Đến với “cái nôi” của Tự lực văn đoàn

Thứ Hai, 11/08/2008, 14:30
Dù nhiều lần ngang qua những vùng đất Hưng Yên và Hải Dương thuộc xứ Đông xưa, giờ tôi mới đến được thị trấn Cẩm Giàng vào những ngày đầu hạ với những vòm hoa phượng vĩ rực rỡ phủ khắp.

Qua những con phố nhỏ còn nhiều dấu vết của một thị trấn từng là thủ phủ của huyện Cẩm Giàng, và có lẽ cái đường tàu có từ khoảng năm 1915 kia đã góp phần không nhỏ tạo nên sự sầm uất của đời sống nơi đây thế kỷ trước, đặc biệt là vào quãng thời gian nửa đầu thế kỷ XX - thời gian các nhà văn chủ soái của Tự lực văn đoàn đã từng sống và làm việc ở đây - tạo nên mạch nối giữa Hà Nội, Cẩm Giàng và Hải Phòng trong khoảng thời gian không phải là ngắn. Con đường sắt đó đã cào miết lên những trang văn; những cuộc đời nhân vật xô dạt theo những cuộc xê dịch mang theo bao mộng ước không thành.

Tôi lặng lẽ lần tìm dấu vết ngôi nhà của những người chủ cũ, và dấu vết của "Dãy nhà ánh sáng" đã từng được dựng lên tại nơi đây. Dưới bóng những cây nhãn già cành lá xum xuê, thân cây xù lên những lần vỏ sần sùi thô ráp, chỉ còn nền đất là cũ và cả cái ao xưa có lẽ còn in lại đôi ba dấu vết của hình bóng những con người đã khởi dựng lên một trào lưu văn học mới mẻ và sung mãn trên văn đàn Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo già thuộc lớp trí thức trưởng thành thời kỳ trước cách mạng, ông cùng độ tuổi với một số nhà văn trong Tự lực văn đoàn. Trong các giờ giảng văn cấp 3, phần nói về các trào lưu văn học Việt Nam, do sự say mê cuốn hút không thể dừng được, ông đã dành nhiều giờ nói về các nhà văn Tự lực văn đoàn, về văn chương và tiểu sử từng người, ông còn cho chúng tôi xem những bức ảnh chân dung của những nhà văn này in trên những cuốn sách và tờ báo của thời đó.

Tôi lại nhớ tới lần đến thăm ngôi chùa Tiêu Sơn (thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) - bối cảnh và nhân vật của tiểu thuyết "Tiêu sơn tráng sĩ" của nhà văn Khái Hưng, nơi nhà thơ Phạm Thái với tác phẩm "Sơ kính tân trang" nổi tiếng đã từng trú ngụ ở đây vào những năm cuối đời.

Tôi đến chùa Tiêu Sơn không phải do vô tình, mà do sự mong muốn tìm đến. Trong những lý do tìm đến, còn là nơi thiền sư Vạn Hạnh trụ trì, nơi cất tiếng khóc chào đời của Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khai lập ra nhà Lý.

Thế hệ chúng tôi và trước nữa được biết nhà thơ Phạm Thái không chỉ qua văn học cổ, mà có lẽ được gây ấn tượng mạnh là do văn chương và các bài viết của các nhà văn Tự lực văn đoàn về nhà thơ này. Có lẽ nhà thơ Phạm Thái trở thành một hình tượng lý tưởng của Tự lực văn đoàn là bởi tinh thần của thi nhân mang dáng dấp của người anh hùng hiệp sĩ chăng?

*

Khi tôi tới Hải Dương, Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự lực văn đoàn" cũng vừa diễn ra được ít ngày, cũng tại thị trấn Cẩm Giàng. Họa sĩ Hà Huy Chương - Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh và nhiếp ảnh gia Quang Thông đang cùng soạn lại những bức ảnh vừa chụp từ cuộc Hội thảo.

Trong niềm tự hào không thể giấu được, Hà Huy Chương và Quang Thông say sưa nói tới những dự định của tỉnh trong tương lai về việc khôi phục khu lưu niệm nơi ra đời trào lưu văn học Tự lực văn đoàn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Thông là người thị trấn Cẩm Giàng, anh nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm và giới thiệu về mảnh đất xưa nơi ra đời Tự lực văn đoàn, hiện tỉnh Hải Dương đã gắn biển đặt tên một đường phố của thị trấn lấy tên nhà văn Thạch Lam, đồng thời đã gắn biển tại nơi khai sinh trào lưu văn học Tự lực văn đoàn.

Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng hai vợ chồng người cán bộ già đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống trên mảnh đất của gia đình họ Nguyễn Tường. Ông cho biết, gia đình ông được phân đến đây ở vào năm 1971, do bom đạn chiến tranh nên lúc ấy khu đất bị san phẳng. Ông cũng là người rất mến mộ và kính trọng văn chương của những nhà văn Tự lực văn đoàn, ông theo dõi tất cả những bài viết liên quan đến những nhà văn này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Thông cho biết, từ thuở ấy đến nay, chỉ duy nhất có người con gái của nhà văn Thạch Lam ghé về đây một lần, còn lại chưa thấy có ai trong dòng tộc Nguyễn Tường trở về đây cả. Những việc làm hiện nay của tỉnh Hải Dương và thị trấn Cẩm Giàng với việc "bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự lực văn đoàn" đều xuất phát trên tinh thần khôi phục, đề cao giá trị ảnh hưởng của một trào lưu văn học có giá trị giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Tôi đứng lặng hồi lâu ở lối cổng vào khu đất ở của vị chủ soái Tự lực văn đoàn, phía bên kia đường tàu là cánh đồng mênh mông trải rộng, chắc thời ấy cánh đồng còn trải rộng hơn nữa, và có lẽ lúc ấy nó là một khu đồng trũng, bởi nay ngoài màu lúa đang xanh vẫn còn một dải hẹp lau lách vẫn mọc um tùm.

Tôi đã hỏi đi hỏi lại nghệ sĩ Quang Thông và người chủ nhà hiện đang sống trên mảnh đất này, đâu là nơi đã xây dựng "Dãy nhà ánh sáng"?. Người chủ nhà cho rằng nó nằm trên chính nền ngôi nhà ông đang ở hiện nay. Thực ra, chưa có người xác định chính xác "Dãy nhà ánh sáng" đó nằm ở vị trí nào. Quả thực trong những giấc mộng của tôi, có một giấc mộng cuốn theo "Dãy nhà ánh sáng" mà các nhà văn Tự lực văn đoàn đã dựng từ thuở ấy

Dương Kiều Minh
.
.