"Giải mã" Táo quân 2019

Thứ Năm, 14/02/2019, 10:30
Có lẽ, chưa bao giờ, chương trình Táo Quân - một "đặc sản" của VTV lại gây nhiều phản ứng trái chiều như năm nay. Nhiều khán giả lên tiếng chê chương trình ngày càng nhạt nhẽo và cho rằng Táo Quân nên dừng lại để thay thế bằng một chương trình khác hấp dẫn hơn. Câu hỏi đặt ra là, chương trình nhạt hay do khán giả quá kỳ vọng, đặt lên "vai" Táo Quân trọng trách lớn nên mới cảm thấy thất vọng?


Một mùa Táo Quân không ít sạn

Tôi cho rằng, khi Táo Quân đã trở thành thương hiệu, "định vị" được chỗ đứng trong lòng khán giả thì điều đó đồng nghĩa rằng, chương trình đã tự đặt ra cho mình những đỉnh cao mới mà ekip sản xuất phải chinh phục.

Chương trình năm sau phải đổi mới, mới lạ, hấp dẫn hơn chương trình năm trước. Nghệ thuật là hành trình tìm kiếm cái đẹp, sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Không có giới hạn nào cho sáng tạo nghệ thuật, nhưng để vượt qua cái bóng của chính mình là điều không hề dễ dàng. Khán giả có quyền đòi hòi được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật mới hấp dẫn.

Một cảnh trong chương trình Táo Quân 2019.

Sự khen, chê của khán giả là điều tất yếu xảy ra với mỗi tác phẩm nghệ thuật. Phân tích như vậy để thấy rằng, ekip sản xuất Táo Quân phải chịu áp lực rất lớn trước mỗi chương trình lên sóng.

Nhìn chung, Táo Quân 2019 đã đề cập khá nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội Việt Nam trong năm qua. Khá nhiều câu chuyện ở lĩnh vực giáo dục được đưa vào chương trình như chuyện cô giáo tát học sinh, bắt học sinh uống nước lau bảng, phụ huynh bắt cô giáo quỳ trên sân trường, lãng phí sách giáo khoa…

Tình trạng chạy theo lối sống ảo, thực phẩm bẩn, thuốc giả, xuống cấp đạo đức… trong lĩnh vực xã hội đã được phản ánh. Tương tự như vậy, nhiều vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng được khai thác trong chương trình. Chương trình cũng đã mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhiều khán giả có chung nhận định rằng, Táo Quân 2019 rời rạc, nhạt nhẽo, thậm chí là có xu hướng hài nhảm.

Theo đó, nhiều vấn đề nóng trong năm qua đã bị Táo Quân bỏ qua, hoặc chỉ được nhắc đến theo kiểu "điểm danh" sự kiện, thay vì phân tích, mổ xẻ vấn đề dưới góc nhìn hài hước một cách sâu sắc, chẳng hạn như dự thảo văn bản của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc sinh viên sư phạm 4 lần vi phạm bán dâm mới bị đuổi học từng gây xôn xao dư luận; hiện tượng "con ông cháu cha" được sắp xếp ngồi ở các vị trí không xứng đáng, quan chức lớn vi phạm pháp luật…

Khán giả cũng phản ứng khá gay gắt khi Táo Quân năm nay lên tiếng chế giễu "ông vua cà phê" qua nhân vật Bắc Đẩu ở phần đầu chương trình. Mặc dù không đề cập trực diện vào nhân vật nào nhưng qua cách nói, trang phục, khán giả hoàn toàn có thể hiểu chương trình đang "nhắm" đến ai. Khán giả cho rằng, không nên mang đời tư, nhất là vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng của cá nhân lên sân khấu hài kịch để gây cười.

Một vấn đề nữa cũng gây nên những luồng dư luận trái chiều trong Táo Quân năm nay chính là việc chương trình "chèn" quảng cáo lộ liễu và dày đặc làm người xem cảm thấy ức chế. Những màn quảng cáo cho một trang web bán hàng online, thương hiệu thời trang, hãng hàng không mới xuất hiện, thịt mát, xe đạp điện, ôtô… được các nghệ sĩ "tung hứng" ngay trong lời thoại, đọc cả công dụng sản phẩm, slogan của thương hiệu trên sân khấu thực sự rất phản cảm.

Một số nghệ sĩ lên tiếng nói rằng, quảng cáo giúp chương trình có thêm kinh phí để đầu tư, nâng cao chất lượng chương trình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó chỉ là sự biện minh cho những màn quảng cáo "lố".

Có nhiều cách để quảng cáo cho các nhà tài trợ như quảng cáo vào giữa các phần trong chương trình, chạy chữ, hiện logo quảng bá sản phẩm trên màn hình… nhưng đưa vào lời thoại trong tác phẩm thì thực sự phản cảm. Những lời thoại quảng cáo không chỉ là lời nói xuông, "vô thưởng vô phạt" mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nội dung chương trình. Quảng cáo "lố" là "hạt sạn" lớn nhất trong Táo Quân năm nay.

