Đứng “trong” thế giới với tư thế nào?

Thứ Sáu, 22/12/2017, 08:25
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cái tên Chi Pu vốn đã “hot” lại càng “hot” hơn khi cô và ê kíp liên tiếp ra mắt 3 sản phẩm âm nhạc. Chi Pu lập tức trở thành từ khóa khi lực lượng chê bai chất lượng giọng ca của cô quá đông và lực lượng ủng hộ viên trung thành đến mù quáng bảo vệ cô cũng đông không kém.


Quý IV năm 2017 đang trôi qua với quá nhiều sự kiện giải trí ồn ào, náo nhiệt mà theo đúng bản chất của xã hội kỹ thuật số hôm nay, sự ồn ào sau sẽ lập tức khiến người ta quên ngay đi những ồn ào trước đó vốn dĩ từng kéo họ vào cuộc một cách say sưa. Và nếu điểm lại tất cả những sự kiện ồn ào đó, chúng ta có thể lật sâu hơn lớp vỉa quặng của vấn đề văn hoá đại chúng hiện thời mà công chúng và cả những người có trách nhiệm trong ngành ở Việt Nam sẽ đều phải tự nhận về mình nhiều phần trách nhiệm.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cái tên Chi Pu vốn đã “hot” lại càng “hot” hơn khi cô và ê kíp liên tiếp ra mắt 3 sản phẩm âm nhạc. Chi Pu lập tức trở thành từ khóa khi lực lượng chê bai chất lượng giọng ca của cô quá đông và lực lượng ủng hộ viên trung thành đến mù quáng bảo vệ cô cũng đông không kém.

Nhưng có lẽ, chúng ta không cần bàn đến chất lượng ca khúc cũng như giọng ca của Chi Pu mà thay vào đó, chúng ta cứ tạm thời chấp nhận chúng bình đẳng như những sản phẩm giải trí khác để nhìn nhận vào những vấn đề lớn hơn.

Đó chính là phong cách, phương pháp sản xuất, cách tổ chức truyền thông tiếp thị và diện mạo của cả người trình diễn lẫn hình ảnh các video ca nhạc của Chi Pu cực kỳ đậm nét Hàn Quốc. Điều đó có thể dễ dàng lý giải bởi chúng đều được thực hiện ở xứ sở kim chi, thậm chí có cả bàn tay của những nhà sản xuất người Hàn.

Song, người quyết định lựa chọn phong cách Hàn Quốc là Chi Pu và ê kíp của mình chứ không phải ai khác. Đó là quyết định hoàn toàn tự nguyện, thậm chí có thể gọi là sở thích, là mục tiêu theo đuổi. Và nó cho thấy, sức ảnh hưởng của Hàn Quốc lên văn hoá đại chúng Việt Nam mạnh mẽ đến thế nào, được lan toả bởi chính những nhân vật đang là ngôi sao với lực lượng cổ động viên vô cùng đông đảo.

Các nhân vật giải trí đình đám Hàn Quốc ở MAMA 2017 tại Nhà hát Hoà Bình.

Trước Chi Pu, Sơn Tùng M-TP còn được coi là một phiên bản Hàn Quốc tại Việt Nam khi anh theo sát hình mẫu ngôi sao thần tượng của mình đến từng chi tiết. Tùng đình đám trong dòng chảy Hàn Quốc hoá văn hoá đại chúng Việt Nam và kinh khủng hơn, bất kỳ ý kiến phê phán nào dành cho anh sẽ nhận về vô số gạch đá của lực lượng hâm mộ vô cùng rộng lớn, sẵn sàn gán mác “ghen ăn tức ở” cho bất kỳ ý kiến trái chiều nào.

Và ở năm 2017 này, ngay cả ca khúc đình đám nhất là “Em gái mưa” cũng đậm màu sắc Hàn Quốc từ âm nhạc cho tới hình ảnh. Tất cả đã như một công thức rập khuôn sẵn mà nhiều nhân vật giải trí Việt Nam sợ hãi rằng nếu mình không làm theo công thức kia, mọi đầu tư sẽ ra sông ra bể bởi không thể có thành công nào đảm bảo.

Và quay lại với quý IV năm 2017, sự kiện lễ trao giải MAMA, một giải thưởng âm nhạc giải trí của Hàn Quốc, được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cho thấy ngay cuộc xâm lược văn hoá đại chúng đang mạnh mẽ như thế nào.

Giải thưởng MAMA này có tuổi thọ cũng không hơn gì giải thưởng Làn Sóng Xanh của âm nhạc Việt Nam nhưng bây giờ vị thế của Làn Sóng Xanh đã ở đâu so với MAMA trong lòng công chúng Việt? Trả lời xong câu hỏi đó, chúng ta đã bóc tách được vấn đề đeo đẳng hơn hai mươi năm nay ở Việt Nam, kể từ khi những bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc được mua về phát sóng trên TV và biến các thế hệ nối tiếp vô thức trở thành người tiêu dùng lệ thuộc văn hoá đại chúng Hàn Quốc.

