Hành trình Caracas

Thứ Ba, 09/12/2008, 09:30
Vào lúc 14h50' giờ Venezuela ngày 10/11, đoàn chúng tôi gồm hai nhà thơ nữ đã có mặt tại Thủ đô Caracas. Người đón chúng tôi là một cô gái trẻ đứng cùng một chàng trai đang giơ cái biển có tên hai nhà thơ nữ Việt Nam và reo lên: "Cháu chào hai cô Mai!". Tôi thấy xúc động thực sự trong cái phút gặp người nước mình nói tiếng Việt ở dải đất bên bờ đại dương xa xôi này.

Chuyến máy bay AF 460 của Hãng Hàng không Air France lượn mấy vòng sát mặt biển Caribbean mà không sao vào được đất liền để hạ cánh xuống sân bay mang tên người anh hùng Simon Bolivar của Venezuela.

Trước đó, hình như phi hành đoàn đã thông báo bằng tiếng Tây Ban Nha về việc máy bay đang gặp sự cố hay thời tiết bất thường gì đó nên tất cả hành khách chợt yên lặng tuyệt đối.

Tôi ngồi tầng hai nhìn qua cửa sổ máy bay, lo lắng vô cùng. Biển bên dưới xanh màu ngọc bích, êm đềm. Tôi trông xuống, cảm giác mặt nước chỉ cách máy bay khoảng vài mét. Nhìn ra xa hơn, nước vẫn mênh mông, rợn ngợp và xanh thẳm … Chỉ đến khi những bánh xe chạm xuống đường băng, tiếng vỗ tay của hành khách vang lên rào rào trong máy bay, tôi mới thực sự tin mình đã an toàn.

Nhìn sang nữ sĩ Lê Khánh Mai ngồi cạnh đã thấy chị mỉm cười chứ không căng thẳng như mấy phút trước đó. Cũng không ai biết 10 tiếng đồng hồ trước đó khi ngồi chờ ở sân bay Charles De Gaulle (Pháp), chị đã cùng tôi say sưa tập lại bài hát ca ngợi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi để chuẩn bị ra mắt các bạn Venezuela, trong đó có câu chúng tôi hát rất hăm hở: "Ôi tên Anh vang khắp hoàn cầu, vọng về Venezuela, cuồn cuộn dâng trong muôn con tim người du kích Châu Mỹ latinh...".

Không phải ngẫu nhiên mà Hội Nhà văn Việt Nam lại cử một lúc hai nhà thơ, mà đều là nữ sang tận Nam Mỹ để thực hiện chuyến công du theo lời mời của Bộ Văn hóa Venezuela.

Hôm ấy, trước ngày Hà Nội mưa lũ, tôi nhận được điện của nhà văn Đào Kim Hoa - cán bộ phòng Quan hệ quốc tế của Hội hỏi: "Chị có tham gia được một hoạt động đối ngoại của Hội không?". "Đi đâu em?". “Sang Venezuela". "Đoàn đông không?". "Có hai người". Thấy tôi có vẻ ngại ngùng, Hoa hiểu tâm trạng liền nối máy cho tôi nói chuyện với Chủ tịch Hội.

"Em vinh dự được cử đi công du tại Venezuela, nhưng tiếng Anh chỉ ở trình độ xoàng, hay là…". "Em phải đi, họ yêu cầu tham luận về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội và sáng tạo thi ca, em làm công tác phụ nữ tham luận là phù hợp nhất". "Nhưng tiếng Anh phải giỏi mới tham luận được". "Em viết một bản tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh, đến Hội thảo chỉ việc đọc. Xong. Thế nhé, coi như nhận lời rồi, không nói lại nữa". Chủ tịch Hội vừa giao việc vừa chỉ đạo "ngon lành cành quất" thế, tôi chưa kịp "nhưng mà…" thì máy đã cúp.

Trước khi đi mấy ngày, chúng tôi được ông Đại sứ toàn quyền Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam mời dùng cơm trưa. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất thân mật bởi ông Đại sứ cũng là nhà thơ và hôm ấy ông đã đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ của ông về trăng. Chia tay, ông còn khích lệ chúng tôi bằng một câu giống trong thư mời của Bộ Văn hóa Venezuela: "Sẽ là niềm vinh dự của chúng tôi được đón tiếp các chị như khách mời đặc biệt".

Thế là vào lúc 14h50' giờ Venezuela ngày 10/11, đoàn chúng tôi gồm hai nhà thơ nữ đã có mặt tại Thủ đô Caracas. Người đón chúng tôi là một cô gái trẻ đứng cùng một chàng trai đang giơ cái biển có tên hai nhà thơ nữ Việt Nam và reo lên: "Cháu chào hai cô Mai!". Tôi thấy xúc động thực sự trong cái phút gặp người nước mình nói tiếng Việt ở dải đất bên bờ đại dương xa xôi này.

