Giọt mưa trên Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 06/08/2020, 11:45
Tôi là người Sài Gòn. Thỉnh thoảng trong lúc chuyện trò có bạn bè hỏi tôi thích điều gì nơi mình đang sống. Một câu hỏi đơn giản nhưng nghĩa rộng quá! Với tôi, hơn 60 năm đã đi qua, trải quá nhiều, biết phải chọn yêu thích điều gì?


Thích gì? Thích những con đường có lá me bay như Võ Văn Tần, Nguyễn Du hay một rừng cây nho nhỏ nhưng tràn ngập tiếng ve cao ngất trước Dinh Thống Nhất. Thích những cao ốc vươn lên trời xanh bắt nhịp cuộc sống văn minh thời đại hay những tòa nhà cổ kính lưu lại một thời. 

Thích những chiếc xe bóng lộn kiêu kỳ lăn bánh trên đường phố hay chiếc xích lô có dạo từng là biểu tượng cho nếp sống của người đô thị. Thích bánh hamberger nổi tiếng toàn cầu hay chén chè đậu trắng chan nước cốt dừa khiêm nhường ở con hẻm nhỏ. Thích ngồi thưởng thức cốc Cappuchino đúng kiểu Ý trong một cửa hiệu sang trọng ở khu trung tâm hay nhâm nhi ly cà phê đá ở vỉa hè nhìn người qua kẻ lại?...

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc.

Sài Gòn trong những năm đầu thế kỷ XXI vươn lên mạnh mẽ lắm. Một thành phố trẻ đang vươn tới tương lai chớ không phải một đô thị cổ ra sức vật lộn với thời đại. Với một vị trí hết sức quan trọng ở vùng Viễn Đông, Sài Gòn từng là tâm điểm giao thương từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, kể cả đường hàng không lẫn đường biển. Ở quốc nội, với ưu thế "thiên thời, địa lợi", Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu về kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Với diện tích hơn 2.000km2, dân số hơn 9 triệu, thành phố của tôi hội đủ những yếu tố cần thiết về giao thông, công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đô thị nắng ấm này ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, là nơi được chọn khởi nghiệp của nhiều trí thức trẻ, thanh niên có hoài bão tiến thân, làm giàu chân chính. Nó cũng là mảnh đất dễ sống, nơi bao dung cho những phận đời nghèo khó, ít chữ, không nghề, tha phương cầu  thực. 

Không ít người nói: "Dù chưa giàu có hơn ai, nhưng sống ở Việt Nam là… sung sướng. Cái gì cũng có, đi đâu cũng được, ăn uống thoải mái, nghề tự do hằng hà sa số, thích cái gì làm cái đó…". Sướng thiệt! Có người đi Thái Lan, Singapore như cơm bữa, có gia đình mỗi năm đi du lịch đôi ba lần từ châu Á sang châu Âu. Nhiều người làm nghề đơn giản như bán cơm, tạp hóa, lái xe, bỏ mối hàng… mà trong nhà ai cũng có giấy thông hành (passports), hễ thích là mua vé máy bay, bỏ quần áo vào va li, kéo nhau lên đường. 

Nhiều Việt kiều về nước tỏ ra ganh tỵ, cái to lớn, giàu có nơi họ sống là tài sản của quốc gia sở tại, còn riêng đời sống gia đình, thu nhập 1.500 - 2.000 đô la hàng tháng của họ phải tiện tặn, dè sẻn vất vả lắm. Tôi có nhiều người bà con ở Na Uy, Mỹ, Canada… Về nước họ chỉ mang một ít bánh kẹo để gọi là làm quà, bởi vì ở Việt Nam bây giờ chẳng thiếu thứ gì, có món còn rẻ hơn "ở bển".

Từ một quốc gia trong tốp nghèo nhất thế giới, đời sống chung hết sức chênh vênh, thu nhập trung bình của các hộ gia đình giờ đây đã tăng lên nhiều lần, giảm tỷ lệ đói nghèo, không ít người đã trở thành triệu phú, tỷ phú đô la. 

Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, với thu nhập bình quân 7.000 USD/người/năm (cả nước bình quân 3.000 USD), đã cho thấy tiềm lực, sự năng động, sức phát triển (mức đóng góp 23% cho GDP quốc gia) của một thành phố trẻ. 

Điều kiện sống của người dân luôn được cải thiện, không thua kém bất cứ đô thị nào trong khu vực; có những khu dân cư tiếp cận hoặc được xây dựng theo mô hình của những quốc gia tiên tiến, làm thay đổi lớn bộ mặt phố thị một vùng, như Phú Mỹ Hưng (quận 7), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Bình Trị Đông (quận Bình Chánh)…

Vài năm trở lại đây, khi đi du lịch ở Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Philippines… tôi thường không tham quan các khu trung tâm, các con phố chen chúc nhà cao tầng hay cửa hiệu trưng bày hào nhoáng, mà luồn lách đi sâu vào các khu vùng ven, tỉnh lẻ. 

Ở những nơi ấy, đời sống cư dân hiện ra rất tệ, phố xá nghèo nàn, nhà dân cũng thường bị nạn cúp điện, ngập nước; đường phố tràn lan cảnh buôn vặt, ăn xin, tệ nạn… Những hình ảnh đập vào mắt khiến cho tôi có cảm nghĩ: "Sài Gòn của mình có nhiều mặt còn khá hơn. Lắm lúc ai đó than phiền chuyện "cơm áo gạo tiền", ô nhiễm môi trường, ngập nước… có lẽ họ chưa nhìn thấy đầy đủ… thế giới quanh ta".

