Hoạ sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ, một năm ba lần khuấy động công luận

Thứ Sáu, 26/01/2007, 10:30
Dù còn điều này tiếng khác song có một thực tế không dễ phủ nhận: Trong năm qua, để khuấy động được sự chú ý của công luận như họa sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ, mà lại khuấy động tới... 3 lần là điều không phải ai cũng làm được.

Nhân dịp cuối năm Bính Tuất, chúng tôi có cuộc trao đổi cởi mở, “lật bài ngửa” với ông Cù Huy Hà Vũ để nhìn nhận lại những vụ việc mà ông là “đồng tác giả” trong năm qua.

- Người đời vẫn xem thân phụ ông - nhà thơ Cù Huy Cận thuộc vào hàng khai quốc công thần. Vậy mà sinh thời, cụ hoàn toàn bằng lòng với vị trí Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông nghĩ thế nào mà đột nhiên “nhảy ra” xin ứng cử vào vị trí Bộ trưởng cao vời như thế?

+ Nói thật là việc tôi ra ứng cử không có ý đồ sắp xếp trước. Chỉ là tình cờ: Một hôm, khoảng tháng 5, đến nhà một người bạn, lật giở một chồng báo, tôi thấy đăng thông báo Quốc hội sắp tới sẽ thay một số Bộ trưởng, có nói 5 Bộ, trong đó có Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT). Lập tức, tôi nảy ra ý: Như vậy, thay Bộ trưởng, thì Cù Huy Hà Vũ với tư cách một công dân, thấy mình đầy đủ năng lực xứng đáng thì ra ứng cử.

- Và ông tin rằng ý nguyện của mình sẽ thành hiện thực? Hay đơn thuần- như có người vẫn nghĩ- đó là một cách làm lạ, gây chú ý của ông?

+ Tôi là người được đào tạo bài bản ở Tây, luôn luôn nghĩ tới tính hiệu quả. Không bao giờ nghĩ “không được” mà tôi lại ra ứng cử. Xét về nhiều phương diện, tôi thấy việc tôi ra ứng cử lúc ấy là chín muồi.

Bạn nên nhớ, Cù Huy Hà Vũ có bằng Thạc sĩ văn chương của Pháp, bằng TS Luật ở đại học Sorbonne. Bằng này cho thấy khả năng xây dựng pháp luật, và thẻ Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam để thấy Hà Vũ có chân trong một ngành nghệ thuật.

Còn về truyền thống gia đình, có thể khẳng định luôn là, tới thời điểm ấy, ít người “cạnh tranh” được. Nhiều người biết mình là con cụ Cận, nhưng không phải ai cũng biết mình còn là cháu ông Diệu (nhà thơ Xuân Diệu; Cù Huy Hà Vũ gọi bằng bác).

- Mặc dù việc không thành, nhưng có lẽ công luận cũng tôn trọng cá tính của ông. Bằng chứng là báo chí ít “chọc ngoáy” khi đưa tin.

+ Nên nói là chưa thành thì đúng hơn. Tôi khẳng định trước sau tôi sẽ là Bộ trưởng trong tương lai. Còn về báo chí, tôi đọc nhiều, thấy tất cả đều rất hoan nghênh. Có người còn cho rằng, tôi là người đã đặt được một cột mốc. Vâng, tôi cứ ôm cột mốc chứng minh công dân có quyền theo hiến pháp quy định, có quyền đóng góp cho đất nước.

- Nhưng đến vụ ông “kiện” album “Chat với Mozart” của Mỹ Linh là xâm phạm bản quyền, người ta đã phần nào khó chịu với cách đặt vấn đề của ông. Nếu tôi không nhầm thì chính lãnh đạo Cục Bản quyền và Sở VH-TT Hà Nội cũng đã có ý kiến khác về vụ việc này?

