Hoạt động văn hóa - nghệ thuật Chào xuân 2019 ở Hà Nội: Sôi động triển lãm con giáp

Thứ Bảy, 26/01/2019, 07:49
Dường như năm mới Kỷ Hợi với biểu tượng con lợn sung túc, hiền hòa, an nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ. Tết Kỷ Hợi có lẽ sẽ là một cái Tết khá rộn ràng với rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật vừa và nhỏ chào đón mùa xuân mới...


Chào đón năm mới Kỷ Hợi 2019, bắt đầu từ trung tuần tháng Chạp đã có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính chất "Chào xuân" được khai mở. Dường như năm mới Kỷ Hợi với biểu tượng con lợn sung túc, hiền hòa, an nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ. Tết Kỷ Hợi có lẽ sẽ là một cái Tết khá rộn ràng với rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật vừa và nhỏ chào đón mùa xuân mới.

Con Lợn - cảm hứng mới mẻ của các họa sĩ đương đại

Một trong các hoạt động nghệ thuật đón xuân sớm nhất được chú ý đó chính là triển lãm "Tranh Tết Kỷ Hợi" tại Đông A Gallery, Nhà sách Cá Chép - 115 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) trưng bày và giới thiệu 57 tác phẩm của 30 họa sĩ đương đại Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 15-1 đến ngày 23-1-2019, đây không phải là lần đầu tiên Đông A Gallery tổ chức triển lãm tranh chủ đề con giáp mà là sự tiếp nối thành công của triển lãm "Tranh Tết Mậu Tuất", năm nay triển lãm tranh Tết tăng cả về số lượng họa sĩ và tác phẩm tham gia.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bên bộ sưu tập quý của mình đang được triển lãm.

Dưới nét vẽ tài hoa của 30 họa sĩ đương đại Việt Nam, 57 bức tranh trong "Tranh Tết Kỷ Hợi", với nhiều phong cách khác nhau được giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật như: "Lợn Mán" và "Tự họa năm Hợi" của họa sĩ Thành Chương với ngôn ngữ hội họa rất đặc trưng là độ tương phản mạnh, đậm chất dân gian nhưng cũng rất hiện đại; "Tình Xuân" của Đăng Thu An lại duyên dáng, rực rỡ sắc màu và vô cùng nữ tính; Ngụy Đình Hà giới thiệu tới công chúng hai tác phẩm mới nhất là "Du xuân" và "Vũ điệu mùa xuân"; tác phẩm "Sung mãn" và "Sung túc" của Lê Trí Dũng được gợi hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở...

Tất cả những bức tranh có mặt tại triển lãm là về cùng một chủ đề nhưng mỗi tác phẩm lại tạo được một ấn tượng và cảm xúc riêng, như hân hoan chào đón con vật biểu tượng của năm, đánh dấu sự khởi đầu một năm an lành, mang đến điểm nhấn thú vị và đầy tính thời sự cho đời sống nghệ thuật Thủ đô... Đồng thời đem đến những cái nhìn mới, những chiêm nghiệm thú vị cho khán giả về con giáp "Hợi" khi bước chân vào ngưỡng cửa 2019.

Cũng là một triển lãm tranh về chủ đề con giáp, triển lãm "Hợi Dome" cũng là một hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đáng chú ý vừa khai mạc hôm 20-1 do nhóm học sĩ G39 và Hàng Da Galleria tổ chức. Hoạt động triển lãm tranh con giáp do nhóm họa sĩ G39 khởi xướng và duy trì đến nay đã bước sang mùa Tết thứ 6, trở thành một trong những hoạt động thường niên và nhận được sự hưởng ứng, đón nhận của đông đảo khán giả.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nghệ thuật trong "Hợi Dome" không thoát ly khỏi đời sống mà là dẫn về đời sống ở ý nghĩa bình dị, đẹp đẽ của nó: Trong không gian tươi tắn, giàu sức sống của cỏ cây, hoa đào, hoa mận, hoa sen, hoa cúc, những con giáp "hợi" xuất hiện hoàn chỉnh vẻ đẹp của cuộc sống; phản chiếu, giao hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, loài vật với đời sống con người. Với những tên tuổi vừa quen vừa lạ như Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Tào Linh, Trịnh Quế Anh..., triển lãm "Hợi Dome" không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của cái Tết truyền thống mà còn đem đến niềm hi vọng về một năm mới tươi tốt, an lành. Đặc biệt, trong triển lãm "Hợi Dome" còn có một góc dành cho các cháu thiếu nhi treo tranh Kỷ Hợi tạo nên sự hứng thú đặc biệt cho khán giả thưởng thức.

Sôi động triển lãm chủ đề về Lợn

Một triển lãm cũng về chủ đề con giáp khác cũng hứa hẹn được khán giả Thủ đô quan tâm đó chính là chủ đề "Con Giáp của tôi - Lợn sung túc" do Tạp chí Xưa & Nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng Hội Quán Di Sản tổ chức từ ngày 23-1 và sẽ mở cửa tất cả các ngày trong dịp Tết, kéo dài đến tận ngày 28-2. Triển lãm "Con Giáp của tôi - Lợn sung túc" sẽ giới thiệu một phần trong bộ sưu hơn 6.000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn... của nhà sử học Dương Trung Quốc sau nhiều năm dày công sưu tầm những sáng tạo về con giáp mà ông "cầm tinh".

