Hành trình đi tìm những giấc mơ trong "đoạn trường vinh hoa"
- Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XI: Điểm hẹn kết nối các nền văn hoá
- “Đoạn trường vinh hoa” công chiếu, phim tài liệu Việt có lập nên kỷ lục mới?
- Khởi động "Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam" lần thứ 11
“Đoạn trường vinh hoa” là bộ phim tài liệu điện ảnh hiện thực do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Phim nằm trong khuôn khổ dự án “VTV Ðặc biệt”, được quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) thuộc dự án “Di sản kết nối” của Hội đồng Anh hỗ trợ. Trước khi lên sóng VTV, phim được trình chiếu thương mại tại các cụm rạp của BHD với suất chiếu giới hạn từ ngày 13/11.
Là người Hà Nội, với đạo diễn 9x Lê Mỹ Cường, những gánh hát cải lương miền Tây là thế giới lạ lẫm. Tình cờ xem một bức ảnh chụp khoảnh khắc nghệ sĩ gánh hát tuồng cổ Phương Ánh đang hóa trang trong chiếc áo cũ, bùi ngùi trước phận tằm nhả tơ của loại hình nghệ thuật đang dần lụi tàn, anh quyết tâm cùng người bạn Thanh Nguyễn lên đường khám phá điều tiềm ẩn của văn hóa Nam Bộ.
Nghệ sĩ Phương Anh - con gái “bà bầu” Phương Ánh, hóa trang nhân vật Bạch Nữ Thần. |
Bộ phim dài 50 phút kể về hành trình của gánh hát Phương Ánh – một gánh hát tuồng cổ miền Tây, với những hỉ nộ ái ố sau bức màn nhung. Những nghệ sĩ ở đây không phải chuyên nghiệp mà họ là những nông dân tri điền. Sau ngày mùa dãi nắng dầm mưa, đến dịp lễ Kỳ Yên, họ gột sạch bùn đất để khoác lên mình xiêm y của ông hoàng, bà chúa, rong ruổi khắp miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau... hát cúng đình, cúng miễu. Lên sân khấu, họ như con người khác. Họ tự trang điểm, tự luyện tuồng.
Chủ đoàn là cô Ba, tức nghệ sĩ Phương Ánh, quê gốc Đồng Tháp. Đã 64 tuổi, tóc bạc màu nhưng cả đời bà, gánh hát này là lẽ sống. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát bội, cải lương, bà và anh chị em đều là những nghệ sĩ giỏi nghề. Hai lần bà làm bầu hát, gánh bị gãy giữa đường vì cảnh cơ hàn. Vậy mà khi có chút tiền dành dụm, năm 2004, bà lại lập gánh hát tuồng cổ Phương Ánh.
Để gánh hát tồn tại đến hôm nay, nhà cửa của bà đều bán hết. Cả đời bà chỉ còn chắt chiu hai cây vàng để lỡ mình có về trời, anh em trong đoàn cứ lấy đó mà lo ma chay. Có hai cây vàng đó, với bà đã vẹn, có thể ngạo nghễ mà đón mọi sóng gió trong chuỗi ngày cùng tháng tận lênh đênh với gánh hát. Lẽ sống và đam mê ấy được truyền cho cô con gái Phương Anh – cô đào chính của đoàn.
Người xem bỗng cay xè sống mũi khi chị Hai - Phương Anh đang khóc cười xuất thần trên sân khấu trong vai bà hoàng, công chúa thì khi bức màn nhung vừa khép, cô khụy xuống, nằm vật nén cơn đau. Ngay cả khi thở oxy, nằm truyền nước trong bệnh viện, chị Hai vẫn khư khư trên tay chiếc điện thoại để coi đoàn diễn. Sau giờ diễn mệt nhoài, họ chìm sâu vào giấc ngủ với gương mặt chưa kịp tẩy son phấn.
Cảnh “gạo vay tiền góp” là nỗi chật vật thường xuyên mà bà bầu Phương Ánh phải gồng gánh. Vinh hoa họ gặt được có gì ngoài những lời ca hào sảng dưới ánh đèn hoa lệ, có gì ngoài tràng vỗ tay, nụ cười, nước mắt của khán giả. Chút vinh hoa nhỏ nhoi ấy đổi lấy cả đoạn trường đời người. Vậy mà họ vẫn sống chết, vẫn cười đùa, bao bọc lấy nhau, vẫn rong ruổi rày đây mai đó, dẫu có túng thiếu, dẫu có “ăn chợ, ngủ đình” ngày ngày, tháng tháng. Màn nhung với họ là sinh mệnh nghệ thuật. Khi cánh màn nhung mở ra, cũng là lúc hành trình tìm kiếm những giấc mơ vinh hoa của họ bắt đầu.
Không phải ngẫu nhiên mà “Đoạn trường vinh hoa” chạm vào tầng sâu cảm xúc của người xem. Đó là cái chất hiện thực ngồn ngộn trong từng thước phim, đó là những khóc cười, lo toan rất thật của từng phận đời trong gánh hát nghèo. Để có được thước phim rất thật và day dứt ấy, đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn phải sống, phải rong ruổi cùng gánh hát suốt một năm rưỡi trời.
