Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Một thời không để mất

Thứ Hai, 25/06/2007, 15:30
Tôi không có ý định phác họa một chân dung... Tôi chỉ muốn nói lên vài cảm nhận của mình về một nghệ sĩ, sau chặng đường sáng tạo không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn của anh. Việc làm này, có lẽ không chỉ cần đối với riêng đạo diễn Lưu Trọng Ninh...

Điểm lại cái “gia tài điện ảnh” của anh thấy có khá nhiều nghịch lý. Trong thời buổi đồng tiền Nhà nước bỏ ra làm phim rất sẻn xo, rất thắt bóp như những năm vừa qua, Lưu Trọng Ninh đã “nhanh tay” làm được tới 4 bộ phim truyện nhựa. Đó đáng coi là một “chiến tích”, nếu những ai đã từng xếp hàng để nhận phần “quả thực” tại các hãng phim quốc gia.

Này đây, “Canh bạc”, “Hãy tha thứ cho em”, “Ngã Ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng”. Làm phim bằng “com măng” của Nhà nước, nhưng không ai dám kết luận những bộ phim kể trên là sự minh họa chủ trương, đường lối một cách sống sít, gượng gạo hoặc là phim “biểu dương người thật, việc thật” khô khan, giáo điều.

Cả 4 phim đều nhận được giải thưởng cao ở các liên hoan phim trong nước. Và còn điều này nữa: Thử hình dung xem gương mặt nền điện ảnh dân tộc thập niên 90 và đầu những năm 2000 sẽ ra sao nếu thiếu vắng “Canh bạc”, “Ngã ba Đồng lộc”, “Bến không chồng”?

Có nhiều cách thức để nhận ra một bộ phim hay, in đậm tài năng và học vấn của người làm phim.

Theo quan niệm của tôi: Phim hay là phim mà câu chuyện kể từ màn ảnh cần mạch lạc, rõ ràng; tuyến chính, tuyến phụ - nhân vật chính, nhân vật phụ phân minh, không trộn lẫn vào nhau; phim không kể thừa khúc nào, đoạn nào, càng không thể kể thiếu đoạn nào, khúc nào.

Người xem phim ngồi trước màn ảnh chỉ bị một cảm thụ duy nhất độc chiếm – đó là sự cuốn hút của những gì xảy ra trên màn ảnh; chứ tuyệt nhiên khán giả không trở thành đồng tác giả với ông đạo diễn để đòi thêm chỗ này, bớt chỗ kia... Ngay từ “Canh bạc” – bộ phim đầu tay, Lưu Trọng Ninh đã đạt phẩm chất này.

Chính điều này minh chứng khả năng vận dụng thuần thục ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Một thứ “trời cho” nữa thuộc năng lực đạo diễn của Lưu Trọng Ninh mà không phải đạo diễn nào cũng có được là anh thường chọn những người chưa đóng phim bao giờ để giao ngay cả vai chính lẫn vai phụ.

Vai nữ chính trong phim “Hãy tha thứ cho em” được giao cho một nữ sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Hoặc số đông các cô gái thanh niên xung phong trong phim “Ngã ba Đồng Lộc” là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh lần đầu tiên đứng trước ống kính.

Họ vào vai một cách tự nhiên, tươi tắn và rất... có nghề. Điều này không chỉ chứng tỏ Lưu Trọng Ninh có con mắt tinh đời mà còn là công sức chỉ đạo diễn xuất trên trường quay của anh. Nữ sinh viên Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội Thúy Hà cũng được Lưu Trọng Ninh giao một vai nữ chính trong phim “Bến không chồng”.

Thúy Hà đã ghi khắc trong tâm khảm người xem hình ảnh về đức hy sinh, chịu đựng cùng tấm lòng đôn hậu của người phụ nữ nông thôn nước ta qua những biến thiên xã hội. Có thể nói đấy là một vai xuất sắc duy nhất của Thúy Hà.

Một cảnh trong phim "Dốc tình" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Đáng tiếc, sau phim này Thúy Hà được giao nhiều vai khác trên sân khấu và trong nhiều bộ phim, nhưng không vai nào để lại ấn tượng mạnh như trong phim “Bến không chồng”. Với những gương mặt mới thì vậy; còn với những gương mặt đã quen thì sao? Trong phim “Canh bạc” – theo thiển nghĩ của chúng tôi , nhân vật nữ chính cũng là vai xuất sắc nhất của Thu Hà so với tất cả những vai mà diễn viên này đã đảm nhận.

Trong từng ấy bộ phim của mình, Lưu Trọng Ninh đều làm việc với những nhà quay phim gạo cội, ví như với Trần Thế Dân, Nguyễn Hữu Tuấn… Phải đặt câu hỏi ngược lại, vì sao những tay máy xuất sắc đó lại thích cộng tác với Lưu Trọng Ninh?

