Dân tộc: Người

Thứ Bảy, 19/01/2019, 08:58
Ở dưới chân rừng Đông Căm, nơi chia đôi làng Hiếu Lễ thành hai xóm Cốc Quý và Bản Nưa. Chục năm nay vẫn còn sót lại một bãi đá bỏ hoang. Chúng lổn nhổn đứng ngồi như đang rỗi việc. Hòn nào cũng hốc hác, đen đúa, gầy guộc, tanh ngòm bốc lên mùi tôm cá. 


Khoảng bảy tám chục năm trước, chỗ này là một cái nền nhà. Đây là nơi gia đình chú Phin cư trú. Gọi là nền, thực ra đó chỉ là mấy đống đá vôi xếp thành hình chân kiềng, rồi người ta gác cây lên, dựng cột bắt kèo làm thành một ngôi nhà. Gọi là nhà, nhưng thực ra nó là lều. Nhưng người Tày không phân biệt giữa nhà và lều. Họ cho rằng hễ tránh được mưa, che được nắng, đều gọi là nhà. Gọi như thế lấp đầy được khoảng cách giàu nghèo, làm ấm áp tình người với người hơn.

Hồi ấy, trong căn nhà nhỏ này, lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói tiếng cười. Người từ Pác Rao Cảnh Tiên, từ Phja Tỏoc Cao Thăng, từ Đoài Côn Thông Huề, từ Nà Mười Pò Tấu… họ đến nhờ chú xem ngày tốt giờ đẹp để khởi công đào móng, xây ngôi nhà mới.

Cỗ Tết của người Tày.

Hoặc làm một đêm nóong néeng mo chay giải hạn, một ngày gõ nhạc kiing coong làm kì yên mừng thọ cho bà, hay ma nhét đầy tháng thôi nôi cho đứa cháu. Thậm chí còn có người nhờ chú bấm độn cườn từ mạn lục xem cái bụng lùm lùm của con bé tóc hung hung đuôi gà kia, xem xem tác giả của cái bào thai đó là ai? Người nào để mất trâu mất bò cũng đến nhờ chú bấm đốt ngón tay kín mù xấy hố thu kim mộc thuỷ hỏa thổ...

Chú thắp hương, xông nồi lá bưởi lên bàn thờ, rồi lầm rầm cầu khấn nhờ các vị thánh thần trên chín tầng trời mách bảo cho những thông tin thật chính xác. Liệu thân chủ có tìm thấy và lấy lại gia tài hay không. Phần lớn những việc như thế chỉ diễn ra trong nửa buổi sáng là có ngay kết quả.

Tùy mức độ công việc nặng nhẹ, đơn giản hay phức tạp, mà khách tự nguyện trả công cho chú. Có khi chỉ chục phong bánh khảo điếc, một miếng cao trăn vuông vức đang còn hắt xì hơi, chai mật ong rừng vàng ươm đặc sánh, hoặc có người đưa năm phân vài xèn thuốc phiện làm quà biếu thầy.

Chú Phin chưa bao giờ hé miệng đòi hỏi này nọ. Cũng chả bao giờ thấy chú từ chối. Bởi theo chú, gợi ý quà cáp là khởi dục lòng tham. Giả vờ khiêm tốn, từ chối không nhận là sân si. Tham sân si là ba cái thứ xấu xa nhất, bền bỉ nhất, tệ hại nhất dưới trần gian này. Đã mang tiếng là người có đôi mắt sáng, nhiều chữ thánh hiền, chú tự ngộ được điều này và luôn nhắc mình cần đặc biệt tránh xa. Có như thế lời của thầy mới có năng lượng. 

Tôi gọi bằng chú là theo lề thói của người làng, chứ chẳng phải anh em họ hàng gì sất. Chú là dân tạm cư, họ tự nguyện xếp xuống hàng dưới cùng, làm em út ít nhất ở cái làng Hiếu Lễ này.

