Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Trần Văn Cẩn (13/8/1910 - 13/8/2010)

Danh họa Trần Văn Cẩn: Chuyện đời lạ như chuyện nghề

Thứ Ba, 03/08/2010, 08:10
Cố họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những đại diện tiêu biểu của hội họa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937, ông được đồng nghiệp ngưỡng mộ suy tôn trong "bộ tứ họa sĩ" lừng danh thời ấy là "nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Nhắc đến tên ông, công chúng yêu nghệ thuật nhớ ngay tới bức sơn dầu "Em Thúy" (từng được một số chuyên gia nước ngoài xem là có gì đó khơi gợi bí ẩn kiểu "Mona Lisa" của Da Vinci), song không phải ai cũng biết, cùng với họa sĩ Bùi Trang Chước, ông còn là đồng tác giả của mẫu Quốc huy Việt Nam. Một sự kiện thật ý nghĩa khi chỉ còn ít ngày nữa là tới sinh nhật lần thứ 100 của ông, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định lấy tên Trần Văn Cẩn để đặt cho một con phố mới của huyện Từ Liêm.

Dưới đây là một chút tản mạn về chuyện đời và chuyện nghề của nhà danh họa...

Từ người mẫu chung tới người mẫu riêng

Trước Cách mạng Tháng Tám, Trần Văn Cẩn cùng với các họa sĩ đồng trang lứa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị... sinh hoạt với nhau trong một nhóm gọi là Nhóm họa sĩ trẻ FARTA. Đó là những bậc anh tài  cùng chí hướng, ưa thích sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật và đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Do hoàn cảnh, từng có thời cả Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị phải vẽ chung một người mẫu mà họ trìu mến gọi là cô Sáu. "Cô Sáu" hiện được hậu thế biết đến nhờ lưu được bóng hình qua các họa phẩm đặc biệt nổi tiếng của Tô Ngọc Vân: Các bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" và "Thiếu nữ với hoa sen".

Năm 1943. Thời gian này Trần Văn Cẩn sống với gia đình người họ hàng ở phố Hàng Cót, Hà Nội. Tại đây, vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng của cô cháu gái Minh Thúy (bấy giờ mới lên 8 tuổi) đã gợi nguồn cảm hứng để nhà họa sĩ trẻ vẽ nên bức tranh sơn dầu "Em Thúy" hiện vẫn được xem là một trong những thành công nhất về thể loại tranh chân dung của hội họa Việt Nam thế kỷ XX. "Người mẫu" Minh Thúy không chỉ xuất hiện trong tác phẩm của Trần Văn Cẩn một lần. Sau này, cô còn xuất hiện trong bức chân dung vẽ năm "Em Thúy" 24 tuổi.

Tuy nhiên, kể cả "Cô Sáu" hay "Em Thúy" hay bất cứ một người phụ nữ khuyết danh nào nữa, chắc chắn không ai xuất hiện với tần suất dày đặc như nữ điêu khắc Trần Thị Hồng, vợ của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Theo bà Hồng tiết lộ, trong hơn hai chục năm chung sống, bà đã ngồi làm mẫu cho ông trong rất nhiều bức tranh, thậm chí nhiều lúc còn ngồi "làm dáng" để ông vẽ tranh minh họa cho báo: "Tôi không nhớ đã bao lần trong đời tôi ngồi làm mẫu cho ông vẽ, song chắc chắn trong hàng trăm bức vẽ phụ nữ kia đều ít nhiều có bóng dáng của tôi".

Được biết, bà Hồng cũng chính là "nguyên mẫu" trong bức tranh cuối cùng của Trần Văn Cẩn. Khi ấy, mặc dù đã ở tuổi 84, và sức khỏe chỉ đủ giúp ông đi lại được trong nhà, song Trần Văn Cẩn vẫn không ngơi tay bút. Ông vẽ, vẽ vợ mình. Rồi sức cùng lực kiệt, không đẩy nổi sơn, ông phải bỏ dở bức họa. Ít ngày sau, nhà danh họa trút hơi thở cuối cùng. 

Mộc mạc nhưng hiệu quả

Nếu chỉ căn cứ vào cách Trần Văn Cẩn đặt tên cho các bức tranh của mình, ta sẽ thấy chúng mộc mạc vô cùng. Vậy nhưng, nhiều bức lại gây ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng, thậm chí còn được bàn luận nhiều tại một số quốc gia trên thế giới, được trao tặng những giải thưởng danh giá. Xin điểm qua ở đây một số trường hợp: Năm 1934, đang học năm thứ ba Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trần Văn Cẩn đã có bức tranh lụa mà ông đặt tên là "Mẹ tôi" được trưng bày ở Pháp và được nhiều nhà phê bình mỹ thuật Pháp viết bài khen ngợi. Năm 1939, Trần Văn Cẩn gửi hai bức tranh lụa "Gánh lúa" và "Ngư dân" tham gia triển lãm ở Tokyo (Nhật Bản) và được giới họa sĩ xứ sở hoa anh đào đánh giá rất cao. Năm 1943, tại cuộc triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), Trần Văn Cẩn được nhận giải Nhất với hai tác phẩm "Em Thúy" (sơn dầu) và "Gội đầu" (điêu khắc). Năm 1946, ở triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, bức "Xuống đồng" đã đem về cho Trần Văn Cẩn giải Nhất. Các tác phẩm hội họa được đánh giá cao của Trần Văn Cẩn sau này như "Con đọc bầm nghe", "Tát nước đồng chiêm", "Nữ dân quân vùng biển" nội dung đều gần gũi với cuộc sống và tên gọi thì rất giản dị, mộc mạc.

