Hà Tiên – dậy sóng tình xưa

Thứ Hai, 25/03/2019, 08:09
Hà Tiên luôn luôn là vùng đất bí ẩn. Miền biên viễn, hồ nước mênh mang, biển sóng rộn ràng, núi non soi bóng. Xưa, những đêm trăng, các nàng tiên giáng trần ca múa trên đầm Đông Hồ, vui đùa tắm mát.


Cách đây hơn 300 năm, khi mới khai khẩn vịnh biển hoang vu này, tướng Mạc Cửu (1655-1735) đã mơ viễn cảnh huy hoàng của Hà Tiên. Quả nhiên, nay thị xã Hà Tiên đã được lên thành phố, đô thị loại II (11-2018), với mười danh thắng được tôn vinh.

Vịnh biển thi ca và bi tình sử Phù Dung

Có những câu chuyện như cổ tích đã xảy ra tại vùng biên cương này. Trước hết, nói đến Hà Tiên, thường nhắc tới Tao đàn Chiêu Anh Các, do Mạc Thiên Tích lập nên. Mạc Thiên Tích là con trai Mạc Cửu. Ngay khi kế vị cha, Mạc Thiên Tích đã nghĩ tới lập Thi đàn Chiêu Anh Các, là nơi tập hợp hiền tài và đàm đạo thơ ca. Chiêu Anh Các được coi là tổ chức văn chương đầu tiên ở nước ta.

Mạc Thiên Tích được triều Nguyễn phong ấn -Tổng trấn Hà Tiên, khi vừa tròn 28 tuổi (1736). Là một tướng tài, giỏi giang cả về quân sự lẫn văn chương, Mạc Thiên Tích có nhiều ý tưởng phát triển kinh tế tại cửa vịnh Hà Tiên. Chiêu Anh Các tạo nên không khí mới lạ, thu hút tầng lớp trí thức trong vùng đất biển mới sinh sôi. Họ say sưa đàm đạo thi ca cùng những vấn đề non sông đất nước, nơi tận cùng của Tổ quốc.

Phố biển Hà Tiên.

Một mối tình đã nảy sinh, như định mệnh sắp đặt hồn nhiên. Đó là khi Chiêu Anh Các xuất hiện một nàng thơ. Nữ sĩ Nguyễn Thị Xuân, thôn nữ hồ sen, một giai nhân tuyệt sắc bên dãy núi Bình San. Đầu tiên nàng còn giả trai đến đăng ký sinh hoạt với danh tự Phù Cừ. Bởi thi đàn Chiêu Anh Các chỉ thu nạp các đấng nam nhi quanh vùng.

Tâm hồn thi ca vượt trội của nữ sĩ Nguyễn Thị Xuân đã được chấp nhận. Từ đó, Chiêu Anh Các có một nữ sĩ dịu dàng, với gương mặt trái xoan xinh xắn, dễ thương. Mạc Thiên Tích đem lòng tơ tưởng nàng thơ. Tình yêu gắn bó hai tâm hồn thi ca lúc nào không hay.

Nhớ nhung. Quấn quýt. Hẹn hò. Sóng tình cuộn trào không sao cưỡng nổi. Năm sau, ngài Tổng trấn quyết định đưa nàng về dinh họ Mạc, với danh phận Ái Cơ Phù Cừ. Mặc cho Hiếu Túc phu nhân tỏ ý hậm hực hờn ghen, Ái Cơ Phù Cừ thường ở bên chàng, luận bàn chữ nghĩa, nói cười rổn rảng. Lòng hận thù ngày một dâng cao trong lòng Hiếu Túc phu nhân. Mụ đã bày mưu tính kế hãm hại Ái Cơ, nhân chuyến đi kiểm sát quân sự, thuộc rừng núi biên cương của Mạc Thiên Tích.

Nhưng ông trời có mắt, bỗng dưng đổ mưa trút gió, vũ bão trên rừng. Trời long đất lở. Đường đi trơn trượt, núi sập, suối đầy. Đoàn quân phải quay về không thể tiếp tục vó ngựa nơi biên cương. Đội mưa về nhà, Mạc Thiên Tích nhảy xuống ngựa vội gọi ngay nàng Ái Cơ Phù Cừ, vì quá nhớ nàng. Nhưng bặt vô âm tín.