Nghe nói chú là người gốc gác ở tận Khe Hà, nơi giáp biên với Slình Slây, Trung Quốc. Gặp những năm đói kém lụt lội, lại trúng nạn giặc cờ vàng cờ đen, nạn thổ phỉ nổi lên giết người cướp của. Không chịu nổi, cả gia đình ông bà cha mẹ quyết định bỏ hết nhà cửa ruộng vườn kéo về đây xin người làng cho ở lánh nạn.

Cái ngày ông bà bố mẹ đến đây, chú hãy còn ẵm ngửa. Mọi người trong nhà chú đều uống nước nguồn chảy ra từ mỏ Bo Păn Bo Thang, Chang Nà... Đã mấy chục năm bạc tóc hai ba đời người rồi, nên ai cũng nói đặc sệt một giọng Tày người làng Hiếu Lễ. Chỉ những ngày lễ Tết, hay đi dự tiệc cưới xin,  người ta mới thấy chú thím mặc áo người Nùng. Đó là kiểu áo chàm ngắn tà năm thân cổ lá sen, cài cúc bên nách tay phải. Ống tay rộng và đắp lên một miếng vải màu xanh Sĩ Lâm. Nhưng tôi nhớ nhất những đôi hài xảo (một loại dép cỏ) bện bằng mo tre. Đôi nào cũng vàng ươm, nhỏ nhắn xinh xinh rất nhẹ. Nhẹ hều như đi chân không.

Chú Phin là con một, người Kinh gọi là con độc. Nên chú được ông bà nuông chiều từ nhỏ. Người làng còn kể mỗi bữa chú đòi ăn hai quả trứng luộc. Vào hàng thịt là chú tẩn mẩn không muốn về… Ông bà còn mời thầy đồ dưới xuôi tới nhà để dạy chữ, vì thế chú sớm được làm quen với bút lông An Điền, mực đen Nhất Đắc Các, giấy bản Chỉa Sla, thanh chặn gió…

Tuy thân sinh chú đều xuất thân từ nông dân nghèo, một chữ nhất bẻ đôi họ cũng không biết. Nhưng ông bà lại tằn tiện gom góp hết tiền bạc tậu chữ cho con mình. Muốn thay đổi cuộc đời, không gì nhanh và tốt bằng chữ. Để nhà cửa đất đai hay vàng bạc, khi cần, chú sẵn sàng đem bán. Nhưng cái chữ nằm ở trong đầu, chẳng mất đi đâu mà sợ.

Được cái chú Phin học hành thông minh sáng dạ. Học được chữ nào, chú lèn chặt vào bụng chữ đó. Càng lớn chú càng yêu chữ. Yêu đến phát điên phát rồ. Lúc nào trên tay chú cũng cầm cuốn sách Tam tự kinh. Lớn lên thêm chút nữa chú cầm cuốn Thần đồng thi… Sách là người bạn thân duy nhất của chú. Trước khi giở sách, bao giờ chú cũng rửa đôi tay cho thật sạch, rồi mới nâng sách lên ngang mặt, lật từng trang.  

Vào dịp Tết Nguyên đán, mừng tháng Giêng năm mới, chú thường lôi giấy đỏ mực Tàu ra viết chữ "Lương" thật to dán lên ban thờ họ. Đặt đôi câu đối "Tứ hải giao huynh đệ…" người năm châu bốn biển đều kết tình anh em. Viết xong chữ nào chú dán lên cột nhà. Còn hai chữ "nghênh xuân" chú treo trên khung cửa ra vào, ở chỗ cao nhất. Nào! Xin trân quý mời mùa xuân cất chân vào nhà.

Chú còn đề chữ Xuân tặng cho cây hồng, cây đào, cây mơ cây mận, cái cối đá, cái chày gỗ giã gạo, cái chổi rơm quét nhà... Điều lạ lùng không có chữ Xuân nào giống chữ Xuân nào. Có chữ Xuân vuông vức ngay ngắn. Có chữ Xuân tràn chân tay ra mép chiếu. Có chữ Xuân chảy tóc tách như mưa. Mỗi một chữ Xuân ra đời như một mầm cây mướt mát. Ngắm mùa xuân sinh ra từ bàn tay nhà nho, người xem bỗng thấy nao nao lòng ngập tràn thương mến.

