Cuộc thi Nghệ thuật Chèo Toàn quốc 2016: Giữ lửa đam mê giữa thời gian khó

Thứ Sáu, 30/09/2016, 09:03
Đến hẹn lại lên, cuộc thi Nghệ thuật Chèo Toàn quốc 2016 đã khai mạc tối 24-9 tại tỉnh Ninh Bình. Diễn ra trong 12 ngày (từ 24-9 đến  8-10), cuộc thi không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người làm nghề, là dịp để khán giả yêu chèo được dịp thưởng thức những tác phẩm chèo xuất sắc nhất trong 3 năm qua mà còn qua đó nhân lên tình yêu của nghệ sĩ, khán giả với sân khấu truyền thống. Dù vẫn biết, với chèo vẫn còn vô vàn những khó khăn, bất cập đang chờ trước mắt.


Cuộc thi nghệ thuật Chèo toàn quốc là hoạt động 3 năm/ lần do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với mục tiêu tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mang đến cho khán giả và đồng nghiệp những vở diễn hay được dàn dựng trong thời gian vừa qua.

Đây là cơ hội để các đơn vị tập trung xây dựng vở diễn mới phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, tôn vinh các đơn vị, nghệ sĩ có những đóng góp tích cực cho sân khấu chèo nước nhà. Đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật chèo, các nghệ sĩ giao lưu, học tập trao đổi, phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật. Qua đó có thêm nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay có sự tham gia của gần 800 cán bộ, nghệ sĩ diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật Sân khấu truyền thống trên toàn quốc cùng 27 vở diễn. So với cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 diễn ra tại Hải Phòng thì số đơn vị tham gia giảm đi 1 đơn vị, tuy nhiên, số lượng tác phẩm dự thi lại tăng hơn so với lần trước 3 tác phẩm.

Ngoài anh cả của sân khấu chèo là Nhà hát Chèo Việt Nam thì cuộc thi quy tụ đông đảo những địa phương có nhà hát chèo như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam...

Một cảnh trong vở “Cánh chim trắng trong đêm” của Nhà hát chèo Hà Nội.

Ban Tổ chức cũng cho biết, tác phẩm tham dự cuộc thi có thời lượng từ 90 đến 150 phút, là những vở diễn được dàn dựng từ tháng 6 - 2013 đến nay và chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức, không sử dụng kịch bản nước ngoài... Năm nay, vở chèo "Cánh chim trắng trong đêm" của Nhà hát Chèo Hà Nội được chọn là vở diễn mở màn cho cuộc thi.

Lâu nay, tình trạng mưa huy chương, giải thưởng ở những hội diễn, cuộc thi đã khiến nhiều người cho rằng, những kỳ cuộc này là cơ hội cho các đoàn, các nghệ sĩ lấy huy chương đặng sau này nhận danh hiệu hơn là đánh giá một cách thực chất những sáng tạo, tiến bộ trong hoạt động nghệ thuật.

Chính vì thế, quy chế giải thưởng năm nay cũng quy định rõ: số lượng giải thưởng cho vở diễn không quá 35% tổng số vở diễn tham gia cuộc thi trong đó số lượng Huy chương Vàng cho vở diễn không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng của vở diễn.

Số lượng giải thưởng cho diễn viên không vượt quá 35% tổng số diễn viên có trong bảng phân vai của các vở diễn tham gia cuộc thi. Trong đó, số lượng Huy chương vàng cho diễn viên không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng của diễn viên. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét để trao bằng chứng nhận kèm theo tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và giải thưởng xuất sắc nhất cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo...

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã phân công cho các đơn vị: Nhà hát Chèo Hải Dương, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Ninh Bình mang những vở diễn tham gia dự thi đến biểu diễn phục vụ nhân dân ở một số huyện thuộc tỉnh Ninh Bình.

Cuộc thi mới bắt đầu những ngày đầu tiên, thật khó có thể đánh giá chất lượng những vở diễn năm nay, tuy nhiên, số lượng 27 vở diễn cho một cuộc thi là một con số không nhỏ. Với những đơn vị nghệ thuật có tiếng như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Hà Nội... thì hàng năm vẫn dựng vài ba vở và họ vẫn luôn là những đơn vị có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất. Những nhà hát chèo địa phương với những khó khăn về kinh phí nên cũng cố gắng túc tắc để mỗi Liên hoan, cuộc thi có một vở diễn tham gia.

Cuộc thi nghệ thuật chèo Toàn quốc diễn ra trong bối cảnh chèo cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác vẫn rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Những khó khăn ấy đã tồn tại nhiều năm qua, được chỉ ra từ lâu nhưng không dễ gì giải quyết.

