Cuốn sách được đọc nhiều trong mùa lễ Giáng sinh
Charles Dickens (1812-1870) là một trong những nhà văn Anh được đọc nhiều nhất trên thế giới. Tạp chí Ogonek của Nga cách đây ít lâu đã xếp ông đứng thứ hai (sau William Shakespeare) trong danh sách 10 nhà văn có tác phẩm được dựng thành phim nhiều nhất (tính đến nay là gần 300 lần). Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Dickens gồm có "Oliver Twitst", "David Copperfield","Bài hát Giáng sinh", trong đó, "Bài hát Giáng sinh" là một trong những tác phẩm được chuyển thể nhiều. Cuốn sách mỏng mảnh (kể về nỗi dằn vặt của một người đàn ông cho vay nặng lãi khi đêm trước của Giáng sinh đã gặp phải những bóng ma của quá khứ, cảnh đói rét, bệnh tật bủa vây quanh mình...) đã tạo nên một dư chấn trong công luận. Hiện cuốn sách đã được dịch ra hầu khắp các ngôn ngữ trên thế giới.
Chuyện kể rằng, khi sách được phát hành, bất kỳ người Anh nào gặp nhau trên đường đều hỏi nhau đã đọc cuốn đó chưa? Và đa phần đều đáp: "Có, tôi đọc rồi, cầu Chúa phù hộ cho ông ấy".
"Bài hát Giáng sinh" được xuất bản lần đầu vào năm 1843. Bấy giờ, mặc dù mới 31 tuổi song Dickens đã nổi lên như một người kể chuyện kỳ tài, làm say lòng nhiều tầng lớp độc giả. Tương truyền, khi các nhà sách tổ chức buổi đọc truyện do chính Dickens thực hiện, nhiều độc giả đã lặn lội từ thôn quê lên thành phố, mang theo chăn màn và đến từ đêm trước để… xí chỗ. "Tiếng lành đồn xa", từ đó, mỗi khi Dickens chuẩn bị cho ấn hành một tác phẩm mới, độc giả luôn háo hức đón chờ. Ngay ngày đầu xuất hiện, "Bài hát Giáng sinh" đã phát hành được một ngàn cuốn. Tới tháng sau, sách đã phát hành được 15 ngàn cuốn. Rồi từ đó, sách được tái bản liên tục với số lượng in không tính xuể. Từ thực tế ấy, đã có người nhận xét rằng, "Bài hát Giáng sinh" là "cuốn sách nhỏ có giá trị nhất thế giới". Nhiều độc giả "nhí" vì quá yêu thích cuốn sách đã đặt cho tác giả biệt danh "Ông già Noel".
Nội dung cuốn sách có thể tóm lược như sau:
Ngày Giáng sinh tới gần. Như thường lệ, với thói bủn xỉn của mình, lão Ebenezer Scrooge xua đuổi đám trẻ em tới trước cửa hát Chúc Mừng Giáng Sinh. Rồi thì lão cất lời quát mắng người giúp việc Crachit trung thành và cả đứa cháu trai Fred tốt bụng. Rõ là lão không có ý định tận hưởng không khí Giáng sinh như mọi người. Về nhà, một mình nằm co ro bên lò sưởi, đêm ấy lão đã gặp hồn ma của Jacob Marley, người đã chết 7 năm nay nhưng từng một thời là đối tác làm ăn của lão. Vì đang phải trả giá bởi sự nhẫn tâm khi sống nên hồn ma Jacob Marley muốn giúp lão Ebenezer Scrooge tỉnh ngộ để không phải chịu chung kết cục như mình. Hồn ma Jacob Marley cũng báo cho Scrooge biết sẽ có ba hồn ma khác sẽ viếng thăm lão trong đêm đó.
Một cảnh trong phim "Bài hát Giáng sinh" chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên của Dickens. |
Lần lượt, hồn ma Quá khứ, hồn ma Hiện tại và hồn ma Tương lai đã hiện lên, đưa Scrooge qua một chuyến hành trình kỳ lạ. Hồn ma Quá khứ đưa lão trở lại thuở ấu thơ, ở đó, Scrooge gặp một cậu bé mặt mũi sáng sủa, vừa đi vừa khóc vì bị bạn giật mất đồ chơi. Cậu bé đó không ai khác - chính là lão năm xưa. Rồi cũng cậu bé đó, sau này trở thành một thanh niên. Chàng thanh niên đính hôn với một thiếu nữ trẻ đẹp tên gọi Belle. Hai người đã chia tay nhau với lời trách cứ của cô gái: "Tôi không chịu nổi tính keo kiệt và ích kỷ của anh nữa". Kỷ niệm buồn được nhắc lại khiến lão Scrooge rơi nước mắt vì hối tiếc… Hồn ma Hiện tại đưa Scrooge tới khu nhà của Cratchit để lão tận mắt chứng kiến cuộc sống túng quẫn, ngập chìm trong nghèo khó và bệnh tật của gia đình người giúp việc. Tiếp đó, hồn ma đưa lão ghé thăm gia đình người cháu Fred. Trong bữa tiệc mừng Giáng sinh được tổ chức tại nhà người cháu này, lão Scrooge đã chứng kiến nhiều trò đố vui mà câu trả lời như ngầm phê phán cuộc sống buồn thảm của lão. Cuối cùng, hồn ma Tương lai xuất hiện, dẫn dắt Scrooge tới thăm đám ma của một người mới qua đời. Tại đây, lão Scrooge nghe được các thương gia bàn tán về đống của cải kếch sù của người quá cố; những kẻ bất lương thì thả sức chia chác những thứ giờ đã trở nên vô chủ; một cặp vợ chồng trẻ thì hoan hỉ vì người mà họ cho là ác độc đã không còn trên đời. Scrooge nóng lòng muốn biết người chết là ai. Đúng lúc ấy thì trước mắt lão hiện ra một nghĩa trang, trong nghĩa trang là một ngôi mộ mới và lão vô cùng khiếp đảm khi thấy cái tên đề trên bia mộ chính là… tên lão. Bừng tỉnh giấc, lão Scrooge hoàn toàn thay đổi quan niệm sống. Lão quan tâm, sống mở lòng với mọi người. Tài sản của lão được dùng vào việc từ thiện. Mọi người còn trông thấy lão hân hoan ôm đóng quà lớn đi phát cho trẻ em nghèo và cùng đám trẻ cất cao lời hát mừng Giáng sinh.
