Diễn viên Kim Oanh: Diễn là sống thêm một cuộc đời nữa

Thứ Năm, 03/05/2012, 08:00
Ngoài đời, Kim Oanh là một người vui tính, cởi mở và dễ gần, khác hẳn với những vai phụ nữ đanh đá, ngoa ngoắt, nanh nọc mà chị hóa thân trên màn ảnh nhỏ...

Trưởng thành từ Nhà hát Tuổi trẻ với các vai diễn được yêu thích một thời như Hồng Trang trong vở "Bóng tối phù dung", phù thủy trong vở "Macbeth", Thủy trong vở "Người yêu tôi là hoa hậu", Quỳnh trong vở "Nhà có ba chị em gái"... ; sau này chị lại nổi danh với các vai diễn đầy cá tính trong các bộ phim truyền hình như Mây trong phim "Sóng ở đáy sông", Tuyết trong phim "Những ngọn nến trong đêm", Ló trong phim "Ma làng", bà cô Hoàng Trung trong phim "Cầu vồng tình yêu"... Hiện chị đang là biên tập viên của Phòng Sân khấu, Đài Truyền hình Việt Nam.

- Có một thời, Kim Oanh là diễn viên sân khấu khá đắt "show" với những vai diễn cá tính và lấy được không ít tràng vỗ tay của khán giả. Nhiều người nghĩ rằng, con đường sân khấu kịch của chị trải đầy hoa hồng và hẳn chị sẽ còn tiến xa. Vậy mà bỗng dưng chị rời khỏi Nhà hát Tuổi trẻ. Điều gì đã khiến chị rời bỏ thánh đường sân khấu mà nhiều năm chị đã theo đuổi?

+ Nói cho đúng ra thì tôi chưa bao giờ bỏ sân khấu. Thực ra, công việc mới của tôi ở Đài Truyền hình cũng liên quan nhiều đến nghề vì tôi là biên tập viên của Phòng Sân khấu. Ngoài ra, tôi vẫn đi đóng phim hoặc trở lại sân khấu quen thuộc của mình khi có cơ hội. Phải nói thật rằng, khi nghề diễn vừa là nghề, vừa là nghiệp rồi thì người diễn viên khó để rời bỏ đam mê của mình lắm. Khi tôi còn bé, vì mẹ tôi là một người làm văn nghệ quần chúng nên đi đâu tôi cũng được mang đi cùng. Khoảng hai, ba tuổi tôi đã lon ton theo mẹ đứng sau cánh gà xem. Bởi thế, ánh đèn sân khấu đã trở thành một phần trong con người mình rồi.

Tôi luôn nghĩ rằng, trong tương lai mình sẽ là một diễn viên. Và ước mơ đó cũng đã thành hiện thực khi tôi thi đỗ khoa diễn viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (khóa 1995-1999) và say mê nghề cho đến ngày hôm nay. Tôi cũng phải cảm ơn hai người thầy đã giúp tôi học hỏi được nhiều trên đường tới với sân khấu kịch, đó là thầy giáo Phan Trọng Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp diễn viên của tôi và NSƯT Anh Tú, Đoàn trưởng Đoàn kịch 1- Nhà hát Tuổi trẻ.

- Có một thực tế khiến nhiều diễn viên kịch ngày nay không còn mặn mà  với niềm đam mê của mình, ấy là việc sân khấu kịch vắng bóng khán giả. Trong khi đó, nếu tham gia phim truyền hình thì cátsê cao hơn và dễ nổi tiếng hơn. Chị có bao giờ bị tác động bởi suy nghĩ đó?

+ Thực trạng của sân khấu thời bây giờ quả là đáng buồn. Một người diễn viên học thành nghề, ra trường làm việc và cống hiến là cả một chặng đường đầy vất vả, gian nan, trong khi khán giả không phải ai cũng đủ một tình yêu dành cho sân khấu để đến rạp. Tuy nhiên, cátsê diễn viên phim truyền hình không phải lúc nào cũng cao như mọi người tưởng. Bản thân tôi, thời điểm đóng phim "Những ngọn nến trong đêm" (18 tập) mất 4 tháng rưỡi cátsê chỉ được hơn 5 triệu, hay phim "Sóng ở đáy sông" quay 2 tháng rưỡi, được hơn 3 triệu chứ cũng không nhiều hơn diễn viên sân khấu là bao nhiêu. Nhưng điều thích nhất của một diễn viên kịch là mình đo được chính mình bằng sự tán thưởng của khán giả. Mùa hè năm ngoái, có lần đoàn đi lưu diễn ở Cam Ranh (Khánh Hòa) để phục vụ các chiến sĩ hải quân, cũng vẫn vở diễn ấy, những diễn viên ấy, nhưng chính cách cổ vũ, động viên của các chiến sĩ đã đem lại cho mình cảm giác khác hẳn so với những lần diễn khác. Khi diễn trên sân khấu và nhìn xuống thấy những nụ cười của các anh, chúng tôi vô cùng xúc động.

Diễn viên Kim Oanh (bên phải) trong phim “Ma làng”.

- Với những vai cá tính như Tuyết trong "Những ngọn nến trong đêm", Thúy trong phim "Những giấc mơ dài", Trà trong "Chuyện như đùa", Ló trong "Ma làng"…; có thể thấy, cùng một kiểu tính cách đanh đá, chua cay nhưng ở mỗi vai lại thấy chị hiện lên một vẻ. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm làm cho mình trở nên khác biệt trong cùng một dạng vai ấy?