Thực sự, người Hàn Quốc không có lỗi gì ở đây cả. Họ đang làm đúng việc họ cần làm, là mở rộng độ nhận diện thương hiệu quốc gia bằng các ảnh hưởng văn hoá đại chúng. Chúng ta mới là người có lỗi khi lần lượt từng thế hệ sống trong thói quen bắt chước.

Chỉ 20 năm trước thôi, chúng ta copy hồn nhiên theo mô hình Hong Kong, Đài Loan và trước đó nữa, hình ảnh kiểu Anh, Mỹ hay Pháp đã từng là phiên bản gốc để noi theo. Nhưng ít ra, cái cách “copy” của thế hệ đi trước dù sao vẫn còn là sự học hỏi vì ngưỡng mộ còn ở thời này, nó đã biến tướng thành sự phụ thuộc đến nô lệ chỉ vì thần tượng một cách quá đà.

Và ngay cả những người làm nghề đứng ngoài làn sóng Hàn Quốc hoá cũng không hẳn đã vô can. Họ cũng có thần tượng của họ, và học đòi theo hình mẫu đó chẳng khác gì cách mà các ngôi sao giải trí rập khuôn thần tượng Hàn Quốc. Điển hình, những người trong nghề có thể chỉ rõ ra ai là người học đòi Pat Metheny, ai là người học đòi Bjork, ai là người học đòi Nina Simone… trong danh sách những ngôi sao ca nhạc được liệt vào hạng “tinh hoa” so với đám đông nghệ sỹ giải trí. Đó chính là cái nỗi đau cực lớn của những người quan tâm và trân trọng văn hoá đại chúng Việt Nam. Rõ ràng, chúng ta đang có một nền âm nhạc đại chúng ngày càng nhạt nhoà dấu ấn riêng, thứ mà chúng ta có thể gọi nôm na là “căn cước của một nền âm nhạc”.

Không nên đổ lỗi rằng vì ta học tân nhạc theo lối người Tây phương nên chúng ta bị ảnh hưởng của người Tây phương và không có “căn cước” là chuyện thường tình vì nếu lôi “căn cước” ra thì phải là âm nhạc dân tộc với bầu, tranh, sáo, nhị. Thực tế, nhạc nhẹ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan đều học theo lối Tây phương cả, nhưng họ vẫn xác lập được căn cước của mình và chính chúng ta đã và đang đi sao chép lại chính các căn cưóc ấy.

Nếu cần phải đổ lỗi, chúng ta phải đổ lỗi cho lực lượng “giáo dục âm nhạc gián tiếp”, tức là các kênh sóng đã ưu ái xuất bản phẩm nước ngoài đến mức mê muội, và từ đó tạo ra những người sản xuất sản phẩm copy căn cước cũng mê muội không kém. Chính họ tạo ra lượng khán giả lớn, bị cuốn vào dòng xoáy lệ thuộc và từ đó quay ngược lại định hướng thị trường.

Ở thời đại toàn cầu hoá này, việc không chịu dung nạp các giá trị văn hoá ngoại lai chắc chắn là không thể, và nó sẽ khiến chúng ta khó bước chân ra hoà mình vào thế giới. Song, để bước chân ra hoà mình vào thế giới thì dễ, để đúng trong thế giới ấy với 1 vị thế được xác lập và minh định danh tính là chuyện rất khó.

Trong âm nhạc, điều ấy lại càng khó hơn nữa khi chính thế hệ đi sau đã dễ dàng thỏa hiệp với chính mình để rời xa dần con đường minh định “căn cước” mà một thế hệ tuyệt vời đã đắp nên những nền tảng đầu tiên như nhạc sỹ Thanh Tùng, nhạc sỹ Bảo Chấn, nhạc sỹ Trần Tiến, nhạc sỹ Nguyễn Cường….

Bây giờ, khi tình thế đã khó hơn nữa, việc xác lập lại căn cước văn hoá đại chúng Việt rất cần bàn tay xiết mạnh của quản lý, nhất là trong việc đưa ra hạn ngạch cho các xuất bản phẩm quốc tế trên truyền hình, đưa ra chính sách bắt buộc trong việc truyền bá sản phẩm văn hoá Việt, tạo ưu đãi hơn cho các sản phẩm văn hoá Việt trong khi đó khắt khe hơn nữa với những sản phẩm chỉ là bản phái sinh hình thức không hơn không kém. Và những việc đó đòi hỏi phải được thực hiện kiên trì, kéo dài bởi chính nó là giáo dục gián tiếp, để hình thành một ý thức rõ rệt và tự tôn cho công chúng Việt.

.
.