Giấc mơ phim hoạt hình Việt nam chiếu rạp

Thứ Sáu, 25/06/2021, 12:12
Phim hoạt hình chiếu rạp là một mỏ quặng đầy tiềm năng nhưng cho đến nay, hoạt hình Việt Nam vẫn chập chững đi những bước đầu tiên. Đến bao giờ hoạt hình Việt Nam mới có những bộ phim chiếu rạp thu hút đông đảo công chúng vẫn là trăn trở của những nhà làm phim hoạt hình nước nhà.


Tháng 6 này, Tuần phim hoạt hình Việt trên TV Go đang cung cấp 50 bộ phim xuất sắc của Hãng phim hoạt hình Việt Nam, kỳ vọng sẽ tạo nên một thư viện hình ảnh sống động trong mùa hè này cho các em thiếu nhi. Đây được đánh giá là những bộ phim chất lượng cao, vừa mang tính giải trí, vừa đem lại những bài học giáo dục ý nghĩa. 

Tuy nhiên, với một bề dày lịch sử 60 năm, phim hoạt hình Việt Nam có gia tài hơn 500 bộ phim, nhưng thời lượng mới chỉ dừng lại ở 10-20 phút, chưa đủ để mang ra chiếu rạp quả là điều đáng tiếc. Bởi phim chiếu rạp là mảnh đất màu mỡ, “con gà đẻ trứng vàng” của điện ảnh. Chất lượng và độ phủ sóng của phim hoạt hình Việt còn hạn chế, nếu không nói là chậm phát triển. 

Mới đây, Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi viết kịch bản phim truyền hình với mong muốn tìm được những kịch bản mới, góp phần kích hoạt dòng phim này ở Việt Nam. Thực tế, cho đến nay, “oanh tạc” ngoài phòng vé vẫn là phim hoạt hình nước ngoài, với hàng loạt tác phẩm gây sốt doanh thu phòng vé như “Kungfu Panda”, “Doreamon”, “Moana”, “Kẻ cắp mặt trăng”... Thiếu vắng phim hoạt hình Việt, đó là một thực tế đáng tiếc. 

Cần sự đầu tư mang tầm chiến lược để đưa phim hoạt hình Việt phát triển. 

Phim hoạt hình Việt những năm trước bị mặc định là phim của nhà nước, do nhà nước đầu tư (Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất). Phim có thời lượng ngắn, 10-20 phút, chủ yếu chiếu miễn phí trên sóng truyền hình với những câu chuyện mang tính giáo dục, vui nhộn. Tuy nhiên, theo đạo diễn Hà Bắc, một nghệ sĩ gạo cội gắn bó với phim truyền hình thì sức lan tỏa của phim hoạt hình Việt còn hạn chế, ngoài thời lượng ngắn thì thực trạng phim hoạt hình nội dung còn đơn giản, hơi mang tính giáo điều, kỹ thuật, kỹ xảo còn kém so với sự phát triển như vũ bão của công nghệ phim hoạt hình thế giới. 

Mấy năm trở lại đây, phim hoạt hình Việt có những khởi sắc nhất định, đó là sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ, tài năng và đam mê cùng sự vào cuộc của những nhà sản xuất tư nhân.  Còn nhớ, năm 2018, lần đầu tiên phim họat hình Việt do Vintata (tập đoàn Vin group) công chiếu online 4 tập đầu tiên của series phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được đông đảo khán giả yêu thích. 

Sau đó năm 2020, loạt phim hoạt hình 3D cổ tích Việt Nam cũng lên sóng THVL, với những câu chuyện cổ tích gần gụi như “Tấm cám”, “Sọ dừa”, “Cóc kiện trời”, mỗi truyện có 3 đến 6 tập... Hãng phim hoạt hình Việt Nam xác định phải bắt tay triển khai trong năm 2021 và thời gian sắp tới, đó chính là đầu tư sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp. 

"Làm phim hoạt hình chiếu rạp là mơ ước và mong muốn của những người làm phim hoạt hình chúng tôi. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian gần đây hãng đã có sự chuẩn bị bước đầu như tiến hành tuyển chọn và xây dựng kịch bản, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ, đào tạo nhân lực và các khâu khác để đáp ứng yêu cầu chuyên môn" - bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng phim hoạt hình Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên, phim hoạt hình chiếu rạp vẫn là một giấc mơ của chúng ta. Lý giải điều này, có ý kiến cho rằng, với tình hình hiện nay sẽ rất xa nữa Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới khi nói về thể loại này. Nếu không tự học hỏi, vươn lên mà cứ mãi tự ru ngủ thì chúng ta sẽ mãi mãi đứng một chỗ nhìn xã hội phát triển.

Phim hoạt hình Việt mới chỉ dừng lại ở thời lượng 10 phút đến 20 phút.

