Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu: Sáng tác xong rồi cất kho?

Thứ Năm, 25/06/2020, 11:18
Trước tình trạng khan hiếm các sản phẩm âm nhạc và sân khấu đi sâu vào vấn đề nóng bỏng của xã hội, viết về quê hương, đất nước, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức “Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu”. Mặc dù cuộc vận động thu hút đông đảo gương mặt chuyên và không chuyên tham dự nhưng đề cập đến cơ chế đầu ra cho tác phẩm, các tác giả không khỏi băn khoăn lo ngại.


Cuộc vận động mang chủ đề “Mãi mãi một tình yêu”, được phát động từ tháng 1-2020 như một sự kiện văn hóa tiêu biểu nhằm chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm âm nhạc, sân khấu có đề tài mang tính thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung có chất lượng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao đang khan hiếm. Vì thế, cuộc vận động là một trong những sân chơi nghệ thuật tạo điều kiện cho các tác giả đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo của mình cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nói chung”.

Đến nay, ban tổ chức đã nhận hơn 100 tác phẩm dự thi ở nhiều lĩnh vực như cải lương, âm nhạc, kịch nói, hát bội... của các tác giả trên cả nước. Ngoài những gương mặt mới mẻ, cuộc vận động còn quy tụ những tác giả nổi tiếng như nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Đông, Phạm Minh Tuấn, Trương Quang Lục, Lê Văn Lộc, Nguyễn Quang Minh, biên kịch – đạo diễn Lê Chí Trung, Trần Kim Khôi, soạn giả Đăng Minh, Vương Huyền Cơ...  Các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Quang Vinh, Đức Trịnh, Võ Thiện Thanh… cũng gửi tác phẩm để hưởng ứng (tức không tranh giải), tạo sự lan tỏa cho cuộc thi sáng tác này.

Một cảnh trong vở kịch “Rặng trâm bầu” của Sân khấu Trịnh Kim Chi.

Các tác phẩm khai thác đa dạng khía cạnh cuộc sống, đặc biệt xoáy sâu vào định hướng của cuộc vận động là: truyền thống anh hùng, sự năng động, sáng tạo, nghĩa tình của thành phố mang tên Bác; cổ vũ, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết, phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong thời kỳ hội nhập.

Tuy nhiên ban tổ chức mong muốn nhận thêm nhiều tác phẩm ở loại hình nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, các tác phẩm đi sâu vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam, tấm gương người tốt – việc tốt, tác phẩm dành cho thiếu nhi... vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, ban tổ chức tiếp tục kéo dài cuộc vận động đến hết ngày 30-7.

Cũng như rất nhiều cuộc thi, cuộc vận động hay trại sáng tác do Nhà nước tổ chức, cuộc vận động lần này vấp phải không ít e ngại, lo lắng của các tác giả về đầu ra cho đứa con tinh thần của mình. Ai cũng hiểu đa số các cuộc vận động đều nhằm làm phong phú, đa dạng hơn nguồn tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, đậm tính thời sự, phản biện xã hội, góp phần cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Song nó thường được tổ chức nhân dịp lễ lạt, chào mừng các sự kiện trọng đại nên không ít ý kiến cho rằng các tác phẩm dự thi chỉ để “cúng cụ”.

Tại buổi họp báo thông tin giai đoạn đầu và ghi nhận ý kiến cho “Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu”, nhạc sĩ của nhiều bản hit là Châu Đăng Khoa thẳng thắn: “Nếu chúng ta vận động sáng tác chỉ để mở ở những dịp đặc biệt thì bản thân tôi sẽ không hào hứng lắm”.

Là người có tác phẩm dự thi, soạn giả Vương Huyền Cơ thú thật: "Dù rất hoan nghênh các cuộc vận động sáng tác như vầy nhưng khi tham gia, chúng tôi không khỏi trăn trở nên viết cái khán giả mong muốn hay viết cái ban giám khảo cần. Viết cái giám khảo cần thì dễ đoạt giải cao nhưng lại rất khó tiếp cận khán giả đại chúng sau này. Đây là thực tế dễ nhận thấy trong nhiều năm qua”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng thực ra các ca khúc về đề tài quê hương, đất nước hay các vấn đề xã hội không thiếu vì anh nhận thấy bạn bè, đồng nghiệp sáng tác khá nhiều dù để có ca khúc ở đề tài này không hề dễ.

Nhưng sáng tác là một chuyện, còn khâu phổ biến đến đại chúng mới là thách thức. Do ca khúc quê hương, xã hội không được ca sĩ trẻ hiện nay ưu ái nên nhạc sĩ sáng tác xong đành cất kho. Thành ra ai cũng nghĩ ít ca khúc về đề tài này. Riêng về mảng ca khúc cho thiếu nhi, bản thân nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã sáng tác hơn 300 tác phẩm. Tuy vậy độ phổ cập của những ca khúc này so với những tình khúc mà anh viết trước đó còn rất hạn chế.

