Đại tá nhà văn Trần Diễn: vẫn muốn "túc tắc" với văn chương

Thứ Ba, 04/09/2012, 08:00
Nhà văn Trần Diễn tâm sự rằng, ông đến với văn chương một cách tự nhiên, giống như một người có nhu cầu giãi bày tâm sự và thật may mắn, ông đã giãi bày được lòng mình trên nhiều trang viết. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói rằng: "Mình cứ túc tắc với văn chương, túc tắc với đời thôi...".

Đại tá, nhà văn Trần Diễn vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 13. Gắn bó với đề tài an ninh trật tự ngay từ tiểu thuyết đầu tay có tên "Mã số 07", đến tiểu thuyết gần đây nhất là "Tình án", dường như nhà văn Trần Diễn có một "mạch nguồn" mà dẫu ông đã khơi nhiều lần, cảm hứng vẫn luôn tuôn trào.

Từ ngày về hưu, nhà văn - Đại tá Công an Trần Diễn - nguyên Giám đốc NXB Công an nhân dân có thói quen chiều nào cũng cùng mấy cựu chiến binh trong khu ra đầu phố làm vài cốc bia hơi với lạc rang. Có hôm, hứng chí ông còn đi bộ từ nhà riêng ở phố Yên Lạc lên Văn phòng thường trực của Chi hội Nhà văn Công an (100 Yết Kiêu) để rủ nhà văn Ngôn Vĩnh đi... uống bia. Về hưu, thời gian rảnh rang, ông dành nhiều thời gian quan tâm, đầu tư chăm chút cho những trang viết của mình hơn. Mấy kỳ Chi hội Nhà văn Công an tổ chức trại viết, ông đều tham gia tích cực, có tác phẩm trình làng. Ở đâu có Trần Diễn, không khí có phần "giãn nở" bởi ông vốn có tính hài hước, hay pha trò để mọi người cười vui.

Nhưng dễ đến 9 tháng nay, ông Đại tá chẳng được đi uống một trận bia nào cả. Ông bảo: "Không được đi uống bia, nhớ lắm, buồn lắm! Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc trong bệnh viện thôi. Đi đâu thì cũng chỉ là đi từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện lại về nhà...". Ấy là vì hồi tháng 11 năm ngoái, nhà văn Trần Diễn bị một cơn đột quỵ, khiến ông bị liệt nửa người bên trái. Rất may là trí tuệ của nhà văn không bị ảnh hưởng, nên sau một thời gian được gia đình chữa chạy, trị liệu, đến nay ông đã nhúc nhắc đi lại được, có thể lên được cầu thang một cách chậm chạp. Với ông và gia đình, đó là điều đáng mừng. Từ ngày ông ngã bệnh, gia đình ông sắm thêm một chiếc giường nhỏ, kê ngay ở ngoài phòng khách để cho nhà văn tiện sinh hoạt, trò chuyện với mọi người khi có khách tới chơi. Lâu nay, ông đảm nhiệm thêm "chân" Tổng biên tập Tạp chí Sách và đời sống, lấy luôn nhà riêng làm tòa soạn nên khách khứa, cộng tác viên cũng thường ghé đến chơi thăm luôn.

