Đau đáu việc trồng người
Thường ngày chúng ta vẫn gặp nhiều người. Có người chỉ gặp thoáng qua và ít khi gặp lại, thậm chí không bao giờ gặp lại. Nhưng cũng có người trong quá trình gặp và giao tiếp, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, mà càng ngày càng trở nên thân thiết, rồi thành bạn bè của nhau. Tôi gặp Nguyễn Hùng Vỹ vào khoảng năm 1985 - 1986, khi ấy thầy Vỹ đã là giảng viên môn văn học Đại học Tổng hợp, dẫn đầu một nhóm sinh viên Khoa Văn tham gia vào Hội thơ Thanh Xuân. Không giống với đa số những người trẻ trong nhóm lúc ấy thường bốc đồng, sôi nổi, Nguyễn Hùng Vỹ tỏ ra rụt rè và hơi kiệm lời, không thích thể hiện mình ở chốn đông người. Cái tạng "hướng nội" của Vỹ có lẽ bắt nguồn từ những day trở tâm trạng ẩn chứa trong từng làn điệu dân ca xứ Nghệ đã ngấm vào anh từ thuở ấu thơ. Anh đã học được lời ăn tiếng nói đầy lối ẩn dụ của dân gian vùng quê mình, nên không dễ dãi lời nói, càng không thể bốc đồng được. Cũng vì cái "tạng" ấy mà khiến anh mê đắm các làn điệu dân ca, vốn văn hóa cổ, đến nỗi mỗi lần nghe một làn điệu quan họ, lại khiến anh run người. Yêu dân gian, yêu vốn cổ, cả đời anh lao tâm, khổ tứ đi tìm những giá trị, vẻ đẹp đích thực từng bị lịch sử và thời gian lãng quên.
Có lần Nguyễn Hùng Vỹ tâm sự rằng, thế hệ mình lớn lên cuối những năm chống Mỹ là thế hệ nhiều khát vọng. Đọc văn chương thấy hiện lên hình ảnh người lính rất đẹp mà mơ ước được cùng sục sôi khí thế cả nước ra trận lúc đó. Năm 1971, quá nửa con trai trong lớp học phổ thông của anh đã tình nguyện làm đơn đi bộ đội và được gọi nhập ngũ. Nhưng được vài tuần thì Vỹ bị trả về vì không đủ cân, đủ sức khỏe. Hôm được tin bị trả về, Vỹ khóc như mưa như gió. Anh cán bộ phụ trách đơn vị nói: "Mi khóc cái chi, mẹ mi còn khóc hơn mi ấy. Bằng cái kẹo thế ni thì đi chi được mà đi".
Vỹ đành trở về tiếp tục học. Năm 1973 anh thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp. Anh nói mình lại gặp may vì những năm học ở trường được học toàn thầy giỏi. Đó là các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Đức Hiểu, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai… Một thế hệ những người thầy có đầy đủ tri thức cả Tây học lẫn Hán học, lại trải qua kháng chiến gian khổ và nghèo khó. Khi ra trường, Vỹ ở lại trường cũng vì ân nghĩa và kỳ vọng của các thầy. Nhớ những năm khó khăn, có nhiều người rời bỏ giảng đường, tìm việc làm khác hy vọng cuộc sống khá giả hơn. Nguyễn Hùng Vỹ bấy giờ cũng có nhiều tòa soạn mời, kể cả chú em ở quê thấy anh vất vả, giục anh bỏ trường về quê làm nông nghiệp dễ chịu hơn... Nhưng vì ân nghĩa với các thầy, noi theo tấm gương các thầy, nên anh không đi đâu cả.
Làm cán bộ nghiên cứu ở trường, hoàn cảnh thời đó thiếu thốn trăm bề, nhất là thiếu thông tin, sách vở. Cả Hà Nội có một thư viện Quốc gia, lại quy định đối tượng mới được vào đọc, nên cán bộ giáo viên trẻ cũng không được tiếp cận, nói gì đến sinh viên. Thầy Vỹ quan niệm, đã là sách vở phải tự do cho mọi người. Việc công khai hóa các tư liệu trở thành nhu cầu cấp thiết bấy giờ. Từ năm 1989, thầy mơ ước phải xây dựng một tủ sách gia đình cho sinh viên giỏi đọc. Thế là thầy bắt đầu mở chiến dịch sưu tầm sách. Có đồng tiền nào thầy dành mua sách hết.