+ Chưa xuôi đâu. Sắp tới chắc chắn Cục Bản quyền và Sở VH-TT Hà Nội sẽ phải chính thức trả lời tôi. Có cơ sở pháp lý nào bênh vực được? Tôi tin tưởng việc phạt Mỹ Linh là chắc chắn. Luật Sở hữu trí tuệ ghi rất rõ: Nhạc có hai loại: có lời và không lời. Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được.

Ấy là chưa nói tới việc nhạc không lời (trong trường hợp này là nhạc giao hưởng - NV) là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa.

- Cứ cho là ý kiến của ông đúng, thì việc ông “tố” người “trong nhà” với người “bên ngoài” xem ra có gì đó không được “thuận tình” thì phải?

+ Không được! “Thế giới phẳng”, phải coi người ở ngoài cũng như mình. Phải trên cơ sở luật chơi chung. Vả chăng, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, tôi lên tiếng “kiện” Mỹ Linh là làm theo tinh thần ấy đấy. Mà làm thế, sau này mới có cớ “gào” lên bảo vệ cho các nhạc sĩ trong nước nếu họ bị vi phạm bản quyền ở nước ngoài.

Nhân đây tôi cũng xin tiết lộ rằng: Có tờ báo nước ngoài phỏng vấn tôi, họ cho biết bản thân nước ngoài cũng không phát hiện ra “vụ” này. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói trên báo mạng: Phải là người rất tinh tế mới phát hiện ra vụ này. Phải có cái đầu tinh tế.

- Ông quả là người quyết liệt, kể cả trong những vụ “ăn cơm nhà, vác tù và…”? Có lúc nào ông thấy mệt mỏi, nhất là với vụ liên quan đến ca sĩ Mỹ Linh, ông bị dư luận không mấy hoan nghênh? 

+ Vụ này thật ra tôi chưa bị “phê” nhiều như vụ ông Đào Thái Tôn. Dễ có tới 90% báo chí “phang” lại tôi. Thắng kiện mà còn thế đấy. Nhưng tôi không ngại. Nói thật, tôi đã đi một bước khá xa với mọi người về pháp luật, nên về dư luận báo chí, Cù Huy Hà Vũ không để ý.

Các vị có phải là chuyên gia về pháp luật đâu. “Đối thủ” của tôi là Tòa án, là đương sự, còn công luận thì cứ việc tự do nêu lên. Có phải bình thường mà từ ý kiến của Cù Huy Hà Vũ, vụ xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh phải ách lại. Rồi vụ đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, có xây được đâu?--PageBreak--

Tất nhiên, ở vụ Mỹ Linh, các fans hâm mộ Mỹ Linh xúc phạm tôi kinh khủng. Điều này cũng dễ hiểu. Nhưng tôi kiên nhẫn thuyết phục và đã có hiệu quả rõ rệt. Tôi tin rằng báo chí sẽ dần dần hiểu được tinh thần của tôi và sẽ ủng hộ cách làm nặng về luật hơn là cảm tính của tôi.

- Nhân ông vừa nhắc tới vụ kiện về bản quyền giữa ông Nguyễn Quảng Tuân và ông Đào Thái Tôn mà ông là luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, xin hỏi thật, thù lao thuê luật sư là do ông Tuân đặt ra hay do ông đòi hỏi?

+ Đó là do chúng tôi thỏa thuận với nhau. Lúc đầu chỉ là 25 triệu, và tôi ký với thời hạn 6 tháng. Không ngờ vụ việc kéo tới một năm nên tôi phải nhân hai lần lên thành 50 triệu. Được cái ông Tuân sòng phẳng lắm, ông trả tiền tôi ngay từ đầu.

- Nhiều người cho rằng, giới nghiên cứu phê bình vốn dĩ cũng nghèo. Ông ra giá tới 50 triệu kể cũng hơi… quá? 

+ Ăn thua quái gì! Có những vụ lớn hơn nhiều. Vả lại, ông Tuân cũng không nghèo. Nghe nói ông vừa được thừa kế một món tài sản lớn ở bên Anh. Ông kiện ông Tôn chủ yếu vì danh dự thôi.