Táo Quân nên dừng lại hay đi tiếp?

Mặc dù bị chê tơi tả nhưng Táo Quân 2019 vẫn là từ khóa hot nhất trong những ngày đầu năm mới. Nhiều nguồn tin cho hay, số lượng khán giả xem Táo Quân năm sau đều cao hơn năm trước và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều câu nói của Táo Quân được cư dân mạng "chế" hài hước, được sử dụng như "hot trend" trong đời sống hàng ngày. Điều đó cho thấy, sự chờ đợi, kỳ vọng của khán giả vào Táo Quân vẫn rất lớn.

Trở lại câu hỏi đặt ra từ đầu bài viết là khán giả thất vọng với Táo Quân 2019 do chương trình ngày càng giảm nhiệt hay do quá kỳ vọng vào chương trình? Có lẽ, xuất phát từ cả hai lý do nêu trên. Táo Quân đã trở thành "món ăn" tinh thần yêu thích của hàng triệu khán giả Việt, nhất là khán giả phía Bắc vào mỗi tối giao thừa. Minh chứng là, suốt chặng đường hơn 15 năm qua, Táo Quân vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả.

Hình ảnh "Cô Đẩu" (giữa) xuất hiện trong chương trình Táo Quân 2019 bị khán giả chỉ trích vì gợi nhớ đến một "đại gia cà phê".

Táo Quân có nên xem xét dừng lại, thay thế bằng một chương trình khác hay không? Tôi cho rằng, ở thời điểm này, chưa nên xem xét việc dừng Táo Quân mà cần tiếp tục đầu tư, xây dựng thương hiệu Táo Quân bằng những chương trình thực sự chất lượng để đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của khán giả. Táo Quân nhạt không hẳn do format chương trình cũ, diễn viên "quen mặt" mà ở nội dung chương trình chưa đủ hấp dẫn, chưa "đánh trúng" những vấn đề mà khán giả quan tâm.

Quan trọng hàng đầu là phải có được kịch bản hay. Đời sống, hiện thực với rất nhiều vấn đề đặt ra chính là chất liệu phong phú để ekip sản xuất chương trình "gột nên hồ". Điều quan trọng là phải chắt lọc được những vấn đề mang tính điển hình, thực sự nổi cộm trong xã hội để "nhào nặn", đưa lên sân khấu. Hiện thực phong phú là vậy nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào tài năng, khả năng "biến hóa" của các nghệ sĩ.

Phải trở về với cái cốt lõi làm nên thành công của Táo Quân. Tính chiến đấu, tính phản biện mạnh mẽ của Táo Quân đã tạo nên sức hấp dẫn của chương trình suốt những năm qua. Những vấn đề nóng của xã hội được phản ánh dưới góc nhìn dí dỏm, hài hước, qua đó phê phán, châm biếm một cách sâu cay.

Tiếng cười trong Táo Quân được đánh giá là tiếng cười thâm thúy, trí tuệ, đúng với kỳ vọng của khán giả về hài kịch. Cười trong Táo Quân khác so với tiếng cười giải trí đơn thuần trong nhiều chương trình hài kịch xuất hiện trên sóng truyền hình thời gian gần đây. Tiếng cười sâu sắc đã làm nên thương hiệu Táo Quân thì cũng chính nó sẽ giúp chương trình ngày càng hấp dẫn, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Con đường sáng tạo nghệ thuật không bao giờ dễ dàng, nhất là khi phải tự vượt qua cái bóng của chính mình. Xây dựng thương hiệu đã khó, duy trì, phát triển thương hiệu là bài toán còn khó hơn gấp nhiều lần. Trách nhiệm với khán giả, với sự phát triển của xã hội thì Táo Quân không thể dừng lại. Dẫu nhiều khó khăn và thách thức nhưng Táo Quân vẫn có được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả - những người đã đang và sẽ đồng hành cùng chương trình.

Khen, chê là điều không tránh khỏi với các chương trình nghệ thuật, nhất là chương trình được kỳ vọng nhiều như Táo Quân. Những lời khen, chê đó cũng với mong muốn để chương trình ngày càng tốt hơn, hấp dẫn hơn. Đồng thời, đó cũng là "kênh" vô cùng giá trị để ekip sản xuất chương trình "đo"thị hiếu của khán giả.

Một vấn đề nữa cũng cần nhắc tới là chương trình đề cập đến nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm như Táo Quân sẽ được kiểm duyệt hết sức chặt chẽ trước khi lên sóng. Có lẽ, rất cần đến những góc nhìn thẳng, mạnh dạn, không né tránh những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Táo Quân chỉ hấp dẫn khi khai thác được tiếng cười từ góc nhìn phản biện, mang tính chiến đấu cao và điều đó cũng rất cần đến tư duy quản lý mạnh dạn và thẳng thắn.

Tường Phạm
.
.