+ Năm tôi mới 18 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai, tôi được đạo diễn Lê ĐứcTiến mời vào vai Mây trong phim "Sóng ở đáy sông". Khi đoàn làm phim vào trường tuyển diễn viên, họ nhìn thấy tôi và có thể họ thấy mình có nét gì đó hợp với vai diễn nên họ mời mình đi thử. Đó cũng là vai diễn đầu tiên trong lĩnh vực phim truyền hình và tôi không tin là mình đã làm được. Sau này, khi phim phát sóng tôi mới nghĩ rằng, đạo diễn đã quá mạo hiểm và dũng cảm khi giao một vai diễn đầy sức nặng đó cho một cô sinh viên năm thứ hai như tôi. Cũng từ vai Mây, tính cách của tôi đã được "đóng đinh" với hình ảnh của một người đàn bà đanh đá, chua chát. Sau này, khi vào vai Tuyết trong "Những ngọn nến trong đêm", có vẻ tôi đã nhập vai… tốt hơn nên có hôm khi tôi đi ở đường Tràng Thi thì có một cặp vợ chồng bỗng chỉ thẳng vào mặt tôi: "Con Tuyết, con Tuyết", kèm đó là một câu văng tục với sự giận giữ. Tôi không cảm thấy giận mà còn thấy vui vì khán giả đã nhớ đến vai diễn của mình. Tôi có một nguyên tắc là khi nhận được một kịch bản, việc đầu tiên là phải đọc, tìm hiểu kỹ, sau đó tôi phải tìm cách tạo ra sự khác biệt giữa những vai cùng tính cách đó. Cũng như ngoài đời, có muôn vàn người có cá tính nhưng nào có ai giống ai. Đó là sự thú vị khác biệt của mỗi cá thể. Nhiệm vụ của người diễn viên là tìm ra sự khác biệt đó để đưa vào nhân vật của mình.

- Sau rất nhiều vai đanh đá kiểu thành thị, chị đã hóa thân rất "ngọt" vào nhân vật Ló trong "Ma làng". Một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như chị đã xoay xở thế nào cho vai diễn này?

+ Ló là một vai khá đặc biệt trong những vai tôi đã đảm nhận. Đặc biệt vì đây là một vai diễn tôi đã xin đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được thử vai khi biết tin ông đang tìm kiếm diễn viên vào vai Ló. Ban đầu tôi cũng chưa hình dung mình sẽ vào vai người đàn bà nông thôn chua ngoa, sống bằng nghề trộm cắp sẽ như thế nào. Bởi thực tế, cuộc sống nông thôn khá xa lạ với tôi. Kể từ khi nhận vai Ló, tôi đã có một sự "quan tâm" đặc biệt tới tác phong đi lại, đứng ngồi của những người nông thôn xung quanh mình. Họ chính là những người từ quê ra phố kiếm sống ở chợ, ở ngoài đường. Thậm chí là những họ hàng của tôi ở quê ra chơi. Từ những sự quan sát đó, tôi đã biến nó thành một nhân vật Ló. Mặc dầu vậy, khi diễn, có những cảnh diễn khiến tôi gặp không ít khó khăn, như cảnh gánh nước chẳng hạn. Mình có bao giờ phải đi gánh nước đâu, nên khi gánh nước cứ sánh cả ra ngoài. Có lần còn bị ngã đau ê ẩm cả người. Hay như mới đây, tôi vào vai bà cô Hoàng Trung 40 tuổi vụng về, nóng nảy trong bộ phim dài 85 tập "Cầu vồng tình yêu". Đây là bộ phim thu tiếng đồng bộ trực tiếp nên cả đoàn thường phải có mặt cùng nhau, sáng sớm đã có mặt ở trường quay, có lúc sau 12 giờ đêm mới về tới nhà. Diễn viên và cả ê kíp của đoàn làm phim lúc nào cũng như được "xông hơi" miễn phí vì quá nóng... Tôi luôn có một tâm niệm rằng, khi diễn phải quên đi mình là ai, nhân vật là trên hết.

- Có thể thấy rõ, Kim Oanh là một diễn viên năng động và đầy cá tính. Chị thành công vì làm cho khán giả hoặc rất "ghét", hoặc đầy "cảm thương" vì nhập vai quá đạt. Vậy trong cuộc đời, Kim Oanh có bao giờ là một phần của những vai diễn ấy?

+ Tôi cũng được bạn bè đánh giá là người có cá tính, mà một người có cá tính thì thường người… ghét nhiều hơn người quý. Nói chung, tôi không quá quan tâm đến điều đó. Một người dù hiền lành và tốt đến đâu cũng có người thích, người không thích. Những nhà biên kịch, những đạo diễn cũng thường xây dựng nhân vật từ đời sống mà ra, vì thế, diễn thực ra cũng là sống thêm một cuộc đời, và tôi cũng là một trong số những cuộc đời ấy…

- Ngoài công việc của một diễn viên, chị đã học thêm chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh  của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và chuẩn bị bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận phê bình Sân khấu. Hình như chị đang tính cho một tương lai xa của mình?

+ Tôi đi học vì muốn thử sức ở một lĩnh vực mới là đạo diễn. Ngoài ra, tôi muốn học để nâng cao trình độ của mình cũng như chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc để có thể đi dài hơi với con đường nghệ thuật mà mình đã theo đuổi!

-  Xin cảm ơn chị!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.