình, thứ 4 về lực lượng lao động và thứ 4 về xuất khẩu. Ta chỉ đứng đầu thế giới trong ba hạng mục: lượng phạm nhân bị giam giữ trên bình quân đầu người; lượng người trưởng thành tin là thiên thần có thật và chi tiêu quốc phòng, nhiều hơn 26 quốc gia ở vị trí tiếp theo cộng lại, 25 trong số đó là đồng minh của ta...".

Niềm tin và sự tự hào về nước Mỹ đang bị xói mòn, ta có thể thấy điều đó qua những gì mà phim ảnh Hollywood phản ánh. Trong bộ phim "The Ides of March" (Chiến dịch tranh cử) ra mắt năm 2011 của đạo diễn kiêm diễn viên chính George Clooney, chính trường nước Mỹ lại hiện ra đằng sau một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Dù nước Mỹ không còn hùng mạnh như trước, dù niềm tự hào về "giấc mơ Mỹ" đã dần cạn kiệt, nhưng việc "đứng thứ 2 hay thứ 3 thế giới" chắc chắn không phải là lựa chọn của họ. Đó cũng là cách mà ông Donald Trump tìm cách kích thích và thu hút đám đông qua cuốn sách best-seller "Làm thế nào để nước Mỹ què quặt hùng mạnh trở lại?" mà ông tung ra trong chiến dịch tranh cử... Nhưng làm sao ta biết được đâu là sự thật trong những lời nói và lời hứa của họ?

Hấp dẫn "Ván bài chính trị"

Những thủ đoạn chính trị, những âm mưu mờ ám và khả năng điều hành một đất nước lớn nhất thế giới của một vị Tổng thống Mỹ có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất và hấp dẫn nhất là loạt phim truyền hình "House of Cards" (Ván bài chính trị) của Netflix, vừa kết thúc mùa thứ 4 trong hè này.

Sở dĩ bộ phim được đánh giá cao (và là một trong những loạt phim yêu thích nhất của Tổng thống Obama), dù chỉ là loạt phim hư cấu, vì nhóm biên kịch của loạt phim này đã không ngần ngại bóc mẽ chính trường nước Mỹ ngay ở thời điểm hiện tại.

Trong tập kết thúc của phần 4, Tổng thống Frank Underwood và vợ, cánh tay phải mưu lược của mình lại chuẩn bị cho một ván cờ chính trị lớn. "Tôi chán việc phải quyến rũ trái tim của người khác lắm rồi. Chúng ta sẽ tấn công thẳng vào trái tim họ bằng nỗi sợ và sự hỗn loạn" - Claire Underwood, phu nhân Tổng thống nói. Và Frank (qua diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên hai lần đoạt Oscar Kevin Spacey), như thường lệ, nhìn thẳng vào ống kính và nói: "Đúng vậy. Chúng ta không đầu hàng bọn khủng bố. Chúng ta tạo ra bọn khủng bố".

Những hình mẫu Tổng thống Mỹ gây ấn tượng trên phim ảnh

Tổng thống hành động - có thể nói như vậy về vai diễn của Aaron Eckhart trong "Olympus Has Fallen". Bộ phim ra mắt năm 2013 kể về một nhóm khủng bố vũ trang đầy đủ, tấn công vào Nhà Trắng với mục đích bắt giữ tổng thống làm con tin. Trong "Olympus Has Fallen", Tổng thống Benjamin Asher - người được khắc họa mê môn boxing - được nhớ tới không phải với các quyết định làm thay đổi số phận nước Mỹ, mà bằng những pha chiến đấu cận cảnh, sử dụng sức mạnh cơ bắp, thậm chí là cả các pha đấu súng tay đôi với những tên khủng bố giải cứu bản thân và cứu cả các nhân viên khác trong Nhà Trắng bị bắt làm con tin. Cuối năm 2015, Aaron Eckhart tiếp tục thủ vai Tổng thống Benjamin Asher trong phần 2 của phim này mang tên "London Has Fallen".

 Người cha mẫu mực - 2013 là năm mà đề tài những cuộc tấn công trực diện, táo bạo vào Nhà Trắng được các nhà làm phim Hollywood khai thác triệt để. Ba tháng sau khi "Olympus Has Fallen" ra mắt, một lần nữa quang cảnh toà nhà quyền lực nhất nước Mỹ bị bắn tan tành được tái hiện trong "White House Down".

Lần này, người thủ vai Tổng thống Mỹ là nam diễn viên da màu Jamie Foxx, gợi liên tưởng đến hình ảnh đương kim Tổng thống Barack Obama ngoài đời thực gây ấn tượng với hình ảnh một người cha rất thương con, một người chồng rất biết chăm lo cho gia đình. Giữa những cảnh súng đạn, cái chết cận kề ở bên, hình ảnh 2 người cha đều có con gái: chàng cận vệ John Cale và Tổng thống Sawyer - ngồi tâm sự, chia sẻ với nhau những khó khăn, kinh nghiệm khi nuôi dạy con - trở thành một điểm nhấn đi vào lòng người xem.

Trong bộ phim "Big Game"  ra mắt năm 2014, Tổng thống Mỹ Samuel L.Jackson là một người cực kỳ... vô tích sự. Ông ta chẳng có tài năng nào, yếu đuối về thể chất (chống đẩy không nổi 10 cái, không biết bắn súng, cận chiến thì chỉ trở thành bị bông), đầy tật xấu, lại tham ăn tham uống. Chi tiết thể hiện sự vô dụng nhất của vị Tổng thống này là phải trông cậy vào một cậu bé 13 tuổi để tồn tại trong khu rừng. Tài năng duy nhất của nhân vật Tổng thống này là giỏi che giấu sự bất an. Samuel L.Jackson đã thành công khi khắc họa hình ảnh một Tổng thống Mỹ vô dụng nhất trong lịch sử, một nhân vật trung tâm của sự châm biếm.

Minh Trường
.
.