Từ khi ngã bệnh, trải qua nhiều đợt điều trị, đến giờ, hàng ngày Trần Diễn vẫn phải thuê bác sĩ đến xoa bóp, tập luyện phục hồi chức năng. Khoảng tháng nay, sức khỏe của nhà văn khá lên nhiều. Da dẻ ông trông hồng hào hơn cách đây vài tháng tôi gặp. Tinh thần của ông cũng vui tươi hơn trước. Những lúc cảm thấy người đủ khỏe, ông lại lôi kịch bản phim truyền hình dài 30 tập "Chàng kỹ sư và hai người tình" mà ông viết từ trước khi bị ốm ra để chỉnh sửa, hoàn thiện. Ông còn có kịch bản phim "Cô gái chạy trốn" dài 30 tập đã ký hợp đồng với nhà sản xuất nhưng hiện giờ vẫn còn ngần ngại chưa muốn tiết lộ thông tin. Nhà văn cho biết: "Trí tuệ còn minh mẫn, tôi không quên một điều gì, vẫn say mê nghề viết lắm. Còn gì sung sướng hơn được viết ra trang giấy những điều mình nghĩ suy, trăn trở và một ngày nó thành cuốn sách cầm được trên tay. Nhưng không dám chìm vào sáng tác, chỉ sợ huyết áp lại vụt lên thì nguy. Tôi vẫn biết người bị bệnh cao huyết áp là phải duy trì một chế độ ăn uống, tập luyện, làm việc nghỉ ngơi điều độ, nhưng tôi cứ ngồi vào bàn viết, vào "mạch" rồi là tôi bị cuốn hút không sao dứt ra được. Có khi tôi ngồi viết liền một mạch từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Nhưng giờ thì tôi sợ rồi, chỉ một cơn tai biến nữa thì... gay to".

Sau khi cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết "Người con di trú" năm 2009, nhà văn Trần Diễn bắt tay ngay vào viết tiểu thuyết "Tình án" - cuốn tiểu thuyết thứ 13 của ông và cũng là cuốn có độ dày nhất (gần 700 trang) và tiêu tốn nhiều tâm sức của ông. Tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống năm 2011 ở Nha Trang, ông đem cuốn tiểu thuyết này theo để chỉnh sửa, hoàn thiện trong thời gian dự trại. Không may sau đó, ông bị ngã bệnh. Cuốn tiểu thuyết đã ra mắt độc giả hồi tháng 6 vừa qua. Bà Nguyễn Thị Sâm - vợ của nhà văn cho biết: "Nhiều đêm, thấy ông ấy thức khuya quá, tôi lên phòng bảo: Anh đi ngủ thôi! Làm gì thì làm, phải quý lấy cái sức khỏe của mình. Nhưng lúc nào ông ấy cũng "cự" lại: Để anh viết nốt đoạn này, đấy là niềm đam mê của anh! Làm việc nhiều, có khi quên cả uống thuốc mới ra nông nỗi ấy đấy. Nhưng mà, được thế này rồi là vẫn còn may chán. Nhiều lúc ông ấy thèm được đi uống bia lắm, nhưng tôi nhất định không cho đấy!".

Tôi đọc được trong ánh mắt, trong câu nói của bà Sâm niềm yêu thương, trìu mến dành cho chồng. Nhiều tháng nay, bà Sâm ngày ngày lo toan mọi việc cho chồng, từ ăn uống, tắm gội, thay áo quần, rồi đưa chồng vào ra các bệnh viện... Nhà văn Trần Diễn vốn là một người nhạy cảm, rất hay xúc động. Bà Sâm kể rằng, hôm nhận được tin chị Nguyễn Thị Lý - phu nhân của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước không may qua đời trong một tai nạn giao thông, nhà văn Trần Diễn đã ngồi khóc rất lâu. Khi nghe vợ nhắc lại chuyện ấy với tôi, vẫn mang nỗi niềm thương cảm, nhà văn lại khóc nấc lên như một đứa trẻ. Đến nay, nhà văn Trần Diễn luôn phải có người thân bên cạnh để kìm chế những cơn xúc động tương tự, phòng khi bệnh cũ tái phát.

Nhà văn Trần Diễn từng trải qua nhiều lĩnh vực công tác trước khi về gắn bó với NXB Công an nhân dân. Từ một biên tập viên mẫn cán với công việc, ông lần lượt giữ cương vị Trưởng phòng, Phó Giám đốc rồi Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2005). Khi còn là biên tập viên, cầm mỗi bản thảo trên tay, nhà văn Trần Diễn đều đọc đi đọc lại kỹ càng. Ông quan niệm: "Sửa cho người ta cũng như sửa cho mình vậy. Mình quý câu chữ của mình thế nào thì người ta cũng thế. Tôi luôn làm việc bằng lòng say mê, từ khi về NXB Công an nhân dân năm 1981 đến nay, niềm đam mê ấy của tôi không thay đổi...".