Sự cộng hưởng ăn ý này đã sinh ra một phong cách tạo hình chững chạc, nhiều sáng tạo, giàu chất thơ, và mọi cố gắng, mọi tìm tòi đều để làm sáng bừng lên tính cách nhân vật và cái phông nền để những tính cách ấy được bộc lộ ra. “Canh bạc”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng” đều được coi là những dấu ấn của nghệ thuật tạo hình điện ảnh nước nhà .--PageBreak--

Lưu Trọng Ninh rất coi trọng tính chân thực trong điện ảnh. Chân thực không chỉ của tổng thể cốt chuyện kể, của các mối mâu thuẫn, tính cách các nhân vật. Chân thật còn ở trang phục, đạo cụ, bối cảnh…

Về điều này, xin đơn cử với phim “Ngã ba Đồng lộc”. Sự kiện xảy ra trên phim với thời điểm đạo diễn bắt tay dàn dựng bộ phim đã cách nhau vài chục năm. Những khán giả hôm nay mái tóc trên đầu đã ngả bạc đều rưng rưng nhận ra những cô gái thanh niên xung phong trên phim ăn vận, chải tóc, vui chơi, khóc cười đúng y chang những gì thế hệ họ đã trải qua.

Từng ấy cô không một ai thấp thoáng vẻ màu mè, trưng diện của thời buổi kinh tế thị trường, mà họ đều giản dị, trong sáng, đều ánh lên cái đẹp của tinh thần, của học vấn, của lòng thương yêu, đùm bọc nhau nơi đạn bom mà chỉ những năm tháng ấy mới có.

Trong dàn dựng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại cũng khá “mả” khi vận dụng các mảng miếng rất xinêma. Chắc bạn hẳn còn nhớ cảnh bọn “đầu gấu” đâm chém nhau tại một quán nhậu trong phim “Canh bạc”. Những gương mặt đằng đằng sát khí. Những lưỡi dao chọc tiết lợn vung lên loang loáng...

Tất cả vẫn chưa đủ liều lượng nếu không có thêm miếng thịt bò còn ròng ròng máu treo trên một chiếc dây đung đưa qua lại. Sẽ có ý kiến cho rằng, nào có gì mới, nào có gì lạ trong những ví von nhiều ẩn dụ như thế. Vâng, đúng vậy, nhưng rất tiếc chúng lại thiếu vắng hẳn trên màn ảnh phim nước mình.

Phim “Ngã ba Đồng lộc” – theo thiển nghĩ của chúng tôi là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn, rất sáng tạo và lẽ dĩ nhiên là rất thành công giữa cái thực và cái ước lệ, cái cụ thể và cái trừu tượng, chất thơ và chất đời thường trong điện ảnh.

Hình ảnh một bà lão dáng thấp nhỏ, lưng còng gập cứ trèo qua hết hố bom này tới hố bom khác để lên thăm cô cháu gái ở  ngã ba Đồng Lộc có cái gì đó hơi khiên cưỡng, vô lý. Nhưng chỉ cần thêm những câu hát dặm miền Trung và sau đó thêm lời bà cụ nói với đám con cháu: “Mẹ việc chi phải đi vòng. Mẹ quen đi thẳng rồi”, hiệu ứng tổng thể đã xảy ra và dâng trào thành cảm xúc.

Trong phim, không bao giờ người xem nhìn thấy những chiếc máy bay phản lực Mỹ bay tít từ trên cao để ném bom theo tọa độ. Nhưng tác giả đã gây ấn tượng khủng khiếp, hãi hùng bằng những thanh âm nghe rất lạ tai của lũ máy bay gieo rắc cái chết từ trên cao vẳng tới.

Chuyển qua cảnh  bom rơi, tác giả lại  không cần đến những âm thanh của tiếng  nổ mà chỉ sử dụng những cụm khói đùn lên, những chiếc nón lá rơi lả tả và sau đó là tiếng đất đá rơi rào rào. Điều đáng lưu tâm nữa là, tiếng rít xé vải của máy bay được xuất hiện ở đầu phim để rồi mới xuất hiện lần thứ hai khi chúng ném loạt bom giết chết các cô gái.

Cũng như vậy, những chiếc nón trắng đã rơi lả tả trong trận bom khi các cô gái đưa  bà cụ trở về quê mới có những chiếc nón rơi lả tả lần thứ hai khi các cô gái hy sinh. Điện ảnh rất cần tới những phép cộng phép trừ được tính toán kỹ càng như thế!

Xét riêng về phương pháp biểu hiện, có thể nói phim của Lưu Trọng Ninh vẫn trung thành với dòng phim chính thống của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Anh làm phim bằng tất cả những kinh nghiệm của thế hệ cha chú đã đi trước. Anh trung thành với những rút tỉa từ các nền điện ảnh kinh điển.

Anh muốn phim của mình phục vụ hàng triệu triệu người, tức hàng triệu triệu người hiểu được và rung cảm được với những bộ phim anh làm ra. Tận dụng những thế mạnh của thời đổi mới, Lưu Trọng Ninh không hề né tránh cái dữ dội, quyết liệt của đời sống (“Canh bạc”, “Bến không chồng”).

Đồng thời Lưu Trọng Ninh cũng tự thả cây đàn cảm xúc của mình để ngân nga với những cung bậc cao độ nhất những chiến tích hào hùng, đầy tự hào của dân tộc, của xứ sở (“Ngã ba Đồng Lộc”). Ngẫm mà xem, cái đích cuối cùng mà các bộ phim của anh nhất quán nhắm tới chính là sự vui buồn, nỗi khổ đau – nói chung là cuộc đời và phận số của những con người bình thường mà anh đồng cảm, chia sẻ

.
.