Đi tìm giấc mơ Paris cho ballet Việt

Thứ Năm, 16/06/2016, 15:11
Tối 11/6 vừa qua, nhà hát ballet hàng đầu thế giới Opera de Paris đã có buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật mang tên "Paris Ballet" tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Đây là lần thứ hai, một nhà hát nổi tiếng thế giới đến Việt Nam, mang tinh hoa đỉnh cao của nghệ thuật múa đến với công chúng Việt. Hấp dẫn, tinh tế, cảm xúc, mãn nhãn... là những "mỹ từ" mà khán giả Việt dành tặng cho các vũ công khi tấm màn nhung khép lại. Tôi băn khoăn tự hỏi, ballet Việt đang ở đâu và đến bao giờ chúng ta có được "giấc mơ Paris" cho riêng mình?


Không ngừng đổi mới và xây dựng phong cách riêng

Bỏ qua một vài trục trặc về công tác tổ chức, hệ thống âm thanh, ánh sáng..., chương trình "Paris Ballet" vẫn chạm đến trái tim khán giả và mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau từ ngôn ngữ múa, hòa quyện trong âm nhạc. Hơn hai tiếng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, công chúng Việt được thưởng thức phong cách đặc trưng của trường phái ballet Pháp với trích đoạn từ những vở ballet kinh điển và đương đại như "Giselle", "Kẹp hạt dẻ", "In the night", "Những nhịp đập gián đoạn trái tim", "Vẫn là Carmen", "Những đứa trẻ thiên đường", "Không, em không tiếc gì" và "Don Quichotte".

Sự kết hợp ăn ý của dàn diễn viên ngôi sao như Agnes Letestu, Audric Bezard, Florian Magnenet, Olivier Sarrat, Esteban Berlanga, Mathilde Froustey, Carlo di Lanno, Lucie Barthelemy, Toby Mallitt, Alida Badia... đã "dẫn dụ" khán giả vào một không gian nghệ thuật đặc sắc, đậm chất lãng mạn Paris - thành phố của tình yêu và nghệ thuật múa đỉnh cao. Sự thành công, lan tỏa của chương trình "Paris Ballet" là điều chắc chắn xảy ra vì nó có sự kết hợp của nhiều yếu tố "đỉnh cao".

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần phải học hỏi là tinh thần đổi mới, sự sáng tạo trong ballet để môn nghệ thuật hàn lâm này ngày càng trở nên gần gũi với khán giả. Trong đêm diễn "Paris Ballet", khán giả không chỉ được thưởng thức tinh  hoa ballet cổ điển mà còn được xem những màn trình diễn ballet hiện đại rất hấp dẫn.

Hình ảnh đẹp từ công nghệ 3D, ánh sáng laze... đã góp phần làm cho tác phẩm "Hồ thiên nga" lôi cuốn, hấp dẫn người xem hơn.

Sự kết hợp giữa ngôn ngữ ballet cổ điển với ngôn ngữ múa hiện đại đã đưa nghệ thuật múa theo kịp sự chuyển động của thời đại thông qua phản ánh đề tài đương đại, chân thật và rất ''đời". Tuy nhiên, dù ballet cổ điển hay hiện đại thì xuyên suốt những tác phẩm trình diễn trong "Paris Ballet" đều thể hiện đúng tinh thần của ballet Pháp, bay bổng, nhẹ nhàng và rất lãng mạn.

Không ngừng thay đổi để múa ballet cổ điển theo kịp sự biến đổi của đời sống xã hội là tinh thần được thể hiện rõ trong chương trình biểu diễn tác phẩm kinh điển "Hồ thiên nga" của Nhà hát ballet lừng danh "Talarium Et Lux" (Liên bang Nga) trên sân khấu Hà Nội năm 2015. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại là hình ảnh 3D, ánh sáng laze... từng khiến nhiều người lo ngại rằng, tác phẩm "Hồ thiên nga" mà họ từng được xem sẽ bị "phá nát".

Tuy nhiên, chính những hình ảnh sống động, rõ nét từ công nghệ 3D đã tạo nên sức sống mới cho câu chuyện tình yêu xưa cũ trong "Hồ thiên nga". Cung điện tráng lệ, bờ hồ xanh mướt, thác nước chảy... thật lung linh, huyền ảo. Ấn tượng nhất là cảnh cuối, khi những diễn viên múa trong trang phục trắng chạy vào phía trong và trên màn hình xuất hiện từng chú chim thiên nga nối đuôi nhau vỗ cánh bay lên bầu trời cao xanh. Thật ấn tượng và đẹp mắt.

Ngoài ra, cái kết của câu chuyện cũng được thay đổi theo hướng "có hậu" so với phiên bản gốc. Theo đó, cái chết của thiên nga xinh đẹp Odile được thay thế bằng màn hoàng tử Siegfried đánh bại phù thủy Von Ronthbart. Odile và Siegfried được sống hạnh phúc bên nhau. Sự thay đổi cái kết của "Hồ thiên nga" là minh chứng, các nghệ sỹ luôn nỗ lực để thay đổi, vượt qua cái bóng của những bản dựng kinh điển trước đó.

