Họa sĩ Ngô Mạnh Lân và những "Nét thời gian"
Hơn 250 tác phẩm ký họa trưng bày tại triển lãm là những sáng tác được họa sĩ thực hiện từ năm 1950 (khi ông 16 tuổi, là sinh viên năm đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) tới khi bạc trắng mái đầu.
Không chỉ là món quà ý nghĩa đúng dịp ông tròn 85 tuổi, triển lãm còn đánh dấu chặng đường 69 năm làm nghệ thuật bền bỉ cũng như ghi nhận những đóng góp không nhỏ của ông trong lĩnh vực hội họa.
Có mặt tại triển lãm "Nét thời gian" của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, giới chuyên môn và những người yêu hội họa không khỏi ngạc nhiên trước lượng tranh ký họa khá lớn và đặc sắc của ông. Bởi lâu nay, họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân vốn được ví như "Cây đại thụ của hoạt hình Việt Nam", ''cha đẻ'' của những bộ phim đem lại niềm say mê, hứng thú cho nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam như "Mèo con", "Con sáo biết nói", "Chuyện ông Gióng", "Rồng lửa Thăng Long"... cùng những sản phẩm đồ họa của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như "Dế Mèn phiêu lưu ký", "Cái tết của Mèo con"...
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân phát biểu tại Triển lãm ký họa “Nét thời gian”. |
Chính vì thế, sự ra mắt của 250 tác phẩm ký họa trong "Nét thời gian" đã mang đến cảm xúc ngỡ ngàng lẫn cảm phục trước năng lực nghệ thuật dồi dào của lão họa sĩ. Với những người như họa sĩ Mai Long, từng có thời gian học cùng ông ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, rồi sau này trở thành đồng nghiệp cùng cơ quan thì không có gì lạ, vì ngay từ khi là sinh viên trẻ nhất của lớp, Ngô Mạnh Lân đã bộc lộ sự say mê cũng như tinh thần làm việc nghiêm túc.
Ấn tượng mà họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân mang đến cho người trò chuyện là sự hiền hậu, khiêm tốn và giản dị trong từng câu chuyện cùng nụ cười tươi rói, hóm hỉnh. Ở tuổi 85, ông vẫn giữ được sự minh mẫn đáng khâm phục.
Trước ngày khai mạc, họa sĩ vẫn trực tiếp đến phòng triển lãm, cùng ban tổ chức căn chỉnh độ cao thấp từng bức tranh cho phù hợp, bàn bạc, chỉnh sửa phông chữ trong lời giới thiệu sao cho khán giả dễ nhìn... Hay trước đó, đích thân ông gọi điện mời những người quý mến... Chúng tôi hỏi họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rằng, là đạo diễn hàng đầu trong lĩnh vực phim hoạt hình, nhưng với hội họa, ông dường như cũng dành cho một tình yêu không hề kém cạnh?
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân chia sẻ: "Tôi thích vẽ từ bé. Còn nhỏ khi ở quê (làng Tó - Tả Thanh Oai, Hà Đông) nhiều buổi trưa tôi bắc chõng tre ra hiên nhà nằm ngắm những đám mây bay lững lờ trên trời, tưởng tượng ra hình thù các con vật, chúng chuyển động thay đổi hình dáng, tạo cho mình niềm hứng thú say mê".
Tình yêu hội họa hồn nhiên ấy đã dẫn lối cho chàng thanh niên Ngô Mạnh Lân tới lớp hội họa 2 tháng ở Liên khu X do họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách, rồi sau đó đạt được giấc mơ, trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, trở thành học trò của các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Bùi Trang Chước, Nguyễn Tư Nghiêm...
Có lẽ với họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân, nếu hoạt hình là tình yêu lớn thì hội họa là tình yêu đầu tiên rồi ở lại sau cùng. Sau này, khi không làm phim nữa, ông tìm về với hội họa. Hội họa cho ông cảm giác được trở về với những xúc cảm chân thực, tinh tế nằm sâu trong chính con người mình. Tại triển lãm "Nét thời gian", người xem được nhớ lại "buổi ban đầu" trong tình yêu hội họa của ông qua bức "Bà Khiêm" (vẽ năm 1950).
