Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Tin ở ngày mai
Gần đây nhất, tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc (diễn ra tại Đồng Nai), vượt lên trên 27 tác phẩm tham dự, vở cải lương "Mê cung" của đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đã là một trong 3 vở diễn đoạt Huy chương vàng và nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng nghệ thuật cũng như đông đảo đồng nghiệp và khán giả.
1. Gặp NSƯT Triệu Trung Kiên ngoài đời, nếu không biết trước, sẽ rất ít người nghĩ anh là nghệ sĩ cải lương. Ngoài cái đầu trọc lóc thì dáng đi nhanh, cách nói chuyện cũng nhanh không kém của anh khiến người ta có cảm giác anh và cải lương dường như chả có gì liên quan đến nhau. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng dư âm của thành công mà anh vừa nhận được tại Liên hoan sân khấu cải lương Toàn quốc cuối năm 2012 vừa qua. Anh cười bảo, lâu nay, cải lương không chỉ là tên gọi một bộ môn nghệ thuật truyền thống mà từ "cải lương" đã được mọi người sử dụng như một tính từ để ám chỉ những gì dài dòng, sướt mướt và sến. Suy nghĩ ấy là một trong những lý do khiến cải lương và khán giả ngày càng cách xa nhau. Bên cạnh đó, anh cũng thẳng thắn cho rằng, chính những vở cải lương được thực hiện một cách cẩu thả, vội vàng phát sóng trên truyền hình hiện nay đã khiến cho khán giả có một cái nhìn không đúng về một vở diễn cải lương đúng nghĩa. Những sản phẩm cải lương thứ cấp khiến khoảng cách ấy đã xa lại càng xa hơn. Chính vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện các vở diễn, mà gần đây nhất là "Mê cung", Triệu Trung Kiên đã làm một cuộc cách tân về mọi mặt của vở diễn.
Thông thường, khi tham gia hội diễn, liên hoan, các đạo diễn sẽ cố gắng cho thật nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ "sao" vào vở diễn để gây ấn tượng, để lấy huy chương thì Triệu Trung Kiên lại nghĩ khác. Tham gia vở diễn của Triệu Trung Kiên lần này đều là những gương mặt nghệ sĩ trẻ, lần đầu tiên đến với một sân chơi lớn. Bởi anh cho rằng, ngoài cách hát, cách diễn phải ngọt, phải nhuyễn thì ngoại hình của diễn viên là rất quan trọng. Phải mới, phải trẻ trung, xinh đẹp và đặc biệt là phải "văn minh". Tức là ngay từ trang phục đến thần thái không bị cũ kỹ, rườm rà, "sến" như lâu nay người ta vẫn thường nghĩ về cải lương. Và "Mê cung" đã khiến khán giả tham dự liên hoan và khán giả Tp HCM - cái nôi của cải lương phải ngạc nhiên trước tài nghệ của diễn viên và những sáng tạo bất ngờ của đạo diễn. Diễn viên trẻ trung, xinh đẹp, tiết tấu không nhanh nhưng sâu lắng khiến khán giả có cảm giác nhẹ nhàng như xem một bộ phim Hàn Quốc. Cốt truyện với nhiều tình tiết, nhiều nhân vật với những mâu thuẫn, ẩn khuất đan cài. Anh cũng rất kỳ công khi đưa ra ý định về mỹ thuật sân khấu. Hệ thống bục bệ là một khối mika đa cấp có đèn phía dưới gợi tả hình ảnh một mê cung. Đề cập tới một vấn đề nóng của xã hội là căn bệnh AIDS, sân khấu được thiết kế theo phong cách ước lệ, lấy đen - trắng làm hai tông màu chủ đạo, hiện đại và sang trọng. Chỉ thêm bớt một chút đạo cụ, sân khấu được biến hóa linh hoạt khi là phòng khách của gia đình, khi lại là bến cảng
NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ, khi vở diễn mới diễn được một nửa, nhà lý luận phê bình sân khấu Đăng Minh đã tới bắt tay Trung Kiên: "Kiên đã thay đổi được định kiến vốn cho rằng cải lương là sến". Giải thưởng từ Hội đồng nghệ thuật và sự yêu quý từ phía khán giả là phần thưởng cho những nỗ lực của đạo diễn Triệu Trung Kiên và các nghệ sĩ trẻ.
2. Cùng với NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Triệu Trung Kiên được ví là hiện tượng của sân khấu cải lương phía Bắc. Dù mỗi người một phong cách nhưng cái chung mà khán giả cảm nhận được ở vở diễn của hai đạo diễn này là sự sáng tạo, tìm tòi không ngừng, là sức trẻ, sự đam mê nghề toát lên ở mỗi vở diễn. Nếu như Hoàng Quỳnh Mai là sự tinh tế của một đạo diễn nữ thì ở Triệu Trung Kiên, người ta nhận thấy một sự chắc chắn, một tư duy hiện đại khi dựng vở. Trò chuyện với NSƯT Triệu Trung Kiên, trước sau gì anh cũng đều nói tới cải lương. Dường như nó là tất cả những gì anh đau đáu, tâm huyết hiện nay.
