Hai kỷ lục của danh họa Nguyễn Phan Chánh và tín hiệu vui cho làng tranh Việt
- Danh họa Nguyễn Phan Chánh và những bức tranh nổi tiếng
- Danh họa Nguyễn Phan Chánh: Phải chăng lòng sạch bụi trần...
- Danh họa Nguyễn Phan Chánh: Chuyện lý thú đằng sau các bức họa
- Người vợ hiền yêu dấu của danh họa Nguyễn Phan Chánh
Tuy không thuộc một trong hai "bộ tứ" nói trên, nhưng suốt gần một thế kỷ nay, danh họa Nguyễn Phan Chánh vẫn được coi như một bậc thầy. Sinh năm 1892, mất năm 1984, thậm chí họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn là người đi trước so với "bát bảo" hội họa Việt. Ông được coi là người đi tiên phong kết hợp phương pháp tạo hình phương Tây với họa pháp tranh lụa phương Đông.
Để lại gia tài không đồ sộ về số lượng, suốt đời chỉ vẽ khoảng 150 - 170 bức tranh, theo ước tính của các nhà chuyên môn và giới sưu tập tranh, nhưng tranh của ông đều là những tác phẩm bậc thầy. Nổi tiếng là các bức "Chơi ô ăn quan", "Đám rước", "Vo gạo", "Lên đồng", "Xem bói", "Em bé cho chim ăn", "Người bán gạo", "Người bán ốc", "Người đàn bà hái rau muống", "Đi cày", "Hạnh phúc", "Cô hàng xén", "Người hát rong"... Tranh của ông thường thể hiện những đề tài bình dị của con người, cảnh sắc đời thường của khu vực đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam với màu sắc và phong cách cổ điển.
Bức tranh “Người bán gạo” của danh họa Nguyễn Phan Chánh. |
Ngày 27 - 5 - 2013, bức tranh "Người bán gạo" (tiếng Pháp: La marchand de riz) của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá kỷ lục là 390.000 USD trong cuộc bán đấu giá của Christie's International tại Hồng Kông, giá cao nhất trên thị trường mỹ thuật quốc tế cho một bức tranh của họa sĩ người Việt ở thời điểm đó.
Sau đúng 5 năm, chính Nguyễn Phan Chánh đã tự xô ngã kỷ lục của mình. Tại hai phiên đấu giá mới nhất của nhà Christie's International tại Hồng Kông lần này, tranh của Nguyễn Phan Chánh xuất hiện khá nhiều, trong đó hai danh tác "Người bán ốc" và "Em bé cho chim ăn" đều là tranh bột màu trên lụa.
Việc thử sức với lụa, Nguyễn Phan Chánh thực hiện theo sự khích lệ của Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khi đó, ông Victor Tardieu (1870-1937). Ông cũng chính là người giới thiệu và bảo trợ Nguyễn Phan Chánh đến với "Triển lãm quốc tế Paris - Bois de Vincennes", Pháp từ 6 - 5 đến 15 - 11 - 1931, với 6 tác phẩm, trong đó có hai bức nổi tiếng sau này là "Người bán ốc" và "Chơi ô ăn quan".
Từ sau triển lãm năm 1931 tại Pháp, họa hoằn lắm bức "Người bán ốc" mới xuất hiện, gần nhất là tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Bỉ, trong triển lãm "Hoa đào và chim xanh": "Nghệ thuật và văn minh của Việt Nam" từ ngày 20-4 đến 18-8-2002. Vì chưa từng xuất hiện tại bất kỳ triển lãm nào ở Việt Nam nên trong nước nó không hề có tranh chép hay tranh giả.
Bức "Người bán ốc" (tiếng Pháp: "La Marchande de Ôc", mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 88cm x 65,5cm, vẽ năm 1929) tham gia phiên đấu đôi diễn ra tối 26-5-2018 có tên "Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20 và đương đại" và "Người đương thời: Tiếng nói từ Đông và Tây", giới thiệu 77 lô hàng thuộc loại xa xỉ, trong đó Việt Nam có 5 lô hàng.
"Người bán ốc" có giá dự kiến từ 358.561 đến 486.618 USD. Tuy nhiên, nhà tổ chức đấu giá cũng như giới sưu tập đều tin chắc giá của nó sẽ được bán cao hơn. Cùng tác giả, bức tranh lụa "Người bán gạo" (La Marchand de Riz 64,5cm x 50,5cm, 1932) của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá tương đương 390.000 USD tại phiên đấu giá năm 2013, cũng tại Christie's Hong Kong, trong khi mức khởi điểm chỉ 75.000 USD. Quả nhiên, lần này cũng thế, bức "Người bán ốc" đã được bán đi với giá tương đương 593.940 USD.
Ngày 27-5 nhà Christie's Hong Kong có thêm hai phiên đấu giá có tranh Việt tham gia. Phiên "Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20" giới thiệu 227 lô hàng xa xỉ và tác phẩm nghệ thuật, trong đó tranh Việt có 21 lô. Hàng loạt tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam thế kỷ XX như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung… đã góp mặt trong phiên đấu giá này.
Bức "Em bé cho chim ăn" (Enfant à l'oiseau, mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931), có giá dự kiến ở mức từ 127.983 đến 204.774 USD. Mức giá được đưa ra khá khiêm tốn là vì rất khó xác định bức "Em bé cho chim ăn" trong triển lãm lần này là tranh gốc hay phiên bản do chính Nguyễn Phan Chánh hoặc học trò của ông như Ngô Minh Cầu, Mai Long… chép lại.
