Điện ảnh Việt trở lại sau đại dịch

Thứ Bảy, 30/05/2020, 07:57
Là một trong những lĩnh vực thuộc đời sống văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID - 19 nên chỉ ngay sau khi hết giãn cách xã hội,  các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh như sản xuất phim, phát hành... ngay lập tức khởi động để sớm đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, trong tình trạng khó khăn chung như hiện nay thì mọi việc không thật dễ dàng...


"Truyền thuyết về Quán Tiên" được đánh dấu là bộ phim Việt đầu tiên ra mắt khán giả sau khi các rạp chiếu được mở cửa trở lại. Đây là bộ phim về chiến tranh của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ được Nhà nước đặt hàng sản xuất nên khi ra mắt, ê kíp làm phim không tránh hỏi hồi hộp.

Nhìn chung, bộ phim nhận được hiệu ứng tích cực của khán giả trong ngày đầu công chiếu. Khác với suy nghĩ lâu nay rằng phim về chiến tranh chỉ phù hợp với khán giả lớn tuổi, "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã thu hút được khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì, dù khai thác đề tài quen thuộc là chiến tranh cách mạng nhưng "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã có một cách thể hiện mới mẻ, phù hợp với tâm lý khán giả trẻ.

Bộ phim "Song song" sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới.

Phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh thông qua câu chuyện tình yêu, tâm lý, số phận nhân vật nên dễ chạm tới trái tim khán giả. Đặc biệt, phim lan tỏa được giá trị nhân văn, lý tưởng cao đẹp và tình yêu thương của con người Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong lời phát biểu tại buổi chiếu của "Truyền thuyết về Quán Tiên", ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng: "Bộ phim là sự khai màn đẹp của chương trình chiếu phim mang tính chất kích cầu khán giả quay trở lại rạp. Sau "Truyền thuyết về Quán Tiên", thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Trung tâm chiếu phim Quốc gia sẽ cùng với các Trung tâm chiếu phim trong cả nước, các đơn vị phát hành để lựa chọn, tiếp tục trình chiếu những tác phẩm điện ảnh lớn, có chất lượng tới khán giả".

Có thể nói, dù dịch bệnh vẫn chưa thực sự kết thúc nhưng sự ra mắt của "Truyền thuyết về Quán Tiên" là sự trở lại mang nhiều hy vọng của điện ảnh Việt. Sau một quãng thời gian dài đợi hết giãn cách xã hội, ngày 23 - 4, Galaxy là đơn vị đầu tiên tung ra lịch chiếu mới cho tháng 5 và tháng 6 . Hầu hết đều là những phim bị hoãn trước đây như "Truyền thuyết về Quán Tiên" (ra mắt ngày 22- 5), "Tôi là não cá vàng" (dự kiến công chiếu 5 - 6), "Bằng chứng vô hình" (công chiếu 10 - 7), "Tiệc trăng máu" (công chiếu 28 - 8), "Tà Năng Phan Dũng" (công chiếu16 - 10), "Thiên thần hộ mệnh" (công chiếu 31 - 10), "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tư" (công chiếu 18 - 12) ...

Các rạp chiếu phim trên cả nước đã đồng loạt mở cửa đón khán giả từ ngày 9 - 5, sau thời gian dài đóng cửa theo quy định để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Các hệ thống rạp CGV, Galaxy, Lotte Cinema, BHD, Beta Cinemas trên toàn quốc đã đồng loạt hoạt động. Để thu hút khán giả đến rạp, các đơn vị phát hành phim đã áp dụng nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá vé, đưa ra vé đồng giá cho các suất chiếu hay tặng quà cho người xem...

Mặc dù chúng ta đã trải qua hơn 30 ngày không có sự lây lan trong cộng đồng nhưng các biện pháp để đảm bảo an toàn cho khán giả vẫn được các rạp thực hiện nghiêm túc như đo thân nhiệt tại quầy bán vé và khu vực chờ, trang bị nước sát khuẩn, bắt buộc mang khẩu trang với nhân viên và khán giả, thực hiện xịt khuẩn tại các phòng chiếu...

Trước mắt, hệ thống các rạp chiếu cũng thực hiện giãn cách ghế ngồi trong phòng chiếu theo dạng tách từng cặp ghế, giới hạn khán giả trong một phòng chiếu là 30 người để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID - 19 trong cộng đồng...

Trong thời gian tới, khán giả sẽ được lần lượt thưởng thức những bộ phim Việt sản xuất thời gian vừa qua. "Vô diện sát nhân" là bộ phim hình sự kinh dị đánh dấu sự quay trở lại của nữ diễn viên Phương Anh Đào. "Bằng chứng vô hình" cũng có sự tham gia của nữ diễn viên này. Đây là bộ phim remake từ bản gốc phim Hàn Quốc kể về cô gái mù tên Thu vô tình trở thành nhân chứng sống khi ngồi nhầm taxi của một gã sát nhân hàng loạt.

