Hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Ngược dòng số phận
Mới đây thôi, khi lên Phú Thọ, tôi hay tin anh đã đầu đơn. Chủ tịch một Hội Văn nghệ đi khiếu kiện, chuyện không hề giản đơn, cho dù Dũng chỉ đứng danh là họa sĩ. Không biết rồi tòa sẽ xử sao đây? Có lẽ Đỗ Ngọc Dũng đang làm một cuộc bơi "Ngược dòng" đúng như tên bức tranh mà anh treo ngay tại phòng làm việc, miêu tả đàn cá đang gắng vượt sóng để tìm mồi...
1. Từ nhỏ Đỗ Ngọc Dũng đã theo gia đình học nghề may ở quê (làng Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) và đã là một tay thợ cắt may thành thục. Nhưng rồi, cậu bé ngày càng đâm mê nghề vẽ. Đặc biệt, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Dũng lại rất ham vẽ chân dung các lãnh tụ nước nhà. Đến lớp học, có bạn dọa, sao lại dám vẽ lãnh đạo, kỷ luật như chơi. Dũng sợ xanh mặt, vì theo như họ, muốn vẽ lãnh tụ là phải xin phép từ trung ương trở xuống. Các lãnh tụ đồng ý mới được, chứ đâu có chuyện ai muốn vẽ thì vẽ. Thế là Dũng giấu biến những bản vẽ của mình vào tủ, không dám khoe nữa.
Bất ngờ, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đi sơ tán ở ngay xã nhà. Từ đó, Dũng lại càng mải mê với giá vẽ, thường theo các anh sinh viên khoa hội họa lang thang đây đó để học lỏm. Bỏ hết mọi việc cắt đo may mặc, chểnh mảng mọi chuyện, mặc cho gia đình ngăn trở, Dũng quyết định thi vào Trường Trung cấp hội họa của tỉnh. Thật không ngờ, điểm thi chuyên môn của Dũng cao nhất. Thế là cũng được cái tiếng thơm cho làng Chân Mộng, ở cái nơi cực Bắc vùng đồi cọ này.
Vào những năm cuối thập niên 70 (của thế kỷ trước), đời sống quá nhiều gian truân, Đỗ Ngọc Dũng đã phải làm nhiều việc để kiếm thêm tiền mua thuốc màu và giấy vẽ. Dũng không từ cả việc đi buôn chè, buôn xe đạp. Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng dù ít vẫn hơn không. Dũng đã vượt lên để thỏa mãn niềm say mê của mình, để trả món nợ với quê hương. Và cái ngày dáng nhớ đã đến: Khi tốt nghiệp, Đỗ Ngọc Dũng được đánh giá cao với bức tranh "Hoàng hôn" miêu tả đời sống của người dân quê và sự lao động của con người vượt lên số phận. Có thể nói, Đỗ Ngọc Dũng đã "ngược dòng" với số điểm cao nhất trường và được Ty Văn hóa tỉnh nhận về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp năm 1980.
2. Tiếng là được "về tỉnh", nhưng chỉ vẽ panô, ápphích, khẩu hiệu suốt trong hai năm, Dũng cũng thấy chán. Chả lẽ cái số mình chỉ suốt đời gắn với công việc kẻ vẽ, cắt chữ, căng treo băng rôn, cờ quạt đường phố? Nhiều lúc Dũng tự hỏi phải làm thế nào để vượt qua cái đận buồn tẻ này. Khi nhìn sang bên Hội Văn nghệ, sao mà Dũng thấy ngưỡng mộ các họa sĩ tài năng và có tiếng tăm lúc đó. Nhất là họa sĩ kiêm nhà thơ Hoàng Hữu, người thiết kế cho tạp chí văn học và có nhiều tranh đẹp với phong cách hiện đại. Thế là Dũng đầu đơn xin đi học Đại học Mỹ thuật. Nhưng mọi chuyện đâu có dễ vậy. Nằn nì mãi mới được cấp trên cho học tại chức, mà đi thi chắc gì đã được. Mọi chuyện như một sự thách thức với anh chàng trung cấp cỡ địa phương như Dũng. Thế là lại những ngày đêm mải mê luyện vẽ, suy tư và thoát ra khỏi sự trì trệ thường ngày. Nhiều ý tưởng mới ào ạt vây quanh, cùng những sắc màu lung linh ẩn hiện trong hình tượng mà Dũng suy ngẫm. Và lại thêm những ngày nhịn ăn, nhịn mặc để mua sắm màu và giấy bút. Dũng đã "ngược dòng" như thế với số điểm thủ khoa khi thi vàoTrường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1983.