Người ta tin rằng, tại Việt Nam có khá nhiều bản sao bức tranh nổi tiếng này. Có ít nhất hai bức đã được xác định, một thuộc sở hữu của bảo tàng, một thuộc sở hữu của tư nhân. Nhiều khả năng, trôi nổi trên thị trường bức tranh này còn có thể bị làm giả.
Trong hội họa vẫn tồn tại khái niệm "tác phẩm gần với bản gốc" để chỉ tác phẩm do chính họa sĩ sáng tác chép, hoặc đồng ý và đích thân giám sát việc chép, rồi tự mình hoàn thiện lại, ký tên và đóng dấu... Sinh thời, chính họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cũng đã từng làm chuyện này, theo yêu cầu của "nhiệm vụ chính trị" trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, với những hồ sơ được chuẩn bị bởi nhà Christie's Hongkong, giới chuyên môn quốc tế đều tin rằng bức "Em bé cho chim ăn" tại phiên đấu giá lần này có khả năng là bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Nó căn cứ vào gốc tích đưa ra từ tạp chí L'Illustration (số 4683, phát hành năm 1932), và triển lãm bởi Trường Mỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Agindo (Paris, Pháp, năm 1932).
Kết quả, một kỷ lục mới của Nguyễn Phan Chánh lại được xác lập, bức "Em bé cho chim ăn" được bán với giá 6.700.000 HKD, tương đương 853.921 USD, tăng hơn 600% so với dự kiến. Cả hai tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh đã lọt vào top 5 giá cao nhất từ trước đến nay cho một tác phẩm hội họa của Việt Nam trên trường quốc tế, xếp chỉ sau các bức của Lê Phổ, Joseph Inguimberty.., xếp trên cả bức "Vườn xuân Bắc - Trung - Nam", sơn mài 540cm x 200cm của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Tác phẩm 165° W của Danh Võ. |
Ngoài việc lập những kỷ lục mới đối với bản thân, tranh của Nguyễn Phan Chánh tham gia đấu giá lần này với tư cách là họa phẩm Việt Nam còn tỏ ra vượt trội về giá so với tác phẩm của các danh họa trong khu vực Đông Nam Á như José Joya (Philippines, 1931-1995), Vicente Silva Manansala (Philippines, 1910-1981), Fernando Cueto Amorsolo (Philippines, 1892-1972), Hendra Gunawan (Indonesia, 1918-1983), Affandi (Indonesia, 1907-1990), Georgette Chen (Singapore, 1907-1992), Cheong Soo Pieng (Singapore, 1917-1983), Chen Wen Hsi (Singapore, 1906-1991) … Trên thị trường tranh quốc tế, hội họa Việt Nam đã hoàn toàn san bằng khoảng cách với hội họa Hàn Quốc, nhưng vẫn đi sau khá xa hội họa Trung Quốc, Nhật Bản.
Tại kỳ đấu giá lần này, giới mỹ thuật nước nhà cũng đặt nhiều kỳ vọng vào danh họa Lê Phổ với bức "Một tách trà" (Une tasse de thé, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 36cm x 29cm, sáng tác vào khoảng 1938-1940) với giá dự kiến từ 192.086 đến 320.143 USD. Ông còn có bức "Nhà tắm" (La Toilette, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 31cm x 23cm, 1942) có giá dự kiến từ 153.669 đến 281.726 USD. Rất nhiều khả năng, cả hai tác phẩm của danh họa sẽ tiếp tục lập kỷ lục giá chấn động.
Cũng nhiều hy vọng là danh họa Tôn Thất Đào (1910 - 1979), bức "Vấn khăn trùm đầu" (La Coiffure , mực và bột màu trên lụa, 49,5cm x 66,5cm). Giá dự kiến đưa ra từ 23.037 đến 31.995 USD, kỳ vọng nó sẽ bán được trên 100.000 USD.
Phiên khác của đợt đấu giá có tên "Nghệ thuật đương đại Á châu" sẽ giới thiệu 133 lô hàng, tranh Việt sẽ góp mặt với tác phẩm của một thế hệ họa sĩ trẻ hậu sinh đang sung sức như Trương Tân (sinh 1963), Dinh Q. Lê (sinh 1968), Hồng Việt Dũng (sinh 1962)… giá dự kiến từ 7.679 đến 19.197 USD. Nếu may mắn và thành công, giá bán thực có thể tăng lên gấp bội.
Tuy nhiên, điểm nhấn đáng kinh ngạc của tranh Việt lại không đến từ trong nước. Nó xuất hiện với họa sĩ Danh Võ (sinh 1975), đến từ Đan Mạch, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác phẩm "165° W " (165 độ Tây, vàng lá trên thùng giấy, 91 x 173 cm, sáng tác năm 2011) được nhà Christie's diễn giải là sáng tạo từ… chất liệu vỏ thùng giấy carton cũ, nguyên là hộp đựng chai nhựa đồ uống của của Thái Lan. Góc dưới bên trái họa sĩ viết theo lối gothic lời bài hát của David Bowie: "Time he flexes like a whore" (Thời giờ của hắn ta uốn éo như một con điếm). Nó có giá dự kiến từ 153.532 đến 204.709 USD, kỳ vọng sẽ bán trên 300.000 USD.
Một mùa đấu giá bội thu đang mở ra những tín hiệu vui đối với tranh Việt trên thị trường quốc tế.