Già làng gieo chữ giữa đại ngàn
75 tuổi vẫn đi học để lũ trẻ noi theo
Đó là tâm nguyện của già Xa Văn Thế, người dân tộc Tày ở bản Nhạp. Đã bao đời, cuộc sống của người dân ở bản Nhạp trông lên chỉ thấy núi, thấy rừng xanh trùng trùng điệp điệp. Tầm mắt chưa khi nào nhìn xa quá ngọn núi Pu Canh. Không có cái chữ, cái đầu không sáng không nghĩ được nhiều. Chẳng vậy mà cứ mãi quanh quẩn với cái đói, cái nghèo. Già Thế luôn đau đáu: "Chỉ vì không có chữ nên mới phải lên rừng đào củ mài, hái măng. Không có chữ nên người dân mới nghe theo lâm tặc đi phá rừng. Có chữ dân bản mới bớt nạn rượu chè, đánh chém nhau. Thiếu con chữ là chỉ có đói nghèo".
Già làng Xa Văn Thế - tấm gương sáng về học tập suốt đời. |
Lần đầu tiên con chữ đến được với người dân bản Nhạp vào năm 1954. Từ đó cho đến năm 2006, ở đây chỉ có lớp cấp I của Trường Tiểu học Đồng Chum. "Trường cấp II thì ở xa lắm, từ bản Nhạp phải đi bộ băng rừng mất cả buổi mới tới trường. Muốn đi học cũng chẳng được vì nhà nào cũng nghèo, cũng đói. Cái ăn không đủ thì làm sao mà gánh được cái chữ về", già Thế cười buồn. Điều đó cũng đồng nghĩa là trẻ con ở bản Nhạp chỉ học hết cấp I rồi lại ở nhà theo bố mẹ lên rừng, suốt ngày trên nương trên rẫy. Theo nương theo rẫy, con chữ cũng dần rơi rụng dưới mỗi gốc ngô, luống sắn. Với lại đến trường học sách giáo khoa bằng chữ phổ thông nhưng khi về nhà thì lại chủ yếu nói bằng tiếng Tày nên đa phần các em nói tiếng phổ thông chưa sõi. "Sự học ở đây dang dở như lúa đương thì con gái mà trời làm hạn. Chỉ còn lại nỗi nhọc nhằn", già Thế ví von.
Suốt những năm làm trưởng xóm, công an viên rồi được dân bầu làm đại biểu Hội Đồng nhân dân xã và khi trở thành Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đồng Chum, già Thế luôn trăn trở, đau đáu làm thế nào để người dân xóm Nhạp không còn thất học giữa chừng, cái chữ được đưa về bản nhiều hơn. Nhiều đêm mất ngủ, già mướt mồ hôi trán chỉ nghĩ một điều: "Làm sao đưa được con chữ về bản. Giữ rừng, đuổi con ma đói. Khó như thế còn làm được. Chẳng lẽ mình lại thua giặc dốt?!". Trăn trở, suy nghĩ, già thấy mình phải làm. Và già đã bàn bạc với xã xin Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc mở một lớp học cấp II tại bản Nhạp. Già Thế lại là người viết đơn và một lần nữa già đi bộ hơn 60km về huyện trình bày ý nguyện.
Năm học 2003 - 2004, người dân bản Nhạp vui mừng, phấn khởi khi chi trường Trung học cơ sở Đồng Chum tại xóm Nhạp chính thức được mở. Có trường, có lớp, có thầy cô về dạy, già không quản tuổi cao sức yếu già đến từng nhà vận động các gia đình cho con em đi học. Để làm gương cho lũ trẻ, già đã xung phong xin nhận làm lớp trưởng. Khi đó, 75 tuổi, hàng ngày già cũng 2 buổi cắp sách tới trường không kể ngày nắng hay mưa.
Cách đây khoảng 5 năm, bản Nhạp của già Thế trẻ con thường học hết cấp I rồi lại phải ở nhà. Chẳng có mấy đứa học lên đến cấp II. Nhiều thanh niên trai tráng trong làng xóm có thể tuyển vào bộ đội nhưng do học hành kém nên chẳng có đứa nào được nhận. Cũng vì đó mà việc đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương cũng bị hạn chế. Do vậy, việc làm của già Thế như dòng nước mát tưới cho vùng đất cằn trơ sỏi đá. Có trường, có lớp nhưng làm sao để các cháu đi học đầy đủ. Già lại tự mình đi vận động cả bản được 64 cháu đến lớp. Ngày khai trường, cả bản Nhạp tưng bừng như ngày hội. Ngồi trong lớp, già cũng vui lây.
Đi học để làm gương cho lũ trẻ thế nên già Thế cũng chịu khó và chăm chỉ học. Già bảo: "Tuy cao tuổi nhưng già không chểnh mảng học hành. Mình phải làm gương cho các cháu noi theo" Đi học già chỉ thích học các môn xã hội. Còn các môn tự nhiên già bảo học còn "cứng hơn cả nhai ngô, điểm lẹt đẹt chỉ hơn 5 phẩy". Tuy học lực trung bình nhưng hạnh kiểm của già luôn đạt tốt. Như thế đối với những người như già đó là một sự nỗ lực rất lớn. Không chỉ nỗ lực, cố gắng học mà trên cương vị là lớp trưởng, già Thế còn vận động các "bạn" trong lớp trồng ngô ở bãi đất trước sân trường để lấy tiền mua sách vở tặng bạn nghèo. Nhờ đó mà nhiều "bạn" học của già Thế được đến trường với đầy đủ sách vở. Đến nay phong trào đó do già Thế phát động vẫn được các em học sinh ở chi trường xóm Nhạp tiếp tục thực hiện. Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp bậc THCS, già Thế vui vẻ: Đi học khó hơn cả đi vận động nhân dân thôi không phá rừng. Có được tấm bằng tốt nghiệp này, đối với già đây là cả một chiến công.
