Đạo diễn Lê Hoàng: Mê mải cười, đột ngột khóc

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:40
Đạo diễn Lê Hoàng vừa trở lại điện ảnh với bộ phim "SOS sói trắng", hoàn toàn không thành công về mặt doanh thu lẫn về mặt nghệ thuật. Thế nhưng, nghe chính đạo diễn Lê Hoàng nói về bộ phim "SOS sói trắng" thì có vẻ đó là tác phẩm hay và hình như có giá trị cảnh báo tệ nạn xâm hại tình dụng trẻ em. Bởi lẽ, người ta biết đến Lê Hoàng, người ta truyền tụng về Lê Hoàng chưa hẳn vì Lê Hoàng là một nhà làm phim xuất sắc, mà còn vì tài hoạt ngôn của Lê Hoàng.


Ai đã từng tiếp xúc với con người đời thật hoặc với tác phẩm huyền ảo, cũng đều thừa nhận Lê Hoàng là một người thông minh. Thế nhưng, tính riêng làng văn nghệ thì Lê Hoàng tuy chỉ thông minh bằng hàng trăm người khác, nhưng Lê Hoàng vượt trội hàng trăm người khác về sự thành đạt, vì Lê Hoàng biết cách tận dụng triệt để trí khôn.

Với một ý tưởng vụt hiện, thiên hạ chỉ làm ra một tác phẩm và tìm cách thăng hoa ý tưởng mới. Với Lê Hoàng có thể đó là một sự lãng phí, nên một ý tưởng cứ nhân hai, rồi nhân ba, rồi nhân năm để xuất xưởng hàng loạt tác phẩm na ná nhau mà vẫn ăn khách như thường.

Hơn nữa, Lê Hoàng luôn khéo léo từ chối những sứ mệnh cụ thể nào đó mà tác phẩm nghệ thuật phải gánh vác. Lê Hoàng luôn đứng giữa "vị nghệ thuật" và "vị nhân sinh", gió nổi phương nào thì Lê Hoàng uyển chuyển theo hướng đó, mà ở mọi vị trí, Lê Hoàng đều có đầy đủ lý luận để chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của bản thân.

Lê Hoàng không khẳng định sáng tác vì tiền, Lê Hoàng cũng không khẳng định sáng tác vì danh. Tuy nhiên, nếu không căn cứ vào hai giá trị ấy, thì chẳng thể nào đoán định Lê Hoàng muốn hướng đến giá trị gì.

Đạo diễn Lê Hoàng luôn được săn đón trong vai giám khảo khó tính của các chương trình truyền hình thực tế.

Lê Hoàng từng tốt nghiệp ngành quay phim tại Trường Đại học Điện ảnh Hà Nội trước khi vào phương Nam lập nghiệp. Công việc đầu tiên của Lê Hoàng ở Hãng phim Giải Phóng là biên kịch, mà những tác phẩm khởi nghiệp đến bây giờ chẳng mấy người còn nhớ. Trời đã sinh Lê Hoàng ắt dùng tài, điện ảnh chưa thành công thì nhảy sang sân khấu.

Vài kịch bản của Lê Hoàng được dàn dựng như "Tôi chờ ông đạo diễn" hay "Ngụ ngôn năm 2000" không có tiếng vang lắm, nhưng đủ giúp Lê Hoàng tự tin tuyệt đối vào năng khiếu hài hước. Và có lẽ vài chi tiết và vài lời thoại gây cười trên sàn diễn kịch nói đã giúp Lê Hoàng mường tượng tương lai không xa mình sẽ thành một tác giả, không nức danh thì cũng nức nở. Rồi một hôm, phía chân trời ngỡ xa xăm với tương lai Lê Hoàng bỗng hiện về một cánh buồm đỏ thắm, khi kịch bản "Vị đắng tình yêu" của Lê Hoàng (viết chung với Việt Linh) được đạo diễn Lê Xuân Hoàng đưa lên màn bạc.

Giữa bao nhiêu nỉ non sướt mướt của dòng phim mì ăn liền, "Vị đắng tình yêu" lung linh như một điểm sáng với diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh và Thủy Tiên. Không chỉ đạt doanh thu kỷ lục, "Vị đắng tình yêu" còn đoạt giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam và giải thưởng của Liên hoan phim toàn quốc. Hơn ai hết, Lê Hoàng tiên liệu ngay một cơ hội tiếp tục chinh phục khán giả bằng… tập hai "Vị đắng tình yêu".