Với sự kiên nhẫn trong nhiều năm, tủ sách nhà thầy đã lên tới 10.000 cuốn. Với số sách này đã giúp công việc nghiên cứu, giảng dạy của thầy thuận lợi hơn. Đặc biệt, các sinh viên khi được sớm tiếp xúc các tài liệu quý hiếm, đã tạo hứng thú cho các em nghiên cứu và trưởng thành nhanh. Thực tế sau này, có những em vượt cả thầy, nhưng thầy vẫn đóng vai trò "truyền lửa" say mê cho các em vươn đến những thành công mới.
Nguyễn Hùng Vỹ cũng sớm nhận ra rằng ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp cần có lực lượng nghiên cứu chuyên sâu, không cần nhiều nhưng phải tinh hoa. Thầy giật mình nhận thấy lực lượng nghiên cứu Hán Nôm với văn học truyền thống đang có nguy cơ mai một. Thế hệ trước Cách mạng Tháng Tám đã già, mất mát nhiều. Thế là trong khoảng thời gian 8 năm (từ 1992 - 2000), thầy đã chú trọng để đào tạo khoảng mươi người có thể kế tục bộ môn Hán Nôm, văn hóa cổ.
Đào tạo bằng cách đưa một nhóm sinh viên đi thực tế tại các đình chùa, miếu mạo quanh Hà Nội, bán kính 300km. Ở thực địa, sinh viên học được nhiều hơn, những thao tác "dập bia, in ván", kỹ năng đọc văn bản được hình thành. Bước tiếp theo là hướng dẫn các em đọc tài liệu lý thuyết ngôn ngữ học, vì để nghiên cứu được Hán Nôm cần hai yếu tố: vốn Hán cổ và tri thức ngôn ngữ cổ.
Song song với học chữ, năm 1995, thầy Vỹ tổ chức ra Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp thực hành tại trường. Thầy kể, khi đó ở Hà Nội chỉ còn bốn người giỏi thư pháp, nhưng đều tuổi đã cao. Đó là cụ Bách, nhà văn Tào Mạt, cụ Hồng Thanh, cụ Lê Xuân Hòa. Sở dĩ thành lập CLB Thư pháp vì chỉ có cầm bút lông mới ngấm được chữ Hán. Thầy Vỹ mang ý định của mình trình bày với thầy Phùng Hữu Phú, bấy giờ là lãnh đạo nhà trường, được thầy Phú ủng hộ, lại còn cấp cho một phòng nhỏ ở Mễ Trì có chỗ cho CLB hoạt động. Nhiều năm liền thầy Vỹ làm trong ban thư ký hội đồng coi thi của trường, có tờ giấy coi thi nào thừa, là thầy tận dụng mang về cho các em thực hành. Kết quả là đã đào tạo được nhiều người giỏi, có người đoạt giải quốc tế, đặc biệt từ CLB này đã châm ngòi cho phong trào thư pháp phát triển mạnh ở Hà Nội. Nhiều em còn trẻ đã tự mở lớp dạy, số người cao tuổi đi học rất đông.
Ngoài ra, từ 2003, nhận thấy Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có bề dày truyền thống như thế mà chưa có một bảo tàng riêng (cả Trường Đại học Tổng hợp chỉ có Bảo tàng Khoa học tự nhiên có từ thời Pháp), khi Đại học Quốc gia có kế hoạch xây dựng tại Hòa Lạc, thầy Vỹ đã đề xuất sáng kiến và viết dự án đầu tiên về thành lập Bảo tàng Khoa học nhân văn. Khi trình lãnh đạo, dự án nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, sau đó nhà trường giao cho bộ phận chuyên môn triển khai và có được kết quả như hiện nay.
