Đối thoại văn hóa – những cơ sở triết học
- Tăng cường đối thoại kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
- Lòng tin - Thông tin - Đối thoại và thấu hiểu
Nhân loại coi thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa bởi cả thế giới đang cần đến đối thoại, và chỉ có đối thoại mới làm con người xích lại gần nhau, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị... Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động.
Trước đây "người nói phải có kẻ nghe" thì người nghe là bị động, học trò "tập trung chăm chú nghe thầy giảng" được coi là trò ngoan. Trò nghe thầy, làm đúng theo thầy được coi là trò giỏi. Thế là cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Thế là thiên về áp đặt chưa phải là đối thoại.
Đối thoại là có sự phản ứng, phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới... Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.
Đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh) - một trong những hình ảnh mang đậm bản sắc Việt. |
1.Trong cuộc đối thoại mang tính toàn cầu thì hiểu biết luôn được nhấn mạnh, đề cao. Để tạo ra cuộc đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về đối tác, về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Vì thế phải miệt mài học hỏi, phải cắm rễ rất sâu vào hai mạch nguồn văn hóa dân tộc và nhân loại để hút lấy dưỡng chất văn hóa, để nắm bắt tư tưởng mang tính bản sắc.
Hiểu truyền thống để làm mới tương lai. Ví dụ bài thơ "Thần" tương truyền của Lý Thường Kiệt là thông điệp (đối thoại) gửi tới bọn xâm lăng phương Bắc, khẳng định sự độc lập tự chủ, tự cường của nước Nam. Chữ "đế" là linh hồn của bài thơ phải được hiểu từ góc nhìn triết học văn hóa để cắt nghĩa từ phía cội nguồn sâu xa.
Một là từ quan niệm vũ trụ của người Trung Hoa cổ đại quan niệm có "tứ phương ngũ đế" tức bốn vị "đế" ở bốn phương trời: Phục Hi (phương Đông), Chuyên Húc (phương Bắc), Thiếu Hạo (phương Tây), Thần Nông (phương Nam), bốn vị này châu tuần quanh "Trung ương Hoàng đế" (hoàng nghĩa là màu vàng). Hai là, trong lịch sử, thế kỷ III TCN cuối thời Chiến Quốc nhà Tần thống nhất Trung Quốc, vua Tần xưng Hoàng Đế thì chữ "đế" này cùng nghĩa với "ngũ đế" trong triết học, tức là "trời"; chữ "hoàng" có nghĩa là vĩ đại, tươi sáng, rực rỡ.
Như vậy "hoàng đế" của nhà Tần có nghĩa là vua của mọi vua, sánh ngang với trời, các nước xung quanh chỉ là "man di". Hiểu như vậy sẽ thấy một chữ "đế" trong bài thơ "Thần" cực kỳ có ý nghĩa: "đế" nước Nam ta cũng vẻ vang, lớn lao khác gì Trung Hoa, cương phận thì sách trời đã phân…sao các người lại có ý đồ xâm lược!?
Rõ ràng đây là lời lẽ của sự khẳng định, của lòng tự hào, lời lẽ của sự cảnh tỉnh, ngăn chặn một ý đồ (với kẻ thù). Đồng thời còn là lời lẽ của sự cảnh giác, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc (với dân ta). Nên nếu đánh giá bài thơ chưa có quan điểm nhân dân (mới có yếu tố "thần") thì chưa hiểu bản chất đối thoại để khẳng định chủ quyền của một áng hùng văn.
2. Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia…Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến…Trước một vấn đề đối thoại, các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ…
Các nền giáo dục tiên tiến hiện nay đang đi theo hướng này. Thầy giáo không áp đặt trò phải hiểu, phải nghe lời mà có nhiệm vụ gợi mở hướng đi, gợi ý các cách hiểu chứ không có quyền kết luận chân lý. Tìm ra chân lý phải là trò. Nên họ rất coi trọng tự học, nhờ vậy một khi đã tìm được chân lý thì kiến thức sâu và vững.
Đối thoại giữa các nền văn hóa càng cần đến bình đẳng, vì xét từ bản chất thì tiếp biến văn hóa là lẽ tự nhiên. Không có nước lớn về văn hóa mà chỉ có sự đặc sắc về văn hóa, nhờ có sự đặc sắc ấy mà tạo ra ảnh hưởng. Ngày nay người ta thấy thật dễ hiểu khi vở kịch "Hămlét" của Sếchxpia có gốc gác từ Đan Mạch hay "Truyện Kiều" chịu ảnh hưởng cốt truyện từ Trung Quốc… Đối thoại không chấp nhận tư tưởng sôvanh văn hóa, tư duy kẻ cả trong văn hóa cho rằng chỉ có văn hóa nước mình mới là "trung tâm" mới là "nhất"…
Vì không độc quyền chân lý nên không coi trọng kết luận cuối cùng nên cần sự gợi mở để mời gọi tiếp tục đối thoại. Sự quan tâm chú ý của các bên là sự mới mẻ, hấp dẫn của vấn đề, sự chính xác của dữ liệu, là cách lập luận, luận chứng, cách phản biện… của nhau. Do vậy phải thật sự trí tuệ, phải thật hiểu vấn đề, và nhất là phải thật sự giỏi ngoại ngữ.
3. Đối thoại mang tính toàn cầu nên không có tiếng nói riêng sẽ khó được chấp nhận. Bản sắc văn hóa là những yếu tố độc đáo, đặc sắc biểu hiện nét đặc thù của một dân tộc. Bản sắc làm nên giá trị, mà nói đến giá trị là nói đến chuẩn mực. Mỗi dân tộc sở hữu những bản sắc văn hóa riêng tức những giá trị riêng, chuẩn mực riêng. Căn cứ vào đó để phân biệt văn hóa của dân tộc này với văn hóa của dân tộc khác.
Người ta càng quý cái riêng vì có cái riêng mới có thể đối thoại, hội nhập. Một quy luật thông thường là người nói muốn nói và chỉ nên nói những điều mình có, mình biết, người nghe thì muốn được nghe/xem những điều mình chưa biết, chưa có. Vì là đặc thù nên giá trị/ chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này chưa hẳn là giá trị/ chuẩn mực của cộng đồng khác, có khi còn ngược lại. Do vậy vội vã chê dân tộc kia là dã man, là thiếu văn minh… tức là đã sa vào thái độ kỳ thị văn hóa, thiếu tôn trọng, xa lạ với trào lưu học hỏi văn hóa lẫn nhau.
Cần có cái nhìn văn hóa trước các hiện tượng văn hóa gây tranh luận, không cực đoan bảo thủ khẳng định đó là truyền thống tốt đẹp, cũng không phủ nhận sạch trơn. Phải phân tích, cắt nghĩa lí giải một cách hệ thống, cụ thể để giữ lấy cái lõi nhân văn, gạt bỏ cái lỗi thời.
Văn hóa là con người, hãy để chủ thể con người nơi đó nói lên tiếng nói của văn hóa nơi họ đang sinh tồn. Chỉ nên quan sát, suy ngẫm, đối sánh, gợi mở cho chủ thể văn hóa điều chỉnh hành vi văn hóa cho phù hợp với thời đại mới. Mọi áp đặt hoặc can thiệp thô bạo là không phù hợp với tinh thần mềm mại, uyển chuyển và tinh tế của văn hóa.
4. Biết lắng nghe là một hành vi văn hóa cao thượng trong xã hội hiện đại vì nó thể hiện rõ nhất tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa người với người. Nhưng biết lắng nghe là cả một năng lực văn hóa, bởi về bản chất đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy phải có vốn sống, vốn tri thức, chính trị… để phân tích, tiếp nhận, loại bỏ, phản biện.
Người phương Đông cổ sâu sắc dồn triết lý ấy vào chữ "Thính" tượng hình, tiếng Hán có nghĩa là "nghe" được cấu thành (chiết tự) bởi các chữ mang nhiều nghĩa khác nhau: Vương (coi người nghe mình như vua); Nhĩ (khi nghe phải lắng tai chăm chú); Nhãn (khi nghe phải nhìn người nói thể hiện sự chú ý, tôn trọng); Tâm (nghe bằng cả tâm trí); Nhất (cả người nói và người nghe phải đồng nhất, đồng hướng). Ngày nay thế giới coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa trước hết là biết lắng nghe nhau!