Đây là bức vẽ đầu tiên của sinh viên Ngô Mạnh Lân được thầy Tô Ngọc Vân cho điểm 16,5 (trên thang điểm 20) sau một loạt bài vẽ chỉ được 5,6 điểm. Nhưng quan trọng hơn điểm số là Ngô Mạnh Lân tìm được niềm tin vào con đường mình đã lựa chọn. Ngay từ bức vẽ đầu tiên được khen ngợi này, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã bộc lộ khả năng quan sát, năng lực cảm thụ và kỹ năng sử dụng nét, đường nét cũng như chứa đựng xúc cảm mạnh mẽ, chân thành.
Các nhà chuyên môn cho rằng, tranh ký họa nằm giữa hình họa và hội họa, vẽ nhanh và trực tiếp trước đối tượng. "Nét thời gian" của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã thực sự khẳng định được giá trị của thể loại này. Ông đưa người xem trở về với làng Tó, vùng quê thanh bình nuôi lớn giấc mơ nghệ thuật của chàng thanh niên tài hoa.
Những bức ký họa về góc đình làng Hòa Xá, đường trong xóm, lối ra cánh đồng, bức tường rào... của ông chân thực, gần gũi. Khi bắt gặp những hình ảnh bình dị, thân thương ấy, với những người vốn "sinh ra từ làng" cảm thấy nao nao như gặp được quê hương của mình trong từng mái nhà, xóm ngõ. Không chỉ vẽ về quê hương với một tình yêu bền chặt, nỗi nhớ khuôn nguôi, mỗi vùng đất xa gần nơi ông đi qua đều được ông ghi lại trong các tác phẩm của mình.
Hình ảnh Đền Hùng, Cổ Loa, Chùa Thầy, Chùa Hương hay em bé Mường ở Hòa Bình, người dân Hải Phòng... đã đi vào tranh của ông hồn hậu, chân chất như thế.
Ở triển lãm "Nét thời gian", người xem sẽ được thưởng thức một số lượng lớn các ký họa mà họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ về đất nước, con người Liên Xô (trước đây). Hầu hết các ký họa đó đều được ông sáng tác khi là sinh viên trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK). Họa sĩ Ngô Mạnh Lân tâm sự: "Thời gian đó tôi vẽ được khá nhiều.
Trong suốt 5 năm học thì mỗi tuần có tới 3 ngày học vẽ hình vẽ màu, đến hè lại đi thực tập, vẽ ở các địa phương''. Các sinh viên đều vẽ ký họa và sơn dầu, nhưng với ưu thế của một du học sinh Việt Nam đã trải qua thực tế kháng chiến, phần ký họa của Ngô Mạnh Lân thực sự nổi trội. Những bức ký họa cứ thế lần lượt ra đời sau những chuyến dã ngoại ở các địa phương.
Những địa danh gắn liền với nước Nga Xô Viết như Quảng trường Đỏ, Quảng trường Cung điện Mùa Đông, đường phố Moskva, Thành cổ Zaraisk... xuất hiện trong tranh của Ngô Mạnh Lân đẹp cổ kính, nguy nga. Chân dung những người dân Liên Xô mà họa sĩ Ngô Mạnh Lân gặp đâu đó ngoài phố, trên cánh đồng, trong làng quê cũng đi vào tranh ông qua những nét vẽ phóng khoáng như tính cách hồn hậu, bao dung, những tình cảm ấm áp mà người dân nơi đây đã dành cho các du học sinh Việt Nam.
Đây cũng là giai đoạn mà họa sĩ Ngô Mạnh Lân sáng chế ra một phương tiện vẽ ký họa rất hiệu quả và độc đáo, đó là bút que. Như ông chia sẻ, ngày đó ở Liên Xô, mực Tàu khá phổ biến. Chỉ cần sử dụng chiếc bút lông đã cũ hoặc thậm chí vót que gỗ là có được cây bút vẽ hiệu quả.
