Đón hoàng hôn Angkor
Tôi vốn luôn là người thích xê dịch, luôn khao khát khám phá những điều bí ẩn, vì thế mà bước chân cứ nối dài tới những miền đất khác nhau. Cứ ngỡ tôi vừa mở được cánh cửa thần tiên này khi đến một vùng đất lạ thì phía sau cánh cửa đó lại là những cánh cửa thần tiên kỳ thú khác hấp dẫn tôi. Đó là khi tôi đứng trước thành Angkor (Campuchia) trong lần thứ 2, và bị đất nước của những đền đài bí ẩn này mê hoặc.
Anh bạn trẻ Trana ở Siêm Riệp, người đã từng tốt nghiệp đại học Văn khoa ở Việt Nam khuyên tôi hãy ngắm hoàng hôn ở Angkor khi vào thành cổ.
Hội trên đỉnh núi
Tôi mải miết theo bước chân của đoàn người hối hả lên tháp trên ngọn núi Bakheng. Nghe nói trên đỉnh Phnom Bakheng có một đền thờ đã đổ nát, và lưu giữ được hình một bàn chân khổng lồ do các nghệ nhân Khmer xưa đã khắc xuống nền đá.
Du khách chờ mặt trời lặn trên đỉnh Bakheng. |
Người ta cho rằng bàn chân này là của đức Phật. Núi Bakheng nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom. Từ xa xưa đây là trung tâm của Vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor (gọi là Yasodharapura). Phnom Bakheng là ngọn núi thiêng của Angkor như núi Meru kỳ bí trong thần thoại Ấn Độ Giáo.
Khi tới lưng núi bàn chân tôi đã mỏi và những giọt mồ hôi lấm chấm trên trán. Tôi tự hỏi vì sao mọi người lại náo nức leo núi và đứng trên thành cổ để ngắm mặt trời lặn trong khi quãng đường khá dài và dốc đứng thế này. Kể cả mình nữa sao chỉ vì một lời khêu gợi của Tranna mà đã vội đi để bây giờ như hụt hơi vì mệt.
Tiếng nhạc của các nghệ nhân thương tật từ dưới chân núi vang lên rộn rã. Đặc biệt tiếng kèn lá của một người mù cứ dấm dứt từng bước đi của tôi. Phải chăng khi hoàng hôn buông xuống cõi tâm trở nên trầm lắng, những nỗi đau lại dâng lên hay mọi niềm vui tụ về. Tiếng kèn của những người mù chói sáng như tia lửa châm đốt lòng người.
Trước mắt tôi một số nhà sư áo vàng cũng đang rảo bước lên dốc. Hình như họ đã quen độ cao của ngọn tháp nên trên môi họ luôn nở những nụ cười nhỏ nhẹ tựa hình ảnh quen thuộc trên tháp Bayon. Bước chân của các nhà sư nhẹ nhàng nhấc gót như lướt trên mây bay. Đoàn người mỗi lúc thêm dài thêm đông chật cứng con đường. Mọi người hồ hởi đi như trẩy hội. Hàng ngàn cặp mắt đều ngước lên cao. Tất cả đều mong chóng được ngắm mặt trời lặn từ phía thành cổ Angkor.
Đến lúc này tôi vẫn chưa lý giải được vì sao mọi người vượt hàng ngàn cây số đến đây lại háo hức ngắm hoàng hôn đến thế. Phải chăng mỗi khi bình minh lóe sáng sự sống bừng dậy với bao điều mới lạ khiến cho mọi người háo hức đón chào. Lúc này hướng dẫn viên bắt đầu kể câu chuyện nói rõ nguồn cơn vì sao mọi người ở đây lại yêu hoàng hôn đến thế.
… Câu chuyện truyền lại đại ý rằng. Đó là những buổi chiều cậu bé Pisnuga hằng ngày lên núi cao ngóng mẹ về cho đến khi mặt trời lặn. Em là con trai của nàng tiên Dasuta. Nàng phạm lỗi bị Ngọc Hoàng giáng xuống trần làm vợ của một người Trung Hoa tên là Lâm Tang và làm nghề trồng hoa. Sau hết hạn sáu năm Dasuta từ biệt chồng con về trời. Pisnuga lớn lên quyết tâm lên tận trời tìm mẹ. Cuối cùng Dasuta quá thương xót con xin Ngọc Hoàng cho mẹ con được đoàn tụ. Từ đó Pisnuga ở lại thiên cung để học nghề. Pinsnuga nuôi ước mơ sau này xuống trần gian xây dựng những hoàng cung cho loài người.
Một lần hoàng tử của Quốc vương Campuchia là Jidumenrian được phép Ngọc Hoàng lên thiên cung vãn cảnh. Hoàng tử Jidumenrian như bị mê mẩn bởi kiến trúc của lâu đài "Thần Ngưu". Thấy vậy Ngọc hoàng phái Pisnuga xuống trần xây cho hoàng tử một cung điện giống hệt điện Thần Ngưu. Cung điện này được đặt tên là Angkor. Chính vì thế trên ngọn núi Bakheng người ta xây một đền thờ để ghi lại dấu ấn những ngày Pisnuga ngóng mẹ. Tháp có các cửa nhìn góc nào cũng đều hướng ra Biển hồ để khách ngắm hoàng hôn…
Tuy giờ đây, chẳng còn ai lạ lẫm gì về lịch sử ra đời của thành Angko cách đây 800 năm. Nào là ai đã cho xây hay vì sao thành cổ bị bỏ hoang và trôi vào quên lãng… Còn nữa cách đây 300 năm, ai đã tìm lại được thành Angkor huy hoàng trong khu rừng cổ, hoang dã ở Siêm Riệp. Nhưng thực tình nhiều người đều nhớ và sùng bái "Kiến trúc sư" tài hoa Pisnuga trong truyền thuyết kia. Du khách đến đây đều ngỡ ngàng và cho rằng ắt hẳn phải người trời mới xây nổi thành quách vĩ đại này với hàng trăm ngọn tháp bí ẩn. Chung quanh thành quách vẫn còn ghi lại những hình ảnh từ những câu chyện thần thoại trong sử thi Râmyân và Mâhbhara.
Mộng mị chiều buông
Quan sát kỹ kiến trúc ngọn tháp ngắm hoàng hôn ở đây quả như một góc Angkor thu nhỏ. Tháp ở nhiều góc đều có phù điêu Apsara - đó là hình tượng vũ nữ múa trên trời. Nhưng ngón tay mềm dẻo nét cong uyển chuyển như đang hoà vào nhịp kèn, nhịp trống.
Đặc biệt vòng eo nhỏ được thắt dây lưng kết hoa tạo cho vũ nữ Apsara có vẻ đẹp hấp dẫn vô cùng. Riêng khuôn mặt vũ nữ Apsara nhỏ nhẹ thanh tao hình trái xoan chứ không tròn mập kiểu Ấn Độ hoặc đầy đặn của nét thiếu nữ Indonesia.Khuôn mặt xinh xắn này hao hao sắc nét Trung Hoa. Rất có thể các nhà kiến trúc đầy lãng mạn của thế kỷ XII đã bị ảnh hưởng những nét đẹp của những cộng đồng người Hoa một thời ngự trị. Câu chuyện tình đẫm lệ của nàng tiên Dasuta với chàng trai Lâm Tăng người Hoa cũng được lưu truyền ngàn năm qua.
Đúng như anh bạn Trana nói, được ngắm hoàng hôn ở trong đất liền là một điều thú vị. Hẳn thế bởi ở Việt Nam dọc ven biển kéo dài hàng ngàn cây số ta cũng chỉ được ngắm bình minh. Điều đó càng làm tôi ngạc nhiên vì sao ở đây lại mọc lên một ngọn tháp và đền đài có thể ngắm trọn vẹn hoàng hôn. Mặt trời lặn nhỏ dần căng mọng tựa quả bóng đỏ hồng. Những áng mây như dát vàng mỏng tang.
Tất cả mọi người bồi hồi im lặng chiêm ngưỡng khoảnh khắc này. Không ít người ngồi khoanh chân chắp tay thành kính hướng về phía mặt trời. Hàng trăm chiếc máy ảnh bỗng trở nên thẫn thờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ bí. Vẻ đẹp của hoàng hôn rung động mọi cảm xúc. Lúc này những tay săn ảnh thi nhau bấm liên tục. Ai cũng hy vọng mình sẽ có một bức hoàng hôn ấn tượng nhất. Những bức ảnh của tôi tuy rất xoàng nhưng đã ghi lại được giây phút trước khi mặt trời tắt hẳn. Hoàng hôn đã bao phù màu tối của bóng đêm mọi người người mới rục rịch xuống núi.
Hoàng hôn còn vương trên đỉnh bakheng. |
Thật khó hình dung vì sao lúc này tất cả mọi người lại câm lặng và chậm chạp từng bước xuống dốc. Một nữ thi sĩ trẻ trung đi cùng đoàn bỗng trở nên trầm tư. Nàng nghĩ gì? Tôi cho rằng nàng bắt đầu chiêm nghiệm một vòng quay của cuộc đời. Vòng quay cuộc đời chỉ là một tiếng "vèo" của chiếc lá vàng rơi theo chiều gió.
Nụ cười Angkor
Những ngôi nhà ở Angkor trầm lặng trôi trong giai điệu ấm áp của kinh phật Bà la môn. Tôi chào mọi người rồi rẽ đi một ngả khác với bao suy tư về hoàng hôn vừa được chiêm ngưỡng. Mọi người đến đây náo nức đi ngắm hoàng hôn và ẩn sâu trong tâm hồn mình những điều khó lý giải. Mỗi người đều có bình minh của riêng mình thì cũng phải có hoàng hôn của cuộc dời buông xuống. Một vòng quay đầy cam go của sự sống. Nữ thi sĩ trẻ đi bên tôi sau một buổi chiều mệt mỏi vì nóng bức chợt dừng lại khi một tứ thơ bật sáng. Tôi đứng lặng người bên nàng và chờ đợi. Nàng ngước nhìn lên trời rồi nhẹ nhàng đọc:
"Một ngày mới sẽ tung đôi cánh
Bay lên từ ngọn tháp Angkor"
Còn tôi bồi hồi khi thấy hình ảnh ngọn tháp trên đỉnh Bakheng hiện lên trong ánh đèn huyền ảo. Bốn mặt tháp nổi hình mặt người rất lớn đầu đội vương miện với nét mặt thanh tao và nụ cười hiền từ. Đó là nụ cười Bayon ám ảnh hoàng hôn trầm lặng trong lòng tôi.