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng bên một tác phẩm đang hoàn thiện của mình. |
Ấy thế rồi, chẳng bao lâu Dũng lại nằng nặc xin rời Sở Văn hóa để sang Hội Văn nghệ làm việc, chỉ cốt để được vẽ thật sự. Trong đời, phải được tạo dựng những tác phẩm hội họa có tính nghệ thuật, đó là ước nguyện của Đỗ Ngọc Dũng. Nhưng, Sở đã cho đi học thì phải ở lại, không có chuyện đi đâu cả. Cấp trên đã quyết định thế. Dũng buồn và thất vọng lắm, nhưng rồi nghĩ mãi cũng phải tìm cách xin đi. Một ăn cả ngã về không. Thế là Dũng lại quyết "ngược dòng" số phận, khi trực tiếp gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Lê Huy Ngọ, đề đạt nguyện vọng. Không ngờ, Dũng được toại nguyện. Dũng mừng rơi nước mắt. Năm 1985, Đỗ Ngọc Dũng về Hội Văn nghệ với công việc thiết kế bìa cho tạp chí Văn nghệ tỉnh. Ở cái tuổi 25, Đỗ Ngọc Dũng như được chắp cánh bay bổng trong sắc màu, đường nét và những ý tưởng sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Vào thời điểm này, cuộc sống đầy cam go. Khó khăn đến khốc liệt bởi những tem phiếu, tiêu chuẩn, chế độ phân biệt cùng những lo toan thường nhật làm cho cuộc sống trở nên tù túng nếu con người không biết cách tự vươn lên. Hơn nữa, lúc này Đỗ Ngọc Dũng đã lấy vợ nên cuộc sống càng khó khăn chồng chất.
Lại thêm lần Đỗ Ngọc Dũng thể hiện tính cách "ngược sóng" của mình, khi anh vừa làm vừa học, lại vừa kiếm thêm bên ngoài. Bằng nhiều cách, miễn sao sống được bằng nghề của mình một cách chân chính. Dũng trở lại công việc panô, ápphích, quảng cáo, kẻ vẽ và minh họa cho nơi này, nơi kia trong tỉnh nhà. Có khi công việc đòi hỏi gấp và khối lượng lớn, Dũng đã phải xin nghỉ không lương để cùng bạn nghề hoàn thành đúng tiến độ, cho dù đồng tiền kiếm được không đáng là bao. Nhưng "phải sống" để học nốt những năm cuối đại học và nuôi vợ, nuôi con. Nghĩ lại đôi lúc chính Đỗ Ngọc Dũng cũng không ngờ cái gan của mình lại "to" đến thế. Vậy là sau gần 10 năm lăn lộn, đổ mồ hôi, nước mắt trong mưu sinh và học tập, đến năm 1989, Đỗ Ngọc Dũng đã có được tấm bằng đại học trong tay.
3. Sau hai năm là Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, khi tỉnh Vĩnh Phú được tách trở về như cũ thì Đỗ Ngọc Dũng bất ngờ trở thành Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Thọ (năm 1997). Với một anh chàng chuyên cầm cây cọ, hơn nữa lại mải mê kiếm ăn như Đỗ Ngọc Dũng, âu đây cũng là cơ duyên.
Trong 4 năm giữ vị trí "phó hội", không ngờ Đỗ Ngọc Dũng cũng làm được không ít việc khiến anh em văn nghệ vùng đồi cọ tin tưởng chọn mặt gửi vàng. Thế là ngay khóa sau, từ năm 2000, Đỗ Ngọc Dũng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Và rồi cứ thế, liền tù tì ba khóa, Dũng bị cột chặt vào chiếc ghế "trời định" này. Bù đầu với bao công việc của những Hội chuyên ngành và liên miên những hành trình giao lưu học hỏi, trao đổi về nghề nghiệp, có lúc tưởng như anh không còn mở mắt được nữa.
Dường như Đỗ Ngọc Dũng phải quyết vẽ lắm mới mở được hai cuộc triển lãm ở Thủ đô sau 17 năm tham gia lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh. Đó cũng là một cuộc "vượt sóng" đầy nghị lực của một ông Chủ tịch Hội. Chỉ vẽ vào đêm hoặc trong những ngày nghỉ. Toàn tranh khổ lớn, hàng trăm bức, với những nỗi niềm thương nhớ quê hương, trong đó có tới hơn chục bức đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Quả là sự lao động đáng nể.
4. Tôi nghĩ về anh với câu chuyện "Ngược dòng" không bởi lẽ anh có bức tranh sơn dầu về đàn cá bơi ngược dòng nước. Vì đó còn là tuyên ngôn về lẽ sống của Đỗ Ngọc Dũng. Cuộc đời anh đã thể hiện đúng với bản chất dâng hiến và sáng tạo. Nhìn anh cầm dao phết màu lên bức "Một dáng chiều" - tác phẩm đã làm rung động bao con tim khi miêu tả hình tượng lam lũ của người mẹ - tôi càng thấm thía nỗi ám ảnh trong tâm linh và qua màu sắc thâm trầm, thể hiện được cái hồn cốt, thần thái của hình tượng từ tác phẩm. Tôi thầm cám ơn anh, một họa sĩ đầy say mê, đã hơn ba mươi năm "ngược dòng" trong cuộc sống và trong cái cõi vô thường của nghệ thuật sắc màu