Du lịch tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn hút khách

Thứ Năm, 05/07/2018, 12:15
Nếu lâu nay, hàng loạt các di tích lịch sử cách mạng - "địa chỉ đỏ" có nguy cơ rơi vào quên lãng thì mới đây, Quán cơm tấm Đỗ Phủ Đại Hàn, 113A Đặng Dung, TP Hồ Chí Minh - một trong số các địa điểm vừa được phát hiện từng là cơ sở của Biệt động Sài Gòn, lại tấp nập khách.


Từ thành công của điểm di tích này, hàng loạt các điểm di tích khác đang được chủ sở hữu rục rịch đưa vào khai thác tiếp nhằm xây dựng thành sản phẩm du lịch "về nguồn" độc đáo với một chuỗi những điểm di tích lịch sử hấp dẫn. Mô hình này còn được kỳ vọng sẽ "khai mở" thêm một "kênh" quan trọng trong phát huy các di tích lịch sử cách mạng, vượt ra ngoài khuôn khổ của địa phương.

Chuỗi di tích và tour du lịch tìm hiểu Biệt động Sài Gòn do anh Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Văn Lai khởi xướng. Ông Trần Văn Lai và 2 bà vợ trong "gia đình biệt động" là những nguyên mẫu của phim "Biệt động Sài Gòn", từng rất nổi tiếng với vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế - thầu khoán Dinh Độc Lập.

Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, vỏ bọc này bị lộ, địch đã treo thưởng lên đến 2 triệu USD cho ai bắt được ông chủ thầu khoán biệt động này. Đất nước hòa bình, thống nhất, ông Trần Văn Lai cùng gia đình lại trở về cuộc sống đời thường, mang theo thương tật 1/4. Ông vừa đảm nhận công tác tại bộ phận "Tổng kết chiến tranh" vừa phụ vợ - cựu chiến sĩ biệt động Đặng Thị Thiệp làm thêm, giữ xe cho khách đi chợ Tân Định, TP Hồ Chí Minh, chế máy xay cua, xay rau má bán kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Thiếu nữ thích thú chụp ảnh lưu niệm trước di tích quán cơm tấm Đại Hàn tại 113A Đặng Dung - một trong số các cơ sở mà AHLLVT Trần Văn Lai gây dựng trong nội đô Sài Gòn trước 1968 vừa được phục dựng.

Anh Trần Vũ Bình cho hay, tấm gương của người cha như vậy đã trở thành bài học lớn cho chính các con của mình. Dù khó khăn, các anh chị em trong gia đình đều được ăn học tử tế, tiếp tục đi theo con đường của cha, cống hiến cho xã hội.

Nhưng, có một thực tế là từ sau Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã bị giải tán. Không còn đơn vị để giữ gìn truyền thống, không còn tài liệu nào ghi chép lại cụ thể tên, tuổi của những chiến sĩ biệt động năm xưa.

Cho đến nay, những tư liệu lịch sử về lực lượng Biệt động Sài Gòn ít nhiều được giải mã, được công chúng biết đến. Nhưng nỗi trăn trở về những đồng đội đã khuất, về những chứng tích xưa vẫn là niềm đau đáu của những chiến sĩ biệt động hiện còn sống. Thấu hiểu mong muốn này và bản thân cũng vô cùng yêu quý và trân trọng những gì mà cha mẹ và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã làm trong quá khứ, anh Trần Vũ Bình đã âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha và lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Sau hơn 20 năm không ngại khó, không ngại tốn kém lần tìm các manh mối, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, lặn lội đi xuống các địa phương, các tỉnh thành lần tìm những người đang sở hữu những ngôi nhà, những chiếc xe ôtô của cha ngày xưa để xin mua lại, đến nay, anh Trần Vũ Bình đã sưu tầm gần 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn.

Nhiều người bị bám riết mãi đã xua đuổi, mắng anh điên khùng, làm chuyện bao đồng và ra giá thật cao để anh bỏ cuộc. Nhưng, bằng lòng kiên trì, nhẫn nại, trình bày nguồn gốc lịch sử của chiếc xe và tìm hiểu nguyện vọng của gia đình, Trần Vũ Bình đã khiến những chủ sở hữu cảm động, bán lại hiện vật cho anh với giá rẻ, thậm chí tặng không.

Có người thân thiết như anh em trong nhà, hỗ trợ anh đi tìm kỷ vật cách mạng của cha và các chiến sĩ biệt động xưa. Nhiều ôtô, xe máy mà ông Lai và đồng đội sử dụng làm phương tiện đi lại, vận chuyển vũ khí, đưa đón cán bộ vào công tác tại chiến trường nội thành Sài Gòn - Gia Định, phục vụ đánh chiếm các mục tiêu trong nội đô Sài Gòn năm 1968 cũng đã được mua lại. Trong đó, 2 chiếc xe ôtô Hino-pickup EC-6045 và Citroen NCE-345 mà nhà thầu khoán Mai Hồng Quế thường xuyên sử dụng ra vào Dinh Độc Lập, các cơ quan đầu não của địch và đã tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 đã được anh Bình mua lại, hiến tặng Bảo tàng Binh chủng Đặc công và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Hà Nội.