Sau cuộc gặp gỡ oan nghiệt đó, Thu trở thành con mồi trong trò chơi của kẻ máu lạnh, biến thái. Còn "Tiệc trăng máu" là bộ phim kinh dị có sự hợp tác giữa đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh. Phim quy tụ dàn diễn viên "nặng ký" gồm Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Hứa Vĩ Văn...

Bên cạnh một số phim đã đóng máy chỉ đợi ngày ra rạp thì có một số dự án đang được các nhà sản xuất dốc sức hoàn thiện. Dự án phim "Kiều" của nhà sản xuất Mai Thu Huyền đã sẵn sàng bấm máy để sớm hoàn thiện. Ngoài ra, một số dự án ở giai đoạn tiền sản xuất được công bố còn có "Số đỏ" (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh), "Nữ danh ca"  của vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh cũng đã công bố tìm diễn viên từ tháng 3...

Háo hức được tới rạp xem phim sau thời gian giãn cách xã hội là tâm lý chung của nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Tuy nhiên, những ngày cuối tuần vừa qua, lượng khán giả tới rạp chưa đông như thời điểm trước dịch. Không phải xếp hàng lâu như trước, khán giả khá thoải mái trong việc mua vé xem phim. Tình trạng số lượng khán giả tới rạp còn vắng cũng là điều dễ hiểu. Dịch bệnh vẫn chưa được không chế hoàn toàn nên tâm lý e dè khi ra rạp vẫn tồn tại ở khán giả.

Poster phim "Bằng chứng vô hình".

Tuy nhiên, có một lý do khiến khán giả chưa quay lại rạp ồ ạt vì thiếu phim hay. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh nên điện ảnh trong nước và quốc tế chịu thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều bộ phim buộc phải phát hành trực tuyến. Vì dịch bệnh nên điện ảnh Việt Nam bị thất thu trong 2 quý đầu. Năm qua, những thời điểm vàng như dịp 14 - 2, 8- 3, 30- 4, 1-5 cũng hoàn toàn phải bỏ qua. Vì lo ngại dịch bệnh kéo dài, nhiều phim đã phải dời lịch chiếu tới tận Tết nguyên đán 2021. Có thể thấy, thị trường phim Việt có sự chững lại đáng kể. Đa số dự án lớn của các nhà sản xuất uy tín chưa khởi quay.

Những bộ phim bom tấn của thế giới được kỳ vọng sẽ làm mưa làm gió trong mùa hè như "Wonder Woman", "Black Window", "No time to die"... đã phải ấn định lịch ra rạp vào cuối năm. Dừng hoạt động suốt 2 tháng, các cụm rạp thời điểm này không có nhiều phim mới, một phần cũng do các nhà sản xuất lùi kế hoạch phát hành. Hiện tại, các rạp chiếu ở Việt Nam đều có kế hoạch chiếu phim một nửa là phim mới ra rạp, một nửa là những phim ăn khách cũ được chiếu lại để kích cầu. Một số phim được chiếu lại để phục vụ khán giả như "Fast & Furious: Hobbs & Shaw", "Johnny English"... Trong đó, 2 bộ phim Việt là "Tháng năm rực rỡ" và "Anh trai yêu quái" cũng được chiếu lại trong thời gian này. Các cụm rạp CGV cũng sẽ tiếp tục chiếu các bộ phim đang chiếu dở dang trước đó như "Nắng 3: Lời hứa của cha", "Bloodshot", "Kẻ vô hình"...

Rạp CGV Artemis điều chỉnh thời gian hoạt động để đảm bảo an toàn. Rạp thông báo chỉ mở từ 16h30 đến 22h tất cả các ngày trong tuần cho đến khi có thông báo tiếp theo. Ngoài ra, không thể phủ nhận, dịch bệnh cũng đã làm thay đổi thói quen xem phim của những người yêu điện ảnh. Xu hướng xem phim tại nhà lại đang thu hút khá đông khán giả. Với sự đa dạng về thể loại, ở nhà khán giả cũng hoàn toàn có thể lựa chọn những bộ phim phù hợp theo sở thích của mình.

Việc mở cửa rạp cùng với sự ra mắt những bộ phim Việt đầu tiên là tín hiệu mừng với ngành điện ảnh. Tuy nhiên, để khôi phục lại thói quen đến rạp sau thời gian dài là thách thức với các nhà làm điện ảnh. Trong đó, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có phim hay, những "bom tấn” đúng nghĩa.

Khánh Thảo
.
.