Ngậm ngùi ballet Việt

Ballet Việt Nam đang ở đâu là câu hỏi khiến nhiều người làm nghề luôn trăn trở. Vì sao du nhập vào Việt Nam đã lâu mà ballet Việt vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Những đêm diễn ballet của những nhà hát hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực này là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đều rất "kén" khán giả. Nguồn khán giả chủ yếu là khách nước ngoài và dân trong nghề. Với phần lớn khán giả Việt, xem múa nói chung, xem ballet Việt nói riêng vẫn còn là điều gì đó khá xa lạ. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trước đây, nhiều người cho rằng, sở dĩ ballet Việt khó phát triển là do thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả còn chưa cao nên những loại hình nghệ thuật "bác học", "hàn lâm" không có đất để dụng võ. Quan niệm này giờ đây có phần không còn chính xác.

Bằng chứng là, những đêm diễn của các đoàn nghệ thuật lừng danh thế giới luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, dù giá vé không hề thấp so với thu nhập trung bình của người Việt. Có lẽ, vấn đề đào tạo khán giả, nâng cao nhận thức của khán giả về nghệ thuật múa không còn là vấn đề cấp bách, cái quan trọng hơn là công tác quảng bá để nghệ thuật múa, tác phẩm múa đến gần hơn với công chúng.

Chương trình nghệ thuật "Paris Ballet" của nhà hát ballet Opera de Paris là một "điểm nhấn" văn hóa trong năm 2016. Trong ảnh: Một cảnh trong trích đoạn múa "Vẫn là Carmen".

Một câu hỏi đặt ra là, phải chăng ballet Việt thiếu tài năng múa? Câu trả lời là không. Mặc dù không có được lợi thế về hình thể như diễn viên các quốc gia phương Tây nhưng vũ công Việt cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật, khả năng trình diễn múa.

Năm 2005, "Hoàng tử ballet Việt Nam" Cao Chí Thành từng giành giải tư tại cuộc thi cuộc thi ballet quốc tế Helsinki, vượt qua nhiều nghệ sỹ múa xuất sắc trên thế giới đến từ các quốc gia có nền nghệ thuật múa phát triển, thậm chí là "cái nôi" của nghệ thuật ballet như Nga, Pháp, Mỹ, Ukraine, Mỹ... Vũ công Việt không thiếu người tài, chỉ có điều, khi phát triển sự nghiệp ở Việt Nam, những tài năng ballet chưa có môi trường thuận lợi để phát huy hết khả năng của mình.

Phải chăng ballet Việt thiếu sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, thiếu những tác phẩm kịch múa đỉnh cao góp phần khẳng định thương hiệu và vị thế của ballet Việt? Ballet khởi nguồn từ phương Tây, có quá trình phát triển lâu dài với nhiều thành tựu rực rỡ. Là sản phẩm "ngoại nhập" nên dù có học tập, tiếp thu thế nào đi chăng nữa thì Việt Nam cũng không thể xây dựng được một nền ballet đỉnh cao, theo kịp với các quốc gia phương Tây vì trong lĩnh vực văn hóa, khó có thể đề cập đến khái niệm "đi tắt, đón đầu".

Bài toán đặt ra cho Việt Nam là phải xây dựng được một nền ballet đậm bản sắc Việt. Điều này cần được chứng minh qua các tác phẩm kịch múa đỉnh cao. Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ múa dân gian dân tộc, múa ballet thì việc khai thác thế mạnh của múa đương đại phương Tây là yêu cầu tất yếu.

Thực tế cho thấy, ballet Việt đã được tập trung xây dựng theo hướng: trên nền tảng kỹ thuật của múa ballet, các biên đạo tập trung khai thác những câu chuyện thuần Việt, sử dụng ngôn ngữ múa dân gian Việt Nam, kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa của múa hiện đại phương Tây để xây dựng tác phẩm múa.

Tuy nhiên, số lượng tác phẩm múa ballet được ra đời rất khiêm tốn và số tác phẩm có thể coi là đỉnh cao lại càng hiếm hoi. Đó là chưa kể đến việc những tác phẩm ballet Việt chưa được thử nghiệm, khai thác thế mạnh từ các phương tiện kỹ thuật hiện đại như màn hình 3D, âm thanh, ánh sáng laze... Thiếu sức bật, sự đột phá là một trong những nguyên nhân khiến ballet Việt chưa thể phát triển.

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nghệ thuật múa ballet nhưng những điều kiện đó đang cần một chiến lược, cơ chế mạnh để quy tụ, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Chiến lược phát triển nghệ thuật múa ballet quốc gia, sự đầu tư quy mô về cơ sở vật chất, quan tâm thích đáng đến cơ chế, chính sách đãi ngộ với các vũ công... là điều hết sức cần thiết để thực hiện "giấc mơ Paris" trên sân khấu ballet Việt hiện nay...

Tường Phạm
.
.