Trở lại với điều chúng tôi đã nói ở đầu bài viết: "Bài hát Giáng sinh" là một trong những tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất. Vì chứa đựng trong nội dung một ý nghĩa nhân văn cao cả nên từ khi ra đời tới nay, "Bài hát Giáng sinh" của Dickens đã có nhiều phiên bản nghệ thuật. Và các phiên bản này thường được xuất hiện vào dịp cuối năm để mừng lễ Giáng sinh.
Một điều nữa cũng cần phải nói, lý do để "Bài hát Giáng sinh" nhiều lần được dựng phim, đúng như nhận xét của đạo diễn Robert Zemecki "Dường như Charles Dickens sáng tác câu chuyện này để được dựng thành phim, rất trực quan và đầy chất điện ảnh. Một câu chuyện về đề tài du hành thời gian hay nhất từng được viết nên và tôi muốn thể hiện bộ phim theo cách mà tôi tin tác giả của quyển sách đã hình dung". Robert Zemecki là tác giả bộ phim hoạt hình "Bài hát Giáng sinh" được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Dickens. Bộ phim có thời lượng 96 phút, được các nhà sản xuất tận dụng triệt để công nghệ 3D. Do muốn truyền đạt được đúng tinh thần mà Dickens thể hiện trong tác phẩm của mình, đạo diễn Zemecki đã xây dựng nên một bộ phim Giáng sinh khá "nặng" theo đúng nghĩa đen của nó (phim được cảnh báo là khi đi xem, trẻ em nên có người lớn đi kèm).
Mở đầu của phim là cảnh xác chết và quan tài. Ngoài ra là hàng loạt tình tiết rùng rợn. Chưa nói đến sự xuất hiện của các hồn ma, ngay gương mặt và hình dáng của nhân vật lão Scrooge xuất hiện ở nửa đầu bộ phim cũng khiến các khán giả "nhí" phải kinh hãi. Tất nhiên, vì phim có nhắc nhiều tới lễ Giáng sinh nên bên cạnh những gam màu u ám, đây đó cũng xuất hiện những gam màu ấm áp, như ánh sáng phát ra từ những ngọn nến hoặc từ nhà bếp, lò sưởi. Phần âm nhạc được sử dụng trong phim với sự góp sức của nhạc sĩ lừng danh Alan Silvestri cũng góp phần đem đến cho khán thính giả những xúc cảm rạo rực trước ngày lễ Giáng sinh đang tới gần… Phim "Bài hát Giáng sinh" của đạo diễn Robert Zemecki đã được công chiếu phục vụ khán giả trong mùa Giáng sinh 2009.
Cũng thời gian đó, theo chân đạo diễn người Anh Paul Stebbings và một số diễn viên của Nhà hát TNT (Anh), một vở nhạc kịch được chuyển thể từ tác phẩm này của Dickens đã đến với khán giả Việt Nam, trước tiên là ở Tp HCM, rồi ra Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là tới Hà Nội. Vở nhạc kịch sau đó còn được công diễn tại một số nước ở Đông Nam Á. Tại London, tài tử điện ảnh Jim Carrey cũng tỏ ra rất hào hứng khi được tham gia bộ phim phỏng theo nội dung cuốn sách này của Dickens.
Để lý giải thêm về sức hút của "Bài hát Giáng sinh", một tác phẩm được hầu như hết thảy người dân ở mọi quốc gia yêu thích và truyền tụng theo kiểu "mẹ kể con nghe" vào dịp lễ Giáng sinh hằng năm, hãy nghe tâm sự của diễn viên Jim Carrey, người được chọn vào vai lão Scrooger trong phim của đạo diễn Robert Zemecki: "Ai ai cũng ưa thích một câu chuyện có hậu, ở đó kẻ xấu biến thành người tốt; những người có suy nghĩ thiển cận cuối cùng đã hiểu ra đâu mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đây là một câu chuyện như thế, một câu chuyện hay nhất về chủ đề đó".
Bà Lucinda Dickens Hawsksley, một người chắt của văn hào Dickens kể rằng, "Bài hát Giáng sinh" là cuốn sách mà bà yêu thích nhất. Bà thường đọc lại nó mỗi dịp Giáng sinh và ngạc nhiên nhận thấy, ngay cả những cháu bé cũng thích cuốn sách này