"Duyên nợ" với Tô Ngọc Vân

Cứ theo cách người đời suy tôn "nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" thì Trần Văn Cẩn "đứng sau" Tô Ngọc Vân... một chút. Sự thực là trong cuộc sống, nhà danh họa họ Trần cũng có nhiều "duyên nợ" với nhà danh họa họ Tô. Ngoài việc hai người sinh hoạt chung trong nhóm FARTA từ khi còn trẻ và từng có lúc vẽ chung một người mẫu (như ở phần đầu bài đã nói), năm 1946, hai người còn có chung niềm vui là đều có tranh được Hội Văn hóa Cứu quốc mua lại (với Trần Văn Cẩn là bức "Xuống đồng", còn Tô Ngọc Vân là bức "Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ"). Năm 1954, Tô Ngọc Vân hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Văn Cẩn được bổ nhiệm thay Tô Ngọc Vân giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật. Năm 1996, cả hai ông đều được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Say mê vẽ hoa và... phụ nữ

Những ai từng được tiếp xúc nhiều với các họa phẩm của Trần Văn Cẩn, hẳn đều dễ dàng nhận thấy: Phụ nữ và hoa là những hình ảnh trở đi trở lại trong tranh ông. Ngoài "Em Thúy", ông còn có các bức "Em Hồng", "Em Lan", "Cô Khanh...". Tranh hoa cũng vậy. Khó có thể kể hết tên các loại hoa đã xuất hiện trong họa phẩm của ông. Dường như, niềm đam mê này đã ngấm vào máu của nhà danh họa từ khi còn trai trẻ...

Trong một trang nhật ký viết năm 1991 của Trần Văn Cẩn, có đoạn: "Ráng ngồi nhưng không được lâu, đau thì lại phải nghỉ, nhưng càng được vẽ càng thấy hào hứng, những mẫu vẽ thơm mùi hoa hồng nhung, hồng bích... cứ cuốn mình vào từng nét vẽ...".

Bà Trần Thị Hồng giải thích: "Đã là nghệ sĩ thường đa cảm, nhà tôi cũng không nằm ngoài số đó". Bà kể, chồng bà là người rất chiều chuộng, chăm sóc vợ. Hồi Mỹ đánh phá ác liệt, ông cẩn thận đưa bà lên tận chùa Tây Phương sơ tán. Đến khi bà trở lại nhà, đúng vào hôm ông phải đi công tác gấp, bà mở cửa và bắt gặp một lô tem phiếu cùng mẩu giấy ông dặn dò rất kỹ một số điều. Hẳn vì sự chu đáo, đầy tình thương yêu này của ông mà đến nay, mặc dù danh họa Trần Văn Cẩn đã từ biệt thế gian được 16 năm, song trong ý nghĩ của bà Trần Thị Hồng, vợ ông, ông vẫn là người đàn ông vĩ đại, và "sẽ không bao giờ có người đàn ông thứ hai nào như ông".

Nói với một người và nói với nhiều người

Bà Trần Thị Hồng đến với nhà danh họa Trần Văn Cẩn khi ông đã ở tuổi ngoài sáu mươi, còn bà mới 25. Khi ấy, ông đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) và bà đang là học trò của ông. Bất chấp tuổi tác và mọi sự cản ngăn, mọi lời dị nghị, tình yêu đã đưa hai trái tim xích lại gần nhau. Rồi họ sống với nhau như vợ chồng mà không tổ chức đám cưới. Có lẽ vì sự oái oăm ấy nên nhà danh họa đã có những lúc phải thể hiện thái độ, tình cảm khác nhau qua cách... xưng hô.

Trong nhà, khi chỉ có hai người, họ xưng "anh", gọi "em" như đôi vợ chồng son. Trong thư từ gửi vợ, ông cũng gọi bà như vậy. Đây là một trích đoạn: "Anh thật không biết nói sao cho hết nỗi lòng, anh nhớ thương em. Mỗi vật, mỗi chỗ đều gợi cho anh nhớ đến hình ảnh của em. Càng xa em anh càng thấy thấm thía hơn...".

Còn đây là những lời lẽ như thể dùng để "ngụy trang", đối phó với... người đời: "Nhờ có cô bạn điêu khắc (Hồng) khuyên khi ốm nên làm những việc nhẹ nhàng. Cô giúp đỡ tìm bút kết hợp với sơn dầu, màu, giá vẽ, bút màu, lên ballet...nên gắng vẽ thuận tiện. Cô Hồng lại say vụ thờ Phật, lập một bàn thờ để cho mình cố đem một chi tiết Phật A Di Đà, Phật Tích vào tác phẩm" (trích nhật ký viết năm 1991, thời gian hai người đang sống với nhau) và "Xin cô Trần Thị Hồng nhận lấy gia tài hội họa của tôi như một chút quà mọn" (trích Di chúc). Qua đó, ta có thể thấy, bên trong con người "hiền lành và mẫn cán" kia là một trái tim có nhịp đập rất thanh xuân...

Nguyễn Chí Cường
.
.