Gọi mãi chẳng thấy lời thưa. Chàng cuống lên tìm khắp trong dinh phủ. Các gia nhân đều khiếp sợ vì tiếng gọi thất thanh của ngài Tổng trấn. Họ không dám nói ra sự thật, vì lệnh của phủ phu nhân đã ban, cắt lưỡi ai dám hé lời. Mưa rừng xối xả. Bất ngờ ngài Tổng trấn sững người nghi ngờ khi nhìn thấy các chậu lớn hứng nước mưa đều úp xuống.

Bình thường mỗi khi mưa, các chậu đều phải hứng nước, dự trữ cho việc sinh hoạt hàng ngày. Ngài ra lệnh cho gia nhân lật chậu lên. Ai nấy vội ùa ra sân. Chính ngài đích thân bước tới, lật một chậu lớn nhất, bên đầu thềm ngôi nhà. Ai ngờ nàng Ái Cơ bị nhốt trong đó. Miệng nàng bị bịt giẻ. Tím bầm đôi môi, nàng ngạt thở ngất xỉu trong tay chàng. Mạc Thiên Tích hét lên vì quá đau đớn, thương xót người vợ hiền. Trong khi đó, Hiếu Túc phu nhân lạnh lùng, coi như không biết chuyện gì đã xảy ra. Mọi người trong dinh đều câm như hến.

Từ đó, Ái Cơ Phù Cừ buồn phiền nhịn ăn, đóng cửa phòng, đòi đi tu. Nàng muốn rời chốn thị phi và dinh trấn xa hoa lộng lẫy. Khuyên bảo thế nào cũng không được. Dỗ dành thế nào cũng không làm lay chuyển được Ái Cơ. Sợ nàng thác oan, Mạc Thiên Tích đành cho người xây chùa bên chân núi Bình San, gần hồ sen nhà nàng năm xưa. Đó là ngôi chùa "Phù Dung Cổ Tự".

Nàng xuống tóc. Vĩnh biệt một cuộc tình cay đắng. Ái Cơ viết bài thơ cuối cùng chia tay Tao đàn: "Vươn khỏi bùn nhơ thoát vươn lên/ Phô lòng trong trắng giữa thiên nhiên/ Xuân thu đậm nhạt bao hồng tía/ Đừng sánh thanh cao với đóa sen". Tác phẩm thơ "Hà Tiên thập cảnh" của Mạc Thiên Tích đã được viết tại nơi này.

"Tri đức học xá" và mối tình Đông Hồ -Mộng Tuyết

Hơn 150 năm sau, khi Tao đàn Chiêu Anh Các tan rã (1771), Hà Tiên lại xuất hiện một tao đàn thứ hai. Đó là "Tri đức học xá", do thầy giáo Lâm Tấn Phác thành lập (năm 1926), ngay tại nhà mình, bên sông Đồng Hồ. Công việc chính là dạy học, truyền bá chữ Quốc ngữ, nhưng "Tri đức học xá" còn là nơi tâm giao của những thi nhân. Thầy giáo Lâm Tấn Phác nổi lên với bút danh Đông Hồ. Những tác phẩm báo chí, văn chương của Đông Hồ đều sâu sắc và thể hiện khí phách của một người tiên phong mở cõi. Mạnh mẽ và sắc sảo.

Trong số học trò của ông, có cô em vợ tên là Thái Thị Úc, xinh xắn chăm chỉ. Sớm thể hiện một tâm hồn thơ trong trẻo, hồn nhiên, Thái Thị Úc được thầy giáo quan tâm giúp đỡ từng con chữ viết ra. Tâm đắc. Tri kỷ bên nhau.

Thời gian trôi đi. Người vợ ốm đau bệnh tật, nhà thơ Đông Hồ trông cậy mọi việc giao cho Thái Thị Úc trông nom gia cảnh. Nhưng số người yểu mệnh. Ba năm sau người vợ ra đi. Đông Hồ sống trong nỗi cô đơn. Ông chỉ biết lấy văn thơ, thư pháp, làm nơi nương tựa tinh thần. Ngày ngày thầm lặng lên lớp. Tối đến lại chong đèn, đốt nến làm thơ, luyện chữ, đơn bóng lẻ loi.