- Ông Tuân không nghèo, nhưng ông Tôn thì rõ là gia cảnh khó khăn. Liệu ông có nghĩ tới tình huống, nếu thua ở phiên phúc thẩm, ông Tôn cũng khó mà thực hiện được yêu cầu của Tòa là bồi thường ba mươi triệu đồng cho ông Tuân?

+ Đó là việc của hai ông và của Tòa, tôi không dại gì “cầm đèn chạy trước ôtô”. Chỉ xin kể lại một câu chuyện thực tế thế này. Sau hôm Tòa xử ông Tôn thua, vào tầm 4 giờ chiều ngày 27/12/2006, tôi gọi điện hỏi thăm ông Tôn. Bấy giờ ông vẫn còn đang ngủ, có lẽ vì quá mệt sau vụ hầu kiện.

Ông thều thào nói với tôi: “Ông Vũ ơi, tôi muốn đề nghị ông một việc được không?”. Tôi bảo: “Ôkê. Chỉ trừ một điều là Hà Vũ ủng hộ Đào Thái Tôn ở phiên tòa tới”. Ông Tôn nói: “Ông cho tôi vay 26 triệu bồi thường cho ông Tuân và ba triệu rưỡi tiền án phí”. Không phải là ông Tôn có ý “gây sự”.

Tôi nghĩ hẳn ông cũng thấy mình đuối lý. Tôi bảo: “Bác Tôn ạ, tôi đồng ý cho bác vay, nhưng bác phải trả lãi”. Tôi nói thật chứ không đùa. Thì ông Tôn bảo: “Nếu ông có khả năng, ông lấy lãi tôi làm gì”. Tôi nói mạnh: “Vay phải trả lãi”. Ông Tôn đành ngãng ra: “Vay phải trả lãi tôi không vay nữa”.

Tính tôi làm ăn là cứ phải sòng phẳng. Ngay như với ông Nguyễn Quảng Tuân, đến phiên phúc thẩm, ông Tuân phải ký hợp đồng tiếp tôi mới chơi, nếu không thì thôi!

- Tôi nghĩ, người muốn làm việc lớn cũng có lúc phải biết hy sinh việc nhỏ…

+ Nhìn nhận thế nào là tùy bạn. Tôi nghĩ rằng, với những vụ việc như vậy, mà mình không lấy tiền là “bất công” với bản thân. Học hành thế, “chiến đấu” với cả hệ thống Tòa án thế mà không tính đến thù lao thì thật phi lý. Ngay như Trần Đăng Khoa cũng có cách nhìn nhận như bạn nên vừa rồi có góp ý với tôi: “Lẽ ra trong vụ này ông không nên lấy tiền để chứng tỏ mình hoàn toàn vì văn hóa”.

Tôi trả lời ngay: “Đây là vấn đề pháp luật chứ không phải văn hóa. Chứ bảo vệ văn hóa thì cả hai ông đều văn hóa, tôi biết bảo vệ ai?”. Thật buồn cười. Tôi biết, ý Khoa muốn giữ uy tín cho tôi. Khoa nghĩ theo kiểu “mã thượng”. Tôi nói: “Ông chả hiểu nghề của tôi”. 

- Xin được hỏi câu cuối cùng: Đặt giả thiết nhà thơ Cù Huy Cận còn sống, liệu trước những sự việc như trên, cụ có hành động nào can ngăn ông không?

+ Câu hỏi lạ, rất bất ngờ. Nhưng thôi, cứ cho là có chuyện ấy, thì tôi chắc cụ Cận cũng không phản đối những việc làm của tôi, mặc dù tôi biết, cái chất quyết liệt, ‘bùng bùng” ấy tôi thừa hưởng từ “gien” của đằng ngoại, mà gần nhất là của bác tôi, nhà thơ Xuân Diệu chứ không phải từ cụ Cận.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện sòng phẳng này

Phạm Khải
.
.