Thầy Vỹ tâm sự rằng, chỉ còn vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, thầy chỉ ước ao một điều là nhà trường làm sao sắp xếp được chỗ nội trú cho các em khuyết tật đang theo học ở trường để các em đỡ vất vả. Theo thầy, nhà trường vẫn còn nhiều chỗ để không, lãng phí lắm, mà chưa thấy ai lo.
Có thể nói, các việc làm từ trước tới nay của thầy Vỹ là hoàn toàn do ý thức tự nguyện, không ai giao trách nhiệm, không ai tài trợ. Hàng chục năm trời đi điền dã nghiên cứu cùng sinh viên bằng xe máy, thầy đều tự bỏ tiền túi của mình ra, thậm chí còn lo cho cả sinh viên, nên các em giờ đây dù đã trưởng thành, vẫn không bao giờ quên ơn thầy. Thầy vẫn truyền dạy cho nhiều thế hệ sinh viên của thầy là mỗi người phải có khát vọng cho sự nghiệp chung, không hiểu được cuộc sống phức tạp thì không có trí tuệ; không tin vào cuộc sống thì trái tim chỉ là băng giá. Đối với thầy Vỹ, từ trước đến giờ vẫn chỉ đau đáu một điều, là làm sao để có được một nền khoa học nhân văn tử tế, hoàn toàn sánh vai với các nền khoa học khác, tạo ra "quyền lực mềm" tương xứng với truyền thống văn hóa của dân tộc ta.
Nhớ lại những năm 1989-1990, khi hoạt động dân ca quan họ ở các vùng quê Kinh Bắc vẫn tự phát là chính, nhiều đêm liền thầy Vỹ cùng chúng tôi là cánh nhà báo đã ăn ở tại các nhà nghệ nhân để nghe quan họ cổ. Thầy mê say quan họ đến nỗi bây giờ về làng nào người dân cũng nhắc đến tên thầy. Thế rồi sau đó làng Lim gặp hạn. Chả là huyện Tiên Sơn ngày đó chủ trương chia đất cho cán bộ huyện dọc theo mặt đường quốc lộ. Nền đất của Đình Lim xưa đã bị quân Pháp phá sạch, chỉ còn dấu vết là cái bệ đá, huyện liền cắm đất cho cán bộ làm nhà vào đấy. Người dân không nghe, khiếu nại mãi chả được, liền dựng lán huy động trẻ con, người già ra giữ đất. Ai đó tung tin có một nhóm chống chính quyền, có phản động. Rồi lại nói bây giờ có ai cho phép xây dựng đình chùa đâu mà giữ đất. Các cụ thì khăng khăng rằng không xây đình; giữ đất để xây nhà bảo tồn văn hóa quan họ cho con cháu mai sau. Thế rồi các cụ phân công nhau đi kêu cứu khắp nơi. Ai có mối quan hệ nào giúp được bà con thì giúp.
Nhớ năm 1993, lúc căng thẳng nhất, chiều tối ba mươi tết năm ấy, cụ Chỉ và cụ Dụ vẫn nán lại nhà tôi ở Yên Phụ chờ lấy bằng được tờ giấy tôi xin giúp, đề nghị chính quyền hoãn cưỡng chế. Được giấy rồi hai cụ mừng ra mặt, đèo nhau trên chiếc xe "cá xanh" xiêu vẹo đi về trong buổi tối mưa rét. Cũng may ngày đó có sự tham gia của đông đảo cơ quan báo chí, sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh), của Quân khu 1 và một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an, cuối cùng huyện không thể lấy chỗ đất đó. Và bây giờ, khi quan họ được thế giới vinh danh, thì ngôi Đình Lim, cùng lễ hội Lim chính là nơi đang lưu giữ, bảo tồn sống động một di sản của nhân loại. Cứ mỗi lần giáp tết, cụ Chỉ, cụ Dụ ở làng Lim; bác Cách, bác Túc ở Nội Duệ lại nhắn ra Giêng phải về, và không lần nào vắng mặt thầy Nguyễn Hùng Vỹ, vì tình người và văn hóa cổ nơi này đã hút hồn thầy, đã ăn vào máu của thầy rồi