Cháu Quỳnh - tên cô gái, là sinh viên đang học tại Caracas chính là người được ông Đại sứ gọi điện từ Việt Nam nhờ ra đón và giúp chúng tôi trong những ngày hội thảo ở đây. Buổi đầu bước chân đến nước bạn như vậy là chúng tôi đã có "quý nhân phù trợ".

Bởi ngay sau đó, khi hai chiếc va ly hành lý của chúng tôi gửi từ Hà Nội tự nhiên chẳng thấy đâu, đi hỏi thì được trả lời có mấy va ly bị bỏ lại ở sân bay Băng Cốc và chị Khánh Mai đã suýt khóc thì lại thấy chúng tò tò chui ra băng chuyền với chiếc nơ hồng xinh xắn do tôi buộc vào đánh dấu làm cả hai cùng mừng như trúng số độc đắc.

Nói dại, nếu hai chiếc va ly ấy bị lạc thì chúng tôi thành tiếng để đời. Quần áo, phụ tùng phụ nữ mua ở đây vừa đắt vừa… quá cỡ. Quan trọng hơn trong đó có hai bản tham luận bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt. Mất lấy gì mà đọc? Chưa kể một lô sách, nào là "Đứt dải yếm", "Nẻo vòng tìm yêu", "Giấc mơ hái từ cơn giông", "Cát trinh nguyên", "Tạ ơn hoa hồng", "Vệt trăng và cánh cửa"… - sách của các nhà văn Việt Nam và hàng chục cuốn tuyển tập của Hội mang đi "khoe" với bạn.

Hội chợ sách Quốc tế Venezuela khai mạc ngày mồng 7 tháng 11 và diễn ra trong vòng 10 ngày. Đoàn Việt Nam được mời đọc tham luận vào ngày 13, ở phòng 13, tầng 13 khách sạn ALBA Caracas - một tòa cao 17 tầng.

Sáng hôm ấy, chúng tôi được Ban tổ chức đưa cho một bản chương trình gồm 10 trang, chữ nhỏ li ti. Chị Khánh Mai và tôi cùng háo hức giương mục kỉnh nhòm vào, ai ngờ toàn chữ Tây Ban Nha. Cả hai lo lắng lắm, đi xin bản tiếng Anh nhưng không có. Cháu Quỳnh bảo: "Ở đây toàn dùng tiếng Tây Ban Nha thôi, không phổ biến tiếng Anh, kể cả hội nghị Quốc tế cũng thế".

Thảo nào chiều qua gặp Ban tổ chức và các bạn văn, chúng tôi nhanh mồm nhanh miệng "Good afternoon!" và giới thiệu “We are Vietnamese” hàng mấy lần mà chẳng thấy ai nói gì, người thì gật gật, người thì cười cười rồi lảng. Thôi bây giờ đành nhờ cháu Quỳnh dịch giúp cái chương trình và thông ngôn hộ bài tham luận ra tiếng Tây Ban Nha vậy. --PageBreak--

Thế là ngay sau bữa trưa hôm ấy, Quỳnh thì dịch, chúng tôi thì ghi chép ra tiếng Việt không ngừng nghỉ mà mãi đến 5h chiều mới xong. Bởi trong vòng 10 ngày diễn ra Festivan sách, có tất cả 276 hoạt động bao gồm hội thảo, đàm thoại, trao đổi, giới thiệu sách, triển lãm sách, giao lưu sách, đọc thơ và giới thiệu thơ, trao đổi kinh nghiệm biên tập và làm sách, chiếu phim, trình bày các vũ điệu truyền thống, trình diễn âm nhạc… Mỗi hoạt động lại được ghi đầy đủ chủ đề, tên các nhà văn, triết gia, học giả tham dự nên dịch mới lâu đến thế.

Tất cả các hoạt động trên được diễn ra tại công viên Caobos "Luis Mariano Rivera". Công viên ấy ở đâu? Hỏi, Quỳnh cũng không biết, cháu phải chạy đi hỏi tiếp thì được biết nó cách khách sạn chúng tôi ở chỉ 400 mét nhưng phải đi bộ qua hai làn đường mà lúc nào ô tô cũng chạy như thác lũ.

Ôi chao, cái công viên đó đến ngày thứ hai mở cửa sổ phòng nhìn ra tôi mới thấy nó xanh rờn trước mặt nối với cánh rừng um tùm. Đây là khu trung tâm văn hóa nằm ở phía Tây Thủ đô Caracas với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như Bảo tàng Khoa học Tự nhiên, Bảo tàng Nghệ thuật, Nhà hát thành phố, Phòng Trưng bày nghệ thuật quốc gia…

Quỳnh bảo: "Ở đây xăng rẻ hơn nước uống, chưa đầy một ngàn đồng Việt Nam một lít nên xe ô tô nhiều, sẽ có người dẫn các cô qua đường sang Công viên".

