Hồi ức thôn dã dành cho…thị dân

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:00
Một bộ phim không hề hấp dẫn. Người bạn đi cùng ghé tai tôi nói nhỏ lúc phim chạy được khoảng mươi phút, "nếu phim này chiếu trên TV, mình đã chuyển kênh rồi".

Trơn tru và thiếu cảm xúc

Thực sự, nhìn về tổng thể, bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" khá trơn tru về kịch bản, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh…. nhưng cảm xúc đọng lại không nhiều. Với một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, thì bộ phim này không mang lại cho tôi quá nhiều ấn tượng. Nhưng có thể với tầng lớp thị dân, quen với tuổi thơ quẩn quanh ở chung cư, cao ốc nhà tầng, phố xá thì có thể nói rằng, bộ phim như một hồi ức thôn dã dành cho người thành phố mà thôi. Nhưng theo cảm nhận cá nhân, tôi cho là có nhiều điều không ổn ở bộ phim này.

Hai em bé Tường và Mận đang chơi với chú cóc tía trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Thứ nhất, có thể thấy ngay một điểm bất hợp lý rất rõ khi bộ phim nói bối cảnh phim là ở miền Nam Trung Bộ năm 1989 (mà qua thông tin tiếp thị rầm rộ thì ai cũng biết cảnh quay ở tỉnh Phú Yên), nhưng các nhân vật toàn nói giọng miền Nam. Sự hài hòa giữa ngôn ngữ vùng miền và bối cảnh phim (được nhà làm phim công bố) dù thế nào vẫn có một giá trị riêng trong tác phẩm điện ảnh.

Nếu phim đi chiếu ở nước ngoài thì chắc không khán giả nào để ý điều đó, nhưng nếu chiếu trong nước, có lẽ nhiều người Phú Yên nói riêng hay những người ở miền Nam Trung Bộ nói chung chắc sẽ không vui. Vì cảnh đó mà sao nhân vật lại nói giọng đó nhỉ? Sự vênh lệch này gây lấn cấn với người xem ngay ở những phút đầu.

Ở vấn đề này, thiết nghĩ, nếu đã thực sự dụng công và muốn tạo nên sự thống nhất giữa câu chuyện, bối cảnh và con người, nhà làm phim hoàn toàn có thể lồng tiếng. Còn nếu không, cũng không cần phải ghi rõ bối cảnh trong phim là ở miền Nam Trung Bộ năm 1989. Điều đó đâu có quan trọng lắm nếu thực sự thuộc về chủ ý?

Nhân đây cũng xin nhắc lại một bộ phim khác là "Lửa Phật" của đạo diễn Dustin Nguyễn. Trong phim, Dustin cho nhân vật của mình ăn mặc hệt như những người Mỹ cao bồi miền Tây, nhưng cũng chẳng nói bối cảnh sinh sống của nhân vật ở đâu. Tất cả hoàn toàn nằm trong chủ định mang tính biểu tượng, và mọi sự trở nên không đáng thắc mắc nữa.

Thứ hai tôi gọi là sự bao trùm của cảm giác quá lý trí ở bộ phim này. Đó là điều thực sự không nên có ở mọi bộ phim chứ đừng nói với một bộ phim mà chỉ cái tên thôi cũng đã đầy thi vị: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Và rồi các tình tiết trong đó, những hoàng tử, nàng công chúa, những con cóc tía, những chàng thư sinh…. đó toàn là các nhân vật sống trong thế giới mộng mơ, kỳ ảo của tuổi thơ đó chứ. Ấy thế nhưng dưới sự dẫn dắt bài bản, chặt chẽ và đầy lý trí của các nhà biên kịch và đạo diễn, chúng bị xơ cứng và rõ rệt ý đồ tới mức chỉ nghe phần nhạc dạo đầu và một vài hình ảnh trò chơi dân gian, người xem hiểu ngay sự dàn xếp ấy.

Với những đứa trẻ của thế hệ cuối 8X, đầu 9X trở đi của ngày hôm nay, tôi không chắc lắm về sự am tường hay thích thú của chúng với những trò chơi dân gian, những trò chơi nói nôm na là của con nhà nghèo ngày xưa như nhảy dây, đánh bi, chọi cỏ gà… nhưng với những đứa trẻ ở thế hệ trước đó, điều này không xa lạ.

Tuy nhiên việc nêm nếm quá nhiều những "thương nhớ mười hai" đó vào trong phim mà không thực sự gắn với lô-gich phát triển của câu chuyện cho thấy nhà làm phim đang cố gò vào tác phẩm một tinh thần hoài cổ.

Thú thực, người ta có thể cảm động khi xem lại một trò chơi cũ, một thói quen cũ, nhưng phải là trong bối cảnh nào đó phù hợp, gắn với tình tiết, sự kiện nào đó, còn nếu chỉ đưa ra như trình diễn trên sân khấu thì cùng lắm chỉ khiến những đứa trẻ quen với máy tính bảng, điện thoại thông minh hôm nay tò mò chút đỉnh, chứ không dễ lấy được nước mắt của khán giả như nhà báo nào đã viết.

Có thể tôi cực đoan nhưng rõ ràng chất lý trí và áp đặt đã giết chết cảm xúc mộng mơ, hồn nhiên đáng lẽ phải có, và nhà làm phim hẳn cũng đã cố, nhưng lại không cảm thấy được trong bộ phim này.

Ai cũng biết nhà làm phim nào cũng đều rất chủ ý trong từng chi tiết, nhưng tài năng giữa họ theo tôi khác nhau ở chỗ có để người xem nhận ra sự sắp xếp chủ ý đó hay không.