Vì một sự cố chập điện, đạo diễn Lê Xuân Hoàng qua đời giữa lúc tài năng đang chín muồi. Không để dở dang tâm huyết của đồng nghiệp đi trước, Lê Hoàng thực hiện tập hai "Vị đắng tình yêu" và chấp nhận thất bại về mặt nghệ thuật cũng như về mặt thị trường. Tuy nhiên, mấy người có thể rạch ròi tập một với tập hai "Vị đắng tình yêu" đâu. Cứ thế, vầng hào quang "Vị đắng tình yêu" dắt Lê Hoàng đi từ phim trường này đến phim trường khác, khiến Lê Hoàng bận bịu đến mức trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn cũng chưa có dịp nói lời tri ân với cơ duyên đạo diễn Lê Xuân Hoàng để lại. 

Khi viết tiểu sử nghề nghiệp của Lê Hoàng, chắc chắn phải kể đến những bộ phim mà vẻ đẹp vẫn là ẩn số chấp chới bên bờ vực quá khứ như "Lương tâm bé bỏng", "Lưỡi dao", "Ai xuôi vạn lý", "Chiếc chìa khóa vàng"… vì khi bộ phim "Gái nhảy" ra đời thì khán giả lập tức lãng quên những bộ phim trước đó của chính Lê Hoàng. Sự cởi mở của quá trình xã hội hóa đã giữ lại những cảnh hở rốn, hở lưng giúp "Gái nhảy" vé đắt như tôm tươi.

Từ những bộ phim chỉn chu phò tá khuynh hướng "vị nghệ thuật", thoắt cái Lê Hoàng trở thành hiện thân của trào lưu "vị nhân sinh". Vốn đã có kinh nghiệm làm tập hai cho "Vị đắng tình yêu", Lê Hoàng làm tập hai cho "Gái nhảy" với tên gọi "Lọ lem hè phố", rồi làm tiếp phiên bản của "Gái nhảy" với tên gọi "Nữ tướng cướp", rồi làm tiếp dị bản của "Gái nhảy" với tên gọi "Trai nhảy". Dĩ nhiên, tập sau bao giờ cũng dở hơn tập trước, và đỉnh cao của sự tuột dốc là "Trai nhảy".

Nếu có một cuộc bình chọn thì khán giả sành điệu sẽ bỏ phiếu cho "Trai nhảy" lọt vào danh sách những bộ phim khiên cưỡng, sống sượng và vụng về nhất của điện ảnh Việt Nam. Có sao đâu, lỗ thì nhà sản xuất lỗ, chứ Lê Hoàng vẫn thắng bằng những phát ngôn chói lói trên các phương tiện truyền thông. Một khi Lê Hoàng đã nói về điện ảnh thì có sức thu hút vô cùng vô tận, khiến những ai chưa xem phim của Lê Hoàng phải nghĩ rằng, nếu xếp Lê Hoàng chung chiếu với Đặng Nhật Minh, Đỗ Minh Tuấn hay Lưu Trọng Ninh sẽ thiệt thòi cho Lê Hoàng, mà nếu xếp Lê Hoàng chung chiếu với Nguyễn Thanh Vân, Bùi Thạc Chuyên hay Phạm Nhuệ Giang cũng sẽ thiệt thòi cho Lê Hoàng! Có thể Lê Hoàng có một cái chiếu riêng trong nghệ thuật thứ bảy, nhìn gần thì lờ mờ mà nhìn xa thì rực rỡ!

Lê Hoàng trong vai trò giám khảo cuộc thi Hoa hậu Áo dài.

Ưu điểm của Lê Hoàng không nằm ở tư duy hình ảnh cũng không nằm ở ưu thời mẫn thế, mà nằm ở sự hài hước. Cột mốc đánh dấu sự hài hước của Lê Hoàng là chuyên mục "Giữa đám đông hỏi lấy một…" trên Báo Văn Nghệ Trẻ. Lê Hoàng ký bút danh Lê Thị Liên Hoan cùng với những nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Trần Kỳ Trung tung hoành qua những bài phỏng vấn ảo, tạo nên một thể loại báo chí độc đáo. Thế nhưng, khi không có sự trợ giúp của những bút danh khác như Văn Thị Vui Vẻ, Trần Thị Trớ Trêu, Nguyễn Thị Ngu Ngơ… thì những bài của Lê Thị Liên Hoan nhạt dần và chấm dứt chuyên mục "Giữa đám đông hỏi lấy một…".