Năm 1984, Trần Diễn cho trình làng tiểu thuyết đầu tay "Mã số 07" - một tiểu thuyết phán gián, được NXB Quân đội nhân dân ấn hành với số lượng 40 ngàn bản. Vài năm sau đó, tiểu thuyết "Cuộc truy tìm T72" cũng ra mắt và cuốn tiểu thuyết này tới nay đã được tái bản 3 lần, với tổng lượng in lên tới 80 ngàn bản. Nhà văn Trần Diễn chia sẻ: "Đây là cuốn tiểu thuyết tôi nhận được số tiền nhuận bút nhiều nhất. Số tiền ngày ấy lấy về, đủ mua 1 cái... tủ lạnh. Vui lắm, oách lắm!".

Cái tủ lạnh bây giờ quả là thứ đồ gia dụng mà nhà nào ở thành phố cũng có, nhưng vào những năm 80 của thế kỷ trước, món đồ ấy được coi là xa xỉ. Ngay ở Hà Nội cũng không mấy gia đình có được. Bởi thế, nhắc lại chuyện này, nhà văn Trần Diễn vẫn không giấu được niềm vui. Gương mặt ông sáng lên niềm tự hào khi nhớ về một thời xưa cũ. Có thể những năm sau này, ông có mức nhuận bút cao hơn, đoạt được một vài giải thưởng với số tiền đủ mua vài cái tủ lạnh là đằng khác, nhưng niềm vui ngày ấy với nhà văn Trần Diễn vẫn không gì thay thế được.

Gắn bó với văn học về đề tài an ninh trật tự ngay từ tiểu thuyết đầu tay, đến nay, "ý chí" ấy của nhà văn Trần Diễn vẫn không thay đổi. Ông bảo, đến giờ ông vẫn mê đề tài này như... điếu đổ. Trong nhiều năm, ông đã dành thời gian, công sức tìm hiểu nhiều vụ án lớn nhỏ, đi thực tế để thu nạp cho mình vốn sống, kinh nghiệm và luôn tiếp thêm năng lượng hàng ngày để "chinh chiến" với mảng đề tài này. Đúng là "mỗi cây mỗi dáng", mỗi người có một "tạng" văn khác nhau, nhưng một người đam mê, tâm huyết, một lòng một dạ với đề tài an ninh như nhà văn Trần Diễn quả là đáng nể trọng. Tên ông trở nên thân thiết với bạn đọc yêu thích văn học thể loại trinh thám - phản gián với các tiểu thuyết như "Bức thư giải oan", "Đứa con lạc mẹ", "Hai người tìm nhau", "Trùm phản chúa", "Phần đời còn lại"... Trong đó, hai tiểu thuyết "Bức thư giải oan" và "Đứa con lạc mẹ" từng được giải Nhì và giải Ba trong cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Hội Nhà văn và Bộ Công an tổ chức.

Quả thật, bây giờ, nhà văn Trần Diễn có muốn hối hả... với đời cũng không được nữa rồi. Mọi thứ với ông chỉ là túc tắc thôi. Trong cuộc trò chuyện với tôi buổi sáng hôm ấy, ông nói, ông vẫn muốn... túc tắc với văn chương, bởi niềm đam mê trong ông chưa khi nào ngừng chảy. Trong điều kiện sức khỏe của ông hạn chế như bây giờ, ý định ấy khiến tôi thực sự xúc động. Ông mong một ngày nào đó ông có thể bình phục hoàn toàn để lại được viết một cách... thả phanh, được đi làm vài cốc bia hơi, nói chuyện thời sự trong nước và thế giới với các cụ cựu chiến binh cùng tổ dân phố mỗi chiều về. Và nhất là khi có Trại sáng tác văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, ông lại có thể tham gia đều đặn như mấy năm gần đây... Nhưng mong ước ấy biết bao giờ mới tới?

Hà Anh
.
.