Lúc cháu về, chúng tôi mới nhỏ lời nhờ Quỳnh đổi hộ một ít tiền đôla Mỹ để tiêu. Không ngờ cô cho hay ở Venezuela họ không tiêu đôla Mỹ và cấm đổi loại ngoại tệ này. Chúng tôi nghe buồn hẳn…

Cuối cùng cô bé đã nghĩ ra và nhận đổi giúp chúng tôi 200 USD ra tiền bolivar bằng cách nào đó. Tuy nhiên phải ba ngày sau chúng tôi mới nhìn thấy những đồng bolivar lần đầu tiên trong đời.

Còn những ngày chưa có tiền, đi đi về về dự các hoạt động, khát nước cháy cổ đành chịu, nhìn thấy hàng Internet cũng không dám vào viết thư cho gia đình mấy dòng, gặp các thứ quà lưu niệm bày bán trên đường đành phải lờ lớ lơ, muốn đi tàu điện ngầm đến các nơi trong thành phố thăm thú cũng thôi khỏi, muốn gọi điện cho các anh ở Đại sứ quán Việt Nam theo lời hẹn "Các chị sang nhớ điện cho chúng tôi ngay" đành "bó tay chấm com". Vì thế nữ sĩ Khánh Mai nói đùa: "Túi em không có xu nào/ Dám sang Nam Mỹ ồn ào đọc thơ".

Theo sắp đặt của Ban tổ chức, đoàn Việt Nam được trình bày tham luận tại hội trường Casa del ALBA - hội trường xinh xắn nhất trong Công viên Caobos. Đang lo vì buổi trình bày sẽ ít khách thì thấy Quỳnh có điện của ông Đại sứ. Nghe điện xong cháu thông báo: "Ông Đại sứ đã sang Venezuela, ông bảo tối nay sẽ đến dự buổi hội thảo của các cô". Chúng tôi thấy vui thật sự vì tin ấy.

Đúng 18h, lúc đông khách nhất, chúng tôi xuất hiện tại phòng sảnh tầng một với 3 bộ áo dài thướt tha rực rỡ. Đã thấy nhiều cặp mắt nhìn chúng tôi với vẻ rất thiện cảm. Có nhà văn bạn đã thốt lên: "VietNam beautiful!", tôi hiểu họ khen chúng tôi.

Ra đến hội trường, tôi vừa bày xong sách của Việt Nam lên bàn thì ông Đại sứ - nhà thơ bước vào. Không biết có phải vì yêu quý Việt Nam hay vì sự có mặt của ông đại sứ mà rất nhiều đại biểu ở Bộ Văn hóa, ở Trung tâm Sách quốc gia và Ban Tổ chức Hội chợ cũng đã tới dự làm cho không khí buổi hội thảo của đoàn Việt Nam náo nhiệt ngay từ đầu.

Ông Đại sứ - nhà thơ chỉ vào áo dài chúng tôi mặc và reo vui bằng tiếng Việt lơ lớ: "Đem lám!".

Đúng giờ 19h, trước sự có mặt của khoảng bốn chục đại biểu, ông Đại sứ đứng lên cầm mic nói lời khai mạc. Ông giới thiệu về đất nước Việt Nam xinh đẹp, con người cần cù anh dũng. Ông kể nhân dân Việt Nam đã yêu quý đất nước Venezuela từ khi đang có cuộc chiến tranh chống Mỹ bởi hành động du kích Caracas bắt một trung tá Mỹ đòi đổi mạng cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ông nói về người phụ nữ và thơ ca Việt Nam theo như ông được biết khi ở nước này…

Tiếp sau đó ông giới thiệu chị Khánh Mai và tôi trình bày tham luận của mình, coi như những dẫn chứng sống động cho lời ông. Chúng tôi xúc động và kính nể ông quá. Ông về Caracas để chuẩn bị cho việc trọng đại quốc gia là đón Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Venezuela nhưng ông đã tính thời điểm, dành thời gian đến với buổi hội thảo của chúng tôi. Quả là một sự khích lệ lớn đối với đoàn Việt Nam.

Sáng hôm sau, bước vào nhà ăn khách sạn, chúng tôi thấy nhiều cặp mắt của bạn bè nhìn mình tươi cười. Một nhà văn cao lớn người Ecuador tiến đến bàn ăn của hai chị em nói mấy câu tiếng Tây Ban Nha rồi rút từ túi xách ra hai cuốn thơ. Ông nhìn chiếc biển đề tên trên ngực chúng tôi và hí húi viết tên mỗi người vào một cuốn. Viết xong ông đưa tặng hai chị em…

Tạm biệt Caracas, tạm biệt những ngày thật thú vị và đầy ấn tượng đã đi vào thơ tôi: Từ sân bay về phố/ Hoa thắm tươi bên đường/ Xe đặc như luồng cá/ Bơi trong lòng đại dương/ Phụ nữ hút mắt tôi/ Đồ sộ mông và ngực/ Nụ cười như đóa quỳnh/ Sáng lóa trên gương mặt…

Nguyễn Thị Mai
.
.