Rồi chú nhẩn nha giải thích cho lũ trẻ chúng tôi. Trong chữ Xuân này có bốn người đàn ông ngồi dưới mặt trời. Nghĩa là sao hả chú? Cháu không hiểu à. Thế này các cháu nhé. Trong chữ Xuân gồm có chữ Tam, nghĩa là ba người, cộng một chữ Nhân xẻ nách nữa, nghĩa là bốn người, cộng thêm một chữ Nhật nữa, thế là thành mùa xuân. Tam Nhân Nhật bằng chữ Xuân.

Ồ! Hay quá chú ơi! Các cháu nhìn cho kỹ nhé. Chữ Xuân ngồi ngay ngắn ở đằng kia, đó là bốn cụ túc nho, tóc bạc râu bạc đang ngồi đàm đạo thế sự hoặc bàn luận về văn chương. Còn chữ Xuân to bè ngang bướng kia kìa, đó là bốn gã đàn ông quanh năm suốt đời đẫm rượu. Rượu làm họ không đứng lên được nữa. Họ bá vai bá cổ, người nọ dìu người kia, chân nọ kéo tay kia, họ đã mềm pằn pặt như nhau cả.

Cái tính phóng túng vô độ làm cho thân xác họ lùn xuống, không lớn lên được nữa. Còn chữ Xuân chảy dọc đằng nớ là bốn thằng lưu manh đang ngồi đánh bạc. Bọn chúng ngồi từ sáng sớm tinh sương đến tối đen trời đất. Từ tối đen đăm lít đăm nhám đến sáng bừng rung tích, mông của chúng vẫn còn dính đất. Cái bọn bạc bịp ấy nhịn bài tiết lâu quá. Lâu đến nỗi nước khai làm ướt đũng quần…   

Chú còn nói rằng vạn vật hữu linh. Bất kể cái gì ở trên đời này đều có sự sống và linh hồn. Chỉ vì người thường chúng ta không nghe được, không hiểu được lời của cỏ cây, muôn loài. Lời của cỏ cây phát ra rất chậm rất chậm, lâu lâu mới được một tiếng. Nhiều tiếng gom lại được một lời. Lời cây chính là lời tiền nhân, tiếng vong hồn từ không gian bốn chiều vọng lên. Tiếng vong hồn phát ra từ hằng bao nhiêu ức kiếp.

Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.

Tết nhất đến mà trong nhà chả có gì bày biện, thôi thì có một dúm chữ mọn, bần nho Lương Văn Phin xin hiến tặng các vị gọi là một chút lòng thành. Chữ thánh hiền mà trưng bày, mà treo tại nơi gia cảnh bần hàn nhưng không hề tương phản. Nhà rách, vách nát, áo ngắn, quần vá, nhưng chủ nhân lại đầy một bụng chữ. Chữ nào cũng lành lặn. Chữ nào cũng núc ních béo tròn. Những con chữ chỉ tay định hướng phần thần và phần xác nhằm cứu độ người đời.

Ngày xưa chú thường giảng giải cho bọn trẻ trâu chúng tôi. Người Tày, người Nùng, người Dao, người Mông, người Hoa, người Kinh, người Ma Rốc, người Pháp… đều là Người cả. Đã là người thì chỉ có thương yêu nhau thôi, quý trọng nhau thôi. Đã là người thì nhường nhịn cùng nhau ăn, nhường nhịn cùng nhau ở.

Sao lại ghét bỏ nhau nhỉ, sao lại bài xích chê bai nhau nhỉ, sao lại kì thị nhau nhỉ, sao lại... như thế nhỉ. Lẽ nào con người lại chẳng bằng con vật, chẳng bằng cây cỏ, chẳng bằng đất đá. Đất trời mênh mông, vũ trụ bao la là thế… đến cả hạt bụi cũng không bao giờ nạt dối nhau, lường gạt nhau, xem thường nhau, cắn xé nhau... 

Có một lần, tôi nhìn thấy chú cầm bút khai trong bản lý lịch:

Họ tên: Lương Văn Phin. Năm sinh 19…

Nguyên quán….

Trú quán…

Dân tộc: Người.
Y Phương
.
.