Để Bảo tàng Văn học phát triển cùng đời sống văn học

Thứ Sáu, 26/01/2007, 11:00

Bảo tàng văn học Việt Nam khi vận hành nên coi các nhà lưu niệm tại gia đình các nhà văn là các điểm bảo tàng trong hệ thống của mình, và có nghĩa vụ góp phần thiết thực cùng gia đình gìn giữ, làm phong phú thêm các nhà lưu niệm nhà văn.

Hội nhà văn Việt Nam dự định năm 2007 này sẽ mở cửa Bảo tàng Văn học Việt Nam. Trụ sở bảo tàng đã được xây xong trên khuôn viên cũ của trường Bồi dường viết văn Quảng Bá kề bên Hồ Tây. Công tác sưu tầm hiện vật đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Nội dung trưng bày đang được các thành viên của Hội đồng khoa học của Hội Nhà Văn Việt Nam bàn bạc gấp gáp để thực hiện.

Theo tôi nghĩ, Bảo tàng không chỉ có chức năng lưu giữ quá khứ mà chủ yếu phải tác động vào hiện tại. Nó vận động. Một lần vào thăm bảo tàng về vua chúa nước Pháp ở cung điện Versaille, Paris tôi thấy có một hiện vật mới, một cái giường trong cung vua, mà năm trước tôi vào đây không thấy. Tôi hỏi, được trả lời: “Mới bổ sung”. Tôi lại hỏi: “Do mới tìm ra hiện vật này à?”. Trả lời: “Chúng tôi mới tạo lại”.

- Nghĩa là đóng mới?

- Nhưng theo đúng mẫu cũ

Chắc là thấy tôi có vẻ băn khoăn, người hướng dẫn nói thêm:

- Chúng tôi luôn phải bổ sung để người đến xem lại có cái mà xem.

Tôi không định bàn về nguyên tắc phục chế hiện vật ở đây mà chỉ muốn nói tới sức sống, sự vận động của bảo tàng. Nó lưu giữ mà không bất biến. Nó góp phần tạo dựng hiện tại nhưng trung thực với quá khứ. Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng sẽ đi theo khuynh hướng ấy.

Trong bảo tàng sẽ hình thành một kho sách vừa với chức năng lưu giữ văn bản vừa phục vụ công việc nghiên cứu như một thư viện. Nhiều cuộc hội thảo văn chương và các lễ kỷ niệm tác giả cũng sẽ được tiến hành tại đây. Bảo tàng Văn học sẽ sống cùng đời sống văn học. Cố nhiên làm được đến đâu là phụ thuộc vào sáng kiến của ban điều hành.

Bảo tàng văn học đang hình thành. Nhưng hoạt động bảo tàng văn học trên thực tế đã có và nó gợi ý rất nhiều cho việc hình thành một mạng lưới bảo tàng văn học. Ấy là các nhà lưu niệm tác giả do chính thân nhân các tác giả tạo dựng. Từ hơn hai mươi năm trước, đi đầu trong công việc này là con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi (1939), người con gái duy nhất của ông năm ấy mới một tuổi.

Nỗi vất vả đã qua của cuộc sống gia đình, sự chìm nổi của sự nghiệp văn chương ông bố đã thôi thúc bà Vũ Mỵ Hằng cùng chồng tạo dựng nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng ngay trên nền nhà xưa tại quê ông, xã Nhân Chính, khi ấy còn là ngoại thành Hà Nội. Phần mộ ông cũng được đưa về. Những kỷ vật về ông được thu thập, gìn giữ. Ngày giỗ ông, bà con gái còn mời được rất nhiều bạn văn xưa của bố về ăn giỗ.

Gia đình nhà thơ Nguyễn Bính cũng đã chuộc lại nền đất xưa ở Vụ Bản, Nam Định, để đặt mộ và gìn giữ kỷ vật về ông, kể cả việc dựng lại căn nhà xưa ông ở với những đặc điểm  đã vào thơ ông.

Gia đình Nam Cao, ở Lý Nhân, Hà Nam, ngoài nhà lưu niệm, còn có ý định bảo tồn cả những căn nhà liên quan đến những nhân vật chính trong văn phẩm Nam Cao. Năm ngoái, trong dịp về Quảng Ngãi dự lễ kỷ niệm Bích Khê,  tôi cũng đã được thăm mộ nhà thơ và thấy những kỷ vật của ông do gia đình gìn giữ và trưng bày ở Thu Xà. Căn nhà ông ở, nơi kê chiếc giường ông nằm cũng được khôi phục. Gia đình còn hứa tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu trong cả nước đến đây tìm hiểu Bích Khê.

Cũng trong năm 2006, bà vợ và các con nhà thơ Trần Huyền Trân ở Hà Nội cũng đã làm xong nhà lưu niệm ông ngay trên căn nhà xưa ông ở và nay cũng là nơi ở của gia đình. Khách thăm cảm kích thấy lại cái bàn chiếc ghế ông ngồi làm việc và khung cảnh căn phòng ông tiếp bạn bè đơn sơ nhưng biết bao ấm áp. Nơi ở của gia đình ông Trần Huyền Trân đến nay còn chật hẹp, nhưng đã dành phần diện tích đẹp nhất của căn nhà để lưu giữ hình ảnh ông cho bạn đọc cho đời sau. Chắc còn nhiều nữa mà tôi chưa được biết.

Bảo tàng văn học Việt Nam khi vận hành nên coi đây là các điểm bảo tàng trong hệ thống của mình, và có nghĩa vụ góp phần thiết thực cùng gia đình gìn giữ, làm phong phú thêm các nhà lưu niệm nhà văn.

Còn biển đồng lưu niệm gắn trên những nơi các nhà văn lớn từng ở thì tôi gặp rất nhiều trên các thành phố lớn ở nhiều nước. Ở ta, cá nhân tôi mới thấy có một nơi gắn biển, đấy là ở ngôi nhà hiện là trụ sở báo Công an nhân dân ở 66 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội, đó là nơi ở của nhà văn Nguyễn Công Hoan từ 1964 đến 1976. Đây là một may mắn ngẫu nhiên vì tòa nhà này lại thuộc quyền sử dụng của một tờ báo văn chương. Biển do báo gắn chứ không phải do Sở hay Bộ Văn hóa, như đáng ra nó phải như vậy.

Lại nhớ tiếc thành phố Nam Định, quê hương ông Tú Xương. Ông Tú Xương là nhà thơ đầu tiên của nước ta đưa chất thị thành, cụ thể là thị thành của Nam Định vào thơ và làm nó bất tử. Vậy mà căn nhà ông ở, nơi ông dạy học, nó là di tích văn chương, cũng là di tích kiến trúc, và mang dấu vết việc học hành ở xứ có trường thi một thời, lại không ai gìn giữ. Nhà này thuộc tư nhân. Ông chủ mua và sử dụng mấy chục năm nay. Đã xây mới phía trước. Nhưng còn giữ được căn gác gỗ của Tú Xương phía sau.

Ông chủ cũng tính phá đi để cải thiện chỗ ở nhưng cứ phân vân tiếc một di tích. Tôi nghĩ UBND Tỉnh Nam Định hay Bộ Văn hóa - Thông tin, hay Tổng cục Du lịch nên mua lại được căn nhà này, trùng tu làm nhà lưu niệm văn chương, giáo dục, kiến trúc thì phần hồn thành Nam càng cao quý hơn lên

Vũ Quần Phương
.
.