So sánh quả là khập khiễng nhưng nếu như ở những kỳ Liên hoan phim, những nghệ sĩ điện ảnh luôn được các khán giả háo hức chào đón thì lâu nay những Liên hoan chèo, tuồng, dân ca... dường như chỉ dành riêng cho những người làm nghề. Đã từng có những cuộc khảo sát mà ngay cả những người dân sống ở địa phương nơi diễn ra các Liên hoan nghệ thuật truyền thống cũng không hay biết tới sự kiện này.

Một trong những tình trạng mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... đang gặp phải là thiếu thốn về nguồn nhân lực ở tất cả mọi phương diện như kịch bản, đạo diễn, diễn viên... Để có được một tác phẩm sân khấu chèo hay, trước hết phải có một kịch bản hay nhưng tình trạng "đốt đuốc đi tìm kịch bản" từ lâu chưa được giải quyết.

Tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2013, dù có tới 24 tác phẩm dự thi nhưng ít kịch bản mới mà đa số là những kịch bản được chuyển thể từ các kịch bản của các loại hình sân khấu khác. Nhiều đoàn nghệ thuật thì dựng lại những kịch bản có cách đây cả chục năm. Tại cuộc thi năm ấy, Tiến sĩ, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn có 5 tác phẩm dự thi.

Nhà viết kịch Trần Đình Văn - con trai của nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, niềm hy vọng của sân khấu chèo - có 3 vở. Nhưng rồi, sự ra đi đột ngột của của nhà viết kịch Trần Đình Văn khi sức sáng tạo của anh đang ở độ sung mãn nhất đã thực sự đem lại một khoảng trống khó bù đắp cho sân khấu chèo. Đã thiếu còn vắng hơn. Ngoài Tiến sĩ Trần Đình Ngôn thì cho đến thời điểm này, dường như không còn ai viết riêng cho chèo nữa mà các nhà hát đều phải chuyển thể từ kịch nói sang chèo.

Không chỉ thiếu kịch bản hay, sân khấu chèo còn thiếu vắng những đạo diễn có tay nghề để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang tính đột phá. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi bao năm nay, tại những cuộc thi, liên hoan chúng ta vẫn bắt gặp những tên tuổi đạo diễn như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng...

Đội ngũ nghệ sĩ diễn viên cũng không khả quan hơn. Có dịp trò chuyện với những người làm công tác đào tạo, tuyển chọn diễn viên mới thấy chưa khi nào công việc ấy lại gian nan và cười ra nước mắt như hiện nay. Nếu như thời sân khấu ở giai đoạn đỉnh cao, thường có rất nhiều bạn trẻ tham gia tuyển diễn viên. Nhưng giờ đây, dù có dán thông báo tới tận các trường THPT thì đôi khi số lượng đăng ký còn ít hơn cả... thành phần ban giám khảo.

Có những bạn đánh liều đi học nghệ thuật vì không biết học gì. Rồi tới khi vào học số lượng này cũng chưa chắc. Người thì bỏ dở giữa chừng để học ngành khác. Người thì tặc lưỡi học cho xong cái bằng rồi đi xin việc nơi khác. Chung quy cũng chỉ vì tương lai khó ai có thể sống được bằng nghề.

Quẩn quanh trong những cái khó, sân khấu chèo rơi vào mâu thuẫn giữa việc giữ nguyên bản sắc hay thay đổi để tồn tại? Không khó để nhận ra, tại các kỳ cuộc Liên hoan chèo luôn có hai khuynh hướng khá rõ rệt: khuynh hướng bám trụ, tôn trọng các thủ pháp truyền thống của chèo một cách tối đa và một khuynh hướng muốn cách tân để làm mới chèo.

Suy cho đến cùng, những người đau đáu với sân khấu chèo chỉ mong muốn làm thế nào để sân khấu chèo đỏ đèn mỗi đêm và những nghệ sĩ sống được bằng nghề. Cho đến nay, đã có một số nhà hát chịu khó đầu tư vào vở diễn, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cho các vở diễn như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam... Tuy nhiên, điều này chỉ có thể dễ thực hiện với những nhà hát đóng quân ở những thành phố lớn còn gần như không thể ở các địa phương.

Tương lai của ngành chèo còn phụ thuộc vào việc có được một thế hệ khán giả hiểu chèo và yêu chèo. Nhiều năm qua, Nhà hát Kịch Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện đề án xây dựng lớp khán giả kế thừa áp dụng với 150 trường ở cả ba cấp học.

Dưới sự bảo trợ chuyên môn của Nhà hát Chèo Việt Nam, Dự án "Chèo 48h" tiếp tục khởi động với các lớp học chèo, xẩm, chầu văn... nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống với các bạn trẻ. Dù còn ít và manh mún nhưng đó cũng là hy vọng để chúng ta tin chèo vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Khánh Thảo
.
.