Nỗ lực hoài cổ gượng ép

Chợt nhớ tới nhận định của một họa sỹ từng có thời gian lăn lộn với nghề thiết kế mỹ thuật trong phim nói, "xem phim Việt, có hai đề tài nên tránh là chiến tranh và trẻ em, không xem nổi đâu, vô hồn lắm". Đã có lúc tôi từng cố biện bạch "có lẽ ông ấy vơ đũa cả nắm", nhưng mà hóa ra với bộ phim này, ông ấy đã đúng. Diễn xuất của các em nhỏ trong phim không dở, nhưng hay thì chưa đạt tới.

Thứ ba, sự vênh nhau giữa cảnh phim và câu chuyện phim. Vâng, nói điều này ra tôi biết trước là có thể mình sẽ hứng cả một cơn mưa gạch đá. Nhưng không nói thì cảm thấy hình như nói chưa hết những bất ổn cứ lấn cấn trong lòng sau gần một tiếng rưỡi xem phim.

Hai anh em Thiều, Tường và Mận, ba nhân vật chính trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Trước đó, đọc các bài bình phim trên báo chí, thấy truyền thông khen nhiều về những cảnh quay đẹp với các mỹ từ đều ở mức không thể hơn, hẳn ai cũng háo hức. Vì đã từng có dịp tới Phú Yên nên ấn tượng về cảnh sắc thiên nhiên ở đây vô cùng đậm nét, tôi tin lời khen đó sẽ không ngoa, nhất là với một đạo diễn có nghề như anh Victor Vũ.

Đúng là cảnh phim rất đẹp. Nhưng không biết có ai tự hỏi giữa cảnh quay và câu chuyện đời của các nhân vật trong phim có gì liên quan với nhau không nhỉ. Cái đẹp đó có góp thêm hấp dẫn gì vào câu chuyện phim hay chỉ cốt kéo lại chút gì ở sự mãn nhãn của người xem.

Sự lắp ghép ở nhiều cảnh quay là khá rõ ràng. Phải chăng bộ phim còn có mục đích khác nữa là quảng bá cho du lịch Phú Yên, nếu thực thế thì có lẽ người xem cũng nên cố gắng chấp nhận sự vênh lệch này. Câu chuyện giữa các em bé như Thiều, Tường, Mận, Nhi đáng lý có thể diễn ra ở một khung cảnh khác giản dị hơn, gần gũi hơn, không cần tới những góc máy lớn, những khung hình rộng, những đại cảnh trời mây trăng gió hoàn toàn không phù hợp với lô-gich phát triển của câu chuyện.

Thứ tư, chắc rồi vẫn phải nói về sự bất lực của điện ảnh trong việc thể hiện những gì vốn rất hấp dẫn của văn chương. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" phiên bản phim còn rườm rà và tản mạn, đôi lúc dài dòng (một số trường đoạn hình như có phảng phất vị "Cô dâu 8 tuổi', nhất là đoạn Tường bị ngã, cô bé Nhi bị mấy đứa trẻ trêu chọc ngã).

Với cá nhân tôi, văn phong của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hấp dẫn ở cảm xúc, ở sự hồn nhiên, tinh tế và rất gần với tâm lý người trẻ. Nhưng đó phải là khi ta đọc tác phẩm của ông ở đúng cái tuổi ấy, với những mộng mơ tâm lý của cái thuở ấy, và chính vì thế mà không phải lứa tuổi nào cũng thích văn ông là vì vậy.

Có nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thú thực, nếu kể ra thì chẳng có chuyện gì kịch tính lắm, thậm chí nhiều khi chỉ là những chuyện rất bình thường, nhưng nhiều người đọc vẫn rất thích, có lẽ chính bởi cái duyên của người kể, mà cái duyên ấy lại nằm ở ngôn từ.

Đã như thế, bảo sao điện ảnh không bất lực? Nói làm sao, thể hiện làm sao những thứ chỉ có thể cảm qua ngôn từ mà không diễn tả thành hình ảnh, thành lời nói hay thành một thứ có thể nhìn ngắm sờ nắm được. Cho nên về điểm thứ tư này, có lẽ những người vì yêu sách mà tới rạp xem phim rồi bị thất vọng, hẳn sẽ đồng cảm ít nhiều.

Trong lịch sử điện ảnh, đã mấy hồi từ sách lên phim mà phim đã vượt mặt được sách? Lẽ dĩ nhiên sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng tại chúng trót "gian díu" với nhau ở cùng một cốt truyện nên đương nhiên không thể tránh được chuyện lời ra tiếng vào.

Nói tóm lại, bàn về một bộ phim, các nhà lý luận phê bình có thể còn nhiều góc độ chuyên môn để tranh luận, nhưng nếu nhìn từ hàng ghế khán giả, người xem chỉ quan tâm tới một câu hỏi thôi, đó là "phim có hay không", hay nói cách khác là "phim có hấp dẫn không".

Và người viết bài này đã thấy thói quen vỗ tay sau khi bộ phim ở rạp kết thúc hình như hôm nay đã bị các khán giả trẻ quên mất. Trong tiếng nhạc dạo nỉ non cuối phim, cũng không thấy tiếng ồn ào trao đổi với nhau như mọi lần. Hình như lần này đạo diễn Victor Vũ đã "hơi bị hiền" trong tác phẩm điện ảnh của mình. 

Nhưng thực tế bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đang được khán giả hai miền Nam - Bắc kéo nhau đến rạp đông đến nỗi có nhiều bạn trẻ chen chúc nhiều ngày không mua được vé vào xem. Phải chăng đó là hiệu ứng từ truyền thông mang lại cho khán giả? Phải chăng, truyền thông đang vô tình (?) trở thành công cụ kiếm về bạc tỉ cho các nhà làm phim?

Đỗ Dương
.
.