Sài Gòn tuyệt đẹp về đêm.

Có hai lĩnh vực hết sức quan trọng mà bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng cần phải nỗ lực hoàn thiện, đó là giao thông và truyền thông. Đầu tiên có thể nói đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, thuộc tuyến vành đai 2, đi từ quận 7 đến quốc lộ 1A kết nối vào đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Lương đi về miền Tây. Con đường có chiều dài 18 cây số, rộng 120 mét này (khởi công cuối năm 1996, hoàn thành vào tháng 12-2007), sau khi liên thông với cầu Phú Mỹ đã mở một lối thoát vô cùng quan trọng cho các loại xe tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa dọc theo chiều dài đất nước. 

Trước đó khoảng 20 năm, những ai sinh sống hoặc thường đi lại trên trục đường Võ Thị Sáu -  Điện Biên Phủ - Ba Tháng Hai đều hết sức khổ sở trước hàng ngàn xe tải lưu thông mỗi ngày bản hòa tấu vấn nạn của tiếng ồn, khói bụi, kẹt xe, tai nạn… Cầu Sài Gòn dài hơn 900 mét, khá già nua ngày càng "oằn" xuống bởi tải trọng quá sức gồng gánh của nó. Một phương tiện huyết mạch được coi là "cánh cửa" của phía Đông Sài Gòn nhưng hai chiều chỉ có 4 làn xe, nên cảnh ùn ứ cứ diễn ra liên tục. Dân chúng thở phào khi con đường vành đai ngoài đã giải quyết nỗi lo âu kéo dài nhiều năm kể từ sau ngày giải phóng.

Nhận được nhiều lời khen ngợi nhất chính là hai tuyến đường Võ Văn Kiệt và Võ Chí Công nằm sâu trong nội thành, ôm trọn nửa số dân của thành phố, mở lối thoát cho hàng chục con đường xuyên ngang. Đường Võ Văn Kiệt dài 22 km, đường Võ Chí Công dài gần 10 km, cả hai đều có những tiện ích tối ưu. 

Nếu như đại lộ nghiêng về phía Nam thành phố là một công trình quy mô, hiện đại, có hầm vượt sông duy nhất của cả nước, băng qua các khu vực thương mại sầm uất, một thời "trên bến dưới thuyền", mở ra những hành lang rộng lớn cho vùng đất đầy hứa hẹn ở tương lai bên kia sông Sài Gòn; thì đại lộ nghiêng về phía Bắc lại rút ngắn những hành trình, tiết kiệm khoảng thời gian khá lớn cho người thành phố khi đi ra vùng Thủ Đức, Bình Dương, Biên Hòa, ngã tư Vũng Tàu… Từ những nơi nầy người muốn đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ trong "tầm tay". 

Trên những đại lộ mới xây dựng, chiều ngang khá rộng, có "line" dành riêng cho xe máy, có dãy phân cách, tiểu đảo trồng cây xanh. Cấu trúc nầy tạo thêm nét đẹp, văn minh cho một đô thị hiện đại, giải quyết được hàng loạt vấn đề, tạo thêm sức bật cho sự phát triển.

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa vùng sông nước, có đến 5.000 km kênh rạch. Rất nhiều thế hệ vẫn thuộc nằm lòng câu ca dao: "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về". Do sự bùng nổ dân số, xây dựng ồ ạt, có lúc thiếu kiểm soát, nên rất nhiều kênh rạch, mé sông bị lấn chiếm làm nhà ở, kéo theo nạn ô nhiễm môi trường, rác rưởi, phóng uế, làm tắc nhiều dòng chảy, gây cảnh ngập ngụa. 

Nói đến điều nầy, tôi đặc biệt thích sự "lột xác" của kênh Nhiêu Lộc, một dòng chảy nằm sâu trong các khu dân cư dày đặc, uốn lượn qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh… Có đến 7.000 hộ dân được di dời (phần lớn là nhà sàn, lấn chiếm), kinh phí gần nửa tỷ đô la Mỹ (thời điểm đó), thực hiện ròng rã trong 9 năm. Với độ dài 8,7 km, kênh Nhiêu Lộc cùng hai nhánh đường Hoàng Sa và Trường Sa thật sự đã tạo nên một nét chấm phá độc đáo giữa lòng thành phố.

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 800.000 ôtô và trên 8 triệu chiếc xe máy đang lưu hành. Môi trường bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, cái ăn, cái ở, cái đi, cái đứng luôn "thải" ra những "vấn đề" không thể giải quyết trong một sớm một chiều. 

Buổi chiều, có chuyện đi tản bộ lơ phơ trên phố Nguyễn Huệ, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyên Sa: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…". Trời bỗng đổ mưa, mưa không lớn, chỉ những giọt như đàn lân tinh cứ bay lơ thơ trên kính của mấy tòa nhà cao tầng. Thành phố cũng rất cần mưa. Tôi cảm thấy không khí dịu lại, dù lúc ấy không có… chiếc áo lụa Hà Đông nào lơi lả đi qua.

Tháng 6-2020

Trần Tử Văn
.
.