Những bức ký họa thể hiện kỹ thuật và tài năng của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. |
"Nét thời gian" của họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho thấy "Ông đi nhiều, sống nhiều, cảm thụ nhiều, lao động bằng một tinh thần hết sức nghiêm túc, trung thực". Một mảng tranh không thể không kể đến - đó là những bức ký họa về Điện Biên. Với họa sĩ Ngô Mạnh Lân, đó là những ngày tháng gian nan nhất mà cũng đáng nhớ nhất. Những ngày trèo đèo lội suối, khoảng thời gian nằm hầm cùng nhà văn Hữu Mai tham gia làm bản tin mặt trận ngay trong hầm đã mang đến cho ông những xúc cảm mạnh mẽ để cho ra đời một loạt ký họa.
Hình ảnh bộ đội trên đường hành quân, đào công sự, nhồi bộc phá ống, diệt ụ súng vệ tinh, diễn tập công đồn... cho thấy tinh thần quyết tâm chiến đấu của người lính Cụ Hồ. Những tháng ngày hoa lửa ấy, không chỉ giúp ông có được những tác phẩm nóng hổi tính thời sự mà sau này, ông còn triển khai những bức ký họa chiến trường xưa thành những tác phẩm hội họa hoàn chỉnh như bức "Chiến sĩ Điện Biên", "Trước giờ xuất kích","Huyền tích đồi A1".
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt: "Ngô Mạnh Lân là một họa sĩ luôn luôn có ý thức về chức năng xã hội, tính lịch sử, tính nhân văn, vị tha của nghệ thuật. Nghệ thuật ông trong sáng, lành mạnh, nhân từ, vừa có cái Chung vừa có cái Riêng, có sức lan tỏa và dễ đi vào lòng người xem". Được đào tạo bài bản ở Liên Xô, họa sĩ Ngô Mạnh Lân về phục vụ quê hương bằng tất cả tài năng, tâm huyết của mình.
Những bức ký họa trong "Nét thời gian" được vẽ bằng chì, bút máy, mực nho, màu nước... cho thấy khả năng quan sát và cảm nhận cuộc sống tinh tế của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Ngoài ra còn bộc lộ ý thức công dân mạnh mẽ bên cạnh tài năng nghệ sĩ. Dường như tính cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng của một người làm hoạt hình thể hiện đâu đó trong những nét vẽ chỉn chu, bố cục chắc chắn.
Đằng sau đó, người ta nhìn thấy mạch cảm xúc ấm áp, đặc biệt là tinh thần lạc quan, biểu hiện sức sống tuổi trẻ, lòng yêu nước. Như lâu nay, ông luôn tâm niệm: trong nghệ thuật sự rung động chân thực của người nghệ sĩ đặt lên hàng đầu: "Mỗi lần mở giấy vẽ tôi vẫn thấy người nóng lên, tim đập thình thịch".
Hay nói như nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt: "Bút pháp của ông cũng thực phong phú, giàu có như thiên nhiên và cuộc sống, khi trữ tình, khi đậm chất sử thi, khi mạnh mẽ, dứt khoát, táo bạo, khi lại nhẹ nhàng uyển chuyển...cân bằng giữa tính xác thực của khoa học hàn lâm và biểu cảm".
Mặc dù được biết tới là nghệ sĩ thành công ở nhiều lĩnh vực, nhưng họa sĩ Ngô Mạnh Lân luôn khiêm nhường khi nói về mình: "...Ký họa "Nét thời gian" là những nhành lá thời gian mà tôi hái lượm trên bước đường "tự lập thân" để dâng tặng Cha Mẹ tôi - những người đã sớm đi vào cõi vĩnh hằng trước khi tôi bước chân vào Mỹ thuật.
Qua triển lãm, tôi muốn giới thiệu tới mọi người những sáng tác của một thời tuổi trẻ mà đôi khi, ở một vài bức tôi chưa có điều kiện hoàn chỉnh''. Nhưng, sẽ rất nhiều người đồng tình với ý kiến của PGS. TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: "Những ký họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã mang giá trị lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật lớn lao. Đây thực sự là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, là bài giảng trực quan sinh động với các giảng viên, sinh viên ngành Mỹ thuật".