“Khán giả, đặc biệt là giới trẻ, chỉ thích những ca khúc về tình yêu. Nhạc sĩ sáng tác tình khúc dễ quảng bá và thu lợi nhuận cao hơn vì nó có tính thương mại. Còn ca khúc thiếu nhi thì rất ít kênh, đài phát sóng. Nghịch lý là gameshow cho trẻ em trên truyền hình nhan nhản nhưng các bé lại phải hát bài người lớn” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giãi bày.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng chỉ rõ: “Ở thị trường âm nhạc, tính giải trí quá nhiều trong khi tính giáo dục thẩm mỹ và bồi dưỡng tâm hồn quá ít. Những tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi, cuộc vận động nói chung, chúng ta cho là hay, là đỉnh cao nhưng mà không có khán giả thì cũng vô nghĩa”.

Ở mảng sân khấu, các ông bà “bầu” của sân khấu kịch nói, cải lương... luôn kêu trời vì thiếu trầm trọng kịch bản khai thác các vấn đề nóng hổi, thời sự của đất nước. NSƯT Trịnh Kim Chi, Giám đốc Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cho hay đơn vị của chị rất chú trọng đề tài truyền thống, chiến tranh, cách mạng. Nhưng đặt hàng và đi tìm nguồn kịch bản rất khó khăn vì rất ít tác giả viết đề tài này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mong muốn cơ quan quản lý làm “bà đỡ” cho các ca khúc thiếu nhi, đề tài xã hội.

Bỏ nhiều tâm sức, các nhà biên kịch thường lo sợ, không biết có đơn vị nào chịu dàn dựng “đứa con tinh thần” hay không. Nếu dàn dựng được rồi thì sân khấu kịch lại sốt vó vì khâu bán vé. Cách đây vài năm, khi dựng vở “Rặng trâm bầu”, cực chẳng đã, Trịnh Kim Chi phải bỏ tiền túi để thực hiện vở diễn dù tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá rất tốt, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các liên hoan, hội diễn. Đến thời điểm này, chị vẫn phải bỏ tiền túi để thực hiện hầu hết các vở diễn thuộc mảng đề tài chiến tranh, cách mạng. Nhưng nguồn kinh phí có hạn nên các vở diễn này không biết sẽ cầm cự được bao lâu.

Trước những tồn tại trên, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Ngành sân khấu đang khan hiếm tác phẩm hay, nhưng không phải là không có tác giả tâm huyết mà vì họ đang lo không có “bà đỡ”.

Nên chăng, cơ quan quản lý đã là người khởi xướng thì cũng là “bà đỡ” cho nghệ thuật? Nhà nước cần đặt hàng kịch bản vở diễn và đặt hàng các đơn vị làm ra vở diễn, như vậy sẽ tạo ra làn sóng mạnh mẽ kích thích sự sáng tạo của người làm nghệ thuật”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì bày tỏ nguyện vọng: “Tôi mong sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để các bài hát thiếu nhi hay quê hương, đất nước được phổ biến. Trên đài truyền hình cần có những chương trình ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi tương tự như “Những bông hoa nhỏ” ngày xưa để bài hát thiếu nhi được phát sóng thường xuyên hơn. Có được đất sống thì các nhạc sĩ sẽ biết phải làm gì”.

Góp phần tháo gỡ bế tắc, giải tỏa băn khoăn cho văn nghệ sĩ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho hay sau cuộc vận động, các tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao sẽ được ban tổ chức đầu tư thực hiện như trách nhiệm kép của mình.

Tùy mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có cách quảng bá linh hoạt: sản phẩm âm nhạc có thể được thực hiện MV để phát trên phương tiện truyền thông, các vở kịch được dàn dựng ở sân khấu lớn vốn thu hút đông đảo khán giả. Kế hoạch quảng bá, hoàn thiện tác phẩm và biểu diễn lâu dài sẽ được vạch ra tỉ mỉ, chi tiết nhằm lan tỏa các giá trị tư tưởng và nghệ thuật đỉnh cao đến công chúng.

Ngoài cơ quan quản lý Nhà nước, việc quảng bá tác phẩm sẽ có sự chung sức của nguồn lực xã hội hóa. Bởi khi các nguồn lực xã hội hóa cùng hỗ trợ, tham gia đặt hàng, thực hiện thì tác phẩm mới có một đời sống độc lập vững chắc, đưa thông điệp tiến xa hơn.

Mai Quỳnh Nga
.
.