Già làng mở lớp dạy chữ cổ.
Rời bản Nhạp, chúng tôi có mặt tại xã Vầy Nưa thì lập tức bắt gặp các em nhỏ, trong trang phục truyền thống và cả những người luống tuổi đang chăm chú theo dõi một lớp học đặc biệt. Các em nhỏ đồng thanh đánh vần theo hướng dẫn của một già làng, âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Ở một nơi thâm sơn cùng cốc này lại xuất hiện lớp học như vậy khiến mọi người trong đoàn không khỏi bất ngờ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là lớp học do một già làng mở để truyền dạy chữ cổ cho trẻ em trong dòng tộc. Người "thầy giáo" ấy chính là già Bàn Văn Thân, người Dao Tiền ở xóm Dướng.
Già làng Bàn Văn Thân là người truyền dạy chữ cổ cho trẻ em người Dao Tiền. |
Trước đây, cụ Thân từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã, sau khi rời nhiệm sở, cụ được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, trưởng dòng tộc người Dao. Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: "Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Phong tục tập quán, những luật lệ bất thành văn được truyền từ nhiều đời nay đã ngấm vào trong mỗi con người để nhắc nhở họ phải biết trân trọng và giữ gìn bẳn sắc cao thượng, đẹp đẽ của dân tộc mình".
Già Thân cho biết: Người dân tộc Dao ở Vầy Nưa vốn tính thật thà, chất phác, luôn chịu thương chịu khó và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, không có tình trạng vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma tuý. Trước đây, mỗi khi nghe tới Công an là người dân ở đây sợ lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thiếu sự giáo dục của gia đình, địa phương và nhất là bọn trẻ không giữ được truyền thống dân tộc và bản sắc văn hoá nên các vụ việc vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra nhiều, thanh niên trong bản có lối sống buông thả, lười lao động và lao vào các trò chơi vô bổ nên nảy sinh các tệ nạn xã hội, có cả người nghiện ma tuý. Điều đó làm cho già Thân rất buồn, già thấy mình phải có trách nhiệm giúp cho bọn trẻ có hướng đi đúng đắn, sống có lý tưởng và phải tránh xa các tệ nạn xã hội và ma tuý.
Già đã bàn với mọi người trong dòng tộc, tìm biện pháp quản lý thật chặt số thanh niên này. Vào các dịp giỗ tổ, lễ tết.., già đều đứng ra tổ chức các cuộc họp trong bản với sự tham dự của 100% thành viên trong dòng tộc. Già Thân đã cẩn thận ghi chép lại và lưu ý với mọi người: cái quan trọng là phải giữ được bản sắc của dân tộc mình, học lấy chữ viết của người Dao để thấy được cái hay, cái đẹp và trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Chữ của người Dao có tính giáo dục rất sâu sắc và cần được thế hệ sau kế thừa và phát huy. Con cháu nhìn vào đó để mà học tập, để mà phấn đấu trở thành những người công dân có ích cho xã hội, cho cộng đồng.
Với khả năng hiểu biết uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, có thể nói thông, viết thạo ngôn ngữ của nhiều dân tộc, già Thân đã tự tay viết hàng trăm cuốn sách cổ bằng chữ quốc ngữ, chữ nôm. Mỗi cuốn sách đều có tính giáo dục trên một lĩnh vực. Sách thì dạy làm người, sách thì truyền đạt kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng rừng, khuyên răn con cháu không mắc các thói hư, tật xấu. Lật mở từng trang sách, già Thân giảng giải cho chúng tôi nghe những điều nêu trong sách cổ, có điều còn được đưa vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Già Thân say sưa kể, cuốn hút chúng tôi vào từng câu chuyện của già. Già Thân, hình ảnh một cây cổ thụ, khoẻ khoắn sừng sững uy nghi, vững chãi giữa đại ngàn Tây Bắc, làm dịu cái nắng, cái gió, sự khô khan của núi rừng.
Thay lời kết
Trong một xã hội nhiều biến động, cuộc sống ngày càng thực dụng thì những con người tâm huyết, âm thầm gieo chữ giữa núi rừng Tây Bắc thật đáng đáng quý biết bao. Họ gieo chữ vì trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Họ mong muốn con cháu thấy cái hay, cái đẹp, sống có lý tưởng, hoài bão, trở thành người có ích. Hiện nay, người dân vùng sâu, vùng xa đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống mưu sinh. Mặt khác, họ phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã, đó là giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, trẻ em bị đói "con chữ". Chúng tôi thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm, khuyến khích những cá nhân, tổ chức có tâm huyết đầu tư, hỗ trợ công tác giáo dục tại các địa phương miền núi. Có như vậy, "con chữ" đến với trẻ em nghèo mới thực sự bền vững.