Danh ca Tuấn Ngọc: Đời nghệ sĩ là một trong những cuộc đời nhiều cám dỗ nhất
- Danh ca Tuấn Ngọc bất ngờ về nước ngồi ghế nóng gameshow
- Danh ca Tuấn Ngọc: Âm nhạc không bao giờ làm mình buồn
Chương trình nhằm mục đích tôn vinh những thành tựu của những nghệ sĩ, những giá trị nghệ thuật đã được ghi dấu trong suốt những năm tháng theo đuổi nghệ thuật đã qua của họ. Trong số 4 danh ca nam của chương trình thì Tuấn Ngọc là nghệ sĩ có tuổi nghề cao nhất. Dù sống ở nước ngoài, nhưng anh có một lượng khán giả hâm mộ trong nước vô cùng lớn.
-Thưa anh Tuấn Ngọc, chào mừng anh trở lại với khán giả trong nước trong Live Concert Danh Ca Việt Nam do Media Max tổ chức. Đầu tiên xin hỏi anh, một người làm nghề ca hát đã nhiều năm và đã có chỗ đứng bền lâu trong công chúng, theo cách hiểu của anh thì thế nào là một danh ca? Và cảm xúc của anh ra sao khi được công chúng gọi là một danh ca?
+ Nếu danh ca có nghĩa là một ca sĩ nổi tiếng thì ai đi hát cũng muốn trở thành danh ca. Nhưng mà danh ca vẫn chưa phải là tất cả. Tôi vẫn phải học hát mỗi ngày.
-Tuấn Ngọc, so với 3 danh ca còn lại trong đêm nhạc, là người lớn tuổi nhất. Thậm chí có thể gọi anh là bậc cha chú của Tấn Minh, Trọng Tấn, Tùng Dương, 3 nam ca sĩ thế hệ 7X và 8X. Nhìn xuyên suốt sự nghiệp của Tuấn Ngọc, có thể thấy anh là người giữ phong độ ổn định dù ở bất cứ giai đoạn nào của sự nghiệp. Điều đó có được là do đâu, thưa anh?
+ Người Mỹ có câu "Practice makes perfect". Người Việt Nam thì nói "Văn ôn võ luyện". Chẳng có bí quyết gì cho việc giữ phong độ ổn định ngoài việc phải chăm chỉ lao động, tập luyện mỗi ngày.
Các ca sĩ Tuấn Ngọc, Tấn Minh, Trọng Tấn, Tùng Dương trong đêm Live Concert Danh Ca Việt Nam. |
-Trong số 3 danh ca sẽ cùng anh biểu diễn ở Live Concert Danh Ca Việt Nam, thì anh có dịp biểu diễn cùng với ai nhiều nhất. Anh có thể cho công chúng một vài nhận xét về giọng hát của Tấn Minh, Trọng Tấn, Tùng Dương?
+ Tôi rất ít nghe ca sĩ Việt Nam hát. Ngay cả việc nghe lại chính mình hát tôi cũng ít nghe. Trong số 3 giọng hát mà tôi đứng chung sân khấu lần này thì Tùng Dương là người tôi biết nhiều hơn cả, vì tôi đã gặp cậu ấy nhiều lần. Nhưng theo tôi thấy, thì cả Trọng Tấn, Tấn Minh, Tùng Dương đều là những nam ca sĩ hay nhất của thành phố Hà Nội.
- Tuấn Ngọc là thành viên trong một gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Là người danh tiếng trong một gia đình có nhiều thành viên danh tiếng. Nhưng, cảm giác như anh là người bình tĩnh nhất trong số những người danh tiếng của gia đình mình. Anh cũng chọn một cách sống ít ồn ào nhất so với các thành viên khác trong gia đình. Điều này bắt đầu từ tính cách của anh, hay là một sự lựa chọn chủ động của anh trong cuộc sống?
+ Mỗi một ngày qua đi, tôi vẫn cần học hỏi về âm nhạc, nên thời giờ đối với tôi là rất quý giá. Bởi vì thời gian quý giá nên tôi dành hết cho những điều quý giá nhất trong cuộc sống của tôi, đó chính là âm nhạc và gia đình.
- Tôi rất ấn tượng với phát ngôn của anh trong một bài phỏng vấn, rằng "sống với nỗi buồn vừa đủ". Có thể hiểu anh là một nghệ sĩ có cái đầu tỉnh táo, hay là một người đã sống đến độ vượt lên trên cả nỗi buồn, để cống hiến cho nghệ thuật?
+ Cuộc sống có quy luật của nó. Có vui thì phải có buồn. Nếu nhận được ra điều đó thì gặp vui hay gặp buồn đều dễ dàng đối diện, tận hưởng và đi qua. Phương châm của tôi, là cố sống điều độ cho mọi thứ.