Khi đó, Thái Thị Úc âm thầm chăm sóc cho người anh rể, tận tình chu đáo. Từ miếng ăn, tấm áo, bút nghiên. Nhất là những buổi sinh hoạt đàm bàn chữ nghĩa, với bạn văn chương; bao giờ cũng có Thái Thị Úc bên cạnh Đông Hồ, đúng với hình ảnh "nâng khăn sửa túi". Tình yêu đến tự nhiên như hình với bóng. Kết tóc xe tơ. Một cuộc tình như có tự ngàn xưa.

Từ đây, Thái Thị Úc cùng chồng theo đuổi việc thơ ca, như thời còn tuổi mười tám, đôi mươi. Đông Hồ đặt bút danh cho vợ là Mộng Tuyết. Không còn dừng sự nghiệp văn chương ở Hà Tiên nữa, Đông Hồ và Mộng Tuyết còn đưa in các tác phẩm ở Sài Gòn và Hà Nội.

Tượng đài Tổng Trấn Hà Tiên Mạc Cửu (1655-1735).

Trước đó, Đông Hồ đã nổi tiếng không những ở thi ca, mà còn lưu danh qua những bài báo, nghiên cứu văn hóa miền Nam. Sau này, những bài thơ của Mộng Tuyết cũng lần lượt được in trên tạp chí Nam Phong (Tự lực Văn đoàn) vào những năm 1937-1938.

Đến đầu năm 1939, Mộng Tuyết được tặng Bằng khen của Tự Lực Văn đoàn qua thi phẩm "Phấn hương rừng". Tên tuổi hai người ngày một thăng hoa trên văn đàn miền Nam suốt mấy thập niên sau đó. Nhưng rồi, mọi chuyện trắc trở khi nhà thơ Đông Hồ đột quỵ ngay trên giảng đường ở Sài Gòn. Ông tạ thế năm 1969 (thọ 63 tuổi).

Nữ sĩ Mộng Tuyết quay về ngôi nhà "Tri đức học xá" năm nào ở Hà Tiên. Khi đã ở tuổi 55, nữ sĩ Mộng Tuyết một lòng thờ chồng, chăm lo công việc gia đình. Bà tập trung viết và xuất bản hơn mười đầu sách, trong đó có tiểu thuyết viết về tình duyên của nàng Ái Cơ Phù Cừ. Đặc biệt, bộ hồi ký (ba cuốn) về cuộc đời sự nghiệp của vợ chồng bà, chứa đựng nhiều cảm xúc và tràn đầy kỷ niệm, trong làng văn thơ miền Nam một thuở. Nữ sĩ Mộng Tuyết mất năm 2007 (thọ 93 tuổi), sau 38 năm sống trong cô đơn nơi vịnh biển Hà Tiên.

Cổ tích Thạch Động

Ắt hẳn nhiều người khi đến thăm hang Thạch Động, gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên-Prếch Char, sẽ rất ngạc nhiên. Nơi đây chính là chốn đại bàng giam cầm công chúa Quỳnh Nga trong cổ tích Thạch Sanh. Trong lòng Thạch Động có hang sâu thăm thẳm không biết đi về đâu. Lý Thông cũng đã lấp đá để nhốt Thạch Sanh, sau khi đưa công chúa Quỳnh Nga lên khỏi hang. Phía đông của Thạch Động hiện có hình núi tạc thành đầu con đại bàng độc ác, với chiếc mỏ khổng lồ.

Ai cũng rõ sau đó, Thạch Sanh được vua thủy tề cứu vớt, đưa trở về trần gian. Thạch Sanh đã dùng tiếng đàn giải oan cho mình. Cuối cùng Lý Thông bị trừng trị. Người hướng dẫn viên ở đây rất thuộc những vần điệu trong câu chuyện bằng thơ này. Thì ra đã có tới 1812 câu trong bản thơ nôm kể chuyện Thạch Sanh. Hà Tiên quả là vùng đất kỳ bí, ẩn giấu những câu chuyện tình huyền diệu, gắn liền với nền văn học nước nhà.

Vương Tâm
.
.