Theo đạo diễn, họa sĩ Bùi Mạnh Quang (Phó TGĐ kinh doanh, dịch vụ Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam): “Mỗi năm Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất 16-18 bộ phim hoạt hình theo đơn đặt hàng của nhà nước với nhiều mảng đề tài khác nhau. Phim hoạt hình Việt Nam từ trước tới nay luôn coi trọng những giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, làm thế nào để chuyển tải những câu chuyện lịch sử đó hấp dẫn trẻ em và kéo được khán giả đến rạp là một câu hỏi lớn chưa có lời giải. Kinh phí đầu tư, công nghệ và sự thay đổi của cuộc sống, thói quen thưởng thức, buộc hoạt hình Việt Nam phải có một cuộc lột xác ngoạn mục mới có thể chinh phục được khán giả”. 

Theo đạo diễn, họa sĩ Vũ Duy Khánh (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cho rằng: “Đề tài phim ra rạp phải khai thác từ chính khán giả, họ cần xem những gì và mong muốn phim hoạt hình thể hiện được điều gì. Ở Việt Nam nếu muốn làm được phim ra rạp, phải đầu tư có chiều sâu với một ekip đông đảo được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, phải có một nguồn kinh phí dồi dào từ các nhà đầu tư, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất để cải thiện chất lượng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. Nếu muốn khán giả đến rạp xem phim hoạt hình “made in Việt Nam”, chính chúng ta phải làm khác và lạ so với hoạt hình thế giới nói chung, làm mới hơn và sáng tạo hơn. Điều đó mới có thể là niềm hy vọng vào phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp”.

Còn đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) lại cho rằng: Để có một bộ phim hoạt hình do Việt Nam sản xuất ra rạp, thu hút với không chỉ khán giả nhỏ, khán giả trong nước thì chúng ta cần có sự thay đổi từ “cái nhìn” dành cho hoạt hình. Cụ thể là cần đánh giá đúng thực tế và có sự quan tâm đầu tư nghiêm túc, chất lượng về đào tạo con người, trang thiết bị, môi trường làm việc chuyên nghiệp… Ngoài làm những bộ phim do nhà nước đặt hàng Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì cá nhân tôi cũng tham gia nhiều với các team, studio, công ty tư nhân bên ngoài để cho ra những sản phẩm hoạt hình phục vụ nhu cầu xã hội. Tôi nhận thấy các bạn đạo diễn trẻ có sự đam mê mạnh mẽ, kĩ năng làm việc khá chuyên nghiệp và khả năng sử dụng công nghệ tốt – đây chính là thế mạnh. Một điều khá thú vị là những phim, sản phẩm hoạt hình do các đơn vị tư nhân làm thường đến với khán giả nhanh hơn, nhận được phản hồi khán giả tức thời và liên tục thay đổi vì đơn giản chính là nền tảng mạng xã hội hỗ trợ.

Vậy nên việc của chúng ta là làm ra những bộ phim hoạt hình hay hấp dẫn, có ý nghĩa, thì tự khắc sẽ có khán giả. Vì thực tế những kênh có nội dung video nhảm nhí, độc hại nhằm câu view, không mang giá trị thông điệp cuộc sống hay bài học ý nghĩa đã dần bị loại bỏ, không còn chỗ đứng. Để có một bộ phim hoạt hình chiếu rạp với thời lượng khoảng 90 - 120 phút, chi phí khổng lồ không hề thua kém gì một bộ phim người đóng và có khi là còn hơn nhiều hơn thế. Và điều đó được minh chứng bởi các “siêu phẩm” hoạt hình với sự đầu tư chi phí rất cao và khi thành công thì cũng đem lại lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy theo tôi để có một bộ phim chiếu rạp không hề đơn giản.

Để thực hiện mục tiêu này, còn rất nhiều thách thức về cả kinh phí lẫn các nhân tố như: quy trình làm việc với các rạp, đổi mới kịch bản, kỹ thuật, phương tiện, con người…”.

Nhưng không thể vì khó mà chúng ta không làm. Giấc mơ phim hoạt hình “made in Viet Nam” vẫn còn giang dở và cần có sự đột phá trong thời gian tới. Tín hiệu đáng mừng là vừa qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm kịch bản phim hoạt hình, bởi điều cần thiết đầu tiên là nguồn kịch bản. Hoạt hình Việt cần thoát khỏi những câu chuyện cũ xưa, những hình ảnh xưa xa lạ với trẻ em hôm nay. Mục tiêu giáo dục bị đặt nặng nên hoạt hình Việt mới chỉ dừng lại ở những bài học đạo đức mang tính giáo điều, không hấp dẫn trẻ em. 

Ngoài ra, sự vào cuộc của một lớp đạo diễn trẻ, bắt nhịp với những đổi thay của công nghệ hy vọng sẽ tạo nên sức sống mới cho phim hoạt hình Việt Nam. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn, chúng ta cần có một chiến lược đầu tư dài hạn từ phía nhà nước, các tổ chức tư nhân cho phim hoạt hình Việt có thể “thoát xác” trong thời gian tới.

Linh Vân
.
.