Cũng với mong muốn gửi đến công chúng thông điệp về một năm mới ấm no và hạnh phúc, sum vầy, đây là năm đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan vui chơi trong suốt dịp Tết cổ truyền.

Diễn ra vào trước, trong và cả sau dịp Tết, lại trưng bày linh vật biểu tượng của năm 2019 với trên 200 hiện vật đủ chất liệu, đa dạng kiểu dáng và có rất nhiều hình tượng chú Lợn được nghệ nhân các quốc gia trên thế giới thể hiện, triển lãm "Con Giáp của tôi - Lợn sung túc" được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thú vị cho công chúng Thủ đô trong hành trình đi du xuân.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên công chúng được tiếp cận bộ sưu tập những chú Lợn gốm của Nguyễn Văn Toán, bộ tranh 12 con giáp được thể hiện trên mâm gỗ cổ của họa sĩ Lê Trí Dũng, những bức tranh vẽ Lợn mới nhất của họa sĩ Lê Trí Dũng phục vụ cho triển lãm, tác phẩm Lợn đại diện nghệ nhân làng nghề Gốm Bát Tràng, những bức tranh dân gian truyền thống của các làng nghề Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống. Đặc biệt là bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ về Lợn năm 1983 lần đầu tiên được giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô...

Khai mạc chỉ sau triển lãm "Con Giáp của tôi - Lợn sung túc" là triển lãm "Sắc Dó và Gốm Hương Canh" tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) để tôn vinh 2 làng nghề truyền thống đó là làng gốm sành Hương Canh (Vĩnh Phúc) và làng giấy dó Dương Ô (Bắc Ninh).

Triển lãm này sẽ kéo dài gần một tháng (từ 26-1 đến 24-2-2019), trong đó cũng trưng bày nhiều sản phẩm gốm sáng tạo hình con lợn và có cả những bức tranh vẽ hình con lợn trên chất liệu giấy dó. Có vẻ như năm 2019 với con giáp Kỷ Hợi, các họa sĩ, nhà sưu tầm đã dành cho con giáp gần gũi, thân thương này thật nhiều tình cảm trìu mến, nhiều cảm hứng và sự sáng tạo không mệt mỏi.

Rộn ràng nhiều hoạt động vui chơi giải trí

Không chỉ sôi động với các hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi năm, dịp Tết năm nay các hoạt động vui chơi giải trí, không gian diễn xướng... dường như cũng có sự rộn ràng hơn. Ở các địa chỉ vui chơi công cộng vốn đã nổi tiếng và quen thuộc như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ vẫn duy trì các gian hàng tranh Tết, ông đồ, các triển lãm nhỏ...; phố sách Xuân ở Bờ Hồ cũng dự kiến sẽ khai mạc từ mồng 3 Tết; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội) cũng sẽ có các hoạt động trình diễn về Tết cổ truyền của người Kinh và tái hiện một số hình ảnh tiêu biểu về chợ quê ngày Tết, phong tục đón Tết, nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Tày, Chăm - Khmer... Nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác tại các địa chỉ văn hóa quen thuộc như đã nêu sẽ được "sân khấu hóa" cho đẹp hơn để phục vụ khán giả.

Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" đang được quảng bá rầm rộ để phục vụ khán giả vào tối mồng 6 Tết.

Ở Hà Nội, có một chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả dịp Tết không thể không nhắc đến, đó chính là chương trình biểu diễn nghệ thuật "Tinh hoa quà Tết" được đơn vị sở hữu vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (tại xã Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Tây) quảng bá rầm rộ từ cả tháng nay.

Với chương trình này, khách hàng mua vé xem chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ" với số lượng từ 10 vé trở lên sẽ được áp dụng chương trình giám giá tới 50% chỉ còn 400 - 600 ngàn đồng/vé (vé có thời hạn sử dụng đến hết ngày 30-6-2019). Đồng thời, chương trình khai màn năm mới diễn ra vào tối mồng 6 Tết (ngày 10-2 dương lịch) được hứa hẹn là sẽ đem đến nhiều bất ngờ thú vị và sẽ là chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ" được chờ đợi nhất trong năm.

Tại Thủ đô, về cơ bản các sân khấu công lập sẽ "đóng cửa ăn Tết" như mọi năm. Có một số nhà hát sẽ có một số buổi biểu diễn khai xuân như Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có đêm diễn đầu tiên vào tối 10-2 (tức ngày mồng 6 Tết) với tên gọi "Hương xuân Hà Nội".

Với chương trình này, bên cạnh những ca khúc về mùa xuân và tình yêu đôi lứa, còn có các tiểu phẩm hài như "Tơ trời mong manh", "Ông và bố tôi"... Nhà hát Chèo Việt Nam cũng sẽ "vén màn năm mới" vào ngày 14-2 (tức ngày 10 tháng Giêng) với vở "Lưu Bình - Dương Lễ". Còn lại, về cơ bản, các hoạt động văn hóa, các chương trình nghệ thuật sẽ thực sự trở lại quỹ đạo đời sống bình thường sau Tết... Nguyên tiêu!

Nguyệt Hà
.
.