- Thông thường đời một người nghệ sĩ sẽ trở nên hấp dẫn công chúng hơn khi họ có những biến cố, những "lên thác xuống ghềnh". Không phải chuyện muốn hay không muốn, nhưng đa số những người làm nghệ thuật thì thường mang một cuộc đời riêng ít khi suôn sẻ. Anh thì ngược lại, bình lặng, suôn sẻ, ít phát ngôn nhưng vẫn luôn được công chúng mến mộ. Anh có xem đó là một may mắn của đời sống dành cho mình không?
+ Ai cũng biết đời nghệ sĩ là một trong những cuộc đời gặp nhiều cám dỗ nhất. Nhất là đối với những nghệ sĩ còn trẻ tuổi. Tôi nghĩ, nếu người nghệ sĩ không luôn ghi nhớ điều này, họ sẽ gặp nhiều nguy cơ. Giống như việc ta lái chiếc xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.
- Những giọng ca hàng đầu ở hải ngoại thời của anh có cái hạnh phúc là khán giả cùng thời với mình hiểu được mình, vì gốc rễ văn hóa họ đều là những người sinh ra và lớn lên trong nước rồi mới tới Mỹ. Nhưng các thế hệ người Việt sau này sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, họ không dễ đồng cảm với nghệ sĩ thế hệ anh. Liệu có khoảng cách giữa nghệ sĩ thế hệ anh với lớp khán giả trẻ Việt kiều sau này không và nếu có thì những người nghệ sĩ thế hệ anh phải làm thế nào để xóa đi khoảng cách đó?
+ Tôi không thấy vấn đề bạn hỏi đâu. Dòng âm nhạc mà tôi hát bây giờ là tôi đã chọn từ hồi tôi còn bé. Các nghệ sĩ thế hệ trước tôi đã hát, và tôi đã hát nửa thế kỷ qua, với nhiều lớp khán giả khác nhau. Tôi nghĩ chỉ có giá trị thực mới tồn tại với thời gian thôi. Và chúng ta không nên xem thường người trẻ tuổi, bởi không phải chỉ có người lớn tuổi mới nhận thức được nghệ thuật.
- Ở tuổi ngoài 70 anh vẫn miệt mài bay sô khắp nơi. Anh định bao giờ thì sẽ dừng lại?
+ Ở bên Mỹ có ông ca sĩ Tony Bennett vẫn còn đi trình diễn mỗi tuần. Lẽ dĩ nhiên khán giả của tôi không nhiều bằng của ông ta nhưng mà tôi là người thích làm việc. Vì chỉ có làm việc thì chúng ta mới học hỏi thôi. Còn sống là còn học. Lúc nào mà fans của tôi nói nghe anh hát tôi thích lắm nhưng mà không nghe thì thích hơn, thì lúc đó tôi sẽ nghỉ hát.
-Theo anh, sức hấp dẫn nhất đối với công chúng ở một giọng ca nam là gì?
+ "Be yourself", hãy luôn là chính mình.
- Không ít nam ca sĩ trẻ hiện nay bị chê là "nữ quá" trong giọng hát. Họ cũng bị lệ thuộc quá nhiều vào cái bóng bẩy hình thức bên ngoài, anh có lời khuyên nào cho họ không?
+ Nhiều khi tôi không biết tại sao tôi nổi tiếng vì cái nghề của tôi là phải phô trương, nhất là lúc bước lên sân khấu, nhưng tôi lại rất ngại điều đó. Tôi quan trọng về nội dung hơn là hình thức, không lệ thuộc vào cái gọi là hình thức. Nhưng cần phải hiểu là, tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi coi thường hình thức trong nghề biểu diễn đâu nhé
- Xin cảm ơn danh ca Tuấn Ngọc về cuộc trò chuyện.
Danh ca Tấn Minh, một nhân vật chính của chương trình "Danh ca Việt Nam" cũng đồng thời được nhà sản xuất chọn làm đạo diễn của chương trình, bởi anh được xem là người có thể dung hòa được tất cả những "ngọn núi lửa", bằng phong cách âm nhạc và sự ảnh hưởng trong âm nhạc của mình. Một người kết nối hoàn hảo của Danh Ca Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, Tấn Minh cho biết, "Danh ca Việt Nam" là một sân khấu để những người nghệ sĩ được nói lên tiếng lòng của mình bằng ngôn ngữ âm nhạc, là nơi tri ân bày tỏ tình cảm với công chúng, là một địa chỉ thân thuộc của khán giả muốn gặp gỡ người nghệ sĩ yêu mến của mình. "Sẽ có những tiết mục chưa từng được thưởng thức, có những sự kết hợp chưa thể hiện bao giờ sẽ khiến cho khán giả thật sự thăng hoa và dâng trào cảm xúc. Nhưng chắc chắn những tuyệt phẩm đã làm nên tên tuổi của 4 danh ca nam không thể thiếu. Những bản hòa âm phối khí với dàn nhạc cổ điển, nhạc cụ dân tộc, hiện đại… được Giám đốc âm nhạc Dương Cầm viết riêng cho live concert hứa hẹn một đêm nhạc đáng nhớ, ghi dấu ấn đặc biệt, không chỉ trong lòng mỗi khán giả mà còn với tất cả những nghệ sĩ tham gia chương trình". |