Đồng sen quê Bác

Thứ Bảy, 19/05/2018, 09:29
Lần này về thăm Khu Di tích Bác Hồ ở Kim Liên, chúng tôi mới hay đây còn là quê hương của những điệu hát ví Phường Vải, thuộc huyện Nam Đàn. Khi nhắc đến vùng đất này nhiều người thường nói đến những hồ sen và nghề dệt vải bao đời nay...


Thăm thẳm lời ru quê mẹ

Ai cũng rõ, Bác Hồ được sinh ra từ quê mẹ làng Hoàng Trù, cách quê cha chừng vài cây số. Ngôi nhà trong ký ức năm xưa, sinh thời khi Bác về thăm, Người thường nhớ đến lời hát ru của mẹ từ thuở nằm nôi. Khi bước vào ngôi nhà thân thương còn ghi dấu bao kỷ niệm tuổi thơ của Bác Hồ, chúng tôi lắng nghe lời hát ví của cô gái hướng dẫn viên.

Dường như mười năm trời sống trên quê ngoại (1890-1900), cậu bé Nguyễn Sinh Cung luôn luôn được trui rèn nhân cách qua những lời hát ru của mẹ. Đó là những làn điệu ví Phường Vải. Cánh võng đu đưa theo cùng lời hát trong những đêm dệt vải. Giọng hát của mẹ (bà Hoàng Thị Loan) ngọt ngào đưa con vào giấc ngủ. Những lời ca như rót vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung những âm hưởng về quê hương đất nước và con người.

Chúng tôi nghe cô gái hướng dẫn viên ngân nga hát: "Người ơi! Bốn mùa xuân hạ thu đông. Thiếp ngồi canh cửi chỉ trông bóng chàng". Giọng cô hát trong trẻo nhưng ngậm ngùi làm sao. Ngay sau đó cô cất lời tiếp: "Hỡi anh chìa khóa ai cầm. Giang sơn ai giữ, tảo tần ai lo. Chìa khóa có mẹ anh cầm. Giang sơn anh giữ, việc tảo tần em lo".

Cứ thế, chúng tôi như trôi đi trong những chuyến đò xuôi sông La, cùng tiếng dệt lanh canh bên khung vải. Những lời hát ru cứ ngân vang đâu đó. Ai nấy đều ngỡ như sống lại một thuở hồn nhiên nơi làng quê.

Nhà Tưởng niệm Bác Hồ tại khu di tích Kim Liên.

Chúng tôi dần như thuộc thêm những điệu ví, cùng những lời ca giản dị về đạo làm người: "Làm trai cho đáng nên trai. Xuống Đông - Đông tĩnh, xuống Đoài - Đoài yên" hay như: "Làm người đói sạch rách thơm. Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền…". Bước vào gian thứ ba của ngôi nhà, chúng tôi thấy có bộ khung dệt vải, nơi mà bà Hoàng Thị Loan ngày đêm dệt vải lấy tiền nuôi chồng con ăn học.

Bên cạnh đó còn chiếc rương cũ kỹ đã sờn mép. Khi tập những bước đi đầu tiên, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã lần theo chiếc rương này mà chập chững bàn chân. Cậu bé Cung đã nghe lời ru của mẹ từ bên khung cửi. Cậu lớn lên, thấm dần tình yêu quê hương đất nước và nghĩa vụ với non sông, lúc nào không hay.

Đặc biệt, sau này theo chồng vào Huế để học thi (năm 1895), tại trường Quốc Tử Giám, bà Hoàng Thị Loan còn dậy cậu con trai Nguyễn Sinh Cung những con chữ đầu tiên. Tập viết từng dòng một, cùng với những lời ru về cuộc sống, con người, và đạo lý, nhân sinh. Bà Loan tập trung dệt vải kiếm ăn và dạy các con.

Nhưng cuộc đời thật phũ phàng khi ông Nguyễn Sinh Sắc cùng con cả là Nguyễn Sinh Khiêm phải trở về quê hương giải quyết việc phần mộ chí trong gia đình, để lại hai mẹ con sống nơi đất khách quê người. Chỉ ít lâu sau, bà Loan bất ngờ đổ bệnh hiểm nghèo sau khi sinh nở lần thứ tư (năm 1900). Bà mất đi trong vòng tay chăm sóc của người con trai Nguyễn Sinh Cung, khi ấy mới mười một tuổi (vào đầu năm 1901). Cũng từ đó cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung hình thành một nhân cách vững chãi và tình yêu non sông đất nước ngày một sâu sắc. Đó chính là phần hồn của người mẹ đã truyền lại cho người con trai như một sứ mệnh trời ban.

Lời cha dậy non sông gấm vóc

Có thể nói, từ những lời ru của mẹ là sự gợi mở trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung; còn khi về quê cha sinh sống, cậu lại được trui rèn ý chí mãnh liệt, sống vì non sông đất nước. Đó là khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng cuối năm 1901, đã đưa các con rời làng Hoàng Trù về Kim Liên sinh sống. Ông đã từ chối ra làm quan, lấy cớ ở nhà chăm sóc mẹ vợ và nuôi dạy các con nhỏ. Nhưng thực ra ông dành nhiều thời gian mở rộng giao du với một số chí sĩ yêu nước. Họ đều có ý chí chống giặc Pháp xâm lược, giành độc lập cho Tổ quốc. Ông đi dạy học đó đây quanh vùng và kết bạn cùng thiên hướng tìm đường cứu nước. Đến đâu ông cũng đưa Nguyễn Sinh Cung đi cùng.