Đâu cam tâm ngừng lại cơn say sưa phỏng vấn ảo, Lê Hoàng mang thể loại này sang múa bút ở các tờ báo khác. Món ngon mấy ăn hoài cũng chán, lời hay mấy nói hoài cũng nhàm, những bài phỏng vấn ảo của Lê Hoàng càng ngày càng giống tấu hài đẩy đưa. Điều ấy ai cũng nhận ra, trừ… Lê Thị Liên Hoan. Dường như khi lia ngòi viết sột soạt trên trang giấy, Lê Hoàng vẫn đinh ninh sự hài hước sẽ khỏa lấp tất cả mọi thiếu hụt về tư tưởng, về tầm nhìn, về chiêm nghiệm.

Cái phẩm chất lạc quan khiến Lê Hoàng sung sướng với ý nghĩ, sự hài hước giống như những viên đường hóa học bỏ vào xoong nước thì vẫn có thể nấu ra… đường thành phẩm, chứ cần gì phải đi trồng mía chi cho khổ cực. Đọc những tập tiểu phẩm đã xuất bản của Lê Hoàng như "Phỏng vấn một anh hề", "Thư của bà vợ gửi bồ nhí" hoặc "Thư của trứng gà gửi chứng khoán", không thể không phục sức viết nhanh, viết nhiều, nhưng cũng thấy chút tiếc nuối cho thể loại tiểu phẩm...

Từ những bài phỏng vấn ảo mang dáng dấp tấu hài, Lê Hoàng chỉ cần thêm thắt vài tình huống ngộ nghĩnh thì lập tức thành… kịch bản sân khấu. Phương pháp ấy không mấy người dám làm, nhưng giữa thời khan hiếm nhà viết kịch chuyên nghiệp thì Lê Hoàng vẫn cứ tung tẩy nhiệt tình như một lãng tử giang hồ đánh gậy tít mù buổi chợ chiều để bán cao đơn dược thảo trị bách bệnh cho thiên hạ.

Với những vở kịch như "Hợp đồng mãnh thú", "Sát thủ hai mảnh" hay "Lùng người trong mộng", công chúng lại được phát hiện thêm một khả năng kỳ diệu nữa của Lê Hoàng. Nếu như tác phẩm điện ảnh của Lê Hoàng, người xem chờ đợi sốt ruột mới thấy hiện lên chữ "hết" mà thanh thản rời khỏi phòng chiếu phim cho đúng phép lịch sự, thì tác phẩm sân khấu của Lê Hoàng, người xem mới tủm tỉm cười chốc lát đã chưng hửng khi thấy dàn diễn viên xếp hàng chào kết thúc vở diễn.

Suốt hơn một thập niên vừa qua, Lê Hoàng khá thịnh vượng nghề nghiệp, nhỉnh hơn một cái đầu so với những nghệ sĩ điệu đàng phấn son. Chẳng ai dám chắc bộ phim nào do Lê Hoàng đạo diễn sẽ ở lại với thời gian, nhưng có thể những nhà nghiên cứu sự phát triển điện ảnh Việt Nam không thể nào quên trận khóc lâm ly của Lê Hoàng tại hội thảo "Giải pháp thu hút khán giả đến với phim Việt Nam" trong khuôn khổ Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 14 diễn ra ở Buôn Mê Thuột.

Cùng dự ngày hội điện ảnh ấy với Lê Hoàng, cả những nữ diễn viên liếc nhau khoe váy ngắn chân dài và những nam diễn viên túm nhau hỏi phương pháp dưỡng da cũng không thể nào hiểu vì sao Lê Hoàng đột ngột khóc một cách rung động như thế.

Khi vừa lau nước mắt, Lê Hoàng than vãn: "Tôi cảm thấy cô độc quá!", nhưng vừa rời khỏi diễn đàn ướt đẫm lệ buồn lệ tủi, Lê Hoàng lại phân bua: "Tại tôi thấy nhiều người cười quá!". Biết đâu bằng sự hài hước, mai mốt Lê Thị Liên Hoan sẽ tường thuật cuộc khóc xao xuyến của Lê Hoàng, rằng: "Ôi, những giọt nước mắt mới đẹp làm sao, và chất lượng bảo đảm!".

Lê Thiếu Nhơn
.
.