Căn hầm vũ khí nổi tiếng của Biệt động Sài Gòn ở 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã được phục dựng, trở thành "địa chỉ đỏ" nổi tiếng với du khách trong và ngoài  nước, vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời và tiếp tục vinh dự đón Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018.

Cũng trong thời điểm này, căn nhà số 113A Đặng Dung - nơi "nhà thầu khoán" Mai Hồng Quế đã cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc thang ra chiến khu đã được anh Bình mua lại. Sau khi tổ chức khui các hầm bí mật, phục dựng di tích theo vỏ bọc cũ là quán cơm tấm Đỗ Phủ Đại Hàn, kèm theo các món ăn của quán nhiều chục năm trước; thông tin về di tích đặc biệt Biệt động Sài Gòn đã khiến nhiều người tò mò.

Quán cơm tấm Đỗ Phủ Đại Hàn trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo thực khách và du khách. Nhận thấy lợi thế bất ngờ này, nhiều bạn bè, người thân của anh Bình cũng tập trung ủng hộ. Có người sưu tầm, tập hợp các bài viết liên quan đến di tích và lực lượng Biệt động Sài Gòn. Người am hiểu công nghệ thì chung tay lập fanpage và điều hành, cập nhật thông tin trên trang thông tin này.

Đến nay, di tích đã không chỉ là nơi để khám phá ẩm thực hay chỉ để thỏa mãn trí tò mò mà còn trở thành một trong những "địa chỉ đỏ" hấp dẫn cho cả khách Tây lẫn khách Việt. Đây cũng là địa chỉ được nhiều đơn vị, trường học lựa chọn khi tổ chức các hoạt động về nguồn. Một số nghệ sĩ, người đẹp bắt đầu chọn di tích làm điểm để thực hiện các bộ ảnh nghệ thuật, ảnh lưu niệm…

Khách tham quan tại di tích 113A Đặng Dung, TP Hồ Chí Minh.

Sau thành công của di tích biệt động 113A Đặng Dung, những ngày cuối tháng 6-2018, anh Trần Vũ Bình mạnh dạn triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch độc đáo nhằm đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận hơn về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại. Ý tưởng này đã được sự ủng hộ của khá nhiều bạn bè, người thân, nhân chứng lịch sử, người yêu mến lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Theo đó, khách tham gia tour sẽ khám phá 18 điểm di tích đặc biệt: Hầm chứa vũ khí để Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập năm 1968, nay là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhà làm nệm và nhà hầm - nơi các chiến sĩ biệt động nhận vũ khí, trú ém trước giờ xuất quân, Dinh Độc Lập và bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Quán Phở Bình - Sở chỉ huy tiền phương phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nơi làm nội thất cho Dinh Độc Lập - 145 Trần Quang Khải, Tiệm vàng Phú Xuân, Vĩnh Xuân xưa, Quán Nhan Hương (cơ sở biệt động thành giai đoạn 1963-1975), phim trường tái hiện cảnh Sài Gòn xưa, Hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, nhà Hội Đồng Sầm ở Long An - nơi AHLLVTND Trần Văn Lai từng hoạt động dưới vỏ bọc thầy giáo, được người dân ở đây lập đền thờ vì cho rằng ông đã bị giết hại…

Đặc biệt, trong tour du lịch  này, du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà còn có dịp trải nghiệm thông qua các hoạt động ẩm thực, giao lưu với người dân, nhân chứng tại các địa điểm lưu trú… 

Tất nhiên, để ý tưởng trở thành hiện thực, bên cạnh hệ thống di tích đã tìm kiếm, phục dựng được mà anh Trần Vũ Bình và gia đình có thể chủ động đưa vào khai thác, sản phẩm du lịch này sẽ cần sự chung tay góp sức của nhiều đơn vị quản lý di tích khác, một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp hơn. Các điểm đến phục vụ dịch vụ lưu trú sẽ cần nhiều đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất lẫn hệ thống hoàn thiện, được vận hành bài bản. Nhưng, anh Bình tự tin rằng, ngày hôm nay anh đã không còn đơn độc, ý tưởng này của anh sẽ thành hiện thực.

Anh Trần Vũ Bình còn cho biết, anh và những người tham gia phục dựng di tích, xây dựng tour du lịch cũng xác định, những gì đã, đang được chuẩn bị đưa vào khai thác vẫn chỉ là một phần những dấu tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh khốc liệt của cha anh. 

Chắc chắn, những con người phi thường trong lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại còn nhiều bí mật cần tiếp tục được giải mã. Anh và các đồng sự sẽ tiếp tục tìm hiểu, khai thác mở rộng trong tương lai gần nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn những cống hiến hy sinh của cha anh trong kháng chiến, hun đúc lòng yêu nước, biết trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hòa bình.

Ngọc Nguyễn
.
.