Ngôi nhà ông cũng là nơi tụ họp và gặp gỡ của những nhân vật nổi tiếng như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn, Trần Văn Lương… Chính cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong những câu chuyện của họ. Ngoài việc pha trà, tiếp nước, hầu rượu, cậu Nguyễn Sinh Cung còn lắng tai nghe những đàm đạo về nỗi thống khổ khi nước mất nhà tan, dân tình đói khổ và ý chí đi tìm đường cứu nước của họ. Tư tưởng chống Pháp ngày một sôi trào trong con người trẻ trai này. Nguyễn Sinh Cung học được nhiều điều từ họ. Nào về văn hóa dân tộc. Nào về thơ văn với thời cuộc. Nhất là những câu thơ mãnh liệt và sắc sảo của cụ Phan Bội Châu đã làm rung động trái tim nóng bỏng của tuổi trẻ Nguyễn Sinh Cung.

Trong ngôi nhà cổ của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, chúng tôi còn thấy dòng chữ nôm lưu giữ trên xà nhà rằng: "Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình". Chàng thiếu niên Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong đạo lý đó và học hỏi được những lý tưởng của cha mình. Cậu theo cha đi khắp nơi để nuôi dưỡng ý chí cách mạng. Những nơi hai cha con đến đều có phong trào chống Pháp, hoặc có những danh nhân lớn nuôi tư tưởng sống vì nước vì dân. Nay đến Đông Thái, quê hương Phan Đình Phùng; lại có khi cha con tìm đến Thiên Nhẫn, nơi có thành Lục Niên, đại bản doanh của Lê Lợi năm 1421; Hoặc có lần Sa Nam, nơi đô hội tấp nập và dấu vết thành Vạn An của Mai Hắc Đế…

Đến đâu, chàng trai Nguyễn Sinh Cung đều được nhiệt huyết giữa người cha cùng với những nhân sĩ yêu nước khích lệ. Tất cả đều chung một lòng sống và chiến đấu giải phóng dân tộc. Từ đó lý tưởng cách mạng đã hiển hiện trong tâm tưởng của Nguyễn Sinh Cung, mỗi ngày một sâu sắc.

Thời cơ đã đến, khi chàng trai Nguyễn Sinh Cung được theo bố đi nhậm chức quan của triều đình, trở lại Huế. Đó là tháng 5-1906. Ở tuổi 16, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào càng thêm nồng nhiệt, Nguyễn Sinh Cung bắt đầu cùng cha tham gia hoạt động trong các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ. Ngày đêm, chàng trai Nguyễn Sinh Cung khao khát muốn tìm ra con đường đấu tranh của riêng mình.

Ngôi nhà quê ngoại ở làng Hoàng Trù, nơi Bác Hồ ra đời.

Khoảng 5 năm sau, với bí danh Nguyễn Tất Thành, Người đã vào Sài Gòn để lên tàu bôn ba bốn bể năm châu tìm con đường cứu nước cứu dân. Giờ đây vào thăm ngôi nhà Bác ở Kim Liên, ai cũng cảm nhận và thấy rõ, những bài học đầu tiên về lòng yêu nước; và sự rèn luyện ý chí cách mạng của Bác Hồ thời còn trẻ đã được nuôi dưỡng từ mái tranh nghèo này. Theo lời kể của cô hướng dẫn viên, vào ngày 16-6-1957, lần đầu tiên Bác Hồ về Kim Liên thăm bà con quê hương. Bác vẫn còn ghi nhớ những ký ức thuở học trò, trên con đường làng thân quen, và cái án thư để đọc sách của cha. Bởi từ án thư này, những ý tưởng đã ra đời. Bác đã tiếp nối con đường mà hoài bão của người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã khao khát về một tương lai tươi sáng cho dân tộc, thoát khỏi giặc ngoại xâm ngày nào…

Câu ví nhớ làng Sen

Lúc này, trên sàn nhà lưu niệm bỗng vang lên bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn. Giọng hát của NSND Thu Hiền ấm áp ngọt ngào đúng với âm hưởng của làn điệu ví Phường Vải ở Nam Đàn. Nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác bài hát khi được nghe nguyện vọng của Bác trên giường bệnh. Người muốn nghe những lời hát ví của làng Sen từ thuở ấu thơ. Một ước muốn thật giản dị, trước khi nhắm mắt từ biệt thế gian của Bác, làm xúc động lòng người.

Giai điệu bài hát đi theo chúng tôi dạo quanh ao cá Bác Hồ và những ao sen. Đây là những ao sen được gìn giữ chăm sóc tô điểm cho ngôi làng thêm ngát hương. Bởi làng Kim Liên từ xa xưa đã có những cánh đồng sen như Sen Cạn, Sen Sâu, Ao Sen, Cồn Sen… Tất cả hòa chung vào bức tranh quê, muôn hồng ngàn tía, bát ngát hương thơm.

Tháng 5 về. Đâu đâu cũng cảnh "Nhị vàng, bông trắng, lá xanh", tạo nên cảnh quan đặc sắc và rực rỡ chào đón những du khách đến đây, đúng vào dịp sinh nhật Người. Đàn cò trắng lượn vòng quanh những đầm sen. Hương thơm ngát bay lên từ những đóa sen làm xao xuyến lòng người. Xa xa những cánh diều vi vu ngủ say trên những đám mây bồng bềnh trôi. Tiếng sáo diều ngân nga cùng với đàn trẻ em chạy vòng quanh. Chúng hát vang lời đồng dao về quê hương rằng: "Chiều chiều ra đứng Cồn Sen. Bạch Liên trắng bạch, Hồng Liên đỏ hồng". 
Vương Tâm
.
.