Bởi Thanh Nguyễn thừa nhận: “Cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể bước vào đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ. Đó là cả một thách thức lớn mà cho đến lúc này chúng tôi cũng không thật sự biết chính xác rằng mình đã vượt qua bằng cách nào”.
Lúc đầu, ekip không dễ dàng thuyết phục “bà bầu” Phương Ánh cho bấm máy. Bởi cô Ba không muốn nhìn những ánh mắt ái ngại, không muốn trả lời loạt câu hỏi đầy tính tội nghiệp mà báo chí hay xoáy vào. Đời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, gánh hát nghèo thì nghèo thiệt nhưng lòng tự trọng với Tổ nghề đâu cho người ta nhìn mình bằng ánh mắt thương hại như thế. Những vinh hoa đem dành dụm, những đoạn trường giăng mắc âu cũng là nghiệp mà phận tằm phải trả khi trót vay. Họ yêu, sống và chết với nó mà không than vãn.
Các nghệ sĩ hóa trang trước giờ biểu diễn. |
Mất bốn tháng trời, hai cậu trai bám theo gánh hát mà không dám sờ tới chiếc máy quay. Cường tự bảo mình, đơn giản chỉ là theo chân họ, cùng sinh hoạt với họ để hiểu đời sống của những nghệ sĩ nông dân chất phác mà hồn hậu này. Đằng đẵng vậy, thấy hai cậu trai lì lợm, sẵn sàng phụ giúp cho các nghệ sĩ, vạ vật chiếu đình võng chợ cùng đoàn đến nỗi muỗi chích sưng hết tay chân, cô Ba, chị Hai thấy thương.
Bốn tháng, hai cậu chẳng hề nói thêm một lời nào về dự án của mình. Nhưng bốn tháng ấy, họ được chạm và hiểu về một thế giới cầm ca tưởng như xa lạ, bí ẩn. Thế giới đó cuốn họ đi mải miết để có lúc họ tưởng mình là một phần của gánh hát. Một ngày, cô Ba gật đầu cho ekip bấm máy. Cường và Thanh vui đến ứa nước mắt, tay chân bỗng luống cuống khi quay những thước hình đầu tiên.
Người xem nhận thấy, thủ pháp và nội dung của “Đoạn trường vinh hoa” mang dáng dấp của phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, “Đi tìm Phong” - Trần Phương Thảo... Đạo diễn Lê Mỹ Cường thú thật khi bấm máy “Đoạn trường vinh hoa”, anh đã nhờ đến sự cố vấn của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, nhà làm phim Trần Phương Thảo… “Họ là những người đã hỗ trợ tôi, giúp tôi củng cố tinh thần những lúc gần như mất phương hướng trước một hiện trường ngồn ngộn nhân vật, chất liệu, hay lúc phải nhìn ra được những tầng lớp ý nghĩa ẩn sâu đâu đó, những mạch truyện ngầm” - anh nói.
Nhật ký dự án “Đoạn trường vinh hoa” được đoàn phim ghi chép tỉ mỉ đầy xúc động: “Những lúc không có lễ hội, gánh hát không diễn, cô Ba lại đem hết các loại phục trang, mũ mão ra để chỉnh sửa. Đôi khi chỉ là đính thêm vài ba hột cườm, đôi miếng kim tuyến, nhưng cô nói với chúng tôi, nghệ sĩ chẳng có gì nhiều, mấy cái đồ này dù có rách nát nhàu nhĩ do quăng quật, đi gối, đá chân trên sân khấu thì cũng là tài sản của nghệ sĩ. Không có đồ không diễn được. Một bộ đồ cả vài triệu đồng, có những bộ lên đến cả chục triệu, bỏ ăn bỏ chơi dành dụm tiền đi diễn mới mua được. Bởi, giữ đồ là giữ nghề…”.
“Chú Tư lúc là hề, lúc lại là thừa tướng trên sân khấu, còn chú Việt là con hổ hung dữ của cả đoàn. Nhưng chú Việt ở ngoài hiền khô, rất lành. Trên sân khấu thì là thế, nhưng trước mỗi dịp lễ, chú Việt và chú Tư lại là những người thu xếp cho cả đoàn một sân khấu đẹp đẽ để biểu diễn. Có lộng lẫy hay không, có huy hoàng hay không cũng nhờ cả vào tay của hai con người này…”.
Tuồng cổ ở miền Tây bây giờ chẳng còn mấy gánh hát. Ekip làm phim chẳng ước ao gì nhiều. Chỉ mong khi “Đoạn trường vinh hoa” khép lại thước phim cuối cùng, công chúng sẽ hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ lùi về dĩ vãng. Ở đó có những nghệ sĩ đeo bám nghề, hết lòng trao truyền cho thế hệ trẻ dù đời sống sàn diễn còn nhiều chật vật. Trước mắt, toàn bộ tiền bán vé từ các suất chiếu “Đoạn trường vinh hoa” sẽ được đoàn phim gửi tặng cho gánh hát Phương Ánh để gánh có thể trang trải, tiếp tục cho chặng hành trình phía trước…