Nói Triệu Trung Kiên là "con nhà tông" hẳn không sai một chút nào. Cha anh là NSƯT Triệu Quang Vinh - nguyên trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, mẹ là nghệ sĩ Lê Mai Phương - diễn viên chính Nhà hát Cải lương Trung ương. Cha mẹ anh là thế hệ học trò “chân truyền” của những nghệ sĩ tài danh của cải lương miền Nam tập kết ra Bắc thời đó như NSND Tám Danh, NSƯT Tấn Đạt, NSƯT Phi Điểu nghệ sĩ Ba Du... Mẹ anh vẫn thường nhắc, ngày nhỏ, mỗi lần đi biểu diễn theo kiểu đàn ca tài tử trên sông, anh được mẹ quấn tròn trong chiếc chăn để bên cạnh. Vừa diễn, bà vừa để mắt sợ con rơi xuống nước. Tuổi thơ của anh tràn ngập trong không khí cải lương khi theo mẹ đi diễn, ngủ lăn lóc bên cánh gà. 7 tuổi, Triệu Trung Kiên đã lên sân khấu diễn. Và rồi sau này, dù đã có lúc từng rất thích theo ngành kiến trúc nhưng cuối cùng, Triệu Trung Kiên vẫn thuộc về cải lương như cái nghiệp không thể tách rời, mặc dù anh biết, chọn bất cứ ngành gì, ngoài cải lương, anh cũng sẽ đỡ vất vả hơn.
NSƯT Triệu Trung Kiên nói về những thành công mình có được một cách rất nhẹ nhàng nhưng tôi hiểu, những điều anh và các đồng nghiệp làm được cho cải lương không phải là điều dễ dàng. Truyền thống gia đình có thể cho anh tài năng nhưng nếu không biết rèn luyện, tài năng ấy rất dễ bị mai một. Hiểu điều đó nên Triệu Trung Kiên rất chịu khó học tập. Anh học ở trường và quan trọng hơn là học các bậc tiền bối đi trước. Lịch làm việc của anh luôn kín mít và tất cả những việc anh làm hầu như đều liên quan đến cải lương. Không chỉ tham gia diễn xuất, làm đạo diễn, anh còn là một trong số ít người viết kịch bản và chuyển thể kịch bản cho sân khấu cải lương. Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy, dựng vở cho các đơn vị, làm sự kiện... Lúc nào anh cũng bận rộn với những kế hoạch trước mắt và lâu dài.
Trò chuyện với NSƯT Triệu Trung Kiên, tôi nhận ra rằng trong khi chúng ta hay có cái nhìn bi quan về sân khấu cải lương thì những người đang mải miết hết lòng vì nghề như Triệu Trung Kiên lại luôn giữ cho mình một thái độ lạc quan. Đó hoàn toàn không phải là một thái độ lạc quan tếu bởi hơn ai hết, anh nhìn thấy ở cải lương rất nhiều khó khăn. Sân khấu cải lương chưa có một sự thống nhất quản lý, một hoạch định đúng đắn,â dài hơi cho toàn ngành. Một bộ phận những người làm cải lương hiện nay còn giữ tư tưởng ngại thay đổi vì sợ mất lượng khán giả cũ... Nhưng Triệu Trung Kiên lại nghĩ, phải mạnh dạn đổi mới cải lương để tạo dựng lớp khán giả mới và sẽ dùng hiệu ứng thay đổi định kiếnì. Anh bảo, quan trọng nhất vẫn là con người. Mỗi người ở từng vị trí, tự đổi mới mình thì cải lương sẽ khởi sắc. Và hiện tại, anh đang làm nhiều việc vì mục tiêu đổi mới ấy. Trước mắt, anh đang thực hiện dự án đưa cải lương đến với từng ngành nghề. Vở diễn đầu tiên hợp tác với lực lượng Cảnh sát môi trường với tên gọi "Lời thỉnh cầu của dòng sông" đã hoàn thành và đưa vào biểu diễn. Một chương trình mới cũng đã được thực hiện nhằm phản ánh những gian lao, vất vả của các chiến sĩ cảnh sát trại giam. Đợt biểu diễn đang được triển khai trong năm mới. Năm 2012, anh cùng những cộng sự thành lập và điều hành Điểm hẹn Đờn ca tài tử - Cải lương "Khoảng trời Phương
Dù "sở hữu" nhiều giải thưởng, danh hiệu tại các Liên hoan sân khấu, dù tạo ấn tượng ở vai trò diễn viên với những nhân vật như Ông Chủ trong "Cây đàn huyền thoại", Động chủ Trịnh Giác Mật trong "Tình sử Lộ Đà giang", Trung tá ngụy Lê Bắc trong "Cổ xưa"... dù khẳng định tài năng ở vai trò đạo diễn với một loạt vở diễn gây tiếng vang nhưng Triệu Trung Kiên vẫn mải miết trên con đường sáng tạo của mình. Làm bất cứ điều gì có lợi cho cải lương anh đều sẵn sàng. Không cam chịu ngồi chờ khán giả, anh đến tận cơ quan, đơn vị để tìm khán giả. Anh bảo, không ít lãnh đạo các đơn vị lắc đầu quầy quậy khi nhắc đến cải lương nhưng chỉ cần kéo được khán giả tới rạp, anh tin chắc rằng khán giả sẽ có cái nhìn khác về cải lương. Và anh vẫn không nguôi hy vọng, một ngày nào đó, cải lương sẽ bán vé ngay tại rạp, để khán giả lại háo hức đến với cải lương