Đi tìm giá trị cốt lõi của điện ảnh Việt

Thứ Hai, 10/04/2017, 08:08
Theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt thời gian gần đây, có thể nhận thấy một xu hướng khá rõ là sự xuất hiện dòng phim tập trung khai thác về số phận con người, giàu tính nhân văn. Đây được coi là sự chuyển dịch đáng chú ý, góp thêm gam màu mới cho bức tranh chung của điện ảnh Việt trong thời kỳ hội nhập và phát triển.


Những gam màu mới

Phận người, trong đó có những người thuộc cộng đồng thế giới thứ ba (LGBT – lesbian (đồng tính nữ), gay (đồng tính nam), bi sexual (song tính), transgender (chuyển giới)) nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà làm phim và khán giả Việt. Điều này dễ hiểu bởi với phần đông khán giả, thế giới thứ ba vẫn là “mảnh đất” bí ẩn và xã hội còn nhiều định kiến với họ. Mỗi bộ phim về đề tài thế giới thứ ba luôn mang đến những góc nhìn khác nhau, đa chiều về cuộc sống, thân phận của những người đồng tính, chuyển giới.

Phim tài liệu về đề tài xã hội “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) ra mắt khán giả Việt cuối năm 2014 đã gây được tiếng vang lớn. Bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao và được đông đảo khán giả đón nhận vì đã phản ánh chân thực, đầy cảm xúc cuộc sống của những người chuyển giới thuộc đoàn hát Bích Phụng tại khu vực Nam Trung Bộ. 

Những nhân vật xuất hiện trong phim như Trưởng đoàn Bích Phụng, chủ gian hàng đồ chơi bắn súng Mỹ Hằng… cùng rất nhiều tình huống thực tế đã xảy ra trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc, khát khao được sống thật với chính mình, gây xúc động mạnh mẽ. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” phá đổ mọi kỷ lục phát hành phim tài liệu ở Việt Nam. 

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một bộ phim tài liệu gây nên tình trạng “sốt” vé. Bộ phim này cũng đoạt giải “Spiecial Mention” tại Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và đạt bằng khen trong hạng mục phim tài liệu của Giải thưởng “Cánh diều vàng” 2013.

Một cảnh trong bộ phim “Hot boy nổi loạn 2”.

Cũng làm phim về đề tài tương tự, phim điện ảnh “Lôtô” (Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), cùng dàn diễn viên nổi tiếng như NSƯT Hữu Châu, ca sĩ Phương Thanh, Huỳnh Lập, Hải Triều, Top 8 Hoa hậu Trái đất Nam Em, Á Vương Trịnh Xuân Nhản… sẽ ra rạp vào cuối tháng 3-2017. “Lôtô” xoay quanh cuộc đời của Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu đóng) – đào chính của gánh lô tô Phù Hoa với nhiều tình tiết hấp dẫn. Đây là phim điện ảnh đầu tiên mang góc nhìn nhân văn về những con người vốn được xã hội coi là “trôi sông, lạc chợ”.

“Hot boy nổi loạn 2” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng ra rạp đầu tháng 3-2017 nhận được sự phản hồi khá tích cực của khán giả không đơn thuần vì đây là phim đầu tiên của Việt Nam bị dán mác “18+”. Tiếp câu chuyện về đề tài đồng tính nam ở phần 1, Vũ Ngọc Đãng đã mang đến cho người xem những thước phim chân thực, với cảm xúc mạnh mẽ về tình yêu, tình người và gia đình chứ không phải vì cảnh nóng của dàn diễn viên “trai đẹp”. 

Nhiều người nhận định rằng, “Hot boy nổi loạn 2” đã kể chuyện theo lối hiện đại, tiết chế tối đa thoại cũng như sự giải thích mà thay vào đó là khuôn hình giàu ngôn ngữ điện ảnh. Xem phim, dường như người ta đã hoàn toàn quên đi hai chữ “đồng tính” của các nhân vật Lam, Long, Cuội trong cuộc đấu tranh cho giới tính mà thay vào đó là câu chuyện về hạnh phúc, tình yêu. Đây có lẽ là bước tiến rất đáng ghi nhận của dòng phim về đề tài thế giới thứ ba ở Việt Nam hiện nay.

Những bộ phim về tình cảm gia đình, giàu tính nhân văn ra rạp thời gian gần đây cũng nhận được sự “đồng điệu” của không ít khán giả. Một trong những bộ phim đó là “Dạ cổ hoài lang” (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, chính thức ra rạp trên toàn quốc vào ngày 24-3). 

Đây là trường hợp hiếm hoi khi điện ảnh “ăn theo” kịch bản sân khấu đã vô cùng nổi tiếng. “Dạ cổ hoài lang” nói về cuộc sống của những người Việt Nam xa xứ với nỗi nhớ quê hương tha thiết. Nhiều khán giả nhận định, phiên bản điện ảnh của “Dạ cổ hoài lang” có nhiều chi tiết “đắt”, hấp dẫn hơn so với phiên bản kịch.

Ngay từ khi chưa ra rạp, “Cha cõng con” (Đạo diễn Lương Đình Dũng, dự kiến khởi chiếu từ 5-4-2017) được dự đoán là bộ phim sẽ “làm nên chuyện” trong năm nay. Phim có cốt chuyện xúc động về tình cha con khi kể về cậu bé Cá với ước mơ được chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời và người cha cả đời quanh quẩn đánh cá trên sông.

Bé Cá tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong câu chuyện kể của một ông lão mù và khát khao được đến nơi huyền diệu ấy. Bé Cá không đủ thời gian và cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Hình ảnh người cha cõng con đi mãi để con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể ám ảnh g tâm trí người xem. 

“Cha cõng con” là một trong 19 bộ phim tham dự giải “Cánh diều” của Hội điện ảnh năm 2017. Được biết, tính đến thời điểm này, sau gần 4 tháng hoàn thành, “Cha cõng con” đã vinh dự được chọn chiếu và tranh giải chính thức tại 6 Liên hoan phim lớn và giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Ngoài “Dạ cổ hoài lang”, “Cha cõng con”, phim về thân phận con người, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm… cũng được khắc họa rõ nét qua một số tác phẩm khác như “Nắng” (đạo diễn Đồng Đăng Giao, ra rạp tháng 8-2016), “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” (đạo diễn Mai Thế Hiệp, dự kiến công chiếu tháng 5-2017)…

Thị hiếu của khán giả đã thay đổi

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt có sự bùng nổ về số lượng. Tuy nhiên, chất lượng phim chưa có nhiều đột phá. Những kịch bản phim dễ dãi, thiếu chặt chẽ, chủ yếu gây chú ý bằng yếu tố hành động, kinh dị, tình yêu, cảnh nóng, hài, quy tụ dàn diễn viên là ca sĩ, người mẫu, hot boy, hot girl… không phải là hướng đi đúng đắn, lâu dài để phim Việt tạo niềm tin với khán giả. Có thể, ban đầu, những bộ phim mang tính giải trí này sẽ thu hút khán giả trẻ và đạt doanh thu cao nhưng sau đó, lượng khán giả đến rạp xem phim Việt sẽ giảm rõ rệt.

“Lô tô” – phim điện ảnh đầu tiên về đoàn hát hội chợ của những người chuyển giới, ra rạp cuối tháng 3-2017.

Thực tế cho thấy, từ giữa năm 2016 đến nay, số lượng phim Việt công bố đạt doanh thu cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng tiếc là, hai bộ phim gây chú ý nhất là “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạt doanh thu 102 tỷ đồng) và “Bạn gái tôi là sếp” (đạo diễn Hàm Trần, được đánh giá là phim tình cảm hài xuất sắc nhất đầu năm 2017) lại là phim được Việt hóa từ kịch bản phim ăn khách của nước ngoài. Thiếu kịch bản hay, nội dung lạ, có chiều sâu là thực tế đáng phải suy ngẫm của điện ảnh Việt.

Trước đây, những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu thường được coi là ít mang tính giải trí, khó xem, khó thu hút khán giả. Tuy nhiên, thị hiếu của khán giả đã thay đổi, phim giải trí đơn thuần, nhạt nhẽo chắc chắn sẽ không chinh phục được khán giả. Thị hiếu của khán giả ngày càng nâng cao đòi hỏi các nhà làm phim phải đầu tư có chiều sâu với thái độ làm việc nghiêm túc và cẩn trọng.

Điện ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác chính là lăng kính phản ánh thực tế cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nhân văn sâu sắc. Muốn phát triển và khẳng định thương hiệu của mình, điện ảnh Việt cần quay trở lại giá trị cốt lõi, “cái gốc” của nghệ thuật. Phim về số phận con người, tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong xã hội, giàu tính nhân văn… mới là đích đến của nghệ thuật.

Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao, được khán giả đón nhận nhưng cũng phải thấy rằng, những bộ phim về phận người, tôn vinh tình cảm gia đình, giàu tính nhân văn đề cập ở phần trên chưa nằm trong top những bộ phim có doanh thu cao nhất khi ra rạp. 

Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Vào thời điểm này, ít có phim Việt đạt doanh thu “khủng” như vài năm trở về trước do sự bão hòa của thị trường phim. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định doanh thu không đơn thuần nằm ở chất lượng, giá trị nghệ thuật của phim. Ngược lại, doanh thu cũng không phải là thước đo hay yếu tố duy nhất để khẳng định giá trị của phim. “Đường dài mới biết ngựa hay” và chắc chắn, những bộ phim nghiêm túc, giàu tính nhân văn sẽ có sức sống lâu dài trong lòng công chúng.

Tường Phạm
.
.