Đi tìm quyền lợi cho nhạc sỹ ở thời đại trực tuyến
- Ca sĩ quán quân của nền âm nhạc trực tuyến
- Thị trường nghe nhạc trực tuyến sẽ chuyển mình rất mạnh
- Định hướng thẩm mỹ trong cộng đồng nhạc trực tuyến: Những khoảng trống khó lấp đầy
- Thu tiền bản quyền nhạc trực tuyến: Người sử dụng cũng được lợi
Với khoảng 60 triệu tài khoản người dùng đăng ký, Zalo có thể được coi là hiện tượng của thị trường và con số 60 triệu ấy cho chúng ta một câu hỏi rất thú vị rằng "điều gì sẽ xảy ra, nếu như Zing mp3 dựa vào sức mạnh của Zalo (họ cùng một tập đoàn) để phát triển thành một nền tảng nghe nhạc trực tuyến nội địa mạnh nhất, đủ sức để theo đuổi giấc mơ giành thị trường với các ông lớn như Apple, Spotify?".
Nhưng, những người đầu tư cho Zing thừa khôn ngoan để biết, cái lợi thế kia sẽ chỉ mang lại cho họ ảo tưởng, ít ra là ở thời điểm hiện tại. Nền tảng, số lượng người dùng quen thuộc là nền móng vững chắc để phát triển, nhưng nếu không có nội dung đa dạng, phong phú, bạn sẽ không thể cạnh tranh với những đại gia quốc tế. Nếu lao đầu vào cuộc chơi ấy, bạn sẽ chỉ là Don Quixotte trước những chiếc cối xay gió mà thôi.
Apple Music và Spotify có một sức mạnh khó ai cưỡng lại. Họ có nội dung của tất cả những nghệ sỹ hàng đầu thế giới lẫn những nghệ sỹ tên tuổi của những quốc gia nhỏ, khiêm tốn. Trên nền tảng của họ, bạn có thể kiếm tìm được Bruno Mars, Ed Sheeran… và cả những nghệ sỹ vô danh đây đó. Tính sơ sơ, Apple Music có khoảng 45 triệu bản ghi âm trong kho nhạc của mình.
Zing không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ theo con đường ấy, bởi đơn giản, môi trường kinh doanh âm nhạc ở Việt Nam còn chưa hoàn thiện và Zing khó có thể chịu nổi mức chi phí đầu vào lớn lao cho các nội dung quốc tế khi mà nguồn thu từ đầu ra còn quá nhỏ. Với Apple Music, mức phí thuê bao thấp nhất khoảng 5 USD/ tháng; với Spotify, mức giá là 59 ngàn đồng/ tháng. Zing khó có thể thu được từ người dùng của mình ngần ấy tiền. Với Zing, con số kia vẫn luôn chỉ là một giấc mơ lớn và xa.
Vậy thì Zing lựa chọn con đường nào? Họ vẫn là nền tảng nghe nhạc trực tuyến như nhaccuatui.com, với chủ đạo nhạc mục là Vpop. Song song đó, họ cùng nhạccủatui và một vài đơn vị khác trở thành nhà trung gian phân phối nhạc Việt cho Apple Music, Spotify cũng như các ông lớn khác.
Trò chuyện với một chuyên viên người Việt của Spotify tại Singapore, người viết được biết rằng có rất nhiều nghệ sỹ Việt Nam ''ngạc nhiên'' khi thấy ca khúc của mình xuất hiện trên nền tảng ấy. Tất cả họ đều không biết rằng khi họ ký hợp đồng phát hành nhạc online với Zing hoặc nhaccuatui.com, họ cũng đã ký vào chấp thuận cho các đơn vị đó bán nhạc của mình cho những đơn vị kiểu như Spotify.
Và mỗi kỳ thanh toán, họ ít khi đòi hỏi đối soát nên càng không thể hiểu được rằng mình nhận được cả tiền từ chính Apple Music lẫn Spotify. Và cũng chính vì không xem đối soát, câu hỏi "nhận như vậy có đúng và đủ chưa?" không bao giờ được đặt ra để trả lời.
Với Spotify, năm 2017 vừa rồi họ có 4,1 tỷ euro doanh thu từ việc nghe nhạc trực tuyến. Con số ấy đến từ việc trung bình mỗi người dùng tài khoản Spotify dành tới 25 tiếng đồng hồ mỗi tháng cho việc nghe nhạc, và thời gian trung bình này còn hứa hẹn tăng thêm nữa. Tính bình quân, mỗi tài khoản spotify mang lại 5,32 euro doanh thu (chỉ tính doanh thu nghe trực tuyến, chưa tính tiền thuê bao tháng) mỗi năm cho Spotify.
Và cứ mỗi euro mà Spotify nhận được, họ trả 79 xu cho tiền bản quyền bản ghi âm, tiền tác quyền cho người viết ca khúc và các quyền liên quan của nghệ sỹ. 79 xu ấy cho các bản ghi âm Việt Nam có đến tay các đối tượng liên quan một cách trọn vẹn hay không? Rất có thể là không.
Cứ mỗi quý một lần, các nhạc sỹ sáng tác lại được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc mời lên lĩnh tiền bản quyền 1 lần. Xem rất kỹ đối soát, không thấy thể hiện bất kỳ một con số nào đến từ các nền tảng như Aple hay Spotify. Và việc Zing, nhaccuatui.com vẫn lên đóng tiền đều đặn không thể minh chứng rằng nguồn thu ấy có. Rất có thể, họ chỉ đóng phần phát sinh ở Việt Nam, nơi mà đối soát của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có thể vươn tay tới.
Tháng 1-2018, Toà án Liên bang của Mỹ đã quyết định rằng những nhạc sỹ sáng tác sẽ phải nhận được ít nhất 15,1% doanh thu từ bản ghi âm cho mỗi lần được nghe trực tuyến có tính tiền (từ 30 giây trở lên) trên các nền tảng kiểu Apple Music hay Spotify. So với mức được định ra từ 2012 là 10,2%, đây là một mức tăng đáng kể.
Vậy thì khi Spotify vào khai thác thị trường Việt Nam, bắt tay với các đại lý theo tiêu chuẩn kho nhạc phải có từ 1000 bản ghi âm trở lên (như Zing, nhaccuatui.com chẳng hạn), cần có một quy định cụ thể họ sẽ phải trả bao nhiêu phần trăm tối thiểu cho mỗi nhạc sỹ sáng tác, bao nhiêu phần trăm tối thiểu cho các quyền liên quan khác của các nghệ sỹ góp công trong bản ghi âm ấy. Quy định đó sẽ là tiêu chuẩn để minh bạch hoá thị trường âm nhạc, đòi lại quyền lợi đã bị đánh rơi từ quá lâu của các nhạc sỹ sáng tạo.
Hơn nữa, nó cũng thắt chặt lại hoạt động phát hành trực tuyến của chính các nền tảng trong nước, vốn dĩ đang bùng nổ quá mạnh và sẵn sàng phát hành cả những bản ghi âm được coi là nhố nhăng, thiếu thẩm mỹ.
"Công nghiệp âm nhạc đã trở lại với đúng bản chất của nó, là nghệ sỹ phải được trả tiền". Rapper đình đám thời thập niên 90 ở Mỹ là Nas đã nói như vậy, sau phán quyết của toà án Mỹ. Và ở Việt Nam, công nghiệp âm nhạc phải đi tới đúng bản chất của nó, tức là nghệ sỹ phải được trả đúng và đủ tiền. Hãy bắt đầu từ Spotify, Apple Music và lúc đó, quay lại với những nhà phát hành trong nước, những người đang nắm giữ nhiều bí ẩn chưa bao giờ được phát lộ.