Giới Showbiz Việt làm gì trong những ngày giãn cách xã hội?
- Showbiz Việt đã hết sùng bái xu hướng yêu đương “phái Cổ Mộ”?
- Nghị định mới mang lại sinh khí mới cho showbiz Việt ra sao?
- Showbiz Việt có giàu sang thật không ?
19 tỉnh Nam bộ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thực sự là một sự kiện đáng quan tâm. Khi nghe tin, ca sĩ Tùng Dương đã triển khai hoạt động từ thiện khá quy mô. Anh đã vận động người thân và bạn bè gửi tặng 2.000 chiếc giường xếp và 10 máy thở để hỗ trợ các bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, ca sĩ Tùng Dương cũng gửi tặng 100 tấn gạo cho đồng bào nghèo trong những khu vực phong tỏa. Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Tôi là một ca sĩ Hà Nội có nhiều năm được rèn luyện trên các sân khấu phía Nam, nên tôi không thể thờ ơ khi đồng bào đang bị khốn khó. Từ nay đến cuối tháng 7/2021, tôi sẽ chi 3 tỷ đồng để hỗ trợ công tác chống dịch”.
Ca sĩ Tùng Dương. |
Đã từng nhiều lần quyên góp cho công tác chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, diễn viên Nhật Kim Anh tiếp tục ủng hộ hiện vật và hiện kim trong những ngày TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ giãn cách xã hội. Ngoài 100 triệu đồng ủng hộ quỹ vaccine, diễn viên Nhật Kim Anh trực tiếp trao tặng 50 triệu đồng cho lực lượng chống dịch tại quận 6, TP Hồ Chí Minh, đồng thời trao tặng 4 tấn gạo và 10 triệu đồng mua rau xanh cho người nghèo ở khu vực mình đang sinh sống. Ca sĩ Nhật Kim Anh cho biết: “Trong thời gian phong tỏa, tôi có niềm vui là tự tay chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình, vừa thư giãn vừa theo dõi tin tức để giúp đỡ những người đang gieo neo”.
Ở những khu vực cách ly của TP Hồ Chí Minh, công chúng không khó khăn để nhận ra những nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Lan, Việt Hương, Đại Nghĩa… xuất hiện với những chuyến hàng lương thực để phân phát cho người nghèo. Tuy nhiên, người năng nổ phải kể đến Hoa hậu H’hen Niê. Từng làm tình nguyện viên ở các điểm xét nghiệm y tế và tiêm vaccine, khi TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội thì Hoa hậu H’hen Niê lại chuyển sang làm “người giúp việc” như cô tự nhận.
Hoa hậu H’hen Niê tiết lộ: “Theo sự phân công của nhóm nghệ sĩ tình nguyện, mỗi ngày tôi đi mua hàng dùm những hộ gia đình bị cách ly. Ban đầu cũng bỡ ngỡ nhưng dần dần cũng quen. Có hôm tôi đi siêu thị mua nhu yếu phẩm giùm cho cả chục hộ gia đình”. Ngoài việc đi mua hàng dùm, Hoa hậu H’hen Niê còn là một tài xế kiêm khuân vác cho các chuyến hàng từ thiện.
Hoa hậu H’hen Niê tự hào: “Có đêm tôi tự lái xe chở 1,5 tấn gạo, 100 thùng nước ngọt, 60 thùng hạt nêm, 50 thùng sữa, 10 thùng nước mắm từ Nhà văn hoá Thanh Niên về điểm tập kết ở quận 8. Rồi sau đó, chia ra từng phần nhỏ, lái xe đi giao cho các điểm từ thiện. Đúng là mùa dịch bỗng dưng tôi trải nghiệm nhiều nghề khác nhau, nhưng nhờ đó mà tôi biết được những khó khăn vô vàn của những người xung quanh”.
Hoa hậu H’hen Niê. |
Nhóm nghệ sĩ làm tình nguyện viên chống Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã lên đến 80 người. Mỗi ngày, họ chia thành 6 đến 8 đội, có ngày cao điểm chia thành 9 đội để tham gia các hoạt động gồm: Hỗ trợ người dân mua hàng ở siêu thị; hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu; hỗ trợ bếp ăn nấu để gửi tặng người dân trong các khu phong tỏa. Gần đây, nhóm nghệ sĩ làm tình nguyện viên còn có thêm hoạt động cắt tóc cho các bác sĩ, lực lượng y tế đang làm việc ở những khu điều trị Covid-19.
Ca sĩ Phương Thanh được mệnh danh là “cây kéo vàng” bộc bạch: “Thời gian đầu, tôi bị say cồn vì xịt khuẩn quá nhiều, người nóng hầm hập trong bộ đồ bảo hộ, tôi càng hiểu nỗi vất vả của lực lượng y bác sĩ. Khi đến các bệnh viện, nhìn ánh mắt của họ, tôi biết mọi người đã thức nhiều đêm liền lo cho bệnh nhân. Chúng tôi không nghĩ rằng thời gian tình nguyện lại kéo dài như vậy, chỉ nghĩ hỗ trợ chừng năm đến bảy ngày để giảm tải phần nào áp lực cho tuyến đầu. Bây giờ, dịch còn căng thẳng, chúng tôi còn tiếp tục làm. Khó khăn của tôi so với mọi người còn nhỏ bé lắm”.
Là người khởi xướng và trực tiếp điều phối nhóm nghệ sĩ làm tình nguyện viên chống Covid-19, MC Quỳnh Hoa suy tư: “Tôi nghĩ công việc làm tình nguyện viên là lựa chọn. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nghệ sĩ không có việc làm, tâm trạng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân ngoại cảnh, thì thay vì tiêu tốn thời gian một cách lãng phí, các bạn chọn công việc giúp ích cho mọi người. Nhận thấy mình có giá trị cũng là một cách để giúp tinh thần lạc quan vượt qua dịch bệnh. Nghệ sĩ cũng như bao người bình thường khác, biết rung động, xót xa, biết trách nhiệm công dân của mình ở đâu khi cộng đồng cần hỗ trợ”.
Còn ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói về những lần đứng hát giữa bệnh viện dã chiến: “Sân khấu của tôi rộng thênh thang, nhìn không rõ mặt người đối diện. Vừa hát, vừa phải mang khẩu trang, kính bảo hộ, nên đôi lúc hơi nóng phả lên không thấy gì cả. Lúc đó tôi mới hiểu các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ phải chịu sức nóng khủng khiếp như thế nào. Cho đến khi về nhà, đặt lưng lên chiếc giường quen thuộc, nhưng cứ nghĩ ngoài kia, lực lượng tuyến đầu vẫn đang căng mình làm việc, tôi càng cảm phục, và trân trọng vô cùng những hy sinh của họ”.
Nghệ sĩ Việt cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy của đại dịch toàn cầu. Nghệ sĩ Việt cũng như những đối tượng lao động khác trong xã hội, rất cần được hỗ trợ chống Covid-19. Thế nhưng, nghệ sĩ Việt có những ai được hỗ trợ và hỗ trợ ra sao, lại là câu chuyện phải đắn đo. Một văn bản vừa được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch gửi tới Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, để kiến nghị bổ sung vào mục II dự thảo nghị quyết về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, với nội dung: “Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần”. Nghĩa là những nghệ sĩ Việt đang công tác trong các đơn vị nghệ thuật Nhà nước sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không tính các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang, thì khoảng 2.000 viên chức là nghệ sĩ có chức danh nghề nghiệp hạng IV thuộc sự quản lý của 100 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, có phải là đối tượng khốn đốn nhất trong giới nghệ sĩ Việt căng mình chống chọi Covid-19 không? Từ đầu năm 2020 đến nay, đời sống nghệ thuật gần như đóng cửa tắt đèn. Trừ vài ngôi sao còn có thu nhập từ quảng cáo, thì hầu hết nghệ sĩ Việt đều lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. Bằng chứng ư? Ngay cả một diễn viên như Thành Lộc còn phải bán bớt đồ trong nhà để có tiền sinh sống, thì chẳng nghệ sĩ Việt nào dám tự nhận mình có thể ung dung giữa đại dịch toàn cầu. Chỉ có điều nên suy tư thật nghiêm túc. Nghệ sĩ viên chức hạng IV dù ít dù nhiều vẫn còn có lương, chứ các nghệ sĩ tự do thì chẳng còn nguồn sinh kế nào. Trong năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã dựa theo danh sách đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho 151 văn nghệ sĩ gặp khó khăn vì Covid-19, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
NSƯT Trịnh Kim Chi. |
NSƯT tú Trịnh Kim Chi là một gương mặt được chú ý trong giới show biz Việt trong những ngày cao điểm chống Covid-19 vì chị vừa thực hiện chương trình từ thiện cho người nghèo vừa xây dựng quỹ tương trợ nghệ sĩ khó khăn. Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi bày tỏ: “Vì ở trong khu bị phong toả nên tôi đành phải điều khiển từ xa, làm việc qua điện thoại để liên hệ nguồn rau củ, gọi điện cho nhà xe để giao nhận hàng, liên hệ với các địa phương để sắp xếp giờ giao hàng… Cũng may mọi việc suôn sẻ, thuận tiện nhờ sự hỗ trợ của mọi người”.