Đầu năm lên chùa

Thứ Hai, 12/03/2018, 08:24
"Năm mới tháng giêng" tiết trời vừa qua độ rét, không gian như giãn nở, gặp gió xuân về cây cối hoa lá đua nhau đâm chồi nẩy lộc, đây chính là dịp "lên chùa" thích hợp nhất và cũng là phù hợp nhất. 


Tôi nhớ hồi tôi về chào để đi bộ đội, đâu như dịp đó chỉ vừa hết Tết, mẹ nuôi tôi (người mà tôi thường gọi là u và xưng em) đã giảng giải cho tôi hay rằng "Lên chùa là về với cõi thường nên chẳng cần ồn ã. Lên chùa là lên với chốn tịnh không để hồn bằng lặng.

Lên chùa là lên với chốn lánh người mà để lòng người thư thả. Lên chùa là lên với chốn xuân dung mà để thả lòng được bữa thưởng hoa hít gió. Lên chùa là để tạm xa những khắc những giờ lo toan vất vả mà mong cho mình gạt nhẹ buồn đau.

Lên chùa đầu năm cũng là cách để cầu may cho cả năm". Ơ, người đàn bà quê một cục, chồng hy sinh hồi chống Pháp, ở vậy nuôi con, văn chương chữ nghĩa mót được ở đời, chân bước đi thình thịch như có ai dắt trâu ngang ngõ thế mà ăn nói cũng "ra phết".

Gió xuân hây hẩy, sư cô Thích Đàm Nga nhẹ đẩy cánh cổng được hàn bằng những thanh sắt đón tôi vào chùa, bà vốn gày lại như nhỏ thêm dù đã mặc bộ cánh nâu mấy lớp phòng trừ cái lạnh tháng giêng, mới thoáng trông đã thấy toát lên vẻ thanh bần thường nhật.

Người Việt có truyền thống đầu năm đi lễ chùa cầu may mắn bình an cho gia đình.

Người đàn bà đã ngoài sáu mươi này quê ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà ở mạn Hải Dương. Bà rời quê đi "ở chùa" Cầu Bây phường Thạch Bàn quận Long Biên này cũng đã ba mươi năm tròn. Hồi trước chùa Cầu Bây nằm tít cuối làng Cầu chứ không sát kề khu đô thị như bây giờ. Chùa làng ấy mà. Từ thuở xa xưa chùa làng đã thế, có ruộng thì sống bằng nghề ruộng, không ruộng dựa vào vườn, thì nhờ tình nghĩa xóm thôn.

Tôi lại nhớ hồi tôi còn bé có lần mẹ tôi kể chuyện chùa làng tôi. Chả là làng tôi cũng có ngôi chùa nhỏ. Chùa làng Bình Tân nằm mãi ven cánh đồng làng Yên Nhân, cách làng Yên Thổ một dòng sông nhỏ. Hồi xã tiến hành "hợp tác" thì chùa "thất thoát". Bao nhiêu đồ cúng đồ lễ cùng tượng cùng chuông theo nhau "biệt tích".

Ngôi chùa theo như mẹ tôi kể thì từ những năm trước Cách mạng đã là nơi cho cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ đi về hội họp. Một sáng đầu hè, nắng mới chang chang, bọn mật thám Pháp nhờ có chỉ điểm đã ngồi nấp trong chùa. Theo lịch hẹn thì sáng nay "xứ ủy" nhóm họp.

Tình thế ấy "chết" là cái chắc. Vậy mà ngoài sân vị sư trụ trì vẫn thong thả vừa đi dần ra cổng vừa tưới cây. Ngài tưới cây gì mà tưới cả vào người mấy cán bộ đã cải trang thành người đi lễ đang chậm rãi bước qua cổng chùa. Ngài tưới kiểu gì mà cứ như hắt cả thau nước vào mặt vào người ta. Động thái khác thường ấy đã ngầm mách bảo "bị lộ".

Mấy cán bộ bí mật hiểu ý nên lặng lẽ tháo lui. Bọn mật thám ngồi núp mãi dưới gầm hậu điện, muỗi đốt sưng người mà vẫn không thấy cán bộ cách mạng nào bước vào chùa để chúng xông ra bắt gọn. Thế mới biết "lòng chùa" cho dù hoàn cảnh nào cũng hướng về điều hay. Thế mới hay "dù lánh cõi trần đi ăn mày cửa Phật" thì lòng người vẫn hướng về lẽ phải.

Nghe tôi nhắc chuyện chùa làng mình Sư cô Thích Đàm Nga cũng vui lây, bà cho hay "Thời trước Cách mạng, thời trong kháng chiến, chùa Cầu Bây này từng là nơi đi về của cán bộ hoạt động giữa ngoại thành với nội thành đấy". Rồi sư cô tiện mồm khoe tiếp "Chùa này còn có nhiều chuyện hay lắm".

Tôi nhìn ra sân chùa, mưa tháng giêng rắc ươn ướt mặt sân. Dậy lên mùi hương của hoa ngọc lan, mùi thơm của bưởi của cam chín muộn. Sư Nga trầm ngâm nói rất nhỏ, bà kể:  "Hồi trước cách mạng, năm đó đúng là năm xảy ra nạn đói năm "bốn nhăm" khủng khiếp.

Cô Đàm Thị Nghĩa, năm đó đâu cũng mới ba mươi. Người đàn bà nhỏ nhắn ấy vốn quê gốc làng Vòng (Từ Liêm) thảo thơm hương cốm chẳng hiểu lẽ gì mà quy y cửa Phật. Cô thành sư cô trụ chùa Cầu Bây cũng từ dạo đó.

Một bữa sư cô Thích Đàm Nghĩa vì có việc người ta nhờ vả nên sang Chợ Đường Cái bên Hưng Yên. Sư cô đã tình cờ mà gặp gia cảnh một mẹ ba con đang lả đi vì đói. Lân la hỏi chuyện sư cô được biết đâu như gia đình này ở tận Thái Bình trong cơn đói quắt đói quay mà dắt nhau tha phương cầu thực. 

Sư cô nghe chuyện mà động lòng, bà vội nhận một đứa trẻ có cơ còn sống nhất trong cái gia đình sắp chết đói kia mang về chùa Cầu Bây và nhận làm con nuôi. Đứa trẻ ấy sư cô đặt tên là Kỳ, Kỳ có nghĩa là kỳ diệu với hy vọng sự kỳ diệu sẽ cho đất sống, sư cô còn cho cậu bé tên Kỳ được mang họ Đàm của mình. Những năm đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, cậu Đàm Văn Kỳ nằng nặc đòi sư cô cho "bỏ chùa để đi bộ đội". Anh bộ đội đang là "chú tiểu" chùa Cầu Bây trở thành người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Trong một trận đánh ngăn quân Pháp càn qua sông Đuống chiến sĩ Đàm Văn Kỳ đã anh dũng hy sinh".

Chùa mang tên làng Cầu Bây hiện có ba vinh dự lớn. Thứ nhất là chùa cùng đình làng Cầu Bây tạo nên cụm "Di tích lịch sử kháng chiến" rất đỗi tự hào. Thứ hai là "chú tiểu" Thích Thanh Kỳ tức cậu bé không rõ mẹ cha, không tường quê quán, không cả danh xưng lại suýt bị "chết đói" năm Ất Dậu về làm "con nuôi nhà  chùa" mang tên Đàm Văn Kỳ được truy phong Liệt sĩ. Thứ ba là sư cụ Thích Đàm Nghĩa được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và được truy tặng "Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đất nước không bao giờ quên những người đã đổ máu xương cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước đã ghi nhận công lao dưỡng dục của những người đã trọn lòng cho nghĩa phải.

Chùa Cầu Bây vẫn lặng vắng như lẽ vốn có của mình. Sư cô Thích Đàm Nga dường như chưa nguôi xúc động. Bà len lén quay đầu lau dòng nước mắt. Chuyện chùa làng ngỡ tưởng như chẳng có gì đâu mà nói ấy chợt cứa vào lòng tôi những dư vị ngọt ngào. Thì ra cũng đã lâu lắm rồi tôi và chắc như bao người mới có được cho mình câu chuyện tưởng như đơn sơ vậy mà vô cùng sâu sắc. Từ thuở khó khăn, chùa làng luôn là chỗ để những ai cơ nhỡ tìm tới nương thân. Từ lâu lắm rồi chùa làng luôn chứa đựng những cảm tình giản dị.

Tôi ngẩng mặt nhìn ra ngoài sân chùa, gió xuân đang đem tới những hương nồng hương ấm. Những xúc động cũ chưa ngoai thì xúc động mới lại ùa về náo nức. Sư cô Thích Đàm Nga với giọng gọi vào trong trai phòng, tiếng thiếu nữ đáp trả lời nghe thanh cả một khoảng sân vắng lặng.

Cô bé Nguyễn Thị Thu Quỳnh vừa tròn mười sáu, lại có gương mặt dễ gần bước ra chào khách. Thì ra cô bé này tuy không cùng xã, không họ không hàng chỉ là người cùng huyện Thanh Hà với sư Nga. Chuyện cô bé tên Quỳnh lại rất buồn, cháu sinh ra từ một người đàn bà góa bụa. Bà trót lỡ dở với người đàn ông cùng làng đã có vợ và có những bốn cô con gái.

Người đàn ông ấy "hy vọng" đứa trẻ ra đời là trai nhưng éo le sao cháu ra đời vẫn là con gái. Cha cháu cùng họ hàng chối bỏ. Gia đình bên người chồng đã mất của mẹ cháu cũng "ra điều kiện". Khổ thân sinh linh bé bỏng không được bên nào chấp nhận.

Sư cô Thích Đàm Nghĩa bữa ấy về thăm quê, nghe chuyện làng bên xã cạnh có cháu bé rất đáng thương cảm, sư Nga xin nhận làm mẹ và bà đón về chùa chăm nuôi rồi cho ăn cho học. Năm nay Quỳnh đang học lớp 10, ban ngày tới trường, chiều tối cô bé trở về sống trong ngôi chùa làng thanh đạm, cháu cùng sư Nga sư Hồng giúp chuyện hoa nhang, dọn quang sân sướng. Tôi vội hỏi "cháu học thế nào?". Cô bé cười bẽn lẽn "cháu cố gắng để "mẹ" Nga không buồn lo". Đơn giản vậy thôi.

Chuyện chùa làng đơn giản vậy thôi. Quá lâu rồi tôi mới có được những cảm tình như thế. Và tôi chợt nhận ra một lẽ "Đầu năm lên chùa cầu may tức là học được điều hay lẽ phải".

Nguyễn Trọng Văn
.
.