Độc đáo những lễ hội chỉ dành riêng cho đàn ông

Thứ Ba, 19/09/2017, 08:02
Cũng tham gia cuộc thi nhan sắc, kiểm tra trinh tiết, đọ độ... nam tính ngay trong lễ hội... và tất nhiên, giống phụ nữ thôi, họ cũng nhiều tín ngưỡng lắm, nhất là khi tin rằng chỉ tham dự vào lễ hội dành riêng cho đàn ông, họ mới trở nên mạnh mẽ và nhiều may mắn hơn những lễ hội có thêm phụ nữ.


Lễ hội dành cho đàn ông Tây Tạng

Ở Tây Tạng có một lễ hội kỳ lạ gọi là "Lễ hội màu sắc". Lễ hội độc đáo này dành cho đàn ông đã có lịch sử hơn 1.000 năm. Đàn ông tham dự lễ hội này để cầu nguyện cho họ có thể được an toàn và gặp nhiều điều tốt đẹp trong năm ấy. Lễ hội này thường bắt đầu vào ngày 11 của tháng thứ 2 theo lịch âm của Tây Tạng.

Tham gia lễ hội, đàn ông sẽ mặc trang phục đặc sắc, có mặt đầy đủ tại quảng trường trước ngôi đền thiêng của khu vực họ sinh sống để thực hiện một nghi thức tôn giáo, thể hiện sự tận tâm của họ với chúa trời và hi vọng vào một vụ mùa bội thu, yên ấm trong năm nay. Người dân làng Korqag cho biết: "Theo tập tục truyền thống của làng, việc ăn mừng lễ hội nam giới là cầu nguyện cho những người đàn ông có thể được an toàn và gặp nhiều điều tốt đẹp trong năm nay".

Theo ông Pasang Tsring - Phụ trách Bảo tàng Ngari, mỗi một làng ở Tây Tạng đều có một lễ hội khác nhau nhưng đều do tất cả người dân trong làng cùng tổ chức. Đây là lễ hội khác biệt nhất vì chỉ do nam giới cử hành.

Tại lễ hội độc đáo này, có các màn biểu diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Màn biểu diễn Opera Tây Tạng là một trong những hoạt động cần thiết nhất của lễ hội dành cho đàn ông. Tham gia tiết mục này là những người đàn ông dân địa phương, họ đã truyền dạy cách hát truyền thống cho nhau từ hơn 1.000 năm nay. Trong khi những người đàn ông xem Opera, những người phụ nữ trong làng cũng mặc trang phục truyền thống phục vụ rượu lúa mạch và những món ăn chính của người Tây Tạng cho các nhân vật chính của lễ hội là chồng, cha và con trai của họ.

Anh Tashi - Dân làng Korqag chia sẻ: "Đàn ông đã được coi là nguồn năng lượng chính cho sự phát triển của làng. Lễ hội dành cho nam giới đã được truyền lại từ thời cổ đại nhưng ngày nay sự kiện này ngày một được kế thừa và phát triển".

Sau 5 ngày lễ hội, những người đàn ông sẽ quay trở lại với công việc quen thuộc của mình.

Lễ hội thi nhan sắc và cướp vợ của đàn ông bộ tộc Wodaabe.

Lễ hội kiểm tra trinh tiết đàn ông

Rất thú vị và có vẻ như khá chính xác khi bộ tộc Zulu, nhóm tộc người lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nam Phi đã từng đưa một kết luận rất "đương nhiên" rằng: Đàn ông chính là thủ phạm gây ra tình trạng có thai trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, cưỡng bức tình dục… đang ngày một bùng phát ở Zulu.

Lý do, người Zulu đưa ra kết luận này xuất phát từ lễ hội kiểm tra trinh tiết thiếu nữ ở Zulu. Chứng kiến hàng trăm cô gái để ngực trần nhảy múa trong lễ hội kiểm tra trinh tiết, có lẽ đàn ông Zulu đã không thể kiềm chế. Kết quả, cứ sau mỗi mùa lễ hội, số lượng phụ nữ Zulu mang thai tăng vọt. Không ít người đã bị ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn, thậm chí các cô gái trẻ bị lạm dụng tình dục. Để giải quyết vấn nạn tế nhị này, bộ tộc Zulu quyết định tổ chức lễ hội kiểm tra trinh tiết tất cả đàn ông.

Hình thức "thẩm định" sự trinh trắng của người đàn ông lại khá kỳ khôi: Đi tiểu trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng. Mức độ "trinh trắng" của người đàn ông phụ thuộc vào dòng nước tiểu được phóng ra cao đến đâu. Những người có dòng nước tiểu phóng cao ngang hoặc vượt đỉnh đầu được công nhận là... trai tân. Ngược lại, người kém "phong độ" hơn bị coi là đã ăn trái cấm và phải chịu phạt.

Tập tục kỳ lạ này của người Zulu đã có từ lâu. Cũng như phụ nữ thoải mái để ngực trần trong lễ hội, nam giới cũng không ngại ngùng khi bị kiểm tra trinh tiết. Trong lễ hội, người đàn ông nào cũng ra sức chứng minh mình vẫn còn trong trắng để nhận được sự tôn trọng của già làng, sự ngưỡng mộ của các cô gái trẻ, và vấn đề không kém phần quan trọng nữa là để khỏi phải bị phạt.

Lễ hội khỏa thân ở Nhật Bản

Tỉnh Okayama của Nhật Bản nằm ở vùng Chgoku trên đảo Honsh. Trung tâm hành chính là thành phố Okayama. Tại đây có một lễ hội kì lạ tồn tại hơn 500 năm trước. Lễ hội khỏa thân Saidaiji Hadaka chỉ dành cho đàn ông Nhật Bản diễn ra vào ngày thứ 7 tuần thứ ba của thán 2 hàng năm. Dù được gọi là lễ hội khỏa thân nhưng trong lễ hội người tham gia không hẳn trần truồng như nhộng mà mặc chiếc khố trắng bé xíu đủ che phần nhạy cảm.

Nghi lễ kỳ lạ này khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji. Ban đầu, người tham gia đến trước cổng đền, tranh nhau bắt một tấm bùa bằng giấy do vị đạo sĩ ném ra. Do chất liệu giấy dễ rách nên ngày nay đã được thay bằng một cây gậy gỗ dài 20cm gọi là shingi. Theo truyền thống Nhật Bản, người nào có cơ hội bắt được cây gậy thần, bỏ vào chiếc hộp gỗ (masu) chứa đầy gạo thì sẽ may mắn và hạnh phúc trong 12 tháng tới. Nếu ai dành được "tấm bùa" của cả năm, những người xung quanh sẽ cố chạm vào người ấy để hưởng chút may mắn đang lan tỏa. Lễ hội khỏa thân cầu may mắn kỳ lạ này thu hút thế giới quan tâm.

Lễ hội đàn ông thi nhan sắc và cướp vợ

Trên thế giới, bộ tộc đàn ông mặc váy và luôn kiêu hãnh với nhan sắc của mình, đó chính là Wodaabe -Một bộ tộc du mục rất kiêu ngạo và luôn tự cho mình là những người đẹp nhất trên thế giới. Gần như tất cả nam giới không ai ra ngoài mà không mang theo gương. Bộ tộc này sống du canh du cư ở Niger, Nigeria, Cameroon, Chad... Cuối mỗi mùa mưa (tháng 9) sau một mùa di cư gần hồ Chad, người Wodaabe tổ chức "Cure Salee" - lễ hội của dân du mục. Vị trí tổ chức sự kiện rất bí mật và chỉ được tiết lộ ngay trước khi diễn ra buổi lễ.

 Hoạt động nổi bật nhất của lễ hội là cuộc thi sắc đẹp của các chàng trai. Đây được xem là cuộc thi sắc đẹp đàn ông có tính cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới. Bởi lẽ người chiến thắng, ngoài vinh dự được tung hô, còn có thể chiếm được một người vợ xinh đẹp.

Bước vào lễ hội, đàn ông mặc trang phục lộng lẫy nhất, trang điểm và đeo trang sức. Đàn ông vẽ đất sét đỏ lên mặt, kẻ mắt đen làm nổi bật lòng trắng, son môi đỏ khoe hàm răng khỏe mạnh và trắng bóng. Một chiếc lông đà điểu trắng cài tóc cùng một sọc sơn trắng dọc mũi. Họ sẽ trình diễn sắc đẹp trước 3 nữ giám khảo. Họ đứng chờ các cô gái đánh giá. Răng và tròng mắt trắng được ca ngợi và thước đo của vẻ đẹp, do đó những người tham dự thường cố gắng trợn mắt và cười hết cỡ.

Sau khi trình diễn, những người đàn ông sẽ đứng thành hình tròn, để ba nữ giám khảo đánh giá. Lúc này, phụ nữ bên dưới cũng lựa chọn người chồng tiếp theo cho riêng mình. Những người phụ nữ ngồi theo dõi cuộc thi nhan sắc ở bên dưới, nếu họ thích một ai đó, họ sẽ tự nguyện "bị cướp" bởi người đó và sẵn sàng bỏ chồng lại phía sau. Những ai muốn "bị cướp" sẽ chờ đến khi người đàn ông yêu thích của họ đi qua và nhảy lên vai anh chàng.

Đàn ông Wodaabe không được phép có ý kiến khi bị vợ bỏ. Chính vì thế, điều thú vị nhất là…. không phải ai cũng cho vợ mình đi xem lễ hội này.

Điệu múa "Con đĩ đánh bồng" trong lễ hội dân gian của làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Việt Nam cũng có lễ hội dành cho đàn ông

Không kém cạnh những lễ hội dành cho đàn ông đặc sắc trên thế giới. Ở Việt Nam, ngay tại làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) có một lễ hội độc đáo trong đó có tiết mục "Con đĩ đánh bồng" được diễn ra từ ngày mùng 9 đến 12 tháng giêng hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân dân no ấm.

Trong lễ ấy, làng chọn ra những nam thanh niên trai tráng chưa vợ, khôi ngô tuấn tú, thành tích giỏi giang, mặc váy đụp, áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đánh son đỏ đậm, kẻ viền mắt sắc, đeo bông tai,  đeo chiếc trống tang bồng nhỏ sơn màu đỏ trước ngực để múa. Lễ hội năm nào cũng thu hút đông đảo dân làng và du khách tới tham dự. Trong đó, tiết mục múa "Con đĩ đánh bồng" - là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long thu hút sự chú ý nhất. Với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, điệu múa cổ này vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí. Khi biểu diễn, ngoài những động tác uyển chuyển, các chàng trai còn thể hiện ánh mắt "đong đưa" trìu mến cùng bạn diễn.

Những lễ hội dành riêng cho đàn ông kể trên được góp mặt trong danh mục những lễ hội độc đáo và kỳ lạ nhất